Mối quan hệ giữa Phật giáo với văn họcPhật giáo vốn là tôn giáo vì con người và về con người, hướng con người vươn tới tình thương yêu bao la, mênh mông, với tư tưởng từ bi hỷ xả; và đặc biệt chú trọng đến những con người đau khổ. Chính tư tưởng này lại bắt gặp tư tưởng của dân tộc. 1. Tôn giáo và văn học nghệ thuật Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội kiến trúc thượng tầng. Văn học cũng là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng. Giữa tôn giáo và văn học nghệ thuật có mối quan hệ như thế nào cũng như sự ảnh hưởng, tác động của tôn giáo đối với văn học ra sao là điều cần đề cập đến bởi đó là vấn đề cơ sở có tính phương pháp luận khi tìm hiểu đặc điểm của một bộ phận văn học gắn liền với tôn giáo.
Thời trung đại, ở các nước phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng đã chịu ảnh hưởng sâu đậm Nho giáo, Phật giáo và tư tưởng Lão – Trang. Vấn đề này, trước đây đã có nhiều nhà nghiên cứu triết học, văn học đề cập đến. Nhìn chung, trong các công trình, nhất là trong các bộ văn học sử, các tác giả chỉ bàn nguồn gốc của vấn đề như tư tưởng Nho, Phật, Lão – Trang là gì? và đề cập ảnh hưởng của hệ tư tưởng này đối với đời sống tư tưởng tình cảm, đời sống xã hội, chứ chưa trình bày có tính thuyết phục ảnh hưởng của chúng đối với văn học trung đại Việt Nam. Gần đây vấn đề này, ít nhiều đã được các chuyên gia đầu ngành chú ý đến, dù mới chỉ là những ý kiến gợi mở nhưng rất xác đáng và có ý nghĩa phương pháp luận của GS Đặng Thanh Lê ([1]), GS Nguyễn Đình Chú ([2]), PGS Trần Đình Hượu ([3]). Trong các bài viết “Trước tác kinh điển Nho giáo với văn học Việt Nam” và “Một số vấn đề phân tích ảnh hưởng văn học Trung Quốc đối với văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX”, GS Đặng Thanh Lê đã chỉ ra rằng chính các trước tác kinh điển Nho giáo là ngọn nguồn vô tận để khơi gợi cảm hứng sáng tác. Từ tư tưởng nhân nghĩa, bác ái đầy tình yêu thương con người đã dẫn đến khuynh hướng cảm hứng về chí nam nhi… Mặt khác, ngoài giá trị gợi ý khuynh hướng sáng tác, các trước tác kinh điển còn để lại cho văn học đời sau một số hình tượng nghệ thuật trở thành nguồn thi liệu giúp cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác ([4]).
Và do ảnh hưởng của tư tưởng triết học đối với tác phẩm văn học nên khi nghiên cứu, phân tích văn học trung đại cần phải thấy rằng Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão – Trang trước hết là sự kiện văn hoá tư tưởng trong lịch sử phát triển xã hội. Cần nghiên cứu nó với tư cách là một sự kiện văn học, một hiện tượng văn học và hệ thống lý thuyết các tôn giáo, các học phái đó đã có sự chuyển hoá thành cảm hứng sáng tác. Cho nên tư tưởng Tam giáo khi đi vào thế giới văn chương là đi vào những bến bờ mới sinh động, mênh mông vô tận của dòng cảm hứng sáng tạo.
Phân tích các tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng trên là phân tích từ hình tượng nhân vật, hình tượng thiên nhiên chứ không phải bằng những thuật ngữ, những khái niệm, những suy tư duy lý và những mệnh đề triết học. Đồng thời, cần phải thấy được mối quan hệ vừa đối lập vừa ảnh hưởng, trong đó có sự gặp gỡ và hoà hợp giữa các yếu tố tích cực của Tam giáo với cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân văn ([5]).
GS Nguyễn Đình Chú đã chỉ rõ muốn hiểu văn học trung đại cần phải hiểu chữ “Tâm”. Chữ “Tâm” của thời cổ, trung đại không chỉ là chuyện văn chương mà trước hết là chuyện của triết học nhân sinh. Nho và Phật đều lấy chữ “Tâm” làm nội dung cốt lõi của học thuyết. Tâm không chỉ là tấm lòng, là tình cảm, đạo đức tốt đẹp mà còn mang một hàm nghĩa phong phú, bao trùm, huyền diệu, mang ý nghĩa triết học ([6]).
Đối với Nho giáo, cần hiểu chữ “Tâm” theo nghĩa rộng là cái thần linh làm chủ thể cả tư tưởng cùng hành vi con người. Tâm càng tĩnh, trực giác càng mẫn nhuệ. Phật giáo thì coi trọng chữ Tâm – trực giác tâm linh. Do đó chữ “Tâm” của Phật giáo liên quan tới sự khai thác triệt để thế giới tâm linh, sự huy động tối đa cái phần vô thức, tâm thức, tiềm thức, cảm thức của con người hơn là phần ý thức, tự thức, nhận thức. Riêng ở khía cạnh tình thương thì chữ “Tâm” của Phật là bao la vô hạn định đối với chúng sinh, đối với muôn loài ([7]). Bên cạnh chữ Tâm, nghiên cứu văn học trung đại cần phải hiểu những vấn đề xung quanh các thuật ngữ “ngã”, “phi ngã”, “vô ngã” bởi lẽ đó là những tư tưởng trong học thuyết Nho, Phật mà văn học trung đại chịu ảnh hưởng ([8]).
Trên đây là những gợi dẫn thật sâu sắc và bổ ích để người viết bài này ít nhiều thấy được mối quan hệ giữa tôn giáo, cụ thể là Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão – Trang với văn học nghệ thuật, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với văn học trung đại Việt Nam, nhất là đối với văn học Lý – Trần.
a. Trước hết là Nho giáo. Nho giáo đối với văn học trung đại Việt Nam vừa cản trở lại vừa hỗ trợ, nâng đỡ. Cản trở là vì Nho giáo coi trọng trật tự, đề cao khuôn phép, quy phạm, gò bó con người trong tam cương, ngũ thường. Đặc biệt coi trọng tôn ty, đề cao chữ “Lễ”. Cho nên con người Nho giáo là con người “khắc kỷ phục lễ”, gác bỏ cá tính để đi vào cộng đồng. Có cái ta mà không có cái tôi cá nhân. Vì thế ít nhiều làm khô cạn đi sức tưởng tượng bay bổng đầy sáng tạo của văn học nghệ thuật. Điều này hoàn toàn đối lập sáng tạo văn học nghệ thuật, bởi văn học đề cao cá thể, đề cao cá tính sáng tạo với chất phóng khoáng, cởi mở.
Nói Nho giáo hỗ trợ, nâng đỡ sự phát triển của văn học là vì cũng do tính quy phạm, đề cao tôn ty trật tự, đề cao đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội nên góp phần tạo được phẩm chất đạo lý trong văn chương. Hơn ở đâu hết, văn học trung đại Việt Nam lại thể hiện cả một “khí quyển” tâm lý đạo đức Nho giáo. Đạo lý của Nho giáo vào Việt Nam gặp gỡ đạo lý của nhân dân tạo thành một cảm hứng mãnh liệt thể hiện rõ nét trong văn học. Nho giáo từng dạy và đã đào tạo được những con người “chí công vô tư”, “xả thân chủ nghĩa”, “tiến ưu hậu lạc”, “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, “trọng nghĩa khinh tài”. Và trong thực tế cuộc sống, không thiếu những con người đã sống và chết đúng với lời dạy trên của thánh hiền. văn học trung đại Việt Nam cũng đã khắc hoạ được hình tượng những con người nghĩa khí như thế [9]. Nhờ chất nghĩa khí cứng cỏi này mà văn chương mang tính thanh cao, khoẻ khoắn đầy khát vọng. Văn học đạo lý và văn học yêu nước bắt nguồn từ sự gặp gỡ này của Nho giáo và nhân dân.
Còn Phật giáo có khác. Tư tưởng triết học Phật giáo là tư tưởng triết học hướng nội, chú trọng đến chữ “tâm”, đến trực cảm tâm linh, đến trực giác. Đó là tư tưởng triết học hướng về con người với đời sống tâm linh. Điều này khác với tư duy Nho giáo. Tư tưởng Nho giáo có nói đến trực giác nhưng đó là trực giác lý tính. Phật giáo với quan niệm cuộc đời là bể khổ, bến mê, với quy luật sinh lão bệnh tử nên tìm cách giải thoát con người ra khỏi cuộc đời đầy khổ ải đắng cay ấy bằng tám con đường chính “bát chánh đạo”. Đó là con đường tu hành – tu tâm dưỡng tính để đạt đến chân như, niết bàn, tức đạt đến Phật tính. Mà Phật tính chính là cái tâm chân như. Tu là sự kìm tâm một chỗ, không vọng tưởng, hoàn toàn lắng đọng, tịch tĩnh. Phật là tâm. Tâm yên lặng tịch tĩnh là Phật: “Tâm tịch, nhi tri thị danh chân Phật” (Trần Thái Tông, Thiền tông chỉ nam tự). Thiền tông coi trọng cái tâm, coi trọng trực giác trong phương pháp tu hành. Phật giáo vốn là tôn giáo vì con người và về con người, hướng con người vươn tới tình thương yêu bao la, mênh mông, với tư tưởng từ bi hỷ xả; và đặc biệt chú trọng đến những con người đau khổ. Chính tư tưởng này lại bắt gặp tư tưởng của dân tộc. Con người Việt Nam vốn có tư tưởng dân chủ, phóng khoáng, nên khi Phật giáo vào Việt Nam, dân tộc ta đã biết tự mở của tiếp thu tinh hoa của tư tưởng Phật giáo rồi tiếp biến, chuyển hoá nó thành cái riêng của mình, phù hợp với dân tộc mình và truyền phát, nhân rộng tư tưởng ấy từ đời này sang đời khác. Chính cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa trong văn học trung đại Việt Nam là kết quả của sự gặp gỡ giữa tư tưởng từ bi cao cả của Phật với lòng nhân ái bao dung của dân tộc, và ít nhiều từ tư tưởng nhân nghĩa của Nho gia. Ngoài ra, những vấn đề khác thuộc lĩnh vực Phật học, Thiền học cũng được các tác giả đề cập rõ nét trong văn chương như hữu – vô, sắc – không, chân – võng, sinh – tử, nghiệp duyên, nhân quả, chân như, niết bàn v.v..
b. Nhìn từ góc độ bề ngoài của mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học nghệ thuật thì: – Tôn giáo và văn học nghệ thuật đều là những hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng. Chúng tồn tại song song nhau, đi sóng đôi với nhau, đan xen và ảnh hưởng lẫn nhau. Đây là một hiện tượng có tính phổ biến toàn nhân loại. Chẳng hạn, thần thoại Hy La với trạng thái tư duy thần linh, mang dáng dấp của tôn giáo nguyên thuỷ (đa thần giáo). Thần thoại Việt Nam với ước muốn vươn tới giải thích các hiện tượng thiên nhiên cũng bằng trạng thái tư duy thần linh, mà thần linh đó gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên, mang dáng dấp của tín ngưỡng vật linh: thờ nhiên thần, đạo tam phủ, tứ phủ… Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ là khi có nhà văn lớn tuyên bố rằng “Tôi sáng tác dưới ánh sáng của chúa” (Lep Tônxtôi), tức có nghĩa là văn học nghệ thuật gắn liền với tôn giáo.
– Mối quan hệ giữa tôn giáo với văn nghệ còn thể hiện trong các lễ tiết, nghi thức tôn giáo với âm nhạc, vũ điệu. Những bài thánh ca ở giáo đường Thiên chúa giáo, Tin lành giáo; những điệu hát chầu văn, điệu múa lên đồng của cô, cậu nơi phủ thờ Mẫu tại Việt Nam; những giai điệu trống kèn, tang, nhịp trong xướng tụng; những động tác múa tay bắt ấn quyết của các nhà sư khi hành lễ, đặc biệt là ở lễ cúng thí thực cô hồn đã chứng tỏ giữa tôn giáo và văn học nghệ thuật có mối quan hệ tương hỗ nhau. Về mặt biểu tượng tôn giáo thể hiện ở không gian thiêng liêng biểu lộ niềm tin của con người qua các kiến trúc đền, chùa, miếu, điện, phủ, thánh đường của mỗi tôn giáo mỗi khác với sự bài trí có khác nhau. Các kiểu kiến trúc đó phần nào thể hiện đặc trưng của tôn giáo. Đây là một trong những biểu hiện của mối quan hệ giữa tôn giáo với loại hình nghệ thuật.
c. Đi vào chiều sâu của mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học nghệ thuật, có thể nói rằng: – Tôn giáo là một phương diện của đời sống, đồng thời là phương tiện trong đời sống của con người. Tôn giáo cũng như văn học nghệ thuật đều là sự thể hiện của năng lực con người. Con người xuất phát từ niềm tin thiêng liêng với sự kính tin, tín ngưỡng nên mới có tôn giáo (religion). Và tôn giáo hiện diện, tồn tại là do con người sáng lập ra và vì con người. Cho dù sau đó bậc giáo chủ sáng lập được người đời xưng tụng là đấng tối cao.
– Tôn giáo vừa là thuốc phiện như Các Mác đã nói, nhưng đồng thời theo tôi nghĩ, tôn giáo cũng vừa là sự nâng đỡ, sự cần thiết đem lại bình yên cho cuộc sống con người. Tìm hiểu bất kỳ tôn giáo nào cần phải hiểu thông qua hai trạng thái. Một là, nếu tôn giáo là niềm tin thiêng liêng của con người và niềm tin ấy sẽ đưa đến sự say mê kính ngưỡng để dẫn đến cái gọi là “tử vì đạo”. Lúc này, con người bị tôn giáo ru ngủ mê hoặc, tin vào những hoang đường kỳ bí, tin vào hạnh phúc ở cõi vĩnh hằng xa xăm, xa rời thực tế cuộc sống thì có lẽ đó là thứ tôn giáo mê hoặc, mỵ dân, là liều thuốc phiện như Mác đã nói. Hai là, nếu xem tôn giáo như là một nhu cầu tinh thần của con người và tìm hiểu, nghiên cứu tôn giáo xuất phát từ cơ sở tâm lý xã hội thì tôn giáo là sự nâng đỡ, hỗ trợ, là sự cần thiết cho con người. Con người ta ai cũng có nhu cầu phải giãi toả tâm linh, giải phóng tâm trí thoát khỏi phiền muộn, lo âu. Muốn thế, con người phải tìm đến tôn giáo như là tìm về nguồn cội. Nhờ tôn giáo mà con người cảm thấy mình có sự cân bằng. Như vậy, tôn giáo đem lại sự quân bình cho đời sống con người: đời sống tâm lý, cuộc sống đời thường, kể cả đời sống tâm linh. Đó là sự cần thiết của tôn giáo.
– Tôn giáo ra đời gắn với bản chất của sự sống. Là con người ai cũng muốn và đã sống thì phải có ham muốn. Con người với thuộc tính người nên có nhiều ham muốn, nhiều khát vọng. Không có ham muốn chắc sẽ không có sự sống và sẽ không có con người. Cho nên, có thể nói ham muốn là bản chất của sự sống. Giữa ham muốn, khát vọng và đạt đến cái đích của sự khát vọng là một khoảng cách xa vời. Bản chất khách quan của khát vọng bao giờ cũng ở tầm cao, vượt lên trên, con người ta chỉ biết phấn đấu vươn tới chứ khó lòng đạt đến. Còn ham muốn, còn khát vọng thì tôn giáo còn tồn tại, vì nó là mảnh đất để nảy sinh, phát triển. Khát vọng và ham muốn của con người là vô tận nên đã dẫn đến niềm tin thiêng liêng. Con người tin có hạnh phúc ở cõi hư vô, Niết bàn, thiên đường, nước Chúa, đất Thánh, tin cuộc sống ở kiếp khác…
– Tôn giáo là cội nguồn nâng đỡ sức sáng tạo của văn học nghệ thuật. Con người ta trước khi tìm đến với tôn giáo, trở thành con người của tôn giáo thì họ đã là những con người trần thế cũng như trước khi trở thành Nho sĩ, Đạo sĩ, Thiền sư, Sa môn thì họ là con người phàm tục, nói tiếng nói của con người phàm tục, nghĩ cái suy nghĩ con người trần thế. Trong văn học nghệ thuật cũng vậy, trước khi trở thành nhà nghệ sĩ sáng tạo các công trình văn nghệ thì họ là những con người đời thường, con người thế tục. Và đã là người tất phải có nhu cầu, ham muốn, khát vọng. Con người ta ai cũng có nhu cầu tâm linh, có khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp khác với cuộc sống trần thế đầy phiền muộn, lo âu, vất vả nên người ta mới có niềm tin thiêng liêng ở tôn giáo, mới tìm đến tôn giáo để thoả mãn nhu cầu tâm linh, để giãi toả tâm lý, để tìm sự quân bình trong tâm tính. Con người ta tìm đến với văn học nghệ thuật cũng không ngoài mục đích ấy. Tìm đến và sống với đời sống văn chương cũng là cách đi tìm sự yên vui thanh thản của lòng mình.
– Trên góc độ sáng tạo nghệ thuật thì tôn giáo là mảnh đất tốt, là nguồn càm hứng dạt dào và vô tận để sáng tạo nghệ thuật. Nghiên cứu ảnh hưởng của tôn giáo đối với văn học nghệ thuật là tìm đến những bến bờ mới sinh động, mênh mông vô tận của dòng cảm hứng sáng tạo ([10]). Tôn giáo tồn tại song song với văn học và chính nó là mảnh đất gợi cảm hứng cho văn học. Một thực tế hiển nhiên là Tam tạng kinh điển của Phật giáo, kinh thánh Tân ước, Cựu ước của Thiên chúa giáo, kinh Coran của Hồi giáo, Đạo đức kinh của Lão Tử, Nam hoa kinh của Trang Tử lại giàu hình tượng văn học, đầy chất thơ, đậm tính văn chương. Ở đó, chúng ta có thể tìm thấy một nguồn vô tận của mỹ từ pháp. Thực tế đó đã biểu lộ khả năng giao thoa giữa tư tưởng tôn giáo với sáng tạo văn học. – Nhìn chung, nếu nhân loại có bao nhiêu phương diện của sự sống thì đều có bấy nhiêu khả năng trở thành mảnh đất của sáng tạo văn chương, sáng tạo nghệ thuật. Những phương diện như tôn giáo, chính trị, đạo đức, tình yêu… là những phương diện của sự sống thì tất cả đều trở thành ngọn nguồn gợi cảm hứng cho sáng tạo văn chương.
2. Tư duy Phật giáo với tư duy văn học Tác phẩm văn học là kết quả tư duy của nhà văn. Đó là quá trình chiêm nghiệm, nghiền ngẫm để phản ánh hiện thực. Tư duy Phật giáo gần gũi với tư duy văn học ở tính trực cảm, trực giác cảm tính và hướng nội. Kiểu tư duy này lại phù hợp với yêu cầu sáng tạo nghệ thuật hơn là tư duy Nho giáo. Tư duy Phật giáo như đã nêu trên, chú trọng đến chữ “Tâm”, khai thác tận cùng các yếu tố thuộc về tâm chứ không đơn thuần chỉ là tìm hiểu để khai thác mặt tâm lý xã hội. Tư duy này gần gũi và có liên quan đến quy luật nhận thức để sáng tạo văn học nghệ thuật. Về mặt tâm lý học sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ cần phải có trong mình cái tính trội của trực giác thì mới có sự nhạy cảm của tính linh, và mới có thể chiêm nghiệm, nghiền ngẫm để phản ánh hiện thực. Dĩ nhiên, bên cạnh trực giác, tư duy nghệ thuật cần vận dụng các yếu tố khác như cảm giác, xúc giác, tri giác và cả nhận thức lý tính. Bởi tư duy nghệ thuật là kiểu tư duy mang tính chất tổng hợp, trong đó trực giác có lẽ vẫn là yếu tố hàng đầu mà người nghệ sĩ cần phải có. Như đã đề cập, Phật giáo là tôn giáo vì con người, coi trọng con người và phương pháp tu hành của người tu Phật chú trọng đến trực giác – một thứ trực cảm tâm linh, cho nên, văn học trung đại Việt Nam khi gặp và chịu sự nâng đỡ của tư tưởng Tam giáo, nhất là Phật giáo nên văn học có những cảm hứng sáng tạo với bến bờ sinh động, mênh mông. Nếu không có sự nâng đỡ này, văn học Việt Nam có lẽ khó lòng có những thành tựu rực rỡ mà chúng ta đã thấy như hiện nay.
Triết học và tôn giáo có lẽ là ngọn nguồn của các loại hình nghệ thuật, trong đó có văn học. Trong thời cổ trung đại, bất kỳ nền văn học nào cũng phải chịu sự tác động và ảnh hưởng của triết học và tôn giáo. Tư duy phương Đông là tổng hợp, nhất nguyên, cầu tính nên triết học tư tưởng phương Đông là triết học chủ toàn; còn tư duy phương Tây là phân tích, lưỡng tính, nhị nguyên nên triết học của phương Tây là triết học chủ biệt ([11]). Cảm hứng văn học phải là cảm hứng chủ toàn, mang tính toàn diện, tổng hợp. Đây là một quy luật của tâm lý sáng tạo nghệ thuật.
Nếu so sánh tư duy Phật giáo với tư duy Lão – Trang và tư duy Nho giáo, chúng ta thấy rằng: – Nho giáo dù có biến thiên và đổi thay qua thời gian và bị các thời đại chi phối, từ Khổng Mạnh đến Hán Nho, Đường Nho, Minh Nho rồi Tống Nho có những sự phát triển về quan niệm tam cương, ngũ thường v.v.. Tư tưởng Nho gia coi trọng quy phạm, tôn ty trật tự của xã hội nên con người Nho gia là con người xã hội, mang tính “khắc kỷ phục lễ”. – Lão – Trang với tư tưởng, ý niệm về vũ trụ về đạo “Đạo khả đạo phi thường đạo” với lẽ đạo huyền diệu, uyên nguyên, không thể luận bàn. Tư tưởng Lão – Trang, đặc biệt là tư tưởng của Trang Tử coi trọng trực giác với tính trực cảm tâm linh, với chất phiêu diêu, lãng đãng, phóng nhiệm, vô vi nên gần gũi với quy luật sáng tạo văn học nghệ thuật hơn. Trong khi đó, trực giác của Lão Tử lại ít thiên về tình cảm, đạo đức mà thiên về lý trí, về vũ trụ quan. Cho nên tư tưởng của Trang Tử chi phối văn học đậm hơn tư tưởng của Lão Tử. Nhờ chất phiêu diêu, phóng nhiệm, lãng đãng của hệ tư tưởng này mà góp phần tạo nên tính đa nghĩa, mơ hồ trong văn chương. Mỗi một hệ tư tưởng đều có những thế mạnh, những ưu điểm của nó. Vốn là một dân tộc mà lãnh thổ nằm ở vị trí ngã ba giao lưu quốc tế, dân tộc đó sớm biết tự mở cửa, nên ngay từ đầu đã biết đón nhận tinh hoa các hệ tư tưởng ngoại nhập để đồng hoá biến thành cái của mình, biết tiếp thu tư tưởng Nho, Phật, Lão – Trang với ý thức Tam giáo đồng nguyên. Ý thức này được quy vào mẫu số chung là con người và do con người mới có sự phân biệt hay đồng nhất. Dù chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng nào, người nghệ sĩ trước khi sáng tác thì họ đã là con người đời thường. Trước khi họ thành Nho sĩ, Đạo sĩ, Phật tử hoặc Thiền sư thì họ vẫn là con người trần tục với những tình cảm, những suy nghĩ của con người đời thường. Họ vừa là nhà Nho, Đạo sĩ, Thiền sư, vừa là nhà thơ, lại vừa là con người. Cho nên thơ văn của họ dù chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng triết học nào đi nữa, trước khi nói tiếng nói của Phật, của Nho, của Lão – Trang thì thơ văn của họ vẫn phải nói tiếng của con người và về con người với cuộc sống trần thế. Trên đây, chỉ là những suy nghĩ bước đầu về mối quan hệ giữa văn học với Phật giáo. Chính mối quan hệ này là cơ sở để tìm hiểu những đặc điểm của một bộ phận văn học được sáng tác dưới ánh sáng của tư tưởng triết học Phật giáo.
[1]– Đặng Thanh Lê, Nghiên cứu văn học cổ trung đại trong mối quan hệ khu vực, TCVH, số 1 – 1992. – Đặng Thanh Lê, các bài viết trong sách “Dạy sách giáo khoa thí điểm Trung học chuyên ban”, lớp 11 môn Văn, Ban KHXH, GD, H, 1994. [2] Nguyễn Đình Chú, Dạy sách giáo khoa thí điểm Trung học chuyên ban, lớp 10, môn Văn, Ban KHXH, GD, H, 1994. [3] Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB VHTT, H -1995. [4] Đặng Thanh Lê, tlđd, tr. 11 – 14. [5] Đặng Thanh Lê, tlđd, tr. 15-16. [6] Nguyễn Đình Chú, tlđd, tr 25 – 28. [7] Nguyễn Đình Chú, tlđd, tr 25 – 28. [8] Nguyễn Đình Chú, tlđd, tr 25 – 28. [9] Nguyễn Đình Chú, tlđd, tr 26. [10] Đặng Thanh Lê, tlđd, tr.15. [11] Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông: Gợi những điểm nhìn tham chiếu, NXB VH, H, 1995. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com