Lễ Hội Dạ Cổ Hoài Lang & Lễ khánh kỵ lần thứ 61 Sư Nguyệt Chiếu * Tĩnh Toàn Vào các ngày 12, 13, 14 được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, lần đầu tiên Bạc Liêu tổ chức lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang với chương trình và nội dung phong phú. 6 giờ sáng 12/9 khai mạc giải việt dã và giải quần vợt hạng A đơn nam. Đúng 7 giờ Ban tổ chức đã cắt băng khai mạc khu triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật với sự hiện diện của bà Bùi Hồng Phương – Phó chủ tịch UBND tỉnh; bà Lê Thị Ái Nam – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch; ông Trần Chí Thành – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật; lãnh đạo một số các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, thị xã và nhiều đại biểu tham dự. Tại buổi lễ, bà Bùi Hồng Phương cũng đã trao bằng khen và các giải thưởng cho số tác giả đoạt giải trong đợt thi sáng tác và trưng bày ảnh nghệ thuật tại Bạc Liêu. Tại khu triển lãm có trưng bày hình ảnh và hiện vật của Cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, một số hình ảnh của các nghệ sĩ tiền bối có nhiều công lao trong việc hình thành nền cổ nhạc nam bộ và đờn ca tài tử trong đó có hậu tổ Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Lư Hoà Nghĩa, Trịnh Thiên Tư, Ba Chột v.v. . . tại khu vực có thêm phần triển lãm các nghề truyền thống như dệt chiếu, đan lát, đan lưới và có cả phần ẩm thực với các món ăn đặc sản địa phương. Cùng ngày khai trương khu ẩm thực tại đường Lý Tự Trọng và đến 19 giờ 30 Ban tổ chức đã long trọng khai mạc lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, chương trường nghệ thuật tổng hợp có sự tham gia của ca sĩ, nghệ sỉ từ Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 13/9, tổ chức lễ giổ tổ cổ nhạc tại trụ sở Đoàn cải lương Cao Văn Lầu và buổi tối rước đèn trung thu cho thiếu nhi trên địa bàn Thị xã Bạc Liêu. Thời gian này các đoàn cải lương Hương Tràm phục vụ tại huyện Giá Rai và đoàn cải lương Cao Văn Lầu phục vụ tại xã Hiệp Thành – Thị xã Bạc Liêu. Cũng trong đêm có thả hoa đăng tại hồ điều hòa khu đô thị mới. Đến 20 giờ thì khai mạc vòng chung kết giọng ca cải lương Cao Văn Lầu tại Trung tâm hội nghị. Các thí sinh đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu long đã qua các kỳ thi sơ kết kéo dài hơn 3 tháng trước và tham dự vòng chung kết với 19 thí sinh. Ngày 16 Đoàn đến viếng mộ, dâng hoa dâng hương tưởng niệm tại khu mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, buổi tối có tổ chức giao lưu đờn ca tài tử tại sân khấu nhà hàng Khách sạn Công tử Bạc Liêu và cùng ngày giờ nói trên tổ chức bế mạc lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang và tổng kết trao giải thưởng Giọng ca Cải lương Cao Văn Lầu tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Cùng trong ngày 14, 15/9, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu đã long trọng tổ chức lễ Khánh kỵ lần thứ 61 sư Nguyệt Chiếu, có đăng đàn chẩn tế thập loại cô hồn và đờn ca tài tử tại chùa Vĩnh Đức, phường 1 Thị xã Bạc Liêu, dự lễ có Hòa thượng Thích Huệ Hà, Trưởng BTS; Đại đức Thích Minh Lành, Phó BTS; Đại đức Thích Quãng Thới, Phó BTS; Chư tôn đức trong BTS, các ban ngành trực thuộc, BĐD Phật giáo các huyện thị, các đạo tràng tu học và đông đảo Phật tử. Về phía chánh quyền có các ông Quản Trọng Ninh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, ông Trần Chí Thành – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, một số đại diện cơ quan ban ngành, chính quyền sở tại và đặc biệt có ông Năm Quân, cán bộ lão thành cách mạng, người đã cùng với HT Thích Hiển Giác vào tòa tỉnh trưởng buộc Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp ra lệnh cho các lực lượng quân đội buông súng và bàn giao chính quyền cho cách mạng tiếp quản mà không đổ máu. Tại buổi lễ, sau nghi thức dâng hương tưởng niệm, Đại đức Thích Quãng Thới, Phó BTS đã ôn lại tiểu sử sư Nguyệt Chiếu và những cống hiến lớn lao của ngài vào sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền nam bộ. Nếu nói Nhạc Khị là người đầu tiên khơi động phong trào canh tân và hiệu đính nhạc cổ thì Sư Nguyệt Chiếu là nhân vật thứ 2, bởi ông đã ra công sưu tầm, tập hợp và hiệu đính 7 bản bắc lớn của nhạc lễ cổ truyền và cũng chính Ngài đã đặt tên cho bài Dạ Cổ Hoài Lang do Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác. Tại chùa Vĩnh Đức, Ngài đã thu nhận nhiều học trò trong đó có một số học trò của cụ Nhạc Khị như Thiện Ý, Thiện Ngộ, Thiện Thành, Hai Tố, Năm Phát, Tư Quân, Chính Khánh, Trịnh Thiên Tư . . Năm 1925, Sư Nguyệt Chiếu có nhận đào tạo một đội nhạc công ở Chùa An Thạnh Linh Hòa Bình, Ngài hướng dẫn cả nhạc lễ và đờn ca tài tử. những đệ tử của Ngài như Năm Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy . . . là những nhân tài ca cổ ở Nam bộ từng đóng góp rất nhiều công sức để phát huy cổ nhạc Bạc Liêu và có nhiều người trở thành diễn viên nổi tiếng trên sân khấu cải lương. Riêng Năm Nghĩa đã kế thừa nghiệp lớn của thầy, ông đã biến đổi giai điệu Dạ Cổ Hoài Lang thành giai điệu Vọng cổ qua bài văng vẳng tiếng chuông chùa, và là người đầu công trong việc tạo dựng bàn nòng cốt của cải lương. Vì thế các nhà nghiên cứu đã nói : Nếu Nhạc Khị đào tạo được Cao Văn Lầu, một ngôi sao sáng của cổ nhạc thì sư Nguyệt Chiếu cũng đào tạo được Lư Hoà Nghĩa, một thiên tài nghệ thuật của cải lương Việt Cùng ngày, một năm trước đây nhân lễ khánh kỵ lần thứ 60 của Ngài, THPG Bạc Liêu đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ, Hội thảo đã qui tụ gần 30 các nhà khoa học gồm các giáo sư tiến sĩ. Qua các tham luận trình bày tại hội thảo đã khẳng định công lao to lớn và cống hiến quí báu của ngài trong lĩnh vực nhạc lễ Hôm nay để tưởng niệm đến sư Nguyệt Chiếu, nghệ sĩ Minh Nguyệt đã trình bày bản Dạ Cổ Hoài Lang, đội nhạc công của Ban Nghi Lễ Tỉnh Hội Phật Giáo Bạc Liêu trình tấu khúc Ngũ Đối Hạ và bài Liêu Giang, đó là một trong những kiệt tác có sự tham gia đóng góp của sư Nguyệt Chiếu, một Nghệ sĩ tài hoa của nền nhạc lễ cổ truyền Nam bộ. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com