MỘT SỐ ĐỘNG TÁC CƠ BẢN TRONG NGHỆ THUẬT MÚA CỦA NGƯỜI KHMER
* Sơn Cao Thắng – Đại học Trà Vinh
Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn của người Khmer- múa là loại hình quan trọng và có thể coi là hàng đầu. Múa chiếm vị trí chủ đạo trong sinh hoạt diễn xướng, nên được các nghệ nhân miệt mài, sáng tạo một cách công phu và khéo léo, mỗi cử chỉ là biểu hiện cho từng tình cảm riêng biệt thể hiện ở tâm ý sâu xa. Từ bản năng yêu cái hay, cái đẹp ở tộc người Khmer-gốc nông nghiệp, họ đã biến toàn bộ thân thể của mình trở thành một gốc nhìn của nghệ thuật. Điều đập vào mắt khán giả đầu tiên chính từ đôi tay, nó không chỉ được dùng trong công việc hằng ngày: nội trợ, đồng áng mà nó đã trở nên rất diệu kỳ trong sự mềm mại và hình như đã trở nên rất thiêng liêng.
Một số động tác cơ bản của múa Khmer
(nền tảng hình thành các điệu múa của người Khmer)
Nói Các động tác cơ bản này là nền tảng của điệu múa Khmer vì xuất phát từ các động tác cơ bản đó mới hình thành nên từng điệu múa với từng cái tên cụ thể, đặc trưng riêng. Thật vậy, không là điệu múa của người khmer nếu như không hội đúng, đủ một trong các động tác, phong cánh tay múa ấy.
Động tác tay Chíp= cheap( chạp còn gọi là bắt)
Người múa đưa lòng bàn tay ngửa lên trên, chỉ dùng ngón tay cái và ngón trỏ áp xát vào nhau bằng một lực đủ căng ba ngón kia ra hướng ngược lại với hai ngón Chíp, khi ấy cổ tay căng mạnh vào. Ý nghĩa của động tác này là thể hiện sự khéo léo, đẹp đẽ nhẹ nhàng, dịu dàng kín đáo và cẩn thận… phù hợp với nội dung của từng bài múa khi diễn tả hành động muốn bắt một vật nào đó.
Động tác tay Khuôn(còn gọi là cuộn tròn hay cuộn vào)
Lòng bàn tay của người múa hướng về phía trước theo hướng đứng, ngón giữa cong áp xát với ngón cái trở thành một vòng tròn, sử dụng một lực tương đối mạnh để căng 3 ngón kia ra hướng ngược lại. Khi ấy, cổ tay căng về phía người. Ý nghĩa của động tác này là thể hiện cho sự mạnh mẽ, dứt khoát. Chẳng hạn như những động tác cuốn vào và bún ra thường thấy trong bài múa Têp Mônôrum.
Phong cách tay Chòn-ôl(còn gọi là động tác chỉ).
Người múa sử dụng động tác này là ngón út cong và bị áp xác bởi ngón cái. Ngón chính ở động tác này là ngón trỏ chỉ thẳng, các ngón còn lại cong theo hình bậc thang đồng thời căng mạnh cổ tay về phía người như động tác Khuôn. Ý nghĩa của động tác này là: chỉ chỏ, mách bảo cho biết tâm tư. Chẳng hạn như dùng để chỉ bông hoa hay một vật nào đó. Đây là một động tác thật sự khéo léo vừa mạnh mẽ ở tư thế chỉ thẳng ngang(chỉ câm hận, câm phẫn) nhưng lại vừa mềm mại trong thể hiện tính cách nhu mì, hiền thục của người con gái Khmer ở tư thế chỉ lên (chỉ yêu).
Phong cách tay Rồn(còn gọi là che).
Dùng một lực áp xát các ngón vào nhau như tư thế che nắng, lòng bàn tay che thay vì bình thường là dùng lưng bàn tay che. Đầu các ngón đối với người con gái ngang mí mắt và ngang chân mài , cánh tay mở rộng đối với người con trai và toàn bộ cánh tay cong theo vòng cung.
Phong cách tay Thồ Thuôl(còn gọi là nhận hay đón lấy).
Lòng bàn tay ngửa lên các ngón áp xát vào nhau hướng về phía trước. Cánh tay cong vuông gốc lên và song song với khuôn mặt có khi cao khoảng chóp đầu , căng cổ tay. Ý nghĩa của động tác này là đón nhận một cách trang trọng nâng niu môt cái gì đó cao hơn đầu của mình. Theo quan niệm của người Khmer đầu là nơi rất thiêng liêng từ cổ trở lên là nền cao của trí tuệ.
Phong cách tay bông hoa. Đây là động tác thường gặp khi miêu tả về loài hoa chớm nở, tức nét đẹp của người con gái chưa có gia thất, động tác được vận dụng rất khéo như là lòng bàn tay ngửa các ngón dựng đứng như bông hoa chớm nở từ trong búp, cánh tay vòng song song với ngực đi đôi với động tác này là động tác Chòn-ôl (chỉ) vào để người xem dễ dàng nhận ra ngụ ý của bài múa.
Đặc điểm loại hình nghệ thuật múa của người Khmer.
Có hai loại hình nghệ thuật múa đó là: múa – hát cộng đồng (truyền thống dân gian) và múa cổ điển (múa cung đình).
Múa – hát cộng đồng truyền thống trong dân gian.
Sở dĩ gọi như thế vì trong khi múa đòi hỏi phải có cả tiếng hát lẫn âm nhạc cùng song hành tồn tại, điệu múa không thể diễn ra nếu thiếu một trong hai thứ đó. Nó diễn ra và kết thúc dựa trên nền nhạc và lời, khác với loại hình múa cổ điển, đôi khi vẫn diễn ra trên nền nhạc không lời. Hát múa dân gian rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày cũng như trong các cuộc hội lễ. “Ngày nay cùng với sự hình thành các đội ngũ văn công nghiệp dư và đoàn văn công chuyên nghiệp, các nghệ sĩ đã kế thừa truyền thống múa của dân tộc và cải biên hoặc sáng tác những điệu múa hoàn chỉnh có tính chất chuyên môn làm phong phú thêm kho tàng văn hóa múa vốn có của dân tộc và thể hiện triển vọng đầy hứa hẹn của bộ môn nghệ thuật này hình thái phổ biến nhất đây là múa tập thể của đôi trai gái trong các cuộc lễ hội vui chơi. Gồm các điệu múa như: Rom Vong, Rom Saravan, Rom Cbạch, Rom Lâm leo và múa hát đối đáp Aday. Trừ hát đối đáp Aday có hình thức tương đối tự do, các điệu múa như Rom Vong, Saravan, Cbach, Lâm leo thì động tác có phần đơn giản và bước theo nhịp nhạc hai tay guộn đuổi nhau nhưng mỗi điệu múa điều có một quy định cụ thể rất riêng” (1).
Múa Rom Vong, còn gọi là múa Lâm Thôn có nghĩa là múa vòng tức là loại hình múa vòng tròn theo từng cặp đôi trai gái vừa múa vừa quay lại nhìn mặt nhau thật tình tứ thể hiện sự quấn quýt. Trong các cuộc vui chơi khi tiếng nhạc trỗi lên, người con trai thường chủ động mời bạn gái của mình lên cùng múa. Các động tác nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng, kín đáo hơn, trong khi các chàng trai với động tác múa khỏe, hai tay luôn luôn dang rộng hơn để vừa múa vừa bảo vệ người bạn gái của mình, theo lối âm dương của lòng bàn tay, ứng với quy luật trong âm có dương và trong dương có âm.
Múa Rom Vong có ba bước chính, người múa thường bắt đầu múa bằng cách bước chân phải lên trước, khi ấy tay phải chuyển từ tư thế tay(Chíp) sang tư thế tay (Thô thuôl) và tay trái trong tư thế tay(Rồn). Bước kế tiếp là bước chân trái lên khi đó tay trái trong tư thế (Rồn) chuyển sang (Chip) rồi buông ra thành tư thế(Thô thuôl) khi đó chân trái rút nhấp ra phía sau cứ thực hiện những động tác đó liên tục đến hết bài.
Quy luật chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ở tư thế (Rồn), tay đối diện trong tư thế (Tho thuôl) và ngược lại cứ hoán chuyển cho đến hết bài. Đặc điểm múa Rom Vong là múa nhấp chân ở phía sau, bài múa là một sinh hoạt mang tính chất giao đãi trong tình cảm cộng đồng. Nó đã trở thành phổ biến trong sinh hoạt tập thể của cả người Khmer lẫn người Việt và người Hoa.
Múa Saravan, động tác múa chủ đạo là nhấn cổ tay theo từng phách nhạc, đặc điểm thường múa vòng, múa hàng, múa đôi hay múa đối mặt nhau theo đội hình hàng ngang đuổi nhau theo lối lên xuống hay trái phải.
Vị trí hai tay có lúc dang rộng ngang vai, lúc buông xuôi theo thân người, có lúc hai tay chéo nhau phía trước bụng và hai cổ tay nhấn đều như chim én vỗ cánh. Đặc điểm của động tác này là thường nhấp gót. Trước khi múa, họ thường đứng đối diện nhau và đặt chân trái lên trước rồi nhấp gót. Động tác hai người di chuyển đuổi nhau khi tiến lên thì đi ba bước và dang hai cánh tay rộng ngang vai ở một bước nhấp gót cuối cùng. Tổng cộng điệu múa Saravan có bốn bước lên và bốn bước lùi (tính cả bước nhấp gót), khi lùi thì che lại. Đây là nét đẹp rất văn hóa với ý rằng: khi bước lên thì dang mở cánh tay ra để khoe nét đẹp thân hình của mình cho người đối diện, nhưng khi lùi lại do người đối diện tới bước tiến, nên phải che lại thật khéo léo với ý thể hiện sự ngượng ngùng, e ấp(giá trị văn hóa trong đạo đức ở người Khmer) thêm vào đó, động tác che lại còn với mục đích bảo vệ bản thân. Động tác cứ như hai con chim đang lượn cánh và muốn vồ lấy nhau nhưng lại bị che lại như một thái độ nũng nịu đầy yêu thương trìu mến.
Múa lăm leo (hay còn gọi là múa lào) đây là điệu múa do quá trình tiếp biến giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em Lào, nhưng nó “rất Khmer” vì cách thể hiện cũng chính ở người Khmer với những tài năng thật độc đáo. Thay vì từ từ chậm rãi như RomVong, Saravan để cảm nhận cái huyền diệu bên trong thì múa Lăm leo có phần sôi động, rộn rã hẳn lên về tốc độ nhanh nhẹn, nhưng thật khéo léo ở đó là giữa sự hòa quyện quấn quýt của đôi tay phù hợp với âm thanh nhịp trống, tiếng nhạc dồn dập. Động tác (Chíp) tay, đưa mông, lắc vai, hấc đầu, hầu hết là những động tác khỏe, gọn và dứt khoát tạo nên một nét đặc trưng riêng của sự vui nhộn góp phần làm sống động hơn cho không khí cuộc chơi. Các bước của điệu múa này giống như Rom Vong đều có ba bước nhưng về tốc độ thì nhanh hơn. Về động tác một tay (Chip) một tay (Rồn) và cứ quán chuyển tư thế đó giữa hai tay trong các bước chân thể hiện sự kết hợp hài hòa đầy tài năng về nhiều mặt.
Rom Cbach (còn gọi là múa kiểu) là điệu múa mang tính ước lệ trầm tĩnh, đỉnh đạt, chủ yếu sử dụng phong cách tay (Chíp), tay (Rồn) và tay (Thồ thuôl) là nhiều. Nhịp nhạc của điệu múa này rất chậm, người múa bước hai bước và một bước nhỏ đó là chân mà bước lần trước bước đệm cho bước sau trước khi bước lên. Khi bước chân trái lên thì tay phải ở tư thế (Chíp) rồi từ từ buông ra thành tư thế (Thồ Thuôl). Tay trái ở tư thế(Rồn) khi bước chân phải lên tay trái tư thế (Rồn) đó chuyển từ từ thành (Chíp) rồi buông ra thành tư thế (Thồ Thuôl ) cứ như vậy tay này chân kia và ngược lại luân chuyển kéo dài đến hết bài.
Hát múa đối đáp Aday là điệu múa xen kẽ giữa những lời hát đối đáp của đôi trai gái. “Hát múa Aday thì người con trai chủ động nêu lên vấn đề để qua đó người con gái hát đáp lại, hát xong một bận hay một câu hát, khúc nhạc trổi lên thì múa quanh người đối diện nữa vòng như muốn biểu lộ sự nôn nóng lòng đợi chờ câu hát đáp lại của người con gái, họ quán đổi vị trí lẫn nhau, múa quanh nhau”(2). Đấy là điệu múa tổng hợp gồm cả Rom Vong, Lăm Leo, với động tác thuộc phong cách tay múa như tay (Chíp) tay (Thồ Thuôl) tay (Rồn) với nét mặt vui tươi phong cách nhích vai, lắc mông, guộn tay. Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, yêu đời. “Nội dung của loại hình hát Aday thường là lời trong tục ngữ, ca dao, truyện dân gian . Có hai kiểu hát Aday là: Aday đối đáp và Aday Rường ( đó là câu chuyện mà được diễn tả bằng hình thức Aday” (3).
Ngoài ra còn có các điệu múa dân gian khác như: múa xúc tép-Xàniêng (chniêng), múa gáo dừa (khôs trolôt), múa gặt lúa (casêco), múa giã gạo (bộc srâu), múa trống xayăm (chaydam)… tất cả là sản phẩm của lao động và sáng tạo
Trên đây là một số hình thức múa thường gặp ở người khmer đa phần thường được biểu diễn trong chùa vào các dịp lễ lớn như Chol chnam thmay, Ok ombok, Dolta nhưng xin khẳng định một điều rằng nguồn gốc của nó không phải xuất phát từ chùa mà chỉ mượn chùa làm nơi thể hiện (bởi chùa chính là ngôi nhà chung của cộng đồng khmer). Mặc khác, điều đó càng thể hiện nên tinh thần đoàn kết ở những con người biết yêu cái hay, cái đẹp, thông qua đó làm giàu nền tri thức văn hóa phi vật thể cho cộng đồng dân tộc mà nó sinh ra- dân tộc Khmer. Không dừng tại đó, phần đặc sắc và hấp dẫn hơn cho khán giả về nghệ thuật múa Khmer còn thể hiện ở phong cách múa cổ điển với không khí trang nghiêm, trịnh trọng và đầy chất thiêng liêng càng biểu lộ ở một đỉnh cao của góc độ nghệ thuật góp phần tô thêm vẻ đẹp toàn diện ở người Khmer.
Nhìn chung, văn hóa là động lực quan trọng nhất của sự phát triển xã hội, phát triển văn hóa tức đang phát triển một khu vực, một cộng đồng và một quốc gia dân tộc. Một dân tộc sẽ không bao giờ tồn tại nếu nó không còn gìn giữ được truyền thống bản sắc của mình. Nếu gìn giữ được giá trị của bản sắc văn hóa của dân tộc mình tức đang đưa dân tộc mình đến một tia sáng của những tia sáng và cùng tia sáng ấy soi đường làm đẹp cho cả nền văn hóa nhân loại. Riêng nghệ thuật múa của người Khmer cũng vậy, đấy là một món ăn tinh thần phong phú được ông cha đúc kết từ thuở xa xưa và nhiệm vụ của ta tức giữ gìn và phát huy văn hóa phi vật thể đó. Nó có thể sẽ bị mai một và mất đi theo thời gian nếu không được quan tâm, xem xét, xử lý một cách hợp lý đúng đắn. Thật sự rằng với phong cách thời trang hiện đại của những con người sống trong xã hội hiện đại cái mốt của sự tiến bộ mà hình như không có một ý niệm gì về sự vĩnh cửu của cái hay cái đẹp, nó cứ thay đổi theo một xu hướng hiện đại hóa. Thế thì những nghệ thuật ấy dường như không có chổ đứng cả về nhận thức, tư duy bên trong lẫn hành động cụ thể của con người. Ngày nay, xu thế phát triển loại hình ấy chỉ được xem như là một cái gì đó còn sót lại của một thời đại. Đây hình như là một tư tưởng xuyên suốt đối với một số người để từ đó họ tiến hành cải biên làm cho điệu múa hay hơn, hoạt bát hơn, sinh động hơn theo ý niệm của thời đại. Thay vì phong cách múa từ tốn, chậm rãi, âm thầm mà sâu lắng trong tính chất ước lệ trầm tĩnh, đĩnh đạt của nghệ thuật múa cổ điển.
Điệu múa Khmer thật sự là loại hình nghệ thuật đặc sắc, nếu nó được bảo tồn gìn giữ và phát huy một cách đầy đủ, đúng đắn trong thời đại ngày nay.
S.C.T (Theo sách Nam Bộ Đất và Người, Tập VIII, 2011, NXB-Đại học Quốc Gia TP.HCM)
Chú Giải
(1) Phan Thị Yến Tuyết 1987, Người Khmer Cửu Long, sở văn hóa Thông tin tỉnh Cửu Long, tr.168
(2) Người Khmer Cửu Long, Sđd, tr.169
(3) Ngô Văn Tưởng 2007 Báo cáo kết quả điều tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, Sở văn hóa Thông tin Cửu Long, tr.31
Tài liệu tham khảo
– Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nôi.
– Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết, 1987, Người Khmer tỉnh Cửu Long, NXB Sở Văn Hóa Thông tin Cửu Long
– Ngô Văn Tưởng, 2007, Báo cáo kết quả điều tra Di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa Thông tin Cửu Long
– Tạp chí khoa học xã hội, Viện khoa học xã hội nhân văn, Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ, so 03/ 2005.
|