LỊCH SỬ CẢI LƯƠNG – VÀI NGHI VẤN CẦN LÀM RÕ * Nguyễn Ngọc Phan Mỹ Tho là nơi hình thành đầu tiên của loại hình sân khấu cải lương. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu về lịch sử phát triển của nó. Qua thời gian các tài liệu đã bị thất lạc đáng kể, trong khi còn nhiều điểm cần làm sáng tỏ, đồng thời phải chú ý đến việc sưu tầm ghi lại công trạng của lớp diễn viên, những nhạc công, những soạn giả… và kể cả những bài bản cải lương, nnằm khẳng định đây thật là cái nôi của nghệ thuật cải lương. 1. Đầu thế kỷ XX, nghệ thuật hát bội rơi vào khủng hoảng về tuồng tích, thiếu soạn giả, thầy tuồng (đạo diễn). Các gánh hát bội loay hoay với tuồng tích cũ đã không còn phù hợp với tâm tình khán giả. Nghệ thuật cải lương ra đời đáp ứng được các tiêu chí: văn chương gần gủi, dễ hiểu, nhạc điệu là những bản nhạc ca tài tử mang tính phổ thông. Nội dung tuồng hát gần với nếp sống và suy nghĩ của công chúng.
Cải lương phôi thai từ loại hình “ca ra bộ”. Người sáng lập ra là ông Nguyễn Tống Triều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hình thành lối các ra bộ là do Nguyễn Tống Triều ảnh hưởng từ ca kịch Pháp, nhất là từ sau chuyến xuất ngoại biểu diễn năm 1906. Tuy nhiên ảnh hưởng ca kịch Pháp không chỉ có Nguyễn Tống Triều. Năm 1917, Hồ Biểu Chánh đã soạn các tuồng Vì nghĩa quên nhà, Báo nghĩa và Thấy không, các tuồng nầy diễn ở Long Xuyên và sau đó đêm 11 Septembre 1917 diễn ở rạp chiếu bóng Eden. Thấy ăn khách, năm 1918, ông viết thêm Một tấm lòng thành và Phú nhi háo nghĩa. Các tuồng hát trên đây mang tính kịch, Hồ Biểu Chánh đặt là “hài kịch” (1). Tuy nhiên, ông không nói rõ các tuồng hát trên đây đã có đưa bài bản tài tử lên sân khấu hay chưa, hay chỉ là thoại kịch. Về tuồng “Pháp Việt nhứt gia” diễn đêm 16-11-1918 tại nhà hát lớn Sài Gòn. Nhiều người cho rằng đây là tuồng hát cải lương đầu tiên. Đây là vấn đề cũng cần phải xem lại. Theo Hồ Biểu Chánh đây là tuồng do Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều soạn theo điệu hát bội và giao lại cho nhóm của ông sắp đặt thành một lớp hài kịch đặc biệt (2). Tuy nhiên, theo ảnh chụp đêm hát đầu tiên thì thấy có đàn tranh, đàn kìm vốn không phải là loại nhạc cụ dành cho hát bội mà là nhạc cụ ca tài tử, không biết lúc nầy, cụ Hồ Biểu Chánh đã có cách tân hay chưa. Về bài bản, tuồng tích và nhất là diễn xuất những năm đầu tiên, theo mô tả của Vương Hồng Sển “Cô đào đứng cứng đơ một chỗ, khi ca, đưa hết tay nầy kế tay kia lên ngang ngực như có lò-xo thúc đẩy, bộ tịch thì cứng còng, hoặc cô ngồi không cục kịch nhúc nhích trên bộ ván tư (bốn tấm). Giá thử diễn lại bây giờ cho thanh niên xem họ sẽ cười cho mà ê mặt” (3). Phải trải qua một thời gian khá dài khoảng 20 năm sau, nghệ thuật biểu diễn cũng như ngôn ngữ bài bản cải lương mới dần dần hoàn chỉnh (nói cách khác là gần giống như hiện nay). Tuy nhiên, về nghệ thuật biểu diễn vẫn còn tình trạng pha hát bội ở một số tuồng hát. Năm 1941 có tuồng “Pháp Việt sơ giao” do ông Nguyễn Thành Điểm soạn, dựa theo tuồng L’Annam sour la Terruer” của ông Micgel Mỹ đặt ra, nhuận sắc là Hồ Văn Trung, Đặng Thúc Liêng và Trần Hữu Trang. Tuồng nầy ra mắt công chúng đêm 18 tháng Auot 1942, tại nhà hát Tây, sau đó lưu diễn các tỉnh. “Pháp Việt sơ giao” có sự góp mặt của các tài danh Năm Phỉ đóng vai công chúa Ngọc Truyền, Tám Mẹo đóng vai lão võ cứu chúa và vai Nguyễn Huệ, Tám Giỏi đóng vai giám mục Bá đa Lộc, Tư Long thủ vai Lê Phước Điển liều thân cứu chúa, Tám Qui đóng vai nịnh thần, Tư Tấn vai Nguyễn Ánh…Về mặt nghệ thuật biểu diễn, báo Phỏng sự, ngày 19, Aout 1942 bình luận: “Vở tuồng Pháp Việt sơ giao bảo nó hát theo lối cổ tức hát bội thì không đúng, vì thỉnh thoảng kịch sĩ cũng có ca kim tiền, xàng xê, bảo nó là tuồng hát cải lương cũng không đúng nữa vì bộ tịch của tất cả người ở trên sân khấu đều là bộ tịch hát bội. Còn cho nó là kịch thì sao lại có ca? Thế nên bảo nó dung hòa ba thứ trên mới đúng” 2. Thầy Năm Tú/Châu Văn Tú (tức Pière Tú) là người có công nhất trong việc phát triển cải lương, gánh hát của ông lập khoảng gần cuối năm 1922, trên cái xác của gánh xiếc Thầy Thận. Ông là người đầu tiên lập gánh hát với mục đích kinh doanh. Nhờ ông mà lần đầu tiên ở Mỹ Tho có nhà hát tương đối hiện đại, dành riêng cho cải lương. Sân khấu rộng và cao, có bố trí ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên có nhiều lớp cánh gà. Có hệ thống đèn điện phía trước, bên trên và hai bên sân khấu…có thể phục vụ theo yêu cầu của thầy tuồng. Rạp có hai tầng ghế ngồi. Tầng dưới có hàng trăm ghế đủ bốn hạng: thượng hạng, hạng nhất, nhì, ba. Trên lầu là sàn gỗ chắc chắn bố trí ba hạng ghế nhất nhì ba. Còn hai bên chia thành từng ngăn/loge và bốn ghế đẹp dành cho khách đặc biệt. Qua nhiều lần đổi chủ, tôn tạo, sửa sang, rạp Thầy Năm Tú đổi tên thành rạp Vĩnh Lợi, sau nầy đổi thành rạp Tiền Giang. Đây là di tích cuối cùng của lịch sử cải lương ở Mỹ Tho nên cần được lưu giữ. Ngoài việc xây rạp, lập đoàn hát, thầy Năm Tú còn nhập linh kiện ráp những máy hát hiệu Pathé phono. Ông làm đại lý thu dĩa các tuồng cải lương gánh hát của ông gửi sang Pháp cho hãng Pathé phono in ra dĩa đem về bán. Máy hát lúc bấy giờ là một cái hộp gỗ vuông, trên có dĩa quay, nhanh chậm là do tay quay dây thiều. Cái dĩa nầy dính liền với một loa phát hình hoa rau muống/loa kèn rất to. Đặc điểm máy hát thầy Năm Tú là mang nhãn hiệu con chó, nhưng dĩa hát thì hiệu con gà trống đỏ. Nhãn hiệu con chó thổi kèn là nhãn hiệu máy hát mà thầy Năm Tú nhập linh kiện về bán. Nhiều người trích dẫn sự lầm lẫn của cụ Vương Hồng Sển (trong 50 năm mê hát) cho là dĩa hát hiệu con chó. Xin nói rõ thêm, dĩa hát thầy Năm Tú có 2 loại: Loại thứ nhất ghi (chữ Hoa) “Thượng Hải bá đại công ty xướng tiếng”, hát bằng tiếng Tàu, bán cho người Tàu. Loại thứ hai dành cho thính giả Việt Nam, cũng hiệu con gà trống đỏ, nhãn dĩa ghi bên trái “Rút sang tiếng tại Sài Gòn”; bên phải ghi Ban hát cải lương của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, bên dưới tuồng hát, bài hát và người hát. Mỗi tuồng hát có nhiều dĩa, có dĩa chỉ chứa được 1 bài, do đó thường ghi bài hát lên dĩa, thuộc tuồng hát nào, thí dụ có dĩa ghi tuồng “Xử tội Bàng Quí Phí” ghi thêm bài hát là Vọng cổ hoài lang, do tài tử Nguyễn Văn Lang hát… Loại dĩa nầy có phụ chú thêm chữ “solo Annamite”. Riêng dĩa hiệu con chó thổi kèn là của hãng Victor nhập sau dĩa thầy Năm Tú. Nhờ có chiếc máy hát mà nhiều người bình dân thuộc vanh vách các điệu ca tứ đại oán, hành vân, xàng xê, dạ cổ hoài lang…rồi đào kép nào hát hay, thầy Năm Tú là ai…người người đều biết. 3. Về ngôn ngữ và bài bản, có thể nói đa số các tuồng hát cải lương bấy giờ còn sử dụng ngôn ngữ theo điệu hát bội, tiết tấu biền ngẫu: “Đến minh bạch đi cho minh bạch/ Trước giả từ sau cũng giả từ/Nhớ lời giao Tào Tháo phải ừ/ Y thơ hẹn đại ca sẽ gặp (tuồng Quá quan trảm lục tướng của Trần Phong Sắc – 1927). Điều đó cũng dể hiểu bởi đây là giai đoạn cải lương có quá nhiều tuồng tích lấy từ hát bội như Phụng Nghi Đình, Hoàng Phi Hổ đầu Châu, Tống tửu Đơn Hùng Tín, Xử bá đao Từ Hải Thọ, Thôi tử thí Tề quân, Bao Công tra án Quách Hòe, Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ, Mộc Quế Anh dâng cây…Mãi đến những năm 1936 – 1939, các tuồng xã hội ra đời như Đời Cô Lựu và Tô ánh Nguyệt của Trần Hữu Trang, Sân khấu về khuya của Nguyễn Thành Châu…thì ngôn ngữ hát bội bắt đầu nhạt dần, thay vào đó là nói lối giọng cải lương. Còn về mặt diễn xuất trong công chúng cũng còn một số người không ủng hộ. Đến năm 1939, cải lương vẫn còn người phản đối “Vậy mà hiếm người An Nam không hiểu nổi mỹ thuật An Nam, bỏ hát bội bày ra hát cải lương, sắm cô ba cô bảy hay con đòi đi chợ giống in. Cải lương là cãi ky tệ sự mà!” (4). Bài bản sử dụng trong các tuồng cải lương hầu hết là các bài ca tài tử, có một số bài ở lĩnh vực nhạc lễ, đồng thời cũng có tuồng mạnh dạn pha nhạc Tây như bản “ madelon” chẳng hạn. Tuồng xưa phổ biến gồm: Long Hổ hội, Tây thi, Cổ bản, Ngũ điểm mai, Mẫu tầm tử, Hành vân, Lưu thuỷ tẩu mã, Tam pháp nhập môn, Giang nam, Văn thiên tường, Cao san, Khổng Minh tọa lầu, Kim tiền (huế), Bài tạ, Lưu thuỷ đoản, Thu hồ, Bài hạ, Thủ bình bán, Bát man tấn cống, Xuân nữ, Bình bán… và chủ lực giai đoạn đầu là bài Tứ đại oán, sau là vọng cổ/dạ cổ hoài lang. Vọng cổ hoài lang lên sân khấu khi nào? Trong lịch sử, bài nầy do ông Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919, sau đó được ông Trịnh Thiên Tư mở từ nhịp 2 sang nhịp 4. Từ khi chuyển sang nhịp 4 thì bài Dạ cổ hoài lang đã chen chân vào các bài bản tuồng hát cải lương. Vào năm 1922 thầy tuồng (đạo diễn) Nguyễn Trọng Quyền và nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã đưa bài Dạ cổ hoài lang vào sân khấu cải lương với vở Tối độc phụ nhơn tâm của Nguyễn Công Bình, được khán giả hoan nghinh nhiệt liệt, từ đó trở thành bài bản chính của sân khấu cải lương. Có điều tên gọi của nó vẫn chưa có sự thống nhất. Theo Ban Văn hóa lịch sử Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu thì đến năm 1934, khi nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa (Năm Nghĩa) chuyển từ nhịp 4 lên nhịp 8 (trong bài Văng vẳng tiếng chuông chùa) thì ông Trịnh Thiên Tư thấy nó đi khá xa với bản gốc nên đề nghị đặt tên là Vọng cổ (5). Tuy nhiên, trước đó khá lâu, năm 1925 đã nhiều tuồng sử dụng bài Dạ cổ hoài lang với tên gọi là “Vọng cổ hoài lang”. Soạn giả Trần Phong Sắc là một trong những người soạn khá nhiều tuồng hát cải lương, như Tam tạng xuất thế (1925), Đắc Kỷ Nhập cung (1927), Khương Hậu thọ oan (1927), Hạng Võ biệt Ngu Cơ (1927), Quan Công thất thủ hạ bì (1929), Trảm Trịnh Ân…Tuồng Tam tạng xuất thế (Imp.J.Viết xb 1925) đã sử dụng bài Vọng cổ hoài lang với tỉ lệ khá cao 6 bài/ 60 bài ca. Cùng thời có soạn giả Ngô Vĩnh Khang cũng đã sử dụng rất nhiều bài và cũng ghi là Vọng cổ hoài lang. Thêm nữa, một số dĩa hát của Thầy Năm Tú lại ghi là Vọng cổ hòa lang… Tất nhiên nếu không có Dạ cổ hoài lang nhịp đôi thì không có sự cải tiến theo trình tự: nhịp 4, 8, 16, 32 rồi năm 1965 tăng lên 64 nhịp hoàn chỉnh như hiện nay. Nhưng vấn đề ở đây là tên gọi và thời điểm chính xác bài vọng cổ và tên gọi của nó qua các thời kỳ ở sân khấu cải lương. Sự ra đời của bất cứ một loại hình nghệ thuật nào cũng có yếu tố kế thừa và phát huy, đó là một quá trình trăn trở, chuyển hóa, đối với nghệ thuật cải lương quá trình nầy có thể ngắn, nhưng không thể ngắn hơn một thập niên được, để cho ra một tác phẩm có tính chất kinh điển. Do đó chúng ta cần phải hệ thống lại quá trình nầy và làm sáng tỏ những điểm chưa thật sự sáng tỏ mới thấy được công lao to tát của tiền nhân, đồng thời phải chú ý đến việc sưu tầm ghi lại công trạng của lớp diễn viên tài ba, những soạn giả nổi tiếng và những nhạc công lỗi lạc… Tài liệu tham khảo : 1. Bằng Giang. Văn học quốc ngữ ở 2. Vương Hồng Sển. Hồi ký 50 năm mê hát – 1968 – Phạm Quang Khai XB. 3. 4. Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền 5. Các bổn tuồng cải lương của Trần Phong Sắc. Bản chụp từ Thư viện Trung ương. Chú thích : (1) Biễu Chánh -Chấn chỉnh kịch trường- NKTB số ngày 15-avril 1942, tr.13 (2) Biễu Chánh. Chấn chỉnh kịch trường, Nam Kỳ Tuần báo số 31, ngày 14, Avril, 1942, tr.13. (3) Vương Hồng Sển – 50 năm mê hát. (4) Nguyễn Văn Giai. Việt (5) Trong bài tham luận Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa người khai mở kỷ nguyên vọng cổ ở Việt Nam- tham luận đọc tài Hội thảo Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ – NXB VHTT 2007. |
Cập nhật ( 18/01/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com