MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỜN CA TÀI TỬ VÀ NHẠC LỄ CỔ TRUYỀN * La Thanh Việt Nhạc lễ và Đờn ca tài tử là hai loại hình âm nhạc truyền thống có từ khá lâu đời và chiếm vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Theo GSTS Trần Văn Khê thì cho rằng nhạc lễ là loại nhạc gắn liền với nghi lễ và tôn giáo. Thật vậy, nhạc lễ là loại hình âm nhạc chỉ có bản đờn chứ không có kèm lời ca như nhạc tài tử và chỉ phục vụ cho việc thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng và tôn giáo. Theo nhiều nguồn sử học, nhạc lễ nước ta xuất hiện từ thời Nhà Lý năm 1.121, dựa trên nền tảng của âm nhạc tế tự cung đình. Vào thời Nhà Nguyễn ở Đàng trong nhạc lễ phát triển khá rực rỡ, triều đình có cả một đội quân nhạc. Trong tiến trình mở mang bờ cõi, nhạc lễ cung đình không còn tồn tại duy nhất ở Triều đình mà đã theo bước chân của những quan nhạc, những nghệ nhân và những người khẩn hoang du nhập vào đất Đối với Đờn ca tài tử, theo nhiều nhà nghiên cứu thì loại nhạc này có nhiều tên gọi khác nhau tuỳ theo từng nơi, từng vùng, có người gọi là “Đờn ca tài tử hoặc Đàn ca tài tử”, người khác thì gọi là “Âm nhạc tài tử”, cũng có người gọi là “ Ca nhạc tài tử”, gọi cách nào cũng có nghĩa, nhưng thông dụng vẫn sử dụng là “Đờn ca tài tử Nam bộ” nhưng dù có tên gọi như thế nào, các nhà nghiên cứu âm nhạc đều cho rằng loại hình nghệ thuật này thoát thai từ hoạt động nhạc lễ và hình thành ở Nam bộ vào cuoi thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do các nhạc quan, nhạc sĩ triều đình Huế theo phong trào Cần vương vào Nam mang vào.Trên bước đường Nam tiến, dòng nhạc này đã nhạy bén tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc địa phương, thêm thắt một chút nét nhạc mới, cách tân phong cách diễn tấu hay đặt thêm lời ca vào lòng bản nhạc…Từ đó Đờn ca tài tử được ra đời. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ đã hình thành nhiều nhóm ca nhạc tài tử và tranh đua với nhau về nghệ thuật, ra sức cải tiến, nâng cao sáng tác thêm nhiều bài bản mới. Ở Vĩnh Long có ông Trần Quan Quờn (Ký Quờn), ỏ Long An có ông Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại), Ở Cần Thơ có Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Ở Bạc Liêu có Ông Nhạc Khị và Sư Nguyệt Chiếu,…Nghệ nhân Nhạc Khị lúc sinh thời có nói 1 câu khá nổi tiếng: “Chơi đàn ca tài tử là coi như ra trận, hễ ca sai lời, sai nhịp, sai giọng, đờn sai nhạc, sai nhịp là coi như không phải đờn ca tài tử ”. Các Ông và học trò của mình đã ra sức nghiên cứu, canh tân, hiệu đính các bài nhạc lễ, cải biên các bài bản gốc của ca nhạc Cung đình Huế, tiếp thu những đặc sắc của âm nhạc dân gian địa phương, cách tân lối bắt nhịp (nhịp nội, nhịp ngoại, nhịp lơi) song vẫn tôn trọng lòng bản, để tạo một giai điệu hòa hợp với ngôn ngữ, phong cách của người dân Nam Bộ. Như vậy nhạc lễ và đờn ca tài tử có mối quan hệ hữu cơ rất đặc biệt. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhạc lễ cổ truyền và nhạc tài tử Nam Bộ đều dựa theo học thuyết âm – dương ngũ hành với ngũ cung: Hò-Xự – Xang – Xê – Cống (Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả -Thổ), và dựa trên nền tảng lễ nghĩa, đạo đức, bản chất luân lý con người phương Đông. Nếu nhạc lễ biểu trưng cho văn hóa cung đình, thi đờn ca tài tử biểu hiện đặc sắc của văn hóa dân gian Nam Bộ. Nếu nhạc lễ mang nét trang trọng cung kính thì nhạc tài tử vừa da diết ngọt ngào dễ hòa vào tâm hồn những con người vừa định cư ở vùng đất mới. Nhạc lễ chủ yếu là sử dụng nhạc khí để hoà đờn, phối khí còn đờn ca tài tử ngoài việc hoà đờn, phối khí còn phải có phần ca diễn. Bài bản của Nhạc lễ chủ yếu là 7 bài Bắc lớn, kèm theo các bài Nam còn Đờn ca tài tử thì phong phú hơn nhiều, có đủ 4 điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán, có cả 4 hơi: Xuân, Ai, Đảo, Ngự; Các bài bản của nhạc lễ cổ truyền đa số là bản tổ của Đờn ca tài tử (3 Nam, 6 Bắc, tứ Oán, 7 Bài)… Các bài bản và cách thể hiện của Đờn ca tài tử thì hết sức đa dạng, phù hợp với phong cách của vùng, miền, người ta chỉ cần thay lời mới để sát hợp trong mọi hoàn cảnh: quan, hôn, tang, tế, biệt ly, thất tình, thất sủng… Mục đích của nhạc lễ cổ truyền chủ yếu là phục vụ việc tế lễ, cúng kiến nghiêm túc trong các đám tang ma, cúng đình để kiếm sống còn đờn ca tài tử thì phục vụ “vô tư” cho các lễ hội, đình đám, cưới hỏi, giỗ chạp, liên hoan, không đặt yêu cầu thù lao, gọi là "giúp vui", mang tính cộng đồng sâu sắc, bình đẳng giữa mọi người. Các hoạt động của nhạc lễ cổ truyền và đờn ca tài tử tuy có mục đích khác nhau nhưng thực tế luôn kết hợp vì có mối quan hệ hữu cơ cùng dựa vào nhau để dễ dàng phát huy và phổ biến rộng rãi trong công chúng. Đối với Bạc Liêu trước thế kỷ XX đã hình thành hoạt động nhạc lễ nhưng còn mang tính gia truyền nên chưa phổ biến rộng rãi . Đến khi thiết chế đình làng ở địa phương được thiết lập, trong đình có Hương nhạc để chăm lo việc cúng tế thì nhu cầu nhạc lễ cúng đình cũng như cúng kiến tại tư gia bắt đầu được chú ý. Năm 1930, với sự hợp tác của Sư Nguyệt Chiếu, ông Nhạc khị thành lập Ban nhạc lễ đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu. Lúc đầu Ban nhạc này chỉ chuyên đờn phục vụ cúng đình và các đám ma chay, tế lễ.Dần dần theo yêu cầu của gia chủ và một số người hâm mộ, Ban nhạc bổ sung thêm người biết ca để phục vụ sau giờ hành lễ, từ đó quy mô Ban nhạc củng được mở rộng từ việc phục vụ cúng kiến, tế lễ dần dần mở rong phục vụ cả các đám cưới hỏi, tiệc tùng, liên hoan, tiếp tân, khánh tiết…Ban nhạc lễ hôm nào, giờ đây vô hình trung đã trở thành Ban nhạc đờn ca tài tử. GSTS Trần Văn Khê đã coi ông Nhạc Khị là một người lạ thường, ông chuyên về nhạc lễ và rất rành về nhạc tài tử, ông thường ngồi trong mùng một mình để biểu diễn một lúc nhiều món nhạc khí. Người nghe tưởng rằng có đầy đủ cả một Ban nhạc. Đồng thời với Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu đã có công lớn trong việc canh tân, hiệu đính 7 bài Bắc lớn để ứng dụng vào trong nhạc lễ cổ truyền và nhạc Phật giáo Nam bộ. Hoạt động nhạc lễ và đờn ca tài tử từ khi xuất hiện ở Bạc Liêu đến nay đã trên một thế kỷ, hai dòng nhạc này đã góp phần rất lớn để thoã mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Ngày nay hoạt động nhạc lễ và đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển rất rộng rãi, hầu như không có đám cúng đình nào hoặc đám tang nào mà không có nhạc lễ; tương tự như vậy từ vùng nông thôn hẽo lánh hay tại khu vực đô thị, hầu như cuộc liên hoan, hội nghị, tiệc tùng nào cũng có hơi hám của đờn ca tài tử. Hiện nay Bạc Liêu có khoảng trên dưới 90 Đội, nhóm, CLB đờn ca tài tử hoạt động dưới hình thức xã hội hóa và các tổ chức này không ngừng mang những lời ca, bản đờn phục vụ cho những người hâm mộ. Bên cạnh những đóng góp tích cực của hoạt động nhạc lễ, đờn ca tài tử qua nhiều thời kỳ khác nhau, hai dòng nhạc này không ngừng được củng cố, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần cho nhân dân song mặt trái của nó cũng mang lại không ít những tiêu cực ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá lành mạnh của nhân dân. Có nhiều Ban nhạc lễ hay Ban nhạc tài tử khi hoạt động còn ảnh hưởng khá nhiều bởi tệ nạn mê tín dị đoan, thể hiện các bản đờn hay các món nhạc khí nhiều khi còn tuỳ tiện; môi trường trình diễn thiếu lành mạnh, thiếu nghiêm túc, không còn giữ được tôn chỉ mục đích ban đầu, thậm chí bị thương mại hoá làm mất đi bản chất tốt đẹp của dòng nhạc mang nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Mặt khác 2 dòng nhạc này còn mang nặng tính chất dân gian và gia truyền, nên trong quá trình phổ biến trên 1 thế kỷ qua ít nhiều cũng bị mai một. Trên tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, thời gian qua Sở VHTT đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, trong đó có nhạc lễ và đờn ca tài tử. Sở VHTT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc tổng kiểm kê các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, trên cơ sở đó để ngành VHTT có kế hoạch lập hồ sơ công nhận nhằm kịp thời bảo tồn, phát huy đúng mức các di sản văn hoá ấy phục vụ cho yêu cầu phát triển. Để tạo thêm nhiều nguồn lực đẩy nhanh việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá tren địa bàn tỉnh, Sở cũng phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án xã hội hoá các hoạt động giáo dục- y tế- văn hóa – thể dục thể thao giai đọan 2006 -2010 trong đó khuyến khích thành lập các CLB đờn ca tài tử, CLB dân ca, CLB cổ nhạc, CLB hát với nhau để cán bộ và nhân dân có môi trường thuận lợi sinh hoạt văn nghệ hoặc phục vụ trong những cuộc hoan hôn, tang tế ở địa phương. Hàng năm Sở VHTT cũng thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp với các tỉnh trong khu vực tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn về đờn ca tài tử nhằm không ngừng củng cố, phát huy phong trào văn hóa văn nghệ tỉnh nhà. Mặt khác ngành VHTT cũng thường xuyên đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Sở VHTT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế về việc thực hiện nếp sông văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ, hội trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với nhiều nơi khác, Bạc Liêu đã góp phần rất lớn vào việc phát triển nhạc lễ cổ truyền và góp phần khai sinh ra hoạt động đờn ca tài tử |
Cập nhật ( 14/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com