Làm giấy sắc, nghề độc đáo nhất đất Việt * Văn Tài – Anh Đức Cách đây 600 năm, dòng họ Lại ở phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy – Hà Nội) được vua ban cho đặc ân làm giấy sắc phục vụ triều đình. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm giấy sắc tuy không còn hưng thịnh nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo riêng có. Đây được coi là nghề độc nhất vô nhị của Việt Nghề truyền thống 600 năm Theo gia phả thì dòng họ Lại là dòng họ duy nhất được vua ban cho đặc ân làm giấy sắc phong phục vụ triều đình cách đây khoảng 600 năm. Ông Lại Phú Quyết, đại diện dòng họ cho biết, ngoài việc dâng cho nhà vua, giấy sắc còn được mang vào Hoàng thành bán cho các quan lại địa phương để họ làm giấy phong cho Thành hoàng làng. Đều đặn mỗi năm, họ Lại cung cấp cho triều đình khoảng 2.000 tờ giấy sắc. Gia phả của dòng họ còn ghi, thời vua Khải Định (1916 – 1925), dòng họ đã phải làm hàng chục nghìn giấy sắc phong dâng lên triều đình nhân ngày lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng sinh nhật 40 tuổi) của nhà vua. Họ Lại phải tập trung cả họ để làm và cũng là năm hoàng kim của nghề làm giấy sắc ở Nghĩa Đô. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945, giấy sắc phong không được dùng nữa, nghề gia truyền của dòng họ mai một từ đó. Ông Quyết cho biết thêm: “Mãi đến năm 1978, nghề làm giấy sắc gia truyền của dòng họ mới bắt đầu được khôi phục, chủ yếu là phục chế các bản cũ đã bị hỏng theo đơn đặt hàng của các địa phương”. “Giấy sắc là thứ giấy đặc biệt có độ bền trên 300 năm, hoạ tiết rồng phượng vẽ bằng bột vàng, bạc vốn chỉ dành cho vua. Giấy được làm thủ công, có khi cả tuần mới xong một tờ và mỗi tờ là một tác phẩm nghệ thuật. Để tờ giấy thật bền, đẹp, cần có bí quyết nghề nghiệp riêng”, cụ Lại Phú Kỳ, Phó ban quản lý dòng họ Lại cho biết. Nguyên liệu thích hợp nhất là cây dó được lấy ở vùng Lâm Thao (Phú Thọ). Dó được nấu thành bìa, sau đó bóc lấy phần thịt dó (dó lụa) và dùng chày để giã. Phải đãi bìa thật sạch trước khi làm hàng (kéo tầu). Do nguyên liệu toàn là dó nên kéo tầu rất nặng, phải lựa chọn người khỏe mạnh để làm công việc này. Quá trình làm giấy sắc trải qua nhiều công đoạn, từ seo giấy, nghè giấy, quét keo, quét màu, mực vẽ và cuối cùng là cách vẽ. Để giấy thật mịn, dai, mỗi tờ giấy phải nghè cho kỹ. Đặt giấy lên hòn đá tảng, dùng chày gỗ để nghè. Hai người đàn ông khỏe mạnh, mỗi người một chày cùng nghè. Khi chày đanh tiếng là xong công đoạn. Để tăng độ dai và bền cho giấy sắc, người ta quét một lớp keo da trâu lên bề mặt. Giấy sắc thường có kích cỡ 150 x 80cm, lớn hơn nhiều so với giấy thường. Màu vàng của giấy được làm từ hoa hòe. Hoa hòe nấu kỹ, pha chút phẩm hoa hiên có phèn chua, dùng bàn chải thép để quét lên mặt giấy. Một điều đặc biệt làm nên giá trị của giấy sắc là mực vẽ được chế tác từ vàng, bạc tạo thành nhũ. Thứ mực này được vẽ lên mặt giấy bằng bút lông tạo thành những điểm nhấn lấp lánh. Tùy theo phẩm hàm do triều đình ban tặng, tờ giấy sắc được vẽ theo quy củ nhất định. Giấy ban tặng cho bách quan có 3 hạng: nhất đẳng quan, nhị đẳng quan, tam đẳng quan. Giấy ban tặng cho bách thần có 3 hạng: thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần. Sắc phong hạng nhất cho bách quan thường vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước là một con rồng lớn ẩn trong mây, mặt sau vẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng). Sắc phong hạng nhì: xung quanh vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước đôi rồng, mặt sau vẽ nhị linh (rồng, lân). Sắc phong hạng ba: xung quanh in triện ấn, mặt trước vẽ đôi rồng, ở giữa in hình ngũ tinh (5 chấm sao), mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ. Sắc phong thượng đẳng thần: xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ đôi rồng, ở giữa in hình ngũ tinh (5 chấm sao), bốn góc in hình thất tinh (7 chấm sao), mặt sau in hình tứ linh. Sắc phong trung đẳng thần: mặt trước có nội dung vẽ như sắc phong thượng đẳng thần, mặt sau vẽ lá trầu và bầu rượu, ở giữa vẽ song Thọ (2 chữ Thọ liền nhau). Sắc phong hạ đẳng thần: mặt trước vẽ như hai hạng trên, mặt sau để trơn. Theo lời kể của ông Quyết, chỉ những người vẽ đẹp nhất dòng họ mới được làm việc này, trong đó nổi tiếng nhất là các cụ Síu Tơ, Xã Lịch, Huân Thái… Những người thợ giỏi thì vẽ chạy, thợ kém hơn chỉ vẽ đồ, tức là cứ theo nét chạy mà tô kim nhũ, vàng, bạc. Hiện các cụ đều đã mất, nghề gia truyền của dòng họ cũng đang lụi tàn. “Đã hơn nửa thế kỷ, con cháu họ Lại không còn làm nghề”, cụ Quyết trầm ngâm nói. Cụ Quyết cũng cho biết, bí quyết làm giấy sắc chỉ được truyền lại cho con trai và con dâu để đảm bảo nghề lưu trong nội tộc. Quyết tâm khôi phục nghề Ông Lại Phú Thạch, người duy nhất còn nắm được bí kíp làm nghề khẳng định: “Kể từ khi cha tôi là ông Lại Phú Bàn qua đời (năm 2003), mọi người đã tưởng nghề làm giấy sắc cũng biến mất theo. Nhưng cụ đã kịp truyền lại nghề cho chúng tôi. Tôi là con trai duy nhất được cha truyền cho nghề này. Chúng tôi phải tìm mọi cách để phục hồi nét độc đáo của gia tộc họ Lại”. Ông Thạch cho biết, sở dĩ giấy sắc không xuất hiện vì không có khách hàng đặt mua. Thực tế, gia tộc họ Lại vẫn phục chế giấy cũ trong nước và làm giấy theo đơn đặt hàng ở nước ngoài, chủ yếu là khách hàng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngày 16/6/2003, Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt – Nhật phối hợp với Viện Bảo tàng Dân tộc học, Khoa Sử học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Quốc tế Kibi, Hội Bảo tồn văn hóa cổ tổ chức cuộc hội thảo về giấy Long Đằng của Việt Nam. Hội thảo đã đánh giá cao sản phẩm giấy sắc của họ Lại ở Nghĩa Đô và mong muốn được phục hồi nghề thủ công truyền thống của đất kinh kỳ. “Người Nhật thậm chí còn đánh giá giấy sắc của họ Lại cao hơn giấy sắc của Nhật Bản và Trung Quốc về độ bền và đẹp. Mỗi tờ giấy có giá lên đến vài triệu đồng, độ bền cao, có thể bảo quản đến 300 năm”, cụ Thạch tự hào nói. Ông Quyết cho biết: “Khôi phục nghề giấy sắc đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng, bảo tồn nghề đã thực sự là mong muốn của họ Lại Nghĩa Đô chúng tôi. Làm giấy sắc đòi hỏi rất nhiều công đoạn nên khá tốn kém. Hiện tại, những vật dụng làm giấy sắc không còn đủ nên chúng tôi phải sắm sửa lại. Vấn đề kinh phí đang là nỗi lo thường trực”. Vượt lên mọi khó khăn, hiện dòng họ Lại đã xây dựng được một xưởng sản xuất nhỏ trên Bắc Giang, có nhiệm vụ làm phần thô, chế biến giấy dó; còn công đoạn hoàn thiện sẽ được chế tác tại Nghĩa Đô do ông Lại Phú Thạch và các cụ cao niên trong dòng họ thực hiện. Ông Thạch khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn có khả năng làm được tờ giấy sắc mới hoặc gần như cha ông chúng tôi làm ngày xưa. Hiện, chúng tôi đang tích cực đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ để làm việc này”. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang đến gần, hy vọng cùng với tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng, tiếng chày giã dó của làng giấy sắc họ Lại sẽ là khúc nhạc đầy ấn tượng vang lên giữa Thủ đô. |
Cập nhật ( 15/10/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com