THUỞ TRÂU CÀY Bút ký Phan Trung Nghĩa Cách đây mấy tháng tôi đến xem một gian hàng của lễ hội “Dạ cổ Hoài Lang” do tỉnh Bạc Liêu tổ chức thì thấy Bảo tàng tỉnh này trưng bày đầy đủ những nông cụ của thời “nền nông nghiệp trâu cày”. Tôi xúc động rồi ngồi thừ ra đó rất lâu. Hôm đó con gái tôi 17 tuổi, học lớp 11 cũng đi theo nó nhìn những đồ vật ấy rồi tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi tôi “Con biết những thứ này để trồng lúa nhưng sử dụng bằng cách nào hở cha ?”. Có một nỗi buồn rất sâu len lỏi vào lòng tôi, tôi nhủ thầm, con ơi không biết những thứ ấy là không tỏ tường cội rễ, không hiểu được công đức của ông bà cha mẹ và làng nước mình. Tôi run rẩy sờ lên những hiện vật mà nghe, thấy được cái âm thanh, không gian ngày mùa của một thời đã thật sự xa lơ xa lắc. Chợt nhớ đến xao lòng cái làng thời tấm mẵn và tấm bé của mình. Đó là một xóm nhỏ nằm ở ven sông, lưa thưa những mái lá. Khi chiều tàn ai thổi lửa nấu cơm trong chái bếp, ai đốt rơm rạ ngoài “đồng không mông quạnh” mà sương khói mơ hồ làm ảo ảnh cả làng tôi. Nhìn lâu, cứ thấy xốn xang rồi ứa nước mắt, sau lưng xóm là một cánh đồng chạy ngút đến chân trời. Mùa mưa đồng lểnh loảng nước, tiếng con nhái bầu nức nở trong mưa chiều. Mùa hạn đồng khô cỏ cháy, khi chiều xuống, nơi cuối chân trời, mây tím đùn lên rồi sâm chớp nhì nhằng, trời gầm gừ, báo hiệu một mùa mưa nữa sắp về. Mùa mưa đến dân làng tôi bước vào một vụ mùa mới. Bốn giờ sáng ngoài đồng đã rộn ràng tiếng đập bành bạch của những lưỡi phảng phát cỏ chém nước. Tiếng “ví, thá” của thợ cày, tiếng hò nôn nao đồng ruộng của vạn cấy… Con gái tôi nào biết rằng cái lưỡi phảng mỏng dính như lá lúa kia và chiếc cù nèo được làm bằng trảng hai cây mét được trưng bày hôm nay chính là công cụ chủ yếu của người từ mạn ngoài và từ miệt Tiền Giang xuôi về Hậu Giang khai khẩn để làm ruộng. Thuở ấy vùng này còn ….nê, địa, rừng rậm hoang vu, dây leo bịt bùng. Mùa mưa đến, trên những cánh đồng cỏ mọc đến ngang lưng quần, người khẩn hoang phải dùng phảng để dọn rừng, phát cỏ, cấy lúa. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức gọi loại đất ấy là đất “trảm thảo”, thuở tiền khẩn hoang nếu thiếu hai loại công cụ này chắc lưu dân gặp rất nhiều trở ngại. Gia đình tôi cũng có một cây phảng như thế, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó mỏng dính do bào mòn chỉ còn 1/3 so với chiếc phản mới. Dòng họ tôi tương truyền rằng ông cố tôi từ Tiền Giang đi ghe cui về nhảy lên bờ với chiếc phảng ấy đã phát hoang hơn 100 công đất mà truyền cho con cháu sau này. Còn cái nọc cấy kia thì đi liền sau đó với cây phảng. Cây nọc cũng bị bào mòn và nạm phèn vàng oánh. Đó là một công cụ quen thuộc của mỗi gia đình nông dân, khi phát cỏ xong người ta dùng nọc cấy chọt xuống đất một lỗ để tra bụi lúa vào, chứ đất phát, mặt đất trơ ra góc cỏ, rất cứng, không thể nào cấy bằng tay. Nhìn chiếc nọc cấy đó tôi nhìn thấy cánh đồng tối tăm vì mưa dầm. Ở đó, má và chị hai tôi, trên lưng là tấm lá trầm dầm mưa cấy lúa đến đỏ đèn. Đến khi khẩn hoang được một diện tích đất lớn, mỗi gia đình có đến hàng trăm công đất, thì việc làm đất bằng cây phảng tỏ ra không còn phù hợp vì nó không đủ sức làm kịp mùa vụ cho một nền nông nghiệp chỉ dựa vào thiên nhiên. Thế là người ta phải dựa vào sức trâu là chủ yếu. Hồi đó những gia đình làm ruộng nhiều đều có 2-3 con trâu. Thậm chí các địa chủ còn có vài chục con. Nhà tôi khi xưa cũng có ba con trâu như thế. Tôi sờ cây cày rồi cầm chiếc yếm trâu lên, nó được bện bằng dây choại của đất rừng U Minh và đã lên nước đen bóng. Tôi đưa lên mũi ngửi và bắt gặp cái mùi mồ hôi trâu nồng nàn gợi cảm lạ thường. Đây là cái mùi đặc trưng cua dân chăn trâu. Ai đã từng giữ trâu hẳn sẽ không quên nó . Những năm tháng dài giữ trâu cởi trần, mồ hôi người trộn lẫn mồ hôi trâu quện chặt vào da thịt, dù ta có tắm gội cỡ nào thì cái mùi ấy cũng đeo bám ta rất lâu. Những năm bỏ làng ra đi ăn tết chợ, tôi nhớ đến nao lòng cái mùi khói un trâu mà ta thường bắt gặp khi sáng mồng một ra đường ăn tết quê. Giờ đây gặp lại mùi mồ hôi trâu tôi chợt nhớ đến cái đời chăn trâu cực nhọc của mình. Đó là những năm tháng dài đội mưa, dầm nắng, trải cả tuổi thơ ra trên cánh đồng làng, niềm vui là những trò chơi truyền thống của cánh mục đồng, cứ tẻ nhạt dần theo ngày tháng và nó làm héo hon cả một tâm hồn. Còn những người lớn như các anh và ba tôi thì đi cày, bừa, trục, kéo mạ, đạp rơm… hết làm việc nhà thì họ đi làm thuê kiếm sống. Hồi đó làm ruộng cực mà năng suất thấp, khoảng 8 – 10 giạ một công tầm cấy đã là trúng mùa. Có năm gió bấc về sớm, hay nước mặn tràn lên làm đồng lúa háp trắng. Đứng nhìn cứ ngỡ cánh đồng đang dựng cờ tang. Tết nhứt gần kề gió xuân hây hẩy, đưa dăm con én về chao liệng dệt nên một mùa xuân tẻ nhạt trên quê nghèo. Nhớ đến mâm cơm cúng ba ngày tết, cặp dưa hấu chưng bàn thờ, quần áo cho sắp nhỏ, má tôi thở dài thậm thượt rồi cắp thúng ra đồng, hướng đôi mắt đỏ hoe lục lọi trong đám cỏ năn mà tìm những bông lúa chắt. Những hạt lúa ấy cho vào cối giả ra một thứ gạo sứt đầu mẻ trán và ốm o, đem đi nấu cơm ăn vào ta cảm được cái mùi mặn của mồ hôi và nước mắt. Vậy mà kỳ diệu thay, đó chính là hạt ngọc của quê nghèo nuôi dưỡng tất thảy những đứa con quê. Còn ba tôi thì nhìn cánh đồng rồi uất ức, ông quãy nóp xách vòng gặt đi gặt mướn cho nhà cô ruột tôi. Dưọng tôi là một người kỷ tính, đo công gặt cho em vợ còn muốn lớn hơn đo cho người dưng. Có bữa ba tôi gặt lúa sau hè, trong nhà chị ruột dọn cơm ăn không thấy mời lơi một tiếng. Mặt ai cũng khó đăm đăm, chỉ có cô tôi là kéo vạt áo dấu nước mắt. Ba tôi gặt đêm gặt ngày, ngủ cả ngoài đống, bàn tay rớm máu, để trừ xong 10 giạ lúa mà ông mượn của dượng trước đây. Sau đó thì ông lao về xóm Thào Lạng để đập lúa mướn suốt đêm, bởi gia cảnh đang thúc bách ông rất dữ. Tết đó ba tôi về, nhà có nồi thịt kho hột vịt và tôi được một bộ đồ vải thô sọc mặc tết. Giờ đây Ba tôi đã qua đời, chiếc vòng gặt, cái cặp đập lúa và cái ghế đập lúa đã mất đi từ lâu lắm để bây giờ con tôi đứng nhìn những thứ ấy mà hỏi đó là thứ gì hở cha ? Con ơi đó là những thứ góp phần làm nên hình hài xương thịt của cha đó ! Con gái tôi lại tròn xoe đôi mắt thơ ngây nhìn vào chiếc cối xay lúa và chiếc cối xay bột. Trong mắt nó đó là những vật vô tri, nhưng đối với tôi nó đánh thức cả những ký ức sâu nhất. Đời má tôi nghèo tả tơi manh áo, chiếc cối giả gạo vô tri ấy đã giúp bà rất nhiều. Bình thường thì nó dùng giả gạo, nhưng má tôi còn dùng nó để giả chuối cây mà trộn cám cho heo, gà…ăn để cải thiện đời sống gia đình. Hồi đó anh chị em tôi kẻ đi cấy người đi cày ít có dịp ăn cơm chung. Bữa nào rảnh rỗi tề tựu là má tôi dùng chiếc cối xay bột để xay gạo thành bột mà làm bánh lá cho các con ăn. Đó là một thứ bánh được nặn bột mỏng dính trên chiếc lá dừa nước rồi đem hấp chín, Sau đó cắt ra đĩa, cho gỏi dưa leo, nước mắm chua và nước cốt dừa vào. Chỉ đơn giản như vậy mà chúng tôi vừa ăn vừa húp soàn soạt, mồ hôi vả ra. Có cảm tưởng chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Mátôi ngồi đó, mắt đỏ hoe, bà khóc vì đã thật lâu bà mới nhìn được cảnh các con bà sum họp và được ăn ngon một bữa. Giờ đây mỗi dịp được ngồi ở một bàn tiệc đầy cao lương mỹ vị, tôi cứ ngậm ngùi xốn xang nhớ về một gia đình nông dân nghèo thưở xa xưa, đã “tan đàn rẽ nghé” từ lâu lắm. Giờ đây chúng ta đang bước vào thời đại công nghiệp hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, những con trâu, những nông cụ và các vật dụng “thời trâu cày” đã kết thúc vai trò lịch sử của nó. Còn ở cái làng cũ của tôi thì đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản từ 20 năm nay rồi. Đồng ruộng bây giờ ngổn ngang những bờ bao vuông tôm, vườn tược thì xác xơ vì nước mặn. Mỗi lần về thăm tôi cứ lần dò trong ký ức để tìm thăm cánh đồng ngày bé. Đâu rồi những bầy trâu, những mùa hạn đồng khô cỏ cháy ; đâu rồi những người thân yêu của một thưở hàn vi ? Tôi cảm giác như cái hồn quê ngày thêm phai nhạt. Âu đó cũng là một quy luật tât yếu của sự phát triển. Thế nhưng đứng trước cái gian hàng trưng bày thế này, đứng trước thềm năm Kỷ Sửu đến lòng những kẻ từng trải qua thời trâu cày cứ ngậm ngùi hoài nhớ. Quê hương nào rồi cũng có sứ mệnh cưu mang nuôi nấng những đứa con quê. Thế nhưng mỗi vùng, miền, mỗi thời đại quê hương có cách nuôi nấng khác nhau. Đối với cái quê hương thời tuổi trẻ của tôi nó đã cưu mang nuôi nấng chúng tôi bằng sự oằn lưng cực nhọc đến đau đớn giống như thân cò lặn lội đồng sâu. Thử hỏi làm sao mà không đáng kính trọng cho được. Ai cũng biết rằng chúng ta đi chinh phục, mở rộng vùng đất phương |
Cập nhật ( 19/07/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com