Làm gì để hạn chế yếu tố mê tín trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay * Vũ Thanh Lịch Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là hoạt động diễn ra phổ biến trong đời sống sinh hoạt tâm linh của người Việt lâu nay, ngày 1/12 vừa qua đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không thể phủ nhận những nét đẹp trong nghệ thuật diễn xướng dân gian này, từ âm nhạc, vũ đạo, trang phục, đạo cụ đến không gian diễn ra nghi lễ đều được chuẩn bị rất công phu, phối kết hợp hài hoà thành một chỉnh thể thống nhất.
Những người trực tiếp diễn xướng và những khán giả xung quanh họ dù muốn hay không, cũng đang tham gia vào một chương trình nghệ thuật dân gian đặc biệt, và chính họ là người trực tiếp hoặc gián tiếp, lưu giữ lại những giá trị tinh tuý nhất của làn điệu chầu văn, của vũ điệu dân gian, của trang phục truyền thống… Tuy nhiên, có một thực tế rằng hầu hết những người tham gia nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lâu nay không nghĩ như vậy. Người viết bài này đã tham dự không ít các buổi lễ, có những buổi diễn ra thâu đêm suốt sáng, có những buổi bắt đầu từ tinh mơ đến cuối ngày, có những người thực hiện nghi lễ (tạm gọi là) chuyên nghiệp (đó là các thanh đồng hành nghề thày cúng, xem bói…), có những người (tạm gọi là) không chuyên (họ là những người mà theo các “thày bói” là có căn duyên với các vị thần linh hoặc có nghiệp chướng từ kiếp trước nên phải mang thân thể mình hiến dâng cho thần linh về ngự đồng, nhập thế, để các vị thần với sức mạnh vô biên của mình có thể giúp họ giải trừ nghiệp chướng hoặc gỡ bỏ căn duyên để cuộc sống thực tại được "thuận buồm xuôi gió"). Có những buổi lễ mà người đứng thanh đồng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng để dâng lễ lên các vị thần linh và phát lộc phát tài cho chúng sinh, càng những gia đình khá giả lễ càng lớn vì họ cho rằng tài lộc mà họ có được trên trần gian là do các vị thần linh ưu ái mang tới, vì thế, hàng năm phải mang dâng cúng thần linh và chia sớt cho bách tính. Nếu bỏ qua những khoản tiêu tốn vào vàng mã thì đây cũng là một ý nghĩa tốt trong nghi lễ này. Có những buổi lễ mà người đứng hầu dù rất nghèo túng cũng phải cố vay mượn tiền để thực hiện vì "như lời thày phán, không hầu sẽ bị quở phạt, sẽ luôn gặp tai hoạ trong cuộc đời". Không ai kiểm chứng được hư thực thế nào sau những phán truyền ấy, nhưng những người nghèo với ước muốn cháy bỏng được thoát khỏi cuộc sống khó khăn cũng gắng sức thực hiện nghi lễ. Một màn khá thú vị mà hầu hết những người tham dự nghi lễ này đều rất thích thú, đó là màn phát lộc. Những đồng tiền thật được phát tận tay hoặc ném tung lên trời cho "chúng sinh" nhặt đã xua tan những mệt mỏi của người dự lễ khi phải thức thâu đêm hoặc nhịn ăn cả ngày để phục lễ. Có đoàn cung văn sau một buổi lễ đủ 36 giá đã thu về mỗi người từ 4 đến 6 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn nếu thanh đồng là người giàu có. Đó là chưa kể đến các ghế hầu dâng làm nhiệm vụ nâng khăn sửa túi, phục vụ khăn áo sau mỗi phiên giáng đồng của 36 vị thần linh, rồi các vị thủ nhang cửa đền… Vô hình chung, đã hình thành một bộ phận người sống bằng nghề hát văn, hầu dâng, viết sớ, khấn lễ. Còn các thanh đồng (tạm gọi là) chuyên nghiệp có thể sống sung túc nhờ vào sự dâng cúng của các “con nhang đệ tử”. Dễ thấy rằng, ranh giới giữa nét văn hoá truyền thống trong thực hiện một nghi lễ tâm linh với việc mê tín dị đoan là rất mong manh, vì vậy, để đưa ra và thực hiện được các giải pháp hạn chế yếu tố mê tín quả là điều không dễ dàng. Theo quan sát và trải nghiệm thực tế nghi lễ này, tác giả đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, về phía các nhà quản lý xã hội, cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, xác định đây vừa là sinh hoạt văn hoá dân gian hội tụ nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống tốt đẹp, vừa là nghi lễ tâm linh nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân. Từ đó có định hướng đúng đắn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực thi nghi lễ văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp của nghi lễ như tạo dựng niềm tin, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, sự tha thứ và dâng hiến… cho con người. Thực thi các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động diễn xướng trong thực hành nghi lễ, chẳng hạn như cấp phép hành nghề đối với những người tham gia đoàn cung văn, những thanh đồng… Ban hành các quy định về tổ chức thực hiện nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại các cửa đền, cửa phủ như hạn chế tung tiền khi phát lộc, nghiêm cấm dâng cúng, đốt vàng mã, quy định thời gian, thời lượng của mỗi buổi lễ, quy định về sử dụng đàn, lời hát, điệu múa, trang phục phù hợp với nghi lễ truyền thống… Có chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động cúng lễ tại các cửa điện tư nhân. Đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động những người hành nghề thày bói, thày cúng, các ông đồng bà cốt tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện tâm phúc của những người "được" và "có khả năng" thực hiện việc tâm linh. Thứ hai, về phía những nhà nghiên cứu văn hoá, cần khẩn trương hoàn thiện và phổ biến rộng rãi hơn nữa những kết quả nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng như nghi thức thực hiện nghi lễ hầu đồng, từ đó xây dựng và định hướng cho nhân dân thực hiện nghi lễ phù hợp với phong tục tập quán vừa bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, chuẩn mực vừa thuận tiện cho nhân dân trong thực hiện nghi lễ. Có những dự báo về khả năng tồn tại, phát triển và giao thoa, tiếp biến của nghi lễ cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội để đề xuất những giải pháp giữ gìn, phát huy yếu tố tích cực, hạn chế yếu tố tiêu cực, góp phần thực hiện văn minh trong thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Thứ ba, về phía những người tham gia nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cần nhận thức sâu sắc đây là một sinh hoạt văn hoá tinh thần, có ý nghĩa trong việc giải toả phần nào những ẩn ức nội tâm, góp phần làm thay đổi tâm trạng, tinh thần theo hướng tích cực, từ đó không đặt nặng vấn đề cầu xin, mua đổi trong việc hành lễ. Không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như nghi lễ hầu đồng từ đó có cái nhìn đúng đắn về sinh hoạt văn hoá tâm linh nói chung, về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng. Tín ngưỡng thờ Mẫu là nét văn hoá tốt đẹp của dân tộc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái. Hoạt động diễn xướng thực hành nghi lễ giàu tính nhân văn, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân gian có giá trị và ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần người Việt. Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp và loại bỏ dần những yếu tố mê tín là việc làm cần thiết, cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội và sự đồng tình ủng hộ, tham gia thực hiện của nhân dân, có như thế, mới phát huy được hiệu quả tích cực của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà chúng ta đang sở hữu. (Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com