LỄ ĐẶT CƠM VẮT CỦA NGƯỜI KHƠ-ME * Thế Ngọc Vào tháng tám âm lịch. Những cánh đồng lúa đã biếc xanh. Con chim quê hát chào ngày mới. Lũy tre, bờ dầu che từng giồng cát nơi “phum sóc” mát rượi. Mưa giữa mua đem nguồn nước ngọt trong lành đến với muôn loài ấp iu cuộc sống. Cát không còn bay lên mù mịt mỗi khi có xe cộ đi qua. Và cơn gió quê cũng khe khẽ lay như hòa nhập với lòng người để báo hiệu mùa “Pithi sen đol ta” tức là lễ cúng ông bà sắp đến. Bây giờ ta phải sống đẹp và gội rửa cho lòng thanh sạch để cầu phước cho đấng tạo ra người sanh thành ra ta đi xa mới phải đạo. Hình thức của nghi lễ ấy lúc nào cũng ở trong tâm của mỗi người. Thế cho nên vào dịp cúng ông bà, có thêm lễ đặt cơm vắt (phua chum bon). Lễ còn có tên là “bon làn bơn”. Dù lễ diễn ra trong dịp tổ chức Sen đol ta nhưng hai lễ nài có một điểm không giống nhau. Sen đol ta bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian. Lễ đặt cơm vắt bắt nguồn từ Phật giáo. Trước kia, lễ đặt cơm vắt kéo dài suốt 15 ngày, từ 16 đến 30 tháng 8 âm lịch. Còn lễ Sem đol ta tổ chức 3 ngày từ 29-8 đến 1-9 âm lịch. Nay, số ngày đó giảm đi rất nhiều. Vào lễ đặt cơm vắt, bà con trong phum sóc nhộn nhịp hẳn lên. Con sông quê cũng xao động vì tiếng người í ới gọi nhau đi chùa. Gạo nếp ngon được trồng ở ruộng nhà, trái cây ngọt thơm mới hái ở vườn cùng với bánh man mới ra lò cũng được chuẩn bị chờ phút nào để cả phum cùng đến chùa hành lễ. Suốt thời gian đó, hôm nào cũng vậy, cứ đến nửa khuya là bà con Phật tử lấy cơm vắt thành từng nắm tròn với bánh trái, đặt vào cái khay rồi đem lên nhà hội hoặc chánh điện cúng tam bảo. Nắm cơm vắt ở đây, tiếng khơ-me gọi là “bơn” hoặc “ben”. Đây là tiếng bắt nguồn từ Phạn ngữ “pinda”. Nắm cơm đó cùng với các thức cúng nhận được lời kinh của sư sãi đưa tấm lòng người cúng đến linh hồn người thân đã quá vãng. Song song với lễ đặt cơm vắt, bà con Khơ-me còn làm lễ thọ giới. Lễ đặt cơm vắt bắt nguồn từ sự tích: Thuở Đức Phật Thích Ca còn tại thế, trong một đêm khuya u tịch, tại Hoàng Cung của vua Pimpisara bỗng vang tiếng gào khóc thảm thiết và tiếng kêu van: – Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống, chúng tôi đói khát lắm! Nhà vua sợ hãi, bèn truyền luyện triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi xem việc gì. Các nhà tiên tri đều nói: – Tâu bệ hạ, đây là bọn ma quỷ đói khát đến xin ăn, nếu bệ hạ không làm lễ cúng tế thì sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra. Nhà vua bèn ra lệnh bắt một trăm đàn ông, một trăm đàn bà, một trăm gia súc đem ra trước sân chầu chém đầu tế ma quỷ. Nghe lệnh này, Hoàng Hậu can ngăn: “Tâu bệ hạ, lời đoán của các tiên tri chắc gì đã đúng. Nếu bệ hạ giết hai trăm người và bầy gia súc này, kẻ chết sẽ ngậm ngùi nơi chính suối, còn thân nhân của những kẻ xấu số đó sẽ nguyền rủa và oán hờn bệ hạ muôn đời. Theo Ý thiếp thì Đức Thích Ca tu ở ngôi chùa gần đây, bệ hạ nên đến để thỉnh ý của ngài xem sao?” . Ý kiến chí tình chí lý của Hoàng Hậu đã khiến nhà vua ngự giá đến chùa. Đức Thích Ca dạy rằng: – Chín mươi hai kiếp trước có hai vị Phật ra đời là Phật Tôssa và Phôssa. Phụ Thân Đức Phôssa là Quốc Vương Mahinta. Ngoài Đức Phôssa, ngài có ba hoàng nam. Người thứ nhất có năm trăm binh sĩ; người thứ hai có ba trăm; người thứ ba có hai trăm. Ba vị nay xin Quốc Vương cho phép dâng lương thực cho anh cả (Đức Phôssa), nhưng vua cha không chịu. Một hôm, quân giặc nổi lên ở biên cương, nhà vua sai các con đi đánh dẹp. Cả ba anh em cùng cầm quân đi dẹp giặc, khi thắng trận trở về, nhà vua mở tiệc khoản đãi và ban nhiều phẩm vật quý giá. Cả ba vị hoàng tử đều không nhận và nói rằng: – Chúng con chỉ xin cha cho phép được dâng thức ăn cho anh chúng con mà thôi. Nhà vua vẫn không thuận. Ba hoàng tử nài nỉ bớt thời hạn cúng dường Phật Phôssa, thay vì bảy năm xuống còn bốn tháng, nhà vua vẫn không cho, chỉ chấp thuận ba tháng, mỗi con thực hiện một tháng. Ba vị hoàng tử liền giao việc cúng dường cho viên thư ký và người giữ kho. Và trong ba tháng ấy, ba hoàng tử cũng xuất gia đầu Phật. Việc cúng dường do những người đầu bếp chăm lo ngày càng bê trễ vì số người ăn ngày càng quá đông nên càng bị đói. Lúc chết, họ đều xuống cõi âm, còn ba vị hoàng tử và một nghìn binh sĩ bay lên cõi trời. Cuộc luân hồi từ đó đến nay là kiếp thứ chín mươi hai. Ba vị hoàng tử đầu thai xuống trần, người anh cả tức là Đức vua hiện tại (Pimpisara). Những người đầu bếp và thân nhân ở dưới âm phủ phải nhịn ăn, nhịn uống đến nay đã chín mươi hai kiếp. Nay biết người chủ của họ trước kia hiện đang làm vua nên đến đòi. Vậy hiền vương nên cúng dường, dâng cơm cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này chuyển phước đến họ. Vua Pimpisara vâng lời Phật, bèn ra lệnh thả hai trăm người và đàn gia súc, tổ chức ngày lễ tiệc tỉnh Đức Thích Ca và năm trăm Tùy khưu đồ đệ của ngài đến độ thực. Từ tích trên và từ ý nguyện của mình đến nhớ tới ông bà quá vãng người Khơ-me quê tôi tổ chức lễ Đol ta và lễ đặt cơm vắt hàng năm với mục đích nhờ quý sư sãi tụng kinh cầu siêu cho ông bà đi xa sống cõi Niết Bàn. Cõi ấy là nơi người sống nghĩ mình sống ở trên đời lúc nào cũng làm điều phải, biết sống vì mọi người. Có thế, hạnh phúc mới đến với ta thật sự. Lễ đặt cơm vắt và Sen đol ta năm nay cũng đã được tổ chức. Gìn giữ lễ hội này, người dân quê tôi đang góp phần bảo tồn thuần phong mỹ tục, phát huy những giá trị nhân văn của bản sắc dân tộc của mình. Giồng cát quê tôi mịn màng hơn. Đường nhựa phẳng phiu chờ đón bước chân người về vui mùa lễ hội. Hãy đến quê tôi một lần, bạn nhé!. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com