Môi Trường Tiếp Nhận Pháp và Hành Pháp * Liên Hoa Trong tâm mỗi con người sống trên đời này đều có hai thái cực Phật tánh và vô minh. Cái nào to lớn tràn ngập trong tâm, thân tâm người ấy có lối sống theo cái đó. Phật tánh tràn ngập, lời nói và hành động sống thanh tao, đạo đức, hòa nhã, chân thật, tỉnh thức… Vô minh tràn ngập, lời nói và hành động sống không thanh tao, thiếu đạo đức và nhiều thứ ngã mạn, ngã si, ngã kiến, ngã chấp, ngã sở…
Theo nguyên lý giải thoát sinh tử luân hồi của đạo Phật, là tâm thanh tịnh trong sáng hoàn toàn vô ngã, gọi là chơn tâm, không còn những thứ vô minh, triền phược… Cho nên với tâm đại bi, đại trí, đức Phật đã thị hiện ra nơi đời mà nói giáo pháp tu giải thoát, sinh tử, luân hồi cho chúng sinh theo đó mà tu tập để giải thoát ra khỏi 6 con đường sinh tử.
Vì thế đức Phật đã thuyết ra vô số giáo pháp qua 5 thời suốt 45 năm vì sự nghiệp cứu khổ chúng sinh được thoát khỏi sinh tử khổ đau. Và cũng vì sự nghiệp truyền thừa giáo pháp giải thoát của Phật cho chúng sinh ở hậu lai, mà vô số chư tổ, chư tôn đức, cư sĩ trí thức tiền bối và hôm nay đã và đang kết tập, dịch thuật, giảng luận kinh điển, biên soạn thuyết giảng, tu học cho toàn thể Phật tử có căn cơ khác nhau đều có thể tu tập được với giáo pháp thích hợp. Quả thật con người đến với đạo Phật vì mong cầu con đường giải thoát, thì hãy mở tâm ra mà nhận thức rằng “phương tiện đưa chúng sinh được thoát khỏi sinh tử luân hồi là tâm giác ngộ đạo lý vô ngã qua quá trình tu tập Phật pháp, không còn tâm nào khác hơn”. Mà như thế, phải tiếp nhận pháp môn tu tập hợp với căn cơ hoàn cảnh của mình, rồi tích cực thực hành một cách tinh tấn, nhẫn nhục, chứ không thể hời hợt.
Nhận thức rõ nguyên lý giải thoát được nói trên là điều ắt phải có trước khi tiếp nhận giáo pháp.
MÔI TRƯỜNG TIẾP NHẬN PHẬT PHÁP
Môi trường có Phật pháp để tiếp nhận ở hai lãnh vực hẹp và rộng.
Môi trường có Phật pháp ở lãnh vực rộng, đó là những việc làm ở nơi công sở, phố xá, phòng mạch, hiệu buôn, nhà thuốc, bố thí tài vật cho kẻ đói khổ, cho homeless một bữa ăn, quét sân chùa, dọn dẹp vệ sinh, chăm bón cây cối vườn chùa, cúng dường Tam Bảo, dâng cúng một bữa ăn cho chư Tăng, đóng cửa chùa, cắm hoa dâng Phật, trải thảm chánh điện, sắm sửa vật dụng cho chùa, nấu ăn trong bếp, tiếp xúc với mọi người, thỉnh tượng Phật, mua chuông mõ, vai trò trưởng phó cơ sở Phật giáo đi thỉnh tăng về chùa để hoằng hóa độ sinh, vân vân và vân vân.
Tất cả việc tại những nơi được kể trên đều là những pháp môn tu tập, vì trong đó có Phật hiện đúng như kinh Hoa Nghiêm (phẩm 33) nói: “Khắp cả hư không, ở mỗi một chỗ bằng đầu sợi lông đều có vô lượng vô số cõi Phật; ở mỗi cõi Phật như vậy, trong mỗi một niệm, Phật ứng hiện vô số hóa thân nhiều như bụi để chuyển pháp luân…” (Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản – Hạnh Cơ – trang 49). Lục Tổ Huệ Năng cũng có lời tương tợ: “Tất cả pháp ở thế gian đều là Phật pháp. Lìa khỏi các pháp ở thế gian mà tìm cầu giác ngộ, thì chẳng khác nào đi tìm lông rùa, sừng thỏ”.
MÔI TRƯỜNG VÀ CÁCH THỨC THỰC HÀNH PHẬT PHÁP
Qua hai tư tưởng trên của Hoa Nghiêm và Lục Tổ Huệ Năng chính là kim chỉ nam chỉ rõ cho mọi người thấy môi trường thực hành của Thiền Định, Phật Thất và những pháp môn tu khác, không những tại tư gia, am cốc, thiền viện… mà có cả sự hiện hữu bản thân ra giữa trường đạo, trường đời có nhiều sắc thái khác nhau, một khi đôi tay và mắt tác động vào các vận hành mưu sinh, Phật sự, từ thiện xã hội, v.v… Nhưng tâm ý không bị vọng động, vẫn chánh niệm, tỉnh thức vào thực tại, nói như Bồ Tát Thái Hư Đại Sư: “Đạo tràng thanh tịnh có cả ở cao lâu tửu điếm”. Còn ngài Trúc Mộc Thiền Sư thì nói: “Không có Phật trong núi” và Bồ Tát Cư Sĩ Duy Ma Cật thời xưa nhã ý với ngài Xá Lợi Phất: “Này ngài Xá Lợi Phất, tâm vốn đã định rồi, hà tất gì phải ngồi im mãi nơi bìa rừng này!”
Ý tưởng của các bậc Bồ Tát nói trên là ý tưởng trung đạo dung hòa hai thái cực động tịnh với nhau, không thể chọn tịnh bỏ động hay chọn động bỏ tịnh. Nếu như vậy là một cực đoan. Đã là cực đoan, đó là tâm còn nguyên hình bản ngã. Không cực đoan là con đường trung đạo, trung đạo là vô ngã, vô ngã là trung đạo, chủ trương của đạo Phật là tâm vô ngã, con đường giải thoát sinh tử là tâm vô ngã. Hành giả đi tìm cầu phương tiện giải thoát trong Phật giáo không thể còn mơ hồ về đạo lý vô ngã nữa!
Những chất liệu kiến tạo tâm vô ngã là giáo pháp 12 nhân duyên và bài pháp vô ngã tưởng (5 uẩn), giáo pháp trợ đạo cho những ai đang tu tập pháp môn Tịnh Độ (Phật Thất niệm Phật), Thiền Định và các pháp môn khác để cầu giải thoát, hãy cần phải thực tập đạo lý 12 nhân duyên là điều bắt buộc. Bởi vì đó là chìa khóa mở ra cánh cửa của pháp môn mình đang tu tập để thấy được giá trị thế nào là nhứt tâm bất loạn niệm Phật, thế nào là tỉnh thức và thế nào là định lực tam muội của Thiền Định, v.v… đối với chúng sinh trong thời mạc pháp không có Phật ra đời, nên phải tu tập vào giáo pháp Phật để lại, trong đó pháp 12 nhân duyên là nền tảng cơ bản hàng đầu để đạt đạo vô ngã giải thoát sinh tử, mà đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã tu và đã đạt đạo vô ngã từ vô lượng kiếp về trước tại cõi ta bà, đúng như lời Phật đã xác định: “Ta vốn sống tại cõi ta bà từ vô lượng kiếp, chứ không phải mới sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni”. (Kinh Pháp Hoa – Phẩm Như Lai Thọ Lượng).
Vì vậy người Phật tử đã và đang tiếp nhận những pháp tu và nhiều công việc khác nhau tại hai môi trường rộng, hẹp được nói ở trước là cách tu tập giáo pháp 12 nhân duyên giống như đức Thế Tôn đã từng tu trong vô lượng kiếp để kiến tạo cho mình có tâm vô ngã trước đã, rồi mới nói đến Niết Bàn giải thoát, vãng sanh cực lạc. Bởi vì cửa vào Niết Bàn, Cực Lạc là vô ngã, trống rỗng, cho nên ai muốn được vào, tâm phải vô ngã, trống rỗng như Niết Bàn, Cực Lạc là điều kiện ắt phải, chứ đừng nghĩ rằng hễ có niệm Phật, tu thiền là được giải thoát, vãng sanh.
Để có được tâm vô ngã, Phật tử chúng ta phải tích cực thực tập giáo pháp 12 nhân duyên bằng cách đưa mắt và tâm quán niệm thật sâu vào bản thân mình trước, thứ đến người bên cạnh và muôn loài muôn vật lúc thư thái tư duy và lúc giao tiếp với mọi hiện tượng thực tại trên vận hành mưu sinh, Phật sự, từ thiện xã hội, v.v… Bên cạnh quán niệm nhìn sâu vào mọi bản thể hiện hữu, tâm thức ta tự hỏi; hỏi mình trước, hỏi rằng: “ta từ đâu sanh ra? Sanh ra để làm gì? Chết sẽ đi về đâu? Ta có linh hồn không? Có Phật tánh không? Cái gì làm cho ta biết thương yêu, giận hờn, v.v…?”
Và tiếp tục hỏi về loài vật, cỏ cây, v.v… Hỏi rằng: loài vật từ đâu sanh ra, chúng có linh hồn, chết đi về đâu? Tại sao có cỏ, cây, hoa, trái tại không gian trái đất này, do đâu mà có?
Hữu tình giác là con người phàm phu đã có tâm liễu ngộ (tri kiến) lý duyên sanh, duyên diệt của vạn pháp do vô ngã, không tự thể qua quá trình học và được hành giáo pháp 12 nhân duyên. Tâm tri kiến (ngộ) thực tướng các pháp vô ngã, không tự thể như vậy, được kinh văn gọi bằng cụm từ “khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Cụm từ ấy chính là bản hoài lớn của chư Phật thị hiện vào đời.
Và cũng là từng bước tự động phát Bồ Đề tâm hành Bồ Tát đạo đối với đời sống bằng vật chất cho những hạng người bị tật nguyền, nghèo đói… Đối với Đạo pháp trên cơ sở giải thoát cho chúng sinh bằng kinh điển trong nhiều cách theo khả năng bạn đang có, vân vân và vân vân… Tất cả đều do lực vô ngã trong tâm bạn khởi lên Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo như vậy, chứ không do bắt chước làm theo người khác, do vậy, dù bản thân bạn đi giữa, đứng giữa thế gian đầy các sắc vọng động, nhưng tâm của bạn vẫn hành trên dòng vô ngã tịch tịnh. Đó là tri kiến Phật, tuệ giác bình đẳng, Phật tánh vươn lên, Bồ Đề tâm phát triển. Vô ngã của bạn là thế đó!
Bạn đang được có tâm vô ngã tuệ giác bình đẳng suốt trên vận hành sống, làm việc đạo đời như vậy, chính là bạn đang có một cận tử nghiệp xuất thế gian tối thượng vi diệu hơn tất cả các tận tử nghiệp nào khác vào giờ phút lâm chung của bạn. Chẳng hạn có quá trình mua chùa tạo tượng, cúng dường chư Tăng, bố thí kẻ nghèo, nhiều việc từ thiện khác, mà còn tâm chấp tướng, chấp pháp trong đó, thì không thể bằng cận tử nghiệp vô ngã xuất thế gian là lực đi mau, đi thẳng, trong sáng về Niết Bàn, Cực Lạc. Cho nên đức Phật đã nói: Một công việc từ thiện rất nhỏ cũng dẫn đến giải thoát sinh tử, vãng sanh Cực Lạc vốn có gốc vô ngã. Do vậy, đức Phật đã có lời căn dặn cho hàng Phật tử rõ ràng rằng: “Làm công việc từ thiện xã hội trong đạo Phật, từ việc nhỏ, việc lớn, luôn luôn nhớ xây dựng trên tinh thần vô ngã để được giải thoát sinh tử”.
Tâm vô ngã của bạn giống như hạt gạo trắng tươi, không còn chất cám đeo đẳng, đã được ra khỏi vỏ trấu bởi lực chà xát, xay giã, nấu lên sẽ thành cơm. Cho nên đã là giống cơm được nấu lên thành cơm, dù một hột gạo được nấu lên cũng thành cơm do gốc là cơm.
Ma vương mà kinh Hoa Nghiêm nói, đó chính là tâm chứa đựng nhiều ý niệm về ngã chấp, ngã sở, nhân ngã… Thì đó là cận tử nghiệp ma vương của bạn đang đeo đẳng trong tâm bạn hôm nay và cho đến lúc xả bỏ báo thân (chết) trần thế. Bởi vì vốn đã là ma vương, chúng có vô số thiên hình vạn trạng ngang dọc lập lòe, ẩn hiện liên tục giống như tâm nhiều vọng động, ngã chấp của bạn lúc còn sống, chúng hiện ra một cách tự động trong giờ phút lâm chung của bạn, làm cho 7 quan năng vô xúc trong thân tử ấm, trung ấm của bạn bị rối ren không nhận ra đâu là ánh sáng của Phật, Bồ Tát, Trời, Người mà hội nhập. Cuối cùng phải chạy theo ánh sáng của Ma vương, dù cho lúc đó tiếng tụng kinh cầu siêu của chư Tăng có trầm bổng, thiền vị đến đâu, nhưng quan năng nhĩ thức ma vương trong thân trung ấm của bạn không thể nghe được lời kinh. Cuối cùng thần thức bạn đi theo nghiệp quả cũ đã tạo! |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com