LỄ HỘI TIÊU BIỂU CỦA PHẬT GIÁO KHMER * Huỳnh Thanh Song Mỗi một dân tộc có một cội nguồn lịch sử, một hoàn cảnh địa lý, khí hậu, một ngôn ngữ riêng và một hệ thống phong tục, tập quán tương ứng. Chính hệ thống phong tục, tập quán ấy là nền tảng cho bản sắc dân tộc. Nói cách khác, hệ thống phong tục, tập quán; những biểu thị căn bản của truyền thống là hạt nhân của một nền văn hóa. Ở mỗi nước, mỗi dân tộc sống trong cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung một quốc gia, đều có phong tục tập quán và lễ hội mang bản sắc riêng. Do mối quan hệ tổng hòa của xã hội, trong quá trình chung sống sẽ có các hiện tượng giao lưu và nảy sinh những phong tục tập quán mới mang tính sáng tạo thể hiện sự giao thoa giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau. Song song với phong tục tập quán đó, còn có các trường hợp thông qua sinh hoạt tôn giáo, một số lễ hội của tôn giáo cũng được dân tộc hóa hoặc các lễ hội của dân tộc lại có phần gắn kết các yếu tố tôn giáo vào. Có thể nói hiện tượng giao lưu trong phong tục tập quán và lễ hội của các dân tộc; sự gắn kết giữa lễ hội các dân tộc, tín ngưỡng dân gian và các nghi lễ tôn giáo vốn là một thực tế thường diễn ra ở quốc gia có nhiều dân tộc với các mức độ khác nhau. Lễ hội dân tộc của đồng bào Khmer Nam bộ ta cũng thấy các đặc điểm như trình bày ở trên. Ở dân tộc Khmer, hầu hết các lễ hội và phong tục tập quán thường gắn kết với nhau. Điều đó, được thể hiện ngay trong thuật ngữ sử dụng để gọi tên các lễ và nghi thức tiến hành lễ. Trong từng lễ (bund) có nhiều nghi thức (pithi), trong từng nghi thức cụ thể lại có sự đan xen giữa các yếu tố tôn giáo với tín ngưỡng dân gian, các trò chơi thể thao, các kiểu biểu diễn mang tính văn nghệ và phong tục tập quán của dân tộc. Mặc khác các loại lễ (bund) đồng bào lại gọi là (pithi); như trường hợp lễ tang và lễ cưới. Lễ tang thường tổ chức tại gia đình hoặc ở chùa (tang của các vị sư) và lễ cưới tuy tổ chức tại gia đình, ít mang yếu tố hội nhưng do điều kiện sinh hoạt của đồng bào Khmer thường mang tính cộng đồng nên hai lễ này cũng có đông người đến dự và có một số sinh hoạt như ngày hội. tất nhiên trong lễ cưới, khách chính vẫn là khách được mời nhưng trong lúc tiến hành các nghi thức lễ người ta cũng đến dự đông vui thậm chí tổ chức múa hát như một ngày hội nhỏ. Trong một số lễ tang, nhất là lễ tang của các vị sư trụ trì, đồng bào bổn đạo đến dự đông đảo và trong lễ đó, vẫn có các sinh hoạt mang tính chất hội. Vì vậy lễ tang cũng được giới thiệu như là lễ hội chung. Các lễ hội dân tộc của đồng bào Khmer thường gắn với sinh hoạt hàng ngày, với tín ngưỡng dân gian, với nghi thức của bà la môn giáo và của phật giáo tiểu thừa. Phần lớn nghi thức lễ của tôn giáo trong các lễ hội cũng lại được dân tộc hóa. Dù là lễ của dân tộc hay lễ của tôn giáo, dù tổ chức ở nhà, ở phum, sróc hay ở chùa, các lễ đó cũng đều thể hiện sắc thái dân tộc, có yếu tố của tín ngưỡng dân gian và các yếu tố của tôn giao. Do vậy, khi đến vùng đồng bào Khmer, chúng ta sẽ gặp những trường hợp đồng bào không phân biệt được hoặc không muốn phân biệt phong tục tập quán với lễ hội và cũng không phân biệt đâu là lễ hội của phật giáo, đâu là lễ hội của dân tộc. Các yếu tố lễ và hội quyện chặt vào nhau. Bên cạnh đó việc giới thiệu lễ hội phật giáo Khmer giúp người đọc thấy được sự phong phú của từng lễ hội và khẳng định từng lễ hội đều gắn với cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội. Các lễ hội đó còn gắn liền với đạo đức, lối sống và ước nguyện của con người trong cuộc sống thực tại. Đồng bào làm lễ hội mong sao cho quan hệ của con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên ngày càng tốt thêm. Đồng bào mong cho sản xuất phát triển không ngừng, cuộc sống ngày càng sung túc. Thông qua các lễ hội nhằm góp phần giáo dục cho con người hướng thiện, hiếu thảo trong gia đình, đoàn kết trong phum, Sróc và trong xã hội, vui vẽ trong cuộc sống; Từ đó góp phần giáo dục cho đồng bào và sư sãi Khmer có nhận thức đúng đắn trong việc giữ gìn, bảo tồn những truyền thống văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với nhận thức khoa học của thời đại, để mạnh dạn xóa bỏ những nghi thức lạc hậu, tốn kém, hình thức . . . Khi trình độ nhận thức của mọi người về Phật giáo phát triển đến đỉnh cao, tuyệt nhiên không chấp nhận tất cả quan niệm thần linh, đồng thời lên án những tín ngưỡng vu vơ, bài trừ những tư tưởng không xác thật. Khoa học đã mở ra con đường thích ứng với thời đại, khẳng định giá trị thực tiễn của nhân sinh quan.Nếu thế giới công nhận những thành tựu của khoa học, tức là họ đã đi vào quỹ dạo của phật giáo, bởi vì phật giáo không phải là tôn giáo thuần tín ngưỡng mà là tôn giáo của lí trí.cho nên nghiên cứu phật giáo trên lập trường khoa học, có thể soi sáng cho nhân loại trên hành trình tìm chân lí. Đại sư Thái Hư từng nói: “Khoa học càng phát triển, tức là hiển bày ý nghĩa chân thật của phật giáo”; Phật giáo chẳng những không phủ nhận tiến bộ của khoa học mà còn thừa nhận tính hợp lý của nó. Nếu theo cái nhìn của khoa học để lý giải diệu nghĩa của phật giáo, cũng có thể thấy rõ sư mê muội của nhân loại trước đó. Nhưng chỉ th?a mãn về tri thức và dục vọng, lại thiếu vắng đạo đức, như thế khoa học không thể đem lại hạnh phúc cho con người mà chỉ mang đến những điều tang tóc và nguy hại, thậm chí còn tiêu diệt cả nhân loại. Cho nên bồi dưỡng đạo đức vẫn là không thể khiếm khuyết trong cuộc sống; Bởi vậy đề tài phật giáo luôn là một đề tài “nóng”, gây nhiều “tranh cãi” của nhân loại. Khi đó tìm hiểu về lễ hội của phật giáo và ảnh hưởng của nó tới đời sống dân tộc hiện nay là một trong những vấn đề đáng được quan tâm; Những năm gần đây, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước, nhiều sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống được phục hồi và phát triển nhộn nhịp; một số lễ hội hiện đại ra đời và cũng được nâng cao, hoàn thiện dần, một số lễ hội vốn có quy mô nhỏ từ một xóm, làng nay đã phát triển thành những lễ hội tiểu vùng, lễ hội vùng, thu hút đông đảo người tham gia, không chỉ là cư dân tại chỗ mà còn còn có những ngoài địa phương, du khách quốc tế . . . Sự phát triển của lễ hội thúc đẩy nhu cầu nhiệm vụ nghiên cứu lễ hội. Có thể nói, lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được hình thành sớm và tồn tại lâu bền trong lịch sử loài người. Trong quá khứ hiện tại và tương lai, Lễ hội đã, đang và sẽ hiện trong đời sống của mọi quốc gia, mọi dân tộc. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay lễ hội truyền thống có vị trí quan trọng trong việc bảo tồn phong tục và những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người lao động, nhất là ở nông thôn; Lễ hội vốn có từ lâu đời và phổ biến trong hầu hết các cộng đồng người. Những hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú diễn ra trong lễ hội có tác dụng sâu sắc đến đời sống tâm linh, tư tưởng tình cảm, tính cách của con người ở mỗi vùng đất qua nhiều thế hệ; Xét về cội nguồn, lễ hội khởi phát từ những lễ nghi. Xét về quá trình lúc đầu lễ hội mang tính chất hội mùa, chứa đựng nhiều lễ nghi nông nghiệp hướng tới những nhiên thần, rồi theo dòng chạy của lịch sử, lễ hội ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung lịch sử, xã hội, văn hóa . . . Trên cơ đó bài tham luận này chỉ trình bày xoay quanh lễ hội phật giáo Khmer, nhằm giúp người đọc nhìn một cách khái quát về lễ hội truyền thống. Các lễ hội đó, vốn đã xuất hiện từ lâu đời và cho đến nay vẫn tiếp tục duy trì tổ chức với quy mô và tính chất khác nhau (trong khuôn khổ quy định của pháp luật) trong. Về đại thể, các nghi thức lễ đó đã được gắn kết với phong tục tập quán của đồng bào Khmer; II. Các lễ hội tiêu biểu: Đối với dân tộc Khmer lễ hội được hình thành từ lâu đời trong dân gian và được bảo tồn và lưu truyền đến ngày nay. Cụ thể lễ hội có 2 dạng sau 1. Lễ hội dân gian truyền thống: 1.1. Lễ vào năm mới (Chôl-Chnăm-Thmây): Là lễ lớn nhất của đồng bào Khmer hay còn gọi là lễ chịu tuổi. Nó giống như tết Nguyên đán của người Việt; 1.2. Lễ cúng ông bà (Sen Đôl-Ta): Là lễ lớn thứ hai, nó giống như tết Đan ngọ (mùng 5 tháng 5 âl) của người hoa; 1.3. Cúng trăng (Som-Pes-Pres-Khe hay Ok-Om-Bok): Là lễ hội lớn thứ ba trong năm, trong đó lễ cúng trăng được tổ chức khắp các địa phương; Ngoài ra còn có nhiều lễ hội khác như: Cầu an, lễ dâng bông, lễ cưới, lễ tang . . . 2. Lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo: 2.1. Lễ Phật đản (Bund Visaka Bochesa): hay còn gọi là Lê Tam hợp (Phật sinh; Giác ngộ và Niết bàn); Lễ Phật đản là lễ trọng của đạo Phật ra hằng năm vào ngày Rằm tháng 4 (ÂL) theo truyền thống Phật giáo để kỷ niệm ngày xuất thế và tưởng nhớ Đức Thế Tôn – người khai sáng đạo Phật. Đức Phật có tên thật là Tất Đạt Đa, là thái tử con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, thuộc bộ tộc Thích Ca, nước Ấn Độ cổ đại. Đại lễ Phật đản được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay, trước kia một số nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản . . . đều làm lễ Phật đản vào ngày 8 tháng 4 âm lịch nhưng đến năm 1950 tại Hội nghị Phật giáo thế giới tại Sri-lan-ca đã quyết nghị lấy ngày trăng tròn đầu mùa hạ (ngày 15 tháng 4 âm lịch) làm ngày kỷ niệm Phật đản chính thức. Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là một ngày lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn ở tầm mức quốc tế của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Quá trình hình thành của ngày đại lễ nầy như sau: Ngày 15-12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỷ niệm ba ngày đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết-bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch). Ngày nầy được gọi là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và được xem như ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hiệp Quốc. Lễ hội sẽ được tổ chức tại trụ sở trung ương Liên Hiệp Quốc (thành phố New York, Hoa Kỳ) và các trung tâm Liên Hiệp Quốc ở các khu vực trên khắp thế giới từ năm 2000 trở đi; Lễ Phật đản được tổ chức ngày rằm tháng 4 âl hàng năm; Cả ngày 15 phật tử đi chùa dâng cơm cho các sư sãi và làm lễ tụng kinh mừng ngày Phật đản, suốt đem ấy, đồng bào ở lại chùa cùng sư sãi để nghe đọc kinh và nghe thuyết pháp về cuộc đời đức phật từ lúc tại thế cho đến khi nhập niết bàn, thời gian kéo dài cho đến sáng. Sau khi đồng bào dâng cơm cho lần nữa, đồng bào mới ra về và lễ xem như chấm dứt; Hiện nay, lễ này có chút thay đổi, vào buổi tối nó không kéo dài tới sáng mà chỉ trong vài giờ, dành thời gian biểu diễn văn nghệ và các trò chơi khác phục vụ đồng bào và thu hút tín đồ; Lễ này được tổ chức hằng năm nhằm nhắc nhở với tín đồ về ngày Phật ra đời, giác ngộ và niết bàn về những đóng góp của Đức phật của đức phật ra đời sống đồng bào. Từ đó tín đồ càng tôn kính Đức phật, tích cực làm điều thiện để có được cuộc sống yên vui, hạnh phúc ở kiếp sau. 2.2. Lễ Nhập hạ – Bund Chôl Vessa; Đây là lễ dành riêng cho chư tăng nhằm tập trung các tùy khưu và sa di tại chùa trong suốt 3 tháng mùa hạ (ba tháng mưa) từ ngày 15 tháng 6 đến 15 tháng 9 âm lịch hàng năm; Theo tiếng Phạn thì “Bund chôl Vessa” là lễ vào mùa mưa” nhưng người Khmer gọi là “Chôl vessa”. Vì mưa nảy sinh trong mùa hạ; Lễ này được tổ chức là do vào mùa mưa, đồng bào Khmer bắt đầu vào mùa gieo trồng làm ruộng, nên các sư sãi phải tập trung trong chùa suốt 03 tháng đó để khỏi bận rộn dân chúng, ảnh hưởng đến sản xuất của đồng bào, vì nếu để các vị sư rời chùa hay về gia đình trong thời gian này thì, trước hết, sẽ làm bờ ruộng, bờ đập ngăn nước bị vỡ vì sự đi lại đó; Ngoài ra, dân chúng thì còn phải mất thì giờ đón tiếp, dâng cơm. Do đó, các nhà sư phải ở trong chùa trong suốt ba tháng để khỏi làm phiền dân chúng và để dân chúng chuyên tâm chăm lo lao động sản xuất. Thời gian còn lại trong năm, sư sãi có thể đi lại tùy ý; Bund Chôl Vessa bắt nguồn từ sự tích nàng Visakha – một phụ nữ lý tưởng của đồng bào Khmer. Nàng là người đứng ra xây chùa Chếttapon ở nước Savathei. Nàng thấy trong luật đạo chưa có điều nào quy định tập trung các vị sư trong chùa, nhất là trong mùa mưa làm ruộng, nương rẫy, các vị sư cứ đi lại ảnh hưởng tới sản xuất của dân chúng, nên nàng mới đặt ra Bund Chôl Vessa để giữ các sư sãi trong chùa suốt 03 tháng hạ. Nàng tự cấp cho các vị sư đầy đủ các vật dụng như: Khăn mặt, đèn cầy, đồ ăn . . . đủ dùng thời gian này để các vị sư khỏi ra xin bố thí của dân; Trong thời gian này, các vị sư chủ yếu sinh hoạt tại chùa. Chỉ khi nào nhà dân có đám lễ, đám phước, khi đó phật tứ đến chùa thỉnh các vị sư đến tụng kinh thì các vị sư mới được rời chùa, nhưng thường phải về trước 5 giờ chiều. Từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau nếu vị nào không có mặt tại chùa thì coi như là “đứt hạ” tức là đã vi phạm giới luật của thời kỳ nhập hạ, bị mất hết một mùa nhập hạ và cũng không được nhận các y phục cà sa (hành lễ trong lễ dâng y cà sa – phần này sẽ trình bày trong lễ dâng y cà sa); Do đó, hàng năm cứ vào ngày 15 tháng 6 âm lịch, đồng bào Khmer đến chùa làm lễ chào mừng ngày “Bund Chôl Vessa” cho các nhà sư cũng để dâng các vị sư nước mưa, đèn cầy (thường được gọi là đèn cầy vessa” để nhà sư thắp cúng tam bảo trong chính điện suốt 03 tháng hạ và cũng có những chùa dùng dầu đốt đèn thay cho nến; Suốt thời gian kiết hạ, các tùy khưu và sa di phải cấm túc tại một nơi. Tuy thế, nếu có các duyên sự quan trọng như cha, mẹ, tùy khư và sa di đau yếu, bệnh hoạn, tai nạn . . . thì được phép rời khỏi nơi an cư trong vòng 7 ngày. Nếu đi qua ngày thứ 8, mặt trời mọc lên, thì phạm tội (đứt hạ). Ngoài ra, trong tín đồ nếu có người đau chết, tai nạn cũng được phép ra đi thăm viếng; hoặc trong hàng phật tử tại gia đến thỉnh đi trai Tăng, thuyết Pháp cũng được phép ra đi trong vòng 7 ngày. Cách thức đi trong khoảng thời gian 7 ngày tiếng Pali gọi là Sattàhakicca, tức là tùy khưu và sa di khi rời trú xứ an cư phải nguyện trước một, hai hay ba tùy khưu, hoặc trước Tăng chúng thế này: Sace me antarayo natthi, sattahabbhantare aham puna nivattisam (Nếu không có sự rủi ro đến tôi, tôi sẽ trở về trong vòng 7 ngày); Bund Chôl Vessa kéo dài đến tối, các vị sư cùng đồng bào tụng kinh sám hối, và cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất. Lễ này kéo dài tới trưa, sau khi dâng cơm cho các vị sư xong là chấm dứt; Bund Chôl Vessa có quan trọng đối với sư sãi lẫn người dân. Một mặt nó tạo thời gian để cho các nhà sư tĩnh tâm học đạo, trao dồi giáo lý và tự vấn bản thân trong quá trình tu hành nơi chùa; mặc khác, nó tạo điều kiện rảnh rỗi cho người dân chuyên tâm lao động sản xuất nhằm đạt năng suất cao trong mùa vụ; 2.3. Lễ đặt cơn vắt – Phchum bund Là cách gọi chung của lễ tiết mang màu sắc tôn giáo, được cử hành tại chùa trong suốt thời gian Lễ Sen đôl ta – Phchum bund (Sen đôl ta= cách gọi chung cho lễ hội Sen đôl ta ở nhà; Phchum banh=tiến hành tại chùa) truyền thống của đồng bào Khmer; Rước bai bund (đoong he bai banh). Bai là cơm; Banh là vắt, nắm, cục. Bai banh có nghĩa là cơm vắt, cơm nắm, cơm cục; các vị Achar biết: Thời xa xưa, Đức phật thích ca còn tại thế, trong mùa nhập hạ ba tháng, các sư sãi không thể ra ngoài chùa nghỉ qua đêm vì thế không thể đi khất thực ở nơi xa chùa được, các thiện nam, tín nữ phải vào chùa dâng cơm cho sư sãi trong đó có cả việc rước bai banh. Về vấn đề liên quan tới việc rước bai banh, các vị Achar còn cho rằng: Vào thời điểm 15 ngày cuối của 3 tháng nhập hạ, tức là vào mùa Đôl ta – Phchum bund các hồn linh của ông bà tổ tiên đã quá cố bị đầy đọa ở nơi âm phủ được thả về gặp con cháu, người thân để được hưởng vật sen thông qua việc tổ chức rước bai banh. Vì vậy mới có tục rước bai banh trong mùa Sen đôl ta – Pchcum banh; Trong suốt thời nói trên, thường là các cụ ông, cụ bà túc trực tại chùa, thức dậy từ sớm, nấu cơm bài trí làm lễ rước bai banh. Cơm nấu chín, vắt thành nắm và được đặt lên khay hoặc mâm. Một vắt lớn đặt chính giữa ba vắt nhỏ đặt xung quanh, ngoài 4 vắt cơm vừa kể trên mâm còn có bánh, trái bài trí xung quanh; Khi các mâm bai banh đã chuẩn bị xong, các cụ hợp lại thành đoàn bưng mâm đi quanh Chánh điện 3 vòng; Sau đó, một vắt cơm lớn dâng cho sư sãi ba vắt cơm nhỏ còn lại một dâng trời, một dâng đất và một sen hồn linh, có thể bỏ vắt cơm vào một nơi nào đó như ở nền chánh điện, gốc cây, cổng chùa . . . 2.4. Lễ Xuất hạ – Bund Chênh Vassa Đây là lễ chấm dứt ba tháng nhập hạ của sư sãi Khmer. Sau lễ nay, các nhà sư lại có quyền rời chùa đi các Phum, Sróc để khất thực (ngày nay việc khất thực vẫn đi) hay thăm giếng gia đình; Lễ xuất hạ được tổ chức từ chiều ngày 14/9 âm lịch, kéo dài suốt đêm đến trưa 15 mới chấm dứt. Vào ngày đó ở mọi chùa, các sư sãi tu tập lại đọc kinh sám hối có đồng bào phật tử lắng nghe, sau đó các tín đồ đưa lễ vật dâng cúng sư sãi. Ngoài sân chùa, các đoàn hát biểu diễn văn nghệ để đồng bào thưởng thức vui chơi; Đêm hôm ấy, có chùa còn tổ chức thả đèn nước được gọi là Lôi Protip lễ này hoàn toàn mang tính chất tôn giáo, vì theo truyền thuyết, đèn nước tượng trưng cho hàm dưới đức phật ở lại hạ giới để độ trì chúng sanh, hoặc đèn nước chính là chiếc răng phật được vua loài rắn Naga giữ. Do đó, đồng bào làm lễ này để tưởng nhớ đến những sự tích ấy; Đèn đó được cấu tạo như một ngôi đền,làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa lá đầu đèn được người ta treo cờ Phướn (cờ phật giáo) chung quanh cắm đèn cầy và nhang, bên trong bầy các vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo, muối . . . Mở đầu buổi lễ, sư sãi và đồng bào thắp đèn cầy và nhang cắm chung quanh đèn rồi tụng kinh đê tưởng nhớ đến đức phật, và cũng để dân làng xin lỗi nước và đất vì đã làm ố uế chúng suốt một năm ròng. Sau đó, người ta rước đèn ra nơi thả, có đoàn múa trống Chhayăm của chùa đi theo cho đám rước thêm phần long trọng. Nơi thả thường là một con kênh hay rạch nằm giữa ruộng lúa; Ở những chùa xa kênh rạch, người ta tiến hành thả đèn nước trong các ao nước (Srắs) của nhà chùa. Đèn thả xuống nước, trẻ con đua nhau nhảy xuống tranh các vật cúng để lấy phước. Nhưng đến nay tục này dường như mất đi, không được phục dựng hay lưu truyền nữa. 2.5. Lễ dâng Y Cà Sa – Bund Kathina Tiếng pali Kathina có ý nghĩa là “vững chắc” thì quả báu của lễ dâng y kathina cũng có tính chất đặc biệt hơn các quả báu của các phước thiện bố thí khác đó là “vững chắc”, bền vững lâu dài, có đầy đủ 5 quả báu – Ayu: Sống lâu; – Vanna: Có sắc đẹp đáng chiêm ngưỡng; – Sukha: Thân và tâm được an lạc; – Bala: Thân và tâm có sức mạnh; – Pandipana: Có trí tuệ sáng suốt. Theo quan điểm của đồng bào phật tử Khmer, lúc đức phật còn tại thế, vào đầu mùa mưa các vị sư thường lui tới nhiều nơi, giẫm đạp lên có cây và các loài sinh vật khác, phạm vào luật sát sinh của đức phật. Mặt khác, trong thời gian này mưa nhiều nên việc đi lại của các vị sư cũng gặp khó khăn và đây cũng là thời kỳ bắt đầu làm mùa của nông dân, đồng bào rất bận rộn trong công việc đồng áng. Do đó, khi các vị sư đến nhà, đồng bào phải tổ chức tiếp đón mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất; Cho nên, Phật thích ca đã ra quy định trong thời gian nông dân làm mùa, cỏ cây đang đâm chồi nảy lộc, mọi sinh vật đang trổi dậy sức sống trong đầu mùa mưa thì các vị sư phải túc trực ở chùa, không được đi tới, đi lui nhiều. Thời gian đó, gọi là thời kỳ nhập hạ (Chôl Vassa=cũng có nghĩa là mùa mưa). Mùa nhập hạ nếu tính từ ngày bắt đầu cho đến ngày xuất hạ (Chênh vassa tức ngày kết thúc hạ) thì thời gian đúng 3 tháng tròn. Suốt thời gian trên, mỗi ngày vào lúc 5 giờ sáng và 17 giờ chiều các chùa đều đánh trống báo cho các vị sư tập trung lại tại ngôi chánh điện để tụng kinh, chăm lo việc đạo và báo cho mọi người biết thời điểm ra đồng và giờ kết thúc công việc trong ngày; Do thời gian nhập hạ kéo dài trong 3 tháng, các vị sư phải ở trong chùa học hành và lo chuyện đọc kinh theo đạo pháp nên đồng bào phật tử cũng quan tâm chăm sóc đến các vị sư. Trong khoảng thời gian này, đồng bào tổ chức thành Wên (gồm những người lớn tuổi tập trung nhau đến chùa, mỗi wên thường đến chùa một ngày, đêm) nấu cơm nước dâng lên cho các vị sư, để các vị sư khỏi mất thời gian đi khất thực hàng ngày; Kết thúc thời gian nhập hạ (Chênh vassa), trong vòng một tháng liền, đồng bào tổ chức dâng y cà sa đến các chùa; Lễ dâng y cà sa và các vật dụng khác cho nhà sư. Việc dâng y cà sa xuất phát từ một truyền thuyết của Phật giáo: Truyền kể rằng lúc Đức phật còn tại thế, mỗi lần các vị sư đến gặp Ngày, bộ y cà sà của các vị sư thường dơ bẩn và bị rách rưởi. Bộ y cà sa dơ và rách phần vì lâu ngày, cũ kĩ, phần vì đi khất thực phải chịu mưa nắng hàng ngày, phần khác lại do phải đi đường xa, trên đường đi có lúc do bị mưa gió dọc đường nên khi đến nơi bộ áo cà sa thường bị cũ đi. Do đó, để giảm bớt nỗi nhọc nhằn cho các vị sư; Đức phật ra quy định sau ngày xuất hạ, tín đồ phật tử làm lễ Dâng y cà sa đến các chùa. Dâng lên cho các vị sư đã trụ trì đúng ba tháng trong thời gian nhập hạ và chỉ có các vị sư giữ đúng luật nhập hạ đồng thời là vị sư có bộ y cà sa đang đang dùng nhưng quá cũ, bị rách rưởi mới được quyền nhận thứ lễ dâng y cà sa. Còn vị nào bị “đứt hạ", tức không giữ đúng luật nhập hạ thì không đủ tư cách nhận lễ vật dâng y cà sa; Dần dần về sau này, thời gian tổ chức lễ có nhiều thay đổi, mặt dù đồng bào vẫn tổ chức trong tháng đó nhưng có tỉnh chỉ thực hiện thống nhất chung trong một ngày. Quy mô và cách tổ chức tuy vẫn giữ những nét cơ bản giống nhau nhưng ở các nơi đã cải tiến, có nhiều biến dạng. Thường thì dịp đó, bên cạnh việc dâng y cà sa, người ta còn nguyên góp tiền bạc làm một cây bông (lễ dâng bông dâng) cho chùa để góp phần xây dựng chùa chiền ngày một tốt hơn; Xưa kia, đồng bào phật tử Khmer quan niệm ai đứng ra làm chủ lễ dâng y cà sa sẽ có nhiều phúc đức vào kiếp sau và trong cuộc sống hiện tại luôn gặp được những điều may mắn. Do đó, mọi người dù giàu hay nghèo ai cũng mong muốn được một lần đứng ra tổ chức Lễ dâng y cà sa; Theo thông lệ, bất kỳ ai muốn tổ chức dâng y cà sa đều phải đăng ký trước, ngay vào ngay lúc nhập hạ đã phải báo với sư cả và Ban quản trị chùa, mục đích của việc đăng ký là để chủ động và biết rõ ai sẽ đứng ra làm chủ lễ, tránh sự trùng hợp nhiều chủ lễ tập trung vào một chùa. Nếu trong năm, không ai đứng ra đăng ký làm chủ lễ dâng y cà sa, thì Ban quản trị chùa họp lại và dựa vào sự đóng góp của tập thể bà con phật tử trung phum, sroc để tổ chức làm lễ cho các vị sư; Theo phong tục tập quán, người đứng ra tổ chức lễ phải chuẩn bị mọi thứ, cả về vật chất, tiền bạc, mời khách, dự kiến quy mô và cách thức tiến hành lễ . . . trong quá trình chuẩn bị, người chủ lễ phải mua sắm nhiều vật dụng trong sinh hoạt như: Mùng, mền, chiếu, gối, nồi niêu, soong chảo tùy theo khả năng, đặc biệt trong đó, bao giờ cũng phải có bộ y cà sa và bình bát của nhà sư; Tất cả các lễ vật đó, được gói cẩn thận đặt vào trong một cái kiệu. Kiểu lễ vật ấy được trang trí đẹp đẽ; ngoài ra, trong kiểu còn kèm theo nhiều cây bông có gắn đồng tiền mới với nhiều loại tiền khác nhau. Các cây bông đồng tiền đó là của bà con bổn đạo trong phum sróc hoặc là của bà con thân chủ lễ, mặt khác trong số lễ vật đó còn có một số nông sản cũng được đặt chung trong kiệu; Vào ngày lễ, chủ lễ tổ chức buổi họp mặt thân tộc và những người thân thích trong phum sroc, để sắp xếp giúp trang trí kiệu để lễ vật và dùng chung bửa cơm thân mật với gia đình. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, vào buổi chiều cùng ngày người ta tổ chức thành đoàn người khiêng kiệu lễ vật ấy đi đến chùa chuẩn bị làm lễ; Trên đường đi đoàn người ăn mặc đẹp đẽ và được sắp xếp có thứ tự có múa Chhayăm, trống kèm. Ngoài ra, có nơi còn tổ chức bộ ngũ âm đi kèm; những năm trước ngày giải phóng ở các địa phương thường tổ chức dâng bông qua lại với nhiều hình thức phong phú, người ta dâng đến các chùa ở địa bàn khác nhau, thậm chí có nơi họ bao cả đoàn xe đi lễ từ tỉnh này sang tỉnh khác; Tại chùa nơi làm lễ được trang trí cơ hoa rực rỡ, kèm các khẩu hiệu trang trọng “Mừng Lễ dâng y cà sa, đón chào quý khách” có nơi trong chùa còn dựng rạp, trang trí lộng lẫy thành một dãy nhà, sắp xếp bàn ghế tươm tất để tiếp khách và bố trí cơm nước vào buổi chiều. Khi đòn đến tại chùa, có đội thanh niên nam, nữ (Krom du won, Near ry) đứng sắp thành hai hàng danh dự từ cổng chùa đi vào ngôi Sala. Sala là nơi đặt chiếc kiệu. Ngoài ra người ta còn tổ chức tấu nhạc (Phlêng Pin Peat) và các trò chơi dâng gian khác để chào đón đoàn người khiêng kiệu và các vị quan khách đến dự lễ; Lúc đoàn khiêng kiệu đến, sau khi mọi việc được bố trí xong, người lớn tuổi ngồi lại tại Sala để nghe Ban tổ chức giới thiệu chương trình lễ; chủ lễ và các vị khách đến dự, các cây bông được bà con tín đồ dâng đến chùa, số lượng tiền, quà do đồng bào thập phương mang đến dâng cho chùa trong dịp lễ . . . Sau đó, mọi người ngồi lại nghe các vị sư tụng kinh và thuyết pháp cho đến tận đêm khuya, còn lớp trẻ tham gia các trò chơi dân gian và múa hát vui vẻ; Sáng hôm sau, các vị sư và những người trong gia đình chủ lễ khiêng kiệu cùng với đoàn người cầm những cây bông đồng tiền đi 3 vòng quanh chánh điện. Cuối cùng họ tập trung lại trong ngôi chánh điện làm lễ dâng y cà sa với tất cả lễ vật và những cây bông đồng tiền mà mọi người mang đến cho các vị sư trụ trì tại chùa để kết thúc lễ; Những lễ vật đồng tiền đó được các vị sư công bố và nhập vào tài sản chung của chùa. Riêng áo cà sa và bình bát được giao cho vị sư (phải là tùy khưu) có hoàn cảnh khó khăn nhất giữ và sử dụng riêng cho cá nhân. Vị sư được nhận lễ vật đó phải lên chánh điện tụng kinh hàng ngày, liên tục trong bố tháng, cả buổi sáng lẫn buổi chiều như những ngày nhập hạ để cầu phúc cho thí chủ; Suốt thời gian lễ ở chùa đều có tổ chức vui chơi bao gồm cả các trò chơi dân gian, các điệu múa các đoàn dù kê, rô băm (ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang còn giữ được, riêng Bạc Liêu thường thì Đoàn Samaki Khmer đến phục vụ) đến diễn để phục vụ khách . . . thu hút đông đảo đồng bào phật tử ở mọi lứa tuổi. Thông qua các trò chơi và văn nghệ đó, bà con đã tạo được sinh khí vui vẻ như các ngày hội khác của dân tộc; Lễ dâng y cà sa, chỉ có người có đủ điều kiện, có lòng hảo tâm mới đăng ký làm chủ lễ. Vì mỗi lễ như vậy tốn kém không ít. Mặt khác về sau này, còn do tâm lý của một số bà con muốn có danh tiếng trong cuộc sống hiện tại và cầu mong được phước đức ở kiếp sau nên trong lễ thường dâng lên chùa nhiều tiền của và lễ vật mang tính chất thi đua nhau giữa những người cùng chung khu vực chùa hoặc giữa chùa này với chùa khác ở ngoài tỉnh. Do đó, những người không đủ điều kiện về kinh tế không dám đăng ký làm chủ lễ mà họ chỉ tham gia bằng cách làm những cây bông gắn một ít đồng tiền (ít nhiều tùy lòng hảo tâm và điều kiện cụ thể của mỗi gia đình) để thể hiện lòng hảo tâm muốn đóng góp xây dựng chùa và chung vui với mọi người; Có thể nói, lễ dâng y cà sa đã thể hiện được tấm lòng và tình cảm cũng như ý thức của đồng bào đối với đạo phật, thể hiện trách nhiệm của các tín đồ trong việc quan tâm chăm sóc cho các vị sư; thông qua dịp lễ này, đồng bào càng đoàn kết thương yêu nhau theo tinh thần của những người đạo hữu không phân biệt giàu nghèo, gần xa. Qua đó giúp các vị sư có điều kiện học hành tốt hơn, chùa chiền được xây dựng khang trang hơn./. 2.6. Lễ kiết giới (Bund Bon chôôs seima) Ngôi chùa Khmer của dồng bào Khmer được xem là một công trình kiến trúc tổng hợp bao gồm nhiều dãy nhà do phật tử đóng góp tiền của xây dựng. Ngôi chùa gồm: Nhà tăng (Kood); Nhà Hội (sala); Tháp đựng hài cốt (chêd đây) . . . Mỗi nhà thể hiện một kiểu kiến trúc độc đáo khác nhau, nổi bậc nhất là ngôi chánh điện, trung tâm thờ phật, rất thiêng liêng và là nơi tổ chức các buổi lễ chính (cho các vị sư hành lễ theo nghi thức phật giáo); Chính điện, một kiệt tác của các nghệ nhân, tinh hoa trí tuệ và nghệ thuật của người Khmer được xây dựng ở vị trí trung tâm của chùa theo hướng đông tây. Chùa càng lớn thì chánh điện càng to, đẹp để cân đối. Nền của chánh đện thường được nâng cao khỏi mặt đất từ một đến hai mét, lợp ngói đỏ, đỉnh nhọn uốn cong, có bốn của nằm ở hai đầu đông và tây, hai bên có nhiểu cửa sổ, tường và cột trong chánh điện được vẽ về sự tích đứa phật với các màu sắc nổi trội, ở bật tam cấp có hai tượng thần giữ cửa. Trong chánh điện, các tượng phật được đặt ở vị trí cuối phía tây giữa chánh điện, mặt quay về hướng đông; Do có quy mô và tần quan trọng, ngôi chánh điện được tập trung nhiều tiền của, tài trí để xây dựng cho khang trang, lộng lẫy phù hợp với vị thế của từng chùa. Do đó, việc xây dựng chánh điện tốn nhiều thời gian nhất trong các công trình kiến trúc của chùa, có khi chùa xây xong nhưng chánh điện phải mất một thời gian dài mới hoàn thành. Thời gian xạy dựng chính điện có thể kéo dài vài năm, vài chục năm (các yếu tố này phù thuộc vào tài chính). Dù vậy, khi chính điện xây xong thì mới tiến hành lễ kiết giới và mới được phép sử dụng; Lễ kiết giới là lễ lớn, quan trọng nhất của chùa nên thu hút nhiều người tham gia, kể cả những sư và phật tử ờ ngoài phạm vi ảnh hưởng của chùa. Vì tính quan trọng của nó, chùa phải chọn một vị sư cao niên, thông suốt giáo lý hướng dẫn các nghi lễ, bởi vì nếu không đúng theo nguyên tắc giáo lý thì chính điện không sử dụng được. Lễ kéo dài từ hai đến ba ngày đêm nhưng chùa có những kế hoạch từ nhiều tháng có thể kể cả năm trời cho việc chuẩn bị. Lễ Kiết giới Sây-ma diễn ra trong 3 ngày đêm và phải làm theo đúng những nguyên tắc đã định. Nếu sai thì chánh điện không sử dụng được. Chính vì vậy nhà chùa phải lựa chọn một vị sư cao niên, thông suốt giáo luật để hướng dẫn các nghi lễ. Ngày nay, người hướng dẫn nghi lễ thường được Hội đồng các sư sãi trong tỉnh chọn lựa. Ngày thứ nhất nghi thức chính là các chư tăng, Phật tử đọc kinh cầu an và nghe các sư thuyết pháp. Ngày thứ hai là ngày quan trọng nhất để tiến hành các lễ: lễ nhiễu hòn đá Phật, lễ an vị tượng Phật và lễ cắt băng khánh thành chánh điện, các sư thuyết pháp; Ngày thứ ba là lễ đặt các trụ đá, các sư thuyết pháp. Đây là ngày kết thúc lễ; Ý nghĩa và nội dung của lễ Kiết giới Trong những lễ hội tôn giáo của người Khmer thì lễ Kiết giới là một lễ lớn và quan trọng. Lễ Kiết giới được cho là do chính Đức Phật đặt ra khi đắc quả 3 năm, là việc đặt viên đá xung quanh chánh điện nhằm ấn định và hợp thức hóa nơi tu hành. Nghĩa là mặc dù chùa đã xây xong, tượng Phật đã được an vị nhưng chưa làm lễ Kiết giới thì vẫn chưa có “ngôi nhà của Phật”, vì vậy chùa vẫn chưa phải là chùa. Ngôi chánh điện khi chưa làm lễ Kiết giới không thể làm nơi hội họp, sinh hoạt tôn giáo của các sư sãi. Không được tổ chức các lễ như: Quy y, Thọ giới, lễ lên Tỳ khưu, Đại Đức, khen thưởng và kỷ luật các sư sãi . . . Khi chưa làm lễ Kiết giới thì sư sãi tu trong chùa cũng chưa phải là người tu hành, du có mặc áo cà sa. Kể cả tín đồ cúng dường cũng không được Phật chứng giám và vì vậy không được hưởng phước đức. Đối với các nhà sư, việc ấn định ranh giới rất quan trọng, nếu chùa xây dựng mà chưa hoàn thành xong chánh điện, chưa tổ chức được lễ Kiết giới thì họ phải ấn định ranh giới tạm bằng những thân cây, nếu không thì phải mượn chánh điện của các chùa khác để hội họp; hoặc giả các sư đi hành hương giữa đường gặp việc nhà Phật cần bàn, họ phải dùng cây làm ranh giới và ngồi trong ranh giới đó để bàn Phật sự. Do đó, Kiết giới là một lễ lớn, tổ chức trọng thể; Các ngôi chùa Khmer được xây dựng phần lớn đều do Phật tử đóng góp, nên việc xây dựng thường kéo dài trong nhiều năm và những ngôi chùa thường có tuổi thọ dài cả mấy trăm năm. Vì vậy, trong một đời người, hiếm khi được dự lễ này. Đồng bào Khmer tin rằng ai có phước đức mới được dự lễ Kiết giới, còn trong cuộc đời ai mà dự được đủ 07 lễ Kiết giới thì là người có đại phước. Do vậy, ngoài Phật tử, dân chúng trong phạm vi ảnh hưởng của chùa trực tiếp tham gia tổ chức, nhiều chùa khác cùng tham gia tổ chức lễ và chịu trách nhiệm triển lãm tám hướng chung quanh chánh điện, sư sãi và Phật tử khắp nơi đều thu xếp để có thể tới tham dự lễ. Có thể nói lễ Kiết giới không đơn thuần chỉ là lễ nghi tôn giáo mà còn là ngày hội của đồng bào dân tộc Khmer; 2.7. Lễ an vị tượng phật (Bund Phuthea Piseak) Thông thường, tượng phật phải được dựng cùng một lúc với thời gian xây dựng chùa. Tuy nhiên, cũng có nhiều tượng phật được đắp trong quá trình hoàn thiện chùa, hậu như tất cả các tượng phật trong chùa đều do tín đồ dâng cúng; có thể từng gi đình hay nhiều gia đình họp lại dâng tượng phật vào chùa để tích phước; Để đưa tượng phật vào chùa đúng nguyên tắc người ta phải làm“lễ an vị tượng phật”. Lễ này được xem như là một nghi thức có tính chất bắt buộc nhằm hoàn chỉnh thủ tục cho bức tượng phật trước khi đưa vào chùa để thờ cúng. Dù mang nặng màu sắc tôn giáo nhưng nó cũng có phần bị dân tộc hóa như các lễ hội khác nên tuy nặng phần lễ nhưng yếu tố hội vẫn thể hiện rõ; “Lễ an vị tượng phật” không quy định thời gian nhưng thường kéo dài từ hai đến ba ngày, có cách thức, nghi thức và quy trình mang tính bắt buộc. Nó có thể được tổ chức riêng hay kết hợp với các lễ khác như đq1m tang, lễ mừng thọ, lễ cầu an . . . đặc biệt là trong “lễ kiết giới” tại chùa; Về địa điểm, lễ này có thể tổ chức tại chùa, tại gia đình hoặc tại một phum, sróc nào đó, tùy từng trường hợp cụ thể. Trong thời gian lễ, phải mời các vị sư của nhiều chùa đến dự, số lượng sư sãi phải từ 21 vị trở lên, còn phật tử ít nhất phải có hàng trăm người đến dự thì lễ mới long trọng và đúng nguyên tắc; Vào những ngày lễ đều có tổ chức tụng kinh 3 buổi (sáng, chiều và tối). Phật tử dâng cơm cho các vị sư vào buổi sáng và buổi trưa, dâng trà, đường, sữa vào buổi tối. Đồng thời Ban tổ chức còn phải đãi cơm nước cho người đến dự. Đặc biệt vào ban đêm, người ta tổ chức cho một số người ngụy trang thành ma vương ngăn chặng đức phật đắc đạo, lúc này phật tử và các vị sư tụng kinh trừ ma. Khi ma vương tuyên bố thua, đức phật đắc đạo thì các vị sư tụng kinh “Chea Yon To”. Đến rạng đông ngày cuối, sau khi các vị sư tụng kinh “Chea Yon To” trước tượng phật để tưởng nhớ lúa phật thắng thế dưới cây bồ đề; vị Achar điều khiển lễ đánh trống báo hiệu, mọi ngưới chắp tay lạy mừng Đức Phật Thích Ca đã đắc đạo; Tiếp theo các vị sư tụng kinh cầu phước cho chủ lễ, cho thiện nam tín nữ và đồng bào dâng cơm cho các vị sư rồi buổi lễ kết thúc. Cuối cùng tượng Phật được mang vào chùa thờ cúng; Ngoài những nghi thức kể trên, trong ngày lễ, người ta còn tổ chức vui chơi, ca hát, nhảy múa để nhằm thu hút mọi người tham gia lễ. Lễ an vị tượng Phật đề cao sự thắng thế của chân lý, chánh thắng tà, đề cao trí tuệ con người. Từ đó giào dục con người biết bênh vực lẽ phải, đứng về công lý, về chính nghĩa, đồng thời loại bỏ cái xấu, cái sai và hướng tới cuộc sống tươi đẹp trong cuộc sống. III. Kết luận Nhìn chung, lễ hội của người Khmer có một số điểm đặc sắc, nổi bật như sau: Tất cả các lễ hội đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giá – phật giáo. Vì là quốc giáo nên Phật giáo Khmer chi phối toàn bộ đời sống của người Khmer, không chỉ ở lễ hội Phật giáo mà cả ở lễ hội truyền thống dân gian cũng đều gắn liền với các sư sãi và với chùa. Mọi lễ hội đều mang tính chất thiêng liêng, trang trọng, nó không chỉ là dịp để vui chơi giải trí mà trước hết là để làm phước theo đúng nghĩa của từ “Bund”. Các nghi thức trong lễ hội thường gắn liền với truyền thuyết nhuốm đầy tinh thần Phật giáo nên rất được người Khmer gìn giữ và truyền tụng cho con cháu. Một đặc điểm nổi bật, đặc trưng của người Khmer là ẩm thực trong lễ hội. Mỗi lễ hội có thức cúng riêng nên khi nhìn vào thức ăn dâng cúng, ta có thể biết được đó là lễ hội gì. Chẳng hạn trong “lễ cúng trăng” có cơm dẹp. Vật dâng cúng nói lên ý nghĩa và nội dung của lễ hội nên khi nhìn vào, ta có thể đoán được tên của buổi lễ, cụ thể là lễ dâng đèn cầy trong “lễ nhập hạ”, dâng áo cà sa trong “lễ dâng y”. |
Cập nhật ( 16/12/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com