LIỄU ĐÀI THƯƠNG MẮT KIÊU SA * Những ngày này, nhiều mưa làm những hàng liễu xanh mơn mởn, từ những thân cành khẳng khiu bỗng nhiên mọc lên bao chồi lộc mới, và chẳng mấy chốc đã rủ rỉ quấn với muôn nhành lá cũ. Cả một vùng dường như tươi trẻ xinh đẹp vì màu xanh non của liễu, và dần đẹp thêm khi đồng loạt hàng liễu buông mành tỏa bóng bên các bờ hồ làm nơi chơi đùa êm ả cho bầy trẻ. Trong khu phố chỉ có một cái hồ nhỏ trồng gần chục gốc liễu, vậy mà mùa nào cũng xanh mát.
Đã có biết bao lời hay ý đẹp về liễu, nhiều thơ nhạc cho thấy vẻ đẹp rạng rỡ, yêu kiều và tác động của liễu đối với tâm hồn, chẳng hạn như bài hát Cây Liễu, nhạc Nga lời Việt: Vầng dương chiếu sáng muôn tia nắng vàng / Nhè nhẹ tỏa sáng bên hồ và hàng dương liễu mếm yếu này / Làm ta dịu hết nỗi buồn / Liễu thân yêu xanh, xanh dịu dàng / Đứng bên sông nghiêng nghiêng nhẹ nhàng / Nói đi em ta nghe, đừng dối nữa, người yêu ta ở nơi nào… Dân gian thường nói liễu yếu đào tơ hay phận liễu để chỉ những người con gái dung dị, chân quê, hoặc ví liễu với vẻ đẹp thiếu nữ mỏng manh hao gầy khiến nam nhi phải thương mến, chiều chuộng; chân mày lá liễu chỉ người đẹp có đôi lông mày thanh mảnh, cong mềm như những chiếc lá liễu; bẻ liễu chỉ cho sự nhẫn tâm chà đạp những người thấp kém yếu ớt hơn mình; chiết liễu chỉ sự xa xôi cách biệt, sự chia ly giữa kẻ ở người đi như cành liễu lìa khỏi gốc (ngoài ra cũng xuất phát từ việc ngày xưa khi chia tay, người ta thường bẻ một cành liễu trao tặng tỏ lòng lưu luyến)… Chuyện kể rằng, đời Đường có thi sĩ tên là Hàn Dũ và người vợ là Liễu Thị, vợ chồng ân ái chẳng mấy khi rời. Bỗng nhiên chiến loạn, người vợ bị xô đẩy nơi nào, ông buồn đau và viết nên khúc Liễu Chương đài tưởng nhớ vợ hiền: Ơi hỡi liễu chương đài / Ngày nao xanh tắm thiết / Cành lá rủ mặn nồng / Giờ còn không hả liễu / Hay tan tác bởi ai? Từ tích xưa, các thi sĩ thường mượn cây lá hoa liễu để nói về nỗi nhớ thương khắc khoải . Liễu đôi khi cũng được ví với những người đa sầu đa cảm, hay u buồn. Nhà thơ Ngược lại, có người xem liễu là hiển hiện của sự thư thái, bình yên nhờ màu xanh non tươi mát. Bích câu kỳ ngộ (khuyết danh) có câu: Xanh xanh rặng liễu bờ dâu / Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều… Nghe như ta đang bước vào chốn thiên thai. Trong bộ phim chưởng Thiên Long bát bộ của nhà văn Kim Dung, Đoàn Dự một chàng hoàng tử yêu cành liễu rủ bên sông đã thốt lên: Trường Giang từng đợt sóng cồn / Ngẩn ngơ bờ liễu lơ thơ mấy hàng / Đường về khuất nẻo thôn trang / Phất phơ hoa liễu tà tà ánh dương… Lại có chuyện, đời Tấn Đào Tiềm một nhà thơ kỳ tài song thích lánh đời, ông đà viết bài ký Ông già năm gốc liễu bày tỏ lòng mình: Cười tít ông già gốc liễu /Ở ẩn còn trồng bích đào. Từ đó liễu còn chỉ sự ẩn dật nhàn tản. Liễu cũng là biểu tượng của tình yêu. Trai gái thường thông qua liễu để làm quen hỏi nhau đã có người thương chưa. Chàng trai hỏi: Bấy lâu đông liễu tây đào / Gió mưa có ướt chút nào hay không? Cô gái đáp: Bấy lâu gió lập mưa vùi / Liễu xanh con mắt đào tươi má hồng. Nếu ưng thuận người ta sẽ trả lời như vậy nếu không ưa nhau thì sẽ trả lời: Cành đào lá liễu phất phơ / Lấy ai thì lấy, đợi chờ nhau chi… Trong bài thơ Hôn nhau một lần cuối, Liễu sống dai dẳng, còn tượng trưng cho sự trường ổn, an toại. Điều ấy có thể thấy qua bài thơ Gốc liễu ven sông của Việt Dương Nhân: Gốc liễu ven sông đứng lặng thinh / Nắng mưa chồng chất liễu càng xinh / Bao lần sương gió mình cong rũ / Mấy bận bão giông thân khó rung / Quân tử bước qua nghiêng ngắm lá / Tiểu nhân chờ đến với rung cành / Khá khen nhành liễu luôn dai dẻo / Vững bước chuyển xoay biết phận mình. Các nhà sinh vật do đó thích trồng liễu làm cảnh, và luôn ghép liễu đứng bên cây tùng cây bách. Dáng liễu yếu ớt, còn tùng thì hùng dũng, hai loại cây có vẻ không hợp nhau song khi đứng cạnh lại tạo nên vẻ đẹp hết sức tuyệt mỹ, như người con gái e ấp bên người con trai. Có thể nói không loài cây nào đẹp được cả trong nắng lẫn mưa như liễu. Nắng làm lá liễu xanh hơn lấp lóa như những sợi thủy tinh; mưa làm cho thân liễu mềm hơn nghiêng mình tha thướt. Hoa liễu cũng mỏng như lá tỏa hương Không thích sự ồn ào, liễu chỉ man mác bên hồ. Bên dòng nước trong veo, cây như người con gái xõa tóc đưa tay vén tóc tết thành những lọn những bím sam đầy. Khi không có gió cành liễu như một chấm than buồn lặng, khi có gió cành vút lên trời mây đánh những dấu phẩy dấu huyền. Liễu như một thi sĩ làm thơ, cây chọn mặt nước làm tờ giấy trắng, bầu trời làm nghiên mực và lá liễu làm những nét bút xanh. Nhiều người quan niệm, ngắm liễu đẹp thì phải ngắm dưới trăng. Trong khung cảnh yên ắng, hững hờ ta cảm thấy như nghe được những tiếng nhạc cất lên đâu đó từ cành lá, và ánh trăng mơn man ôm lấy hàng cây, ôm lấy kẻ tình si. Thi sĩ Ai đó thường nghĩ, liễu chỉ đẹp vào xuân, đến thu hay chớm đông gió lạnh lá vàng thân gốc trơ trọi thảm thương song thực tế liễu thu có khi còn đẹp hơn liễu xuân. Liễu ở Hồ Gươm luôn đi vào thơ ảnh mỗi độ thu về hay khi tiết trời lập đông, với những nhành lá gầy run run, nghiêng nghiêng điệu đàng và từng chiếc lá rơi nhẹ xuống mặt hồ. Những lúc ấy, đi dưới tán liễu cảm thấy tâm hồn xuyến xao. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã gói gọn vẻ đẹp ấy vào trong những ca từ: Mưa hoàng hôn, trên thành phố buồn gió heo mây vào hồn/ Thoảng hương tóc em ngày qua / Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà / Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa / Thương mầu áo ngà / thương mắt kiêu sa. Rồi nhà thơ Nguyễn Thạch Kiên trong bài thơ Nhớ về Nhà thơ Hoàng Phương Trang lại có cảm xúc cần Nhắn mùa thu trở lại: Sương mỏng mảnh Nhắn mùa thu trở lại / Sen hồ tàn, sóng chớm gợn heo mây / Lửa phượng tắt chạnh mềm lòng con gái / Tha thiết chiều rơi liễu vịn tay gầy… Rồi có ai đó thi hứng: Hà nội bây giờ còn đẹp hơn xưa / Hồ gươm vẫn còn tháp rùa in bóng / Cái nắng cuối hè gắt gao cháy bỏng / Liễu rủ ven hồ lóng lánh một dòng thương… Trong bài hát Hà Nội thu nhớ của Phạm Vinh, có lời: Đã nhiều lần đi ven những rặng liễu bên hồ Hoàng Kiếm, Trúc Bạch, Xã Đàn, Bảy Mẫu, Ba Mẫu… những lúc vui buồn ngắm liễu tâm hồn đều thanh thản, nhẹ nhỏm. Nhón tay hái đôi cành hoa ép trong khung kính để làm kỷ niệm, mầu hoa bền tươi thắm, mỗi lần xem lại đều thấy mình như đang đứng dưới mành liễu dịu dàng trong khung trời nên thơ. |
Cập nhật ( 17/04/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com