LỜI KHUYÊN CON – Dịch phẩm đầu tiên của Thiều Chửu * Phạm Hoàng Quân Cuối năm 1924, tạp chí Nam Phong số 89 đăng kỳ đầu của loạt bài “Lời khuyên con” của dịch giả Nguyễn Hữu Kha với bút danh Tịnh Liễu (Thiều Chủ) trong các số 91, 95, 96 năm 1925, đây là bản dịch 41 bức thư của Tăng Quốc Phiên gởi cho các con, cho các em, cho ông bà cha mẹ và cho vợ. Về tác giả và tác phẩm Tăng Quốc Phiên (1811-1872) tự Bá Hàm, hiệu Điều Sinh, người Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, đỗ tiến sĩ triều Đạo Quang, bổ Nội các Học sĩ. Tướng lĩnh chỉ huy Tương quân (đoàn quân khởi phát ở Tương Hương), cánh quân chủ lực trong cuộc chiến chống quân Thái Bình Thiên quốc. Sau khi bình định Thiên quân, Tăng Quốc Phiên được Thanh triều bổ nhậm Tổng đốc Lưỡng Giang, phong Nhất đẳng Dũng Nghị hầu, trở thành văn nhân có tước vị cao nhất trong lịch sử triều Thanh, là một nhân vật có công nghiệp hiển hách trong thời cận đại và cũng gây nhiều tranh nghị trong lịch sử. Học trò là Lý Hồng Chương, tướng lĩnh chỉ huy Hoài quân (trong cuộc chiến Thái Bình Thiên quốc), Tổng đốc Lưỡng Quảng, Bắc Dương đại thần; em trai là Tăng Quốc Thuyên, tướng lĩnh Tương quân, Tổng đốc Lưỡng Giang kiêm Nam Dương thông thương đại thần; con cả là Tăng Kỷ Trạch, Công sứ Trung Hoa tại Anh, Pháp (1878-1880), Tổng lý các quốc sự vụ đại thần (1880-1885). "Tăng Quốc Phiên gia thư" hay còn gọi "Tăng Quốc Phiên gia huấn", "Tăng Văn Chính công gia huấn" là ấn bản tập hợp những bức thư của Tăng Quốc Phiên gởi cho gia đình, cho các em, các con trong thời gian ông bận việc quân, tập gia thư này (bản do Lý Hãn Chương sưu tập) xuất bản lần đầu vào năm Dân Quốc thứ 12 (1923) với hình thức thạch ấn bản do Thượng Hải Tảo Diệp Sơn phòng. "Tăng Văn Chính công gia huấn" chiếm một vị trí đặc biệt trong thể loại sách Gia huấn ở Trung Quốc, ảnh hưởng rất lớn, ngang hàng với các sách đã xuất hiện trước như "Nhan Thị gia huấn" của Nhan Chi Thôi đời Nam Bắc triều, "Minh Đạo gia huấn" của Trình Hạo-Trình Di (Tống), "Trị gia cách ngôn" của Châu Bá Lư (Thanh) (hai sách này đã được dịch Quốc ngữ do Đoàn Trung Còn – 1971), "Chu Tử gia chính" của Chu Hi (Tống), "Truyền gia chí bảo" của Thạch Thiên Cơ (Thanh)…
Về bản dịch "Lời khuyên con” Bản dịch "Lời khuyên con" của Nguyễn Hữu Kha cùng với nguyên tác đã được chúng tôi giới thiệu sơ lược trong Lời tựa "Gia huấn diễn ca" (NXB Phương Đông – 2005). Bài viết này nhằm giới thiệu riêng về một dịch phẩm khá đặc biệt của một danh nhân Nho-Phật đã đi qua trần gian này như một vị Bồ tát phải đi qua kiếp nạn. Nam Phong tạp chí với đặc tính là một tạp chí học thuật hàn lâm, trường hợp một thanh niên mới qua tuổi 20 được công bố bài viết là rất lạ, trong lịch sử 17 năm tồn tại (1917-1934) của Nam Phong, điều này chỉ xảy ra 2 lần: Nguyễn Hữu Kha (Tịnh Liễu) và Cung Giũ Nguyên (nhà văn viết tiếng Pháp). Sự kiện này cho thấy nỗ lực tự học phi phàm của Nguyễn Hữu Kha và sự tinh đời của những cặp mắt trong Ban Biên tập Tạp chí. Đọc đoạn văn trong phần Lời dẫn của dịch giả (Nguyễn Hữu Kha), khó mà nghĩ rằng nó được viết bởi một thanh niên mới vài năm trước vì gia cảnh phải quảy thuốc đi bán dạo, Lời dẫn viết: “Từ khi có cái sóng tự do tràn sang, những bọn thiếu niên ta hiểu lầm nghĩa hai chữ tự do, cho rằng phá đổ trật tự, bỏ hết lễ pháp để cầu sướng riêng một mình là tự do, không biết rằng cái hồn tự do chính là ở trong trật tự lễ pháp mà ra, nên lại bị con ma tự do láo nó làm tan nát mất cái dây thân ái… Mong rằng đồng bào ta nên hương hoa mà sùng bái cái tinh thần tự do, đừng có hâm mộ cái bề ngoài tự do”. Văn đi trước tuổi không lạ, quan điểm của ông về khái niệm “Tự do” tưởng chừng đã đến tận gốc rễ. Nguồn mạch giáo dục lấy cá nhân làm hạt nhân, lấy đạo trị nhà làm nền tảng là một trong “các văn hóa phương Đông khơi dậy ở phương Tây nhiều tò mò và nghi vấn” (Edgar Morin). Cuối thế kỷ XX, triết gia Pháp – vừa trích dẫn – viết trong "Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai": “Ngày hôm nay, sự không thông cảm tàn phá quan hệ cha mẹ – con cái, vợ-chồng khắp nơi, nó tràn lan như bệnh ung thư trong cuộc sống hàng ngày, gây nên những vu cáo, gây gổ, những cuộc sát nhân tâm thần (mong người khác chết)”. Những phản ảnh có biên độ toàn cầu nêu trên phải chăng là hệ quả và kết cục của hình thái “bề ngoài tự do” mà Nguyễn Hữu Kha đã khuyến cáo “đừng hâm mộ” cách đây hơn 80 năm. Chọn "Tăng Văn Chính công gia thư" để dịch là một sự chọn lựa trong tinh thần trách nhiệm, mặc dù được hun đúc, hàm dưỡng trong truyền thống Nho gia, nhưng nếu không phải tự thân ôm hoài bão góp sức kiên thủ một giá trị đạo lý đã được kinh nghiệm – tức Nguyễn Hữu Kha gọi là “đạo trị nhà” – và tìm thấy trong nội dung nguyên tác những yếu tố có thể làm “phương thuốc đối bệnh”. Qua những bức gia thư đã được tuyển dịch, Nguyễn Hữu Kha gởi gắm và hy vọng: “Nếu chịu khó gia công nghiền ngẫm, hết sức bắt chước mà làm thì chắc cũng có thể trở nên người đứng đắn, gây được hạnh phúc cho gia đình và có ảnh hưởng đến xã hội nữa” (Lời dẫn). “Lời khuyên con” chọn lựa hoặc lược dịch 41 bức thư, so với nguyên tác được khoảng 1 phần 10. Phép dạy con của họ Tăng rất chu đáo và tường tế, từ việc ăn ở đi lại giải trí riêng tư của từng đối tượng, đến việc cư xử đối đãi với họ hàng, lân gia, thông gia, thân hữu… Thể hiện qua những bức thư, tùy việc mà nhắc nhở, dạy bảo nên không phân chương mục như các loại sách gia huấn khác. Đặc biệt nhất là phép dạy con cách học, cách đọc sách, cách luyện chữ, luyện văn… Đọc những bức thư này, cứ ngỡ là họ Tăng mở lớp “Đào tạo từ xa” cho các con cháu, đây cũng là nguyên nhân vì sao "Tăng Văn Chính công gia huấn" được học giới xem như là một sách tham khảo nhiều tiện ích và lý thú trong việc chú giải kinh điển. Để bạn đọc tiếp cận trực tiếp tinh thần của người viết và người dịch, chúng tôi trích đăng 3 bức thư ngắn sau phần giới thiệu chung này. Đương thời Nguyễn Hữu Kha cũng như các dịch giả khác công bố bản dịch trên tạp chí Nam Phong không nêu rõ xuất xứ nguyên tác và ít khi chú giải, chúng tôi dựa vào bản "Tăng Quốc Phiên gia huấn" do Thái Đông đồ thư cục in năm Dân Quốc 15 (1926). Đào Lạc Cần chấm câu và hiệu đối để bổ sung các chi tiết về ngày tháng năm, sau này khi hoàn thành công việc hiệu khám và chú giải, hy vọng sẽ góp phần bổ sung vào “thư mục các tác phẩm và dịch phẩm của Thiều Chửu” một dịch phẩm toàn vẹn.
LỜI KHUYÊN CON
Mấy bức thư của Tăng Văn Chính viết cho các con (1)
Cổ nhân có câu rằng: Hoàng kim vạn lạng phi vi quý, nhất gia hoan lạc trị tiền đa. Nghĩa là: Vàng kia muôn lạng coi thường vậy, nhà cửa vui vầy giá mới cao. Lại có câu rằng: Gia hòa tắc phúc tự sinh, bất hòa tắc tai họa lập chí. Nghĩa là: Trong nhà mà hòa hợp tự khắc phúc đến, trong nhà mà bất hòa, thì tai vạ đến ngay. Xem hai câu này thì đủ biết người ta ở đời không gì sướng bằng trong gia đình có cảnh vui cha lành con hiếu, vợ thuận chồng hòa, anh yêu em kính, mà không gì khổ bằng trong gia đình cùng ngang trái nhau. Vả lại, trong gia đình cùng dạy dỗ khuyến miễn nhau, cùng biết hòa hợp với nhau, không những cầu được hạnh phúc mà lại có ảnh hưởng đến tinh thần, đến chính trị trong xã hội nữa. Nên những các bậc hiền triết xưa nay, ai cũng chăm chỉ về việc trị nhà. Trị nhà tuy rằng có nhiều cách, nhưng cốt nhất là phải sửa mình cho chính đính, ăn ở cho hợp lễ, cho phải đạo làm người. Sách Đại học có câu rằng: Muốn trị nhà phải sửa mình trước. Kinh Thư có câu rằng: Những nhà đời đời hưng vượng đều vì có lễ cả. Ấy là cái chứng rõ cho người ta biết rằng trị nhà không sao bỏ đạo sửa mình và lễ được. Từ khi có cái sóng tự do tràn sang, những bọn thiếu niên ta hiểu lầm nghĩa hai chữ tự do, cho rằng phá đổ trật tự, bỏ hết lễ pháp để cầu sướng riêng một mình là tự do, không biết rằng cái hồn tự do chính ở trong trật tự lễ pháp mà ra, nên lại bị con ma tự do láo nó làm tan nát mấy cái dây thân ái, gây nên thảm họa trong gia đình, mà bấy nay ta thường mắt trông thấy, tai nghe thấy những nông nỗi cha từ con, vợ lìa chồng, anh hại em, đăng ở trên báo chướng đấy, truyền ở ngoài cửa miệng đấy, có đáng ghê không! Ôi tự do! Tự do! Dịu dàng như mùa Xuân, ngào ngạt như hoa thơm, bỏ tự do còn cái gì là sướng. Người Tây đã có câu rằng: Không được tự do, thà chết còn hơn. Mong rằng đồng bào ta nên hương hoa mà sùng bái cái tinh thần tự do, đừng có hâm mộ cái bề ngoài tự do. Nói tóm lại, công phu tu tề của đạo Nho ta cũng như người xuống nước rửa ghét, các cụ ta tuy chưa tìm được cái suối vô để, cái đầm thiên nhiên, nhưng cũng đã phí bao nhiêu tinh sức, trải bao nhiêu cuộc bể dâu mới tu tạo được một cái ao trong trẻo sạch sẽ, dấn mình xuống đấy, cũng đủ rửa sạch được những điều không phải mà trở nên một người hoàn toàn nhân cách rồi. Nay ta chê ao nhà là đục, ta bỏ ta tìm cái ao khác, để mong hơn các cụ xưa kia, thế mà sao bấy nay vẫn thấy loanh quanh chả được cái nào mà lại chỉ thấy đem mình lăn lộn vào trong vũng bùn trong lạch bẩn, thì chi bằng ta trở về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà đã quen! Chúng tôi nghĩ thế, nên gia công khảo cứu về đạo trị nhà, nay được một bộ Tăng Văn Chính công gia huấn đốt hương đọc hết trước sau, trong những phép sửa mình phép trị nhà, xem người ở đời, dùng người, tiếp người, điều nào cũng là điều thâm trầm thân thiết, lẽ nào cũng là lẽ đã duyệt lịch, đã kinh nghiệm cả rồi; giá đem ra mà trị cái phong hóa của xã hội ta bây giờ thật là một phương thuốc đối bệnh, nên chúng tôi một lòng sốt sắng, chọn ngắt từng thiên, sau chia từng đoạn, dịch ra quốc âm, để công đồng lãm, mong rằng các bạn độc giả chịu khó gia công nghiền ngẫm, hết sức bắt chước mà làm, thì chắc cũng có thể trở nên một người đứng đắn, gây được hạnh phúc cho gia đình và có ảnh hưởng đến xã hội nữa.
Dịch giả chí (1) Tăng Văn Chính, tức là Tăng Quốc Phiên, làm quan to đời nhà Thanh, hồi nước Tàu mới giao thiệp với Âu châu. Người có cổ học thâm thúy lắm.
Thư cho con là Kỷ Hồng (Thư viết tại Giang Tây, năm Hàm Phong thứ 6, ngày 29 tháng 9 năm Bính Thìn [1856]) Thầy thấy người nhà lại dinh khen rằng con cử chỉ đứng đắn, thầy bằng lòng. Người ta ai cũng mong con cháu làm quan to, thầy không thích thế, thầy chỉ mong mỏi con cháu làm nên được người quân tử, biết đọc sách, biết rõ nghĩa đạo làm người. Tự giữ mực siêng năng tằn tiện, tập quen khó nhọc, ở lúc vui cũng thế, ở lúc túng bấn, eo hẹp cũng thế, thế là người quân tử. Thầy làm quan hơn hai mươi năm nay, không dám nhiễm một tí mùi quan nào, ăn mặc cư xử, vẫn giữ thói thanh bạch, kiệm lắm cũng được, hơi phong cũng được, chứ phong lắm thì thầy không dám. Phàm những nhà làm quan, bởi tằn tiện biến ra xa xỉ thì rất dễ, bởi xa xỉ mà giữ lại thói tằn tiện thì rất khó. Con tuổi còn nhỏ đừng có ham mộ xa hoa, đừng có tập quen lười lĩnh, không cứ nhà hơn nhà kém, kẻ học trò, kẻ làm ruộng, người đi buôn, người làm thợ, biết giữ mực siêng năng, tằn tiện, khó nhọc, thì thấy khá ngay, láo lếu xa xỉ, lười lĩnh thì thấy hỏng ngay. Con viết chữ đọc sách, chớ có xao nhãng, sáng phải dậy sớm, chớ có làm sai cái phép nhà từ tổ tiên ông cha để lại cho. Con chả từng được mắt trông thấy ông con và chú thầy cứ sáng sớm là dậy đấy ư? Phàm giàu sang công danh, đều có số cả, một nửa cậy sức người, một nửa nhờ trời, duy học làm nên bậc thánh hiền, đều do tự mình làm chủ, không có can thiệp gì đến trời đến mệnh. Thầy vẫn có chí học đạo thánh hiền, chỉ vì lúc bé thiếu một cái công phu cư kính mà đến bây giờ cũng còn có lúc nói đùa làm bỡn. Con cử chỉ đứng đắn, không hay nói càn, thế là có cơ tiến đức đấy, con nên cố đi…
Thư cho con là Kỷ Trạch (Thư viết tại Giang Tây, năm Hàm Phong thứ 8, ngày 3-8-1858) Hôm mùng một tháng tám thầy tiếp được cái thư của con, biết rằng ở nhà mẹ con và các con đều được bình yên, thầy mừng lắm. Con học bộ Tứ thư không tâm hiểu được mấy, là vì con không biết: hư tâm hàm vịnh, thiết kỷ thể sát. Nghĩa là: “ngẫm nghĩ ngắm nghía, xét nét kỹ càng như đặt mình vào địa vị ấy”. Phép ông Chu Tử dạy người ta đọc sách, lấy hai câu ấy làm tinh thần nhất. Như bây giờ con đang học thiên Ly lâu, chương đầu thiên Ly lâu có câu rằng: “Kẻ trên không có đạo để đo đắn, kẻ dưới không có phép mà giữ gìn, thế nước tất nguy”. Năm xưa thầy học đến đấy cũng coi là thường, gần nay ra làm quan mới hiểu rằng làm người trên phải noi đạo mà đo đắn, kẻ dưới phải cứ phép mà giữ gìn, nếu người nào cũng không theo đạo đo đắn, tự cho mình là phải, tự theo lòng mình mà không theo phép, thì tất thành ra kẻ dưới xâm phạm cả người trên. Năm xưa thầy học đến chương “mình yêu người mà người ta không thân với mình, thì phải nghĩ lại xem mình có thật là yêu người không” cũng coi là thường. Bây giờ duyệt lịch nhiều mới hiểu rằng mình trị người ta, mà người ta không phục là bởi trí khôn mình kém. Đấy là một cái chứng xem biết công hiệu câu: “xét nét kỹ càng như đặt mình vào địa vị ấy”. Còn như hai chữ hàm vịnh rất là khó hiểu. Thầy thường lấy ý hiểu ra rằng: hàm như là mưa xuân nhuận hoa, như suối trong tưới lúa, mưa xuân nhuận hoa ít quá thì không mớn mở, nhiều quá thì tan tác, vừa vừa thì tư nhuận mà tươi tốt, suối trong tưới lúa, ít quá thì vẫn khô, nhiều quá thì ngập nát, vừa vừa thì xanh tốt mà bốc lên. Vịnh là như con cá lượn dưới nước, như người rửa chân. Ông Trình Tử nói rằng: “Con cá nhảy ở vực coi vẻ nhanh nhảu lắm”. Ông Trang Tử bảo rằng: “Xem cá ở bờ hào, lắm vẻ thú lạ, đấy là cái thú cá nước”. Ông Tả Thái Sung nói rằng: “Rửa chân thích rửa ở cái dòng nước chảy xa muôn dặm”. Ông Tô Tử Chiếm có bài thơ tả cái thú đêm nằm khỏa chân dưới nước, có bài thơ tả lúc mới tắm xong, cũng là cái thú thích nước cả. Người biết học sách phải nên coi quyển sách như nước, mà coi cái lòng mình như hoa như lúa, như cá, như rửa chân, thì mới hiểu được ý ngoài hai chữ hàm vịnh. Con học sách chóng biết, nhưng không thâm hiểu nghĩa văn, nên dốc lòng suy cầu bốn chữ thể sát hàm vịnh của ông Chu Tử mới được.
(Thư viết tại doanh trại Dặc Dương ngày 20 tháng 8 năm Hàm Phong thứ 8 [1858]) Hôm mười chín thầy tiếp được một cái thư và một bài thơ của con gởi đến, thầy xem bài thơ của con, khí thanh mà lời cũng êm, thầy vui lòng lắm. Cổ nhân đã có câu rằng: “Thơ vừa chữa xong tự ngâm mãi”; lại có câu rằng: “Nghiền thơ chữa được cứ ngâm dài”; xem thế thì biết lúc cổ nhân nghiền ngấu khó nhọc, cũng chỉ chuyên trị hai cách thanh và điệu. Tại sao? Bởi vì những bài thơ có chữ có câu là nhân lại, nghĩa là thơ của người làm ra; thơ không có câu có chữ là thiên lại, nghĩa là thơ tự nhiên của trời. Nếu hiểu được lẽ ấy, đem thiên lại và nhân lại hòa lẫn nhau mà làm, thì cái phương pháp làm thơ đã hiểu được quá nửa rồi đấy.
Thầy bình sinh có ba điều xấu hổ: các môn học, môn nào cũng thiệp liệp, duy có khoa học thiên văn và khoa học tính không biết, dẫu những ngôi sao thường nói đến cũng không biết; thế là một điều xấu hổ. Hễ cứ làm một việc gì, tập một nghề gì cũng chỉ có trước không sau, thế là hai điều xấu hổ. Lúc bé tập chữ, không hệt được lối nào, đến nỗi thay đổi luôn mà không thành, vừa chậm chạp, vừa không ưa nhìn, bây giờ ra coi việc quân, viết rất nhiều mà mất mát lắm, thế là ba điều xấu hổ. Con muốn làm nên một người con làm nổi cơ đồ nhà, nên dụng công rửa ba điều xấu hổ ấy cho thầy.
Phàm làm một việc gì, không cứ việc to hay việc nhỏ, khó hay dễ, đều nên có trước có sau; tập chữ trước phải tập cho tròn trặn, sau cho nhanh nhẹn, nếu mỗi ngày viết được độ một vạn chữ chân thật, ít cũng viết được bảy tám nghìn chữ, càng nhiều càng quen, không mỏi tay nữa, sau này đem cái tài ấy dùng vào sự học, thì sao chép được cả mọi sách, dùng làm việc quan, thì không sót án nào, bao nhiêu điều tiện lợi đều do ở cái công phu viết được ngay ngắn nhanh nhẹn mà ra cả. Kỳ đệ nhất khoa thi năm nay, trúng hay không trúng, cũng không quan hệ gì; hễ ra bảng rồi thì chỉ nên xem cho hết các kinh sử. Bóng quang âm rất khó được, một khắc giá nghìn vàng! Từ sau có viết thư thăm thầy nên đem những điều nào lẽ nào đã hiểu rồi, bàn bạc tung hoành, để thầy xét xem con có tiến bộ không, đừng có viết lèo tèo được mấy lời thế. |
Cập nhật ( 23/01/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com