LỄ NHẬP HẠ CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER BẠC LIÊU * Thạch Đờ Ni Ở Việt Nam có khoảng 500 chùa Nam tông Khmer với số lượng chư Tăng khoảng 15.000 vị. Riêng tỉnh Bạc Liêu có 22 chùa, với hơn 300 Chư tăng. Chư Tăng Phật giáo Nam Tông Khmer ở Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng cũng như chư Tăng ở các nước Phật Giáo theo truyền thống Theravàda trên thế giới như: Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đều tổ chức lễ Nhập Hạ. Đồng bào dân tộc Khmer phần đông đều đi theo phật giáo nên có rất nhiều lễ hội có nguồn gốc từ Phật Giáo trong đó có lễ Nhập Hạ.
Từ Vassa xuất phát từ tiếng Pali. Vassa nghĩa là mưa, mùa mưa. Từ 16 tháng 6 đến 15 tháng 9 âm lịch hàng năm là thời gian nhập hạ. Đức Phật cho phép cho các vị chư Tăng nhập hạ 3 tháng, Chư Tăng sẽ tập trung thời gian này cho việc hành đạo, nhất là tu tập Thiền định, thực hành Bát Chánh Ðạo, con đường giải thoát. Ðến thời kỳ an cư mà Tỳ kheo cố ý không nhập hạ thì phạm tội Tác ác (dukkata). Những Tỳ kheo không nhập hạ hoặc nhập hạ bị đứt có nghĩa là không tròn 3 tháng thì không được hưởng quả báu Kathina. Truyện rằng: Lúc Thế Tôn trú tại thành Vương Xá, tịnh xá Trúc Lâm, bấy giờ việc an cư mùa mưa chưa được Thế Tôn quy định cho các Tỷ kheo. Có một số Tỷ kheo du hành trong mùa mưa, dân chúng phàn nàn, chê bai rằng: "Các sa môn Thích tử du hành trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hàng năm vẫn có ba tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn Thích tử thì lại du hành trong mùa mưa. Các vị ấy đang giẫm đạp lên cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống các loài côn trùng". Các Tỷ kheo khác nghe được những lời chê bai ấy đem trình lên Thế Tôn. Nhân sự việc này, Phật dạy: "Này các Tỷ kheo, phải an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm an cư. Thời điểm từ ngày 16 tháng 6 đến hết ngày 16 tháng 9 trong mùa mưa hàng năm. Này các Tỳ kheo, trong ba tháng mùa an cư không nên du hành. Vị nào đi ra ngoài (nếu không có lý do chính đáng) thì phạm Dukkata (Phá an cư)". Theo đại đức Danh Dần, trụ trì chùa Hòa Bình Mới, ấp Thị Trấn B, TT. Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu: Lễ Nhập Hạ, tiếng Khmer gọi là Bôny Chôl Pres Vassa, có nguồn gốc từ Phật Giáo. Nên các vị chư Tăng phải nhập hạ theo lời dạy của Đức Phật trong vòng 3 tháng trong mùa mưa và phải nhập hạ đàng hoàn đừng cho đứt hạ. Về phía phật tử, thiện nam tính nữ cũng cùng chung tổ chức nhập hạ, đặc biệt phải chuẩn bị vải tắm dành cho các vị chư Tăng sử dụng trong mùa mưa và đồ dùng khác như dầu hỏa, đèn cầy, nhang và thuốc cùng với những tứ vật dụng khác theo khả năng của mình, để phục vụ cho việc tu học của các vị sư trong vòng 3 tháng An Cư Kiết Hạ. Lễ nhập Hạ được tổ chức vào chiều ngày 14, sáng ngày 15 và chiều ngày 16 tháng 6 hàng năm theo Khmer lịch. Lễ Nhập Hạ được tổ chức tuần tự như sau: Chiều ngày 14 tháng 6, Phật tử nào phát tâm trong sạch muốn dâng đèn cầy hạ vào chùa thì tập hợp gia quyến và chuẩn bị các vật dụng để dâng vào chùa như: cây đèn cầy hạ, y cà sa, vải tắm, gạo, sách vở, bút mực, mía, dừa và một số vật dụng khác để phục vụ việc tu học cho các vị sư trong 3 tháng hạ. Sau đó, gia quyến cùng nhau diễu hành đưa các tứ vật dụng đó vào chùa. Chiều cùng ngày, các vị chư tăng trong chùa tổ chức làm lễ cầu an chúc phúc cho phật tử tham gia vào buổi lễ. Đèn cầy là vật chính và không thể thiếu trong lễ nhập hạ, vì đèn cầy tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ của nhân loại, từ đó phật tử thường cúng vào chùa những đèn cầy lớn để các vị sư thắp làm sao cho đủ 3 tháng hạ. Còn tứ vật dụng còn lại đều mang một ý nghĩa riêng, theo những ước mong của mọi người và những người phật tử phát tâm trong sạch cúng tứ vật dụng vào chùa để phục vụ việc an cư kiết hạ của các chư tăng cũng có những ước mơ cho riêng mình. Sáng ngày 15 tháng 6 nghĩa là ngày rằm tháng 6 âm lịch, phật tử gần xa đến chùa đông đúc từ rất sớm để thọ trì Bát Giới và Ngụ Giới cũng như cơm nước để dâng đến các vị Chư Tăng. Sau khi thọ giới xong, phật tử dâng vật thực đến chúng tăng, chư tăng tụng một thời kinh hồi hướng quả phúc đến phật tử và chúng sinh, sau đó thọ thực. Trong lúc này thì phật tử làm lễ quy y Tam Bảo cầu mong quốc thới dân an, mùa màng tươi tốt, làm ăn được thuận buồm xuôi gió, tai qua nạn khỏi… Khi chư tăng thọ thực xong, phật tử quay quần bên nhau dùng cơm thân mật tại ngôi giảng đường trong chùa thể hiện tính đoàn kết cộng đồng rất cao của dân tộc Khmer. Kế tiếp là thời khắc quan trọng nhất, phật tử lại cùng nhau đem tứ vật dụng và đèn cầy Vassa sắp xếp thành đoàn diễu hành 3 vòng ngôi Chanh Điện và đem vào Chánh Điện dâng đến các vị sư. Đến đây việc bố thí tứ vật dụng để phụ giúp cho các vị sư nhập hạ 3 tháng xem như hoàn thành mỹ mãn, họ ra về với tâm trạng thoải mái vui vẻ, vì họ tin rằng sẽ hưởng quả phúc trong tương lai. Chiều ngày 16 tháng 6 âm lịch, đây là nghi thức nhập hạ của các vị chư tăng. 5 giờ chiều, các chư tăng mặc y cà sa chỉnh tề và cùng nhau lên ngôi Chánh Điện làm lễ quy y Tam Bảo và phát nguyện nhập ha. Chư tăng nhập hạ phải phát nguyện từng vị hoặc phát nguyện chung cùng một lúc. Sau khi đã phát nguyện an cư mùa mưa, các Chư tăng phải nhập hạ tại nơi phát nguyện trong 3 tháng không được rời khỏi. Trong trường hợp đặc biệt như cha mẹ, thầy bị đau ốm hay viên tịch, hoặc có tang sự quan trọng, hoặc có Phật sự cần thiết, thì Chư tăng nhập hạ phải xin nguyện tạm thời rời trú xứ an cư nhưng không được quá 7 ngày. Chư tăng Phật Giáo Nam Tông Khmer đến ngày an cư mùa mưa đều phải phát nguyện nhập hạ, dù ở nơi đó phật tử có tổ chức lễ Nhập Hạ hay không. Thậm chí chỉ có một mình, vị sư ấy cũng phải phát nguyện nhập hạ đúng phép. Trú xứ an cư là vùng đất an lành sẽ giúp cho Chư tăng thở được mùi thơm của cơn gió Giới-Ðịnh-Tuệ. Tu tập tích cực trong mùa An cư, Chư tăng sẽ dần dần vén được bức màn vô minh ái dục, những cây chánh niệm của rừng xanh, tâm linh sẽ đâm chồi nẩy lộc, những dòng suối trí tuệ sẽ tung tăng nhảy múa, trái tim từ bi sẽ từng nhịp thở thật thà. Nhờ có sự an cư kiết hạ mà Chư tăng mới làm cho Phật pháp được sống còn, vì có an cư kiết hạ mà Giới, Ðịnh, Tuệ mới có điều kiện phát huy. Nơi nào còn Giới, Ðịnh, Tuệ, nơi đó mới còn Phật pháp. Về ý nghĩa an cư, qua phần duyên khởi, trước hết an cư là một truyền thống chung cho mọi Sa môn. Do vậy, ngoài việc tôn trọng truyền thống, hạn chế sự giẫm đạp côn trùng, an cư mùa mưa là thời gian thích hợp nhất để nỗ lực tu tập thiền định, phát triển tâm linh và chứng đạt các Thánh quả. Mặt khác, an cư còn mang ý nghĩa quan trọng về xây dựng đời sống hoà hợp trong Tăng đoàn, đồng thời cũng là dịp để phật tử gần gũi, nương tựa chư Tăng học tập giáo pháp và tu tạo phước điền cho chúng sinh./. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com