LỄ TƯỞNG NIỆM 705 NĂM PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN
* Tĩnh Toàn.
Sáng ngày 03/12, Vạn Thông Thiền tự thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Tham dự có Tượng tọa Thích Quảng Thới, Phó trưởng Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Bạc Liêu; Đại đức Thích Giác Tiếp, Ủy viên Kiểm soát BTS; Đại đức Thích Thiện Phúc, Trưởng BTS GHPGVN huyện Vĩnh Lợi; Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa, Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh; ĐĐ Thích Phước Châu, Trưởng BTS GHPGVN huyện Phước Long; Chư Tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, các huyện, thành phố, trụ trì các tự viện và hơn 300 Phật tử hiện diện. Lãnh đạo Chính quyền có các Ông Nguyễn Khuê, Ủy viên Ban Thưởng vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; đại diện Lãnh đạo các cơ quan ban ngành đoàn thể tỉnh, thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi và địa phương sở tại.
Sau phần nghi thức, ĐĐ trụ trì Thích Đạt Ma Tông Truyền đã tuyên đọc tiểu sử Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng thái hậu, sinh năm 1258, năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử. Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt thông nội điển và ngoại điển. Ngài thường mời các Thiền khách bàn giải về Tâm tông (thiền), tham học thiền với Thượng Sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Khi giặc Nguyên xâm lược nước ta, Ngài phải xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tắc. Nhờ tình đoàn kết quân dân, Ngài đã hai lần (1285, 1288) đuổi được quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn giang sơn xã tắc và mở rộng bờ cõi về phương nam. Dưới triều đại Ngài, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là: Hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than, hội nghị những bô lão ở Diên Hồng để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc. Năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, và chỉ dạy vua Anh Tông được sáu năm đến tháng mười năm Kỷ Hợi (1299) Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà lấy hiệu là Hương Vân Ðại Ðầu-đà. Sau đó Ngài lập chùa, cất tịnh xá để tiếp độ chúng Tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường và giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến và tiếp tục truyền bá Thiền tông. Đến niên hiệu Hưng Long thứ mười sáu (1308), Ngài viên tịch thọ năm mươi mốt tuổi. Pháp Loa theo lời di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng và lưu giữ xá lợi. Vua Anh Tông đem long giá rước xá lợi về tôn thờ nơi Ðức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu-đà, Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật.
Ngài là vị Hoàng đế anh minh và có tài thao lược, hết lòng vì nước vì dân. Với đạo pháp, Ngài là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử. Ngài cũng là nhà thơ, nhà văn với những tác phẩm bất hũ còn lưu truyền hậu thế. Nhờ vào tài năng và đức độ của Ngài nên nước Việt Nam trong triều đại nhà Trần là một quốc gia hùng cường, thịnh trị và phát triển toàn diện với những trang sử oai hùng, là niềm tự hào của dân tộc. Là vị Hoàng đế duy nhất trên thế giới từ bỏ ngai vàng xuất gia đầu Phật với những cống hiến to lớn cho Đạo pháp-Dân tộc, hậu thế đã tôn vinh ngài là Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tại buổi lễ, cư sĩ Quảng Thiệt, Trưởng Ban Văn hóa BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu đã phát biểu Phật giáo đời Trần là đỉnh cao hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam. Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị vua với những tấm gương chiến công lừng lẫy trong lịch sử dựng nước và giữ nước mà còn là sơ Tổ dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền đặc trưng của Việt Nam đã làm rạng danh non sông Đại Việt. “Cư Trần Lạc Đạo” của Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là một triết lý sống kết hợp đạo với đời, thổi thêm sức sống cho Phật giáo trong tinh thần nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc để xây dựng một cảnh giới an lạc giữa nhân gian. Ông có đề xuất nên tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn hàng năm tại các thiền tự trong tỉnh.
Thượng tọa Thích Quảng Thới ban đạo từ cho buổi lễ, Ngài tán thán công đức của Chư Tôn đức đã quan tâm tổ chức buổi Lễ Tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông được trang nghiêm và trọng thể. Đây là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa lớn. Nhớ ơn Phật hoàng, Ngài đã sách tấn Chư Tăng ni các tự viện trong tỉnh hãy nỗ lực tinh tấn tu học, đem đạo vào đời, ra sức cống hiến cho Phật pháp ngày càng hưng thịnh và đóng góp xây dựng quê hương Bạc Liêu giàu đẹp.
|
Cập nhật ( 07/12/2013 ) |