Lạc Dương Thánh Cảnh quê hương ngài Huyền Trang * Tử Tâm Năm 2006, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã tái hiện lại “Con đường Huyền Trang”. Phái đoàn gồm tám người, xuất phát từ Tháp Nhĩ Tự – bên thành cổ Cô Châu, huyện Tây An, tỉnh Cam Túc, dọc theo con đường mà Đại sư Huyền Trang đã đi qua hơn 1.300 năm trước; đoàn đi mất bốn ngày đêm, hơn 100km. Nhà văn Châu Quốc Bình, dù mang tâm tư “dạo cảnh” vẫn không có được sự thảnh thơi, ông nói: “Hiểu được Huyền Trang càng sâu càng cảm thấy ngài là một nhân vât vĩ đại, vậy mà con người đó lại bị chúng ta hầu như lãng quên”. Ông còn viết trên trang blog của mình: “Quên đi Huyền Trang quả thật là một điều vô liêm! ". Thật ra, nhân vật Huyền Trang đã trở thành hình tượng văn học kể từ khi tác phẩm “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân ra đời, và nhất là khi tác phẩm này được chuyển thành phim. Ở đó, khán thính giả đã nhìn thấy được một Đường Tăng bạch diện thư sinh, tướng hảo quang minh nhưng nhẹ dạ cả tin, đụng đến là niệm chú, thấy yêu ma quỷ quái liền dựa vào Bạch Long Mã – dù thế nào đi nữa cũng không thể từ Tây Vực đến Thiên Trúc thỉnh chân kinh. Đường Tăng đó – bên hào quang của một chú khỉ họ Tôn, nhu nhược mà thành Phật. Một “Đường Tam Tạng” đã để cho ba đồ đệ phải gánh vác trùng trùng khổ nạn để rồi sau đó một mình y lụa uy hoàng trở về cố hương, là một người chẳng có thất tình lục dục, như một Lão Gia “ba phải nhu nhược” không hơn không kém. Trong khi đó, một Huyền Trang lịch sử không hề có quyền lực hoặc dựa vào các thế lực hơn người, ngài chỉ dựa vào chính năng lực của chính mình để hoàn thành tâm nguyện cao ngất. |