MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU VỀ GIÁO DỤC TĂNG NI Ở BẠC LIÊU
* ĐĐTS. Thích Phước Chí
Phó Trưởng ban BTS Tỉnh hội PGBL
Hiệu trưởng trường Phật học Bạc Liêu
Hoà với niềm vui chung cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hướng tới chuẩn bị Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc. Hôm nay trong khung cảnh trang nghiêm và hoan hỷ, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu được tổ chức long trọng để đánh giá những thành tựu trong 5 năm qua và đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ IV (2012-2017). Thay mặt Ban Giáo dục Tăng Ni Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, chúng tôi xin gởi đến quí Đại biểu lời chào trân trọng, lời chúc mừng Đại hội thành công tốt đẹp.
Tỉnh Bạc Liêu được tái lập từ năm 1997, đến năm 2000 Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất được tổ chức, mặt dù còn khá non trẻ so với các tỉnh bạn nhưng qua ba nhiệm kỳ Tỉnh hội đã chuyển mình vươn lên để ngày càng có được những thành tựu khởi sắc, tạo nên những thành quả vượt bực. Đó là nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Chư tôn giáo phẩm Giáo hội trung ương và sự hỗ trợ của chính quyền, Uỷ ban tỉnh, Mặt trận, Ban Tôn giáo tỉnh, cộng với sự nỗ lực của Tăng Ni Phật tử trong tỉnh. Tất cả những điều này đã giúp cho Ban Trị sự tỉnh nhà ngày càng vững mạnh và phát triển hơn, hoà nhịp vào sự phát triển chung của đất nước.
Qua Bảng báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ III và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV được trình bày trước Đại hội, chúng tôi vô cùng hoan hỷ trước những thành tựu to lớn của Ban Trị sự tỉnh nhà và những phương hướng hoạt động ở nhiệm kỳ tới. Chúng tôi thiết nghĩ so với quá khứ những thành quả đó là một bước tiến dài vượt bực đáng tự hào.
Quá trình phát triển của con người và xã hội là quá trình trao truyền kiến thức, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hay nói khác hơn, đó là quá trình giáo dục. Giáo dục đã làm cho con người thăng hoa từ hoang sơ đến văn minh ngày nay. Giáo dục đi đôi với sự phát triển, không có giáo dục thì không có sự phát triển. Nhất là trước tình hình phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, giáo dục lại càng mang ý nghĩa vô cùng thiết yếu. Với tôn chỉ “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, giáo dục Phật giáo đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thịnh suy của Phật pháp. Công năng của giáo dục Phật giáo không chỉ duy trì mạng mạch của Phật pháp mà còn có thể chuyển hoá nhân cách của con người từ phàm phu đến quả Thánh. Cho nên GHPGVN nói chung, quý Ban trị sự tỉnh, thành hội nói riêng đều đặt công tác Giáo dục đào tạo Tăng Ni lên hàng ưu tiên. Trên tinh thần, ý nghĩa đó và trong khuôn khổ của Đại hội, bài tham luận này chỉ bàn đến một vài điểm cụ thể trong ngành Giáo dục Tăng Ni tỉnh nhà xin kính trình trước Đại hội.
Tình hình thực tế năm 2005 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 7 trường Trung cấp Phật học và chỉ có một lớp Cao đẳng Phật học Cần Thơ. Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp ngày một nhiều, nhưng số trúng tuyển vào các Học viện thì lại rất khiêm tốn. Mặt khác, một khó khăn nữa là lớp Cao đẳng Phật học Cần Thơ ngưng hoạt động. Đây là nỗi lo của nhiều Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Trung cấp có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục chương trình Cao đẳng ở khu vực xa.
Tại Bạc Liêu, với Trường trung cấp Phật học được hình thành từ năm 2002, đây là trường Phật học duy nhất ở Nam bộ có phận hiệu Bắc tông và Nam tông do HT Thích Huệ Hà làm Hiệu trưởng; thời gian đầu cơ sở vật chất còn nghèo nan nhưng Trường đi vào hoạt động rất tốt. Trước nỗi lòng bức xúc của Tăng Ni sinh trong khu vực như đã trình bày ở trên, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu đề nghị TW cho phép mở trường Cao đẳng Phật học Bạc Liêu. Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Ban Tôn giáo của chính phủ, lớp Cao đẳng Phật học khoá I được khai giảng vào ngày 30/10/2005 tại trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu. Được sự quan tâm giúp đỡ của TW Giáo hội và chính quyền địa phương các cấp, qua những năm hoạt động, trường đã khẳng định được vị trí trong khu vực và dần dần lớn mạnh qua số lượng từ 23 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao Đẳng Phật học khoá I, 2005-2008 lên con số 44 Tăng Ni sinh tốt nghiệp khoá II, 2008-2011 và khoá III Cao đẳng Phật học Bạc Liêu đang ở cuối học kỳ I năm thứ nhất với 32 Tăng Ni sinh tham dự. Trường cũng đã tổ chức đào tạo được 3 khoá Trung cấp Phật học, khoá thứ nhất (2001-2005) có 34 Tăng Ni sinh tốt nghiệp. Khoá thứ hai (2006-2010) có 26 Ni sinh tốt nghiệp và khoá 3 (2010- 1014) đang hoạt động ở cuối học kỳ II năm thứ hai có 76 Tăng Ni sinh đang theo học. Riêng phân hiệu Nam tông Khmer có 7 lớp ở chương trình từ năm thứ 1 đến năm thứ 4, tổng cộng có 205 Tăng sinh theo học. Hiện nay, các lớp đã đi vào hoạt động hiệu quả, nhịp nhàng. Hoàn toàn theo mô hình nội trú của Phật học đường. Được sự ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu, đội ngũ giảng viên tương đối đầy đủ có trình độ chuyên môn cao, Ban Giáo thọ trường có 5 vị Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ, 6 cử nhân và hàng chục vị Cao đẳng Phật học. Trường cũng đã thành lập được hệ thống thư viện. Trong kỳ Đại lễ Vesak 2007, tổ chức tại Thái Lan, trường đã chính thức được gia nhập vào Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo trên thế giới.
Từ những thành quả trên, Ban giáo dục Tăng Ni Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu kính trình lên Đại hội và có đề nghị Thường trực BTS Tỉnh hội xúc tiến công việc trình lên TW giáo hội và Ban Tôn giáo Chính phủ để Ban Tôn giáo của Chính phủ có cơ sở làm việc với các ngành có chức năng, lấy ý kiến thống nhất để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chấp thuận đề án thành lập Trường Cao đẳng Phật học Bạc Liêu.
Hôm nay, các Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh hội PG Bạc Liêu được vinh dự về đây tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV nhiệm kỳ 2012-2017. Trong niềm hân hoan vô hạn trước những thành tựu của nhiệm kỳ qua, chúng tôi nguyện sẽ phấn đấu thực hiện tốt những chương trình hoạt động của Ban Giáo dục Tăng Ni để xứng đáng là Ban ngành thành viên của Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu.
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp, trân trọng kính chào toàn thể Quý Đại biểu
Nam mô Thường Tin Tấn Bồ tát, ma ha tát.
Cập nhật ( 08/03/2012 )