14/09/2011
LỄ HÚY KỴ LẦN THỨ LẦN THỨ 64 SƯ NGUYỆT CHIẾU
* Tĩnh Toàn
Sáng ngày 13-9, chùa Vĩnh Đức phường 1, thành phố Bạc Liêu đã tổ chức Lễ giỗ sư cụ Nguyệt Chiếu. Tham dự có Đại đức Thích Quảng Thới, Phó Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu; Đại đức Thích Thiện Phúc, Chánh thư ký Ban trị sự; Cư sĩ Quảng Thiệt, Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng và một số các thành viên trong Ban trị sự Tỉnh hội. Về phía chính quyền có các Ông Quản Trọng Ninh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; Ông Nguyễn Hiền Lương, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh; Ông Trần Chí Thành, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Ông Dương Minh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Ông Bùi Đắc Công, nguyên Đại tá Công an tỉnh và một số các vị đại diện cho lãnh đạo các ban ngành cùng phóng viên báo đài.
Trong phần nghi thức, các vị đã tiến hành dâng hương tưởng niệm Sư Nguyệt Chiếu, người đã có công lớn với những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ở tỉnh Bạc Liêu. Nhân lễ giỗ Sư cụ Nguyệt Chiếu, các vị đã ôn lại một số những cống hiến quan trọng của Cụ trong cuộc đời hành đạo và phát triển văn hóa nghệ thuật tại tỉnh nhà. Vào tháng 9 năm 2007, cố Hòa thượng Thích Huệ Hà đã chỉ đạo cho Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “ Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ”; hội thảo đã qui tụ trên 40 nhà khoa học trong và ngoài nước có Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Tiến sĩ Trần Hồng Liên, Tiến sĩ Thích Phước Chí, Tiến sĩ Thích Huệ Khai, Tiến sĩ Thích Phước Đạt, Tiến sĩ Trần Diễm Thúy, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, Quảng Thiệt, một số những nhân vật tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, có sự hiện diện của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch, Viện Bảo tàng, Hội Văn học nghệ thuật, các ban ngành đoàn thể,Dân vận Mặt trận, các cơ quan truyền thông đại chúng.
Thuở thiếu thời, Ngài Nguyệt Chiếu đã tham gia kháng chiến chống Pháp, đến năm 20 tuổi(1902) xuất gia và được sư phụ đặt cho pháp danh là Đạt Bảo, sau đó có thêm pháp tự là Nguyệt Chiếu, sư phụ Ngài rất giỏi về nhạc lễ nên với tư chất thông minh và có một số căn bản nên Ngài đã hấp thụ trọn vẹn sở học của thầy. Khi thầy viên tịch, Ngài đến Bạc Liêu và ở chùa Vĩnh Phước An ( hiện nay thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu); tại đây Ngài đã gặp Nhạc Khị và hai người đã thực hiện rất nhiều công trình canh tân, sáng tác, tu chỉnh cổ nhạc mở đầu cho phong trào cổ nhạc Bạc Liêu và khôi phục nghi lễ cổ truyền. Nhạc Khị là người đầu tiên khởi động phong trào canh tân và hiệu đính cổ nhạc thì Sư Nguyệt Chiếu là cộng sự viên đắc lực cho Nhạc Khị, chính Ngài đã ra công sưu tầm, tập họp và hiệu đính 7 bản Bắc Lớn và nhạc lễ cổ truyền, các bản nầy được Nhạc Khị nhuận sắc và áp dụng để giảng dạy. Một thời gian sau Ngài được Hòa thượng Xuân Phong mời về chùa Vĩnh Đức ( tọa lạc phường 1, thành phố Bạc Liêu), tại đây Sư đã thu nhận và đào tạo nhiều học trò cả tăng lẫn tục với những tài năng và đã trở thành soạn giả, diễn viên sân khấu cải lương; riêng Ông Năm Nghĩa là người đã phát huy sư nghiệp của Sư, biến đổi giai điệu Dạ cổ hoài lang thành giai điệu vọng cổ qua bài Văng vẵng tiếng chuông chùa, người học trò xuất sắc của Sư mở ra kỷ nguyên vọng cổ và là người có công đầu trong việc tạo dựng bản nhạc nòng cốt của cải lương. Chính Sư là người đặt tên cho bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn và cũng chính Sư đã đào tạo đội nhạc công cho chùa An Thạnh Linh ở Hòa Bình vào năm 1925. Sư cũng là một nghệ nhân kỳ tài chế tạo nhiều loại nhạc cụ độc đáo chỉ bằng dụng cụ thô sơ theo phương pháp thủ công. Hội thảo nói trên đã thành công lớn, có hơn 20 tờ báo trong và ngoài nước đưa tin cùng đăng tải nhiều bài viết có giá trị của các nhà nghiên cứu khoa học trong một thời gian dài; theo họa sĩ Trịnh Thiên Tài thì đây là một tái hiện lịch sử vô cùng sinh động; Ông Trần văn Hạnh, Giám đốc Viện Bảo tàng Bạc Liêu đánh giá rằng Sư Nguyệt Chiếu là cây đại thụ của nền nhạc lễ cổ truyền; Soạn giả Thanh Quang tôn vinh một nhà sư, nhà văn hóa nghệ thuật tuyệt vời; Tiến sĩ Trần Diễm Thúy nêu quan điểm cần tôn vinh xứng tầm với những đóng góp to lớn của Sư cho nền nhạc lễ cổ truyền Nam bộ; nhạc sĩ Thanh Tâm thì cho rằng hội thảo nầy như luồng gió mới cho ta thấy rõ công lao đóng góp to lớn vô vàn của Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp hình thành và phát triển của nghệ thuật vọng cổ và sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra còn rất nhiều bài viết của Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Tiến sĩ nghệ sĩ Bạch Tuyết và các nhà nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các báo. Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu cũng đã cho xuất bản tập sách viết về Sư Nguyệt Chiếu được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.
Nhân Lễ giỗ Sư Nguyệt Chiếu, những người hiện diện hôm nay đã tán đồng quan điểm là tiếp tục kế thừa và phát huy sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của tiền nhân, góp phần đưa phong trào đờn ca tài tử của Bạc Liêu ngày càng khởi sắc, nhạc lễ cổ truyền cũng phải được hệ thống và phát triển ngang tầm thời đại để tạo điều kiện quãng bá nét đặc thù của Bạc Liêu, dấu ấn văn hóa đặc sắc ấy là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu, vùng đất hào sảng đã dâng tặng cho đời nhiều nhân tài hào kiệt.
Cập nhật ( 14/09/2011 )