KỶ NIỆM MỘT MÙA XUÂN * Nguyễn Hồng Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng tôi học sư phạm ra trường được phân công về huyện Giá Rai và tình nguyện về ấp Thới Điền ( Xóm Rẫy) thuộc xã Long Điền Tây vùng sâu. Xóm Rẫy nằm dọc theo con đê ven biển cách cửa biển Gành Hào 5km đi bằng đường bộ, băng qua cánh rừng cóc và chà là đầy gai nhọn,người dân nơi đây cần cù, chất phác, hiền hòa. Phía Tây bà con sống bằng nghề trồng rẫy và làm ruộng, phía đông sống bằng nghề biển. Từ khi có tôi về nhận nhiệm sở chính quyền nơi đây thành lập ngay một hội phụ huynh học sinh và vận động bà con xây cất lại trường, vì sau bao nhiêu năm chiến tranh, con em của bà con nơi đây không được học hành. Sau một tuần khẩn trường xây cất,ngôi trường cũng được hoàn thành tươm tất bằng cây nhà lá vườn, bàn ghế cái thấp cái cao được nhập về từ những cánh đồng sau mùa giáp hạt. Tôi cũng được một cái bàn rất trịnh trọng mang nhãn hiệu Made in Xóm Rẫy (ghế nhổ mạ) được chôn bốn chân xuống đất và dùng chày vồ dầm xuống đất cho bốn chân vững chắc. Học sinh đến đăng ký để học rất đông,học sinh của tôi có độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi, do số lượng quá đông tôi phải chia thành 3 lớp, học 3 buổi, sáng chiều và một lớp ban đêm dành cho các em tuổi từ 13 đến 17. Trong buổi học đầu tiên nhìn những gương mặt ngây ngô và lem luốc vì nắng và gió biển mà lòng mình cảm thấy thương thương, trong lòng lâng lâng một niềm vui khó tả. Vì chỉ mới một năm trước thôi các em phải sống trong sự nơm nớp lo sợ vì bom đạn mà hôm nay được cắp sách đến trường. Mùa đông năm ấy gió chướng về trong tiết trời se lạnh trong lớp học ban đêm các em phải thay phiên nhau nhóm lên bếp lửa để giữa lớp cho đở lạnh. Khi đến lớp các em mỗi đứa phải mang theo một ngọn đèn dầu con cóc tự chế, vì lớp học quá đông nên các em đứa đứng đứa ngồi bên ngọn đèn dầu leo loét, bên ngoài bà con quây quần rất đông nói cười ríu rít, các em nữ mặc những chiếc áo bà ba mới toanh,tóc để dài kẹp ba lá, hương dầu dừa phảng phất quyện trong tiếng đọc bài hòa cùng tiếng sóng biển tạo nên một khúc nhạc đồng quê yên ả thanh bình. Đêm Xóm Rẫy lung linh huyền diệu Sóng biển lăn tăn như đám ma trơi Trên trời trôi một mảnh trăng vơi Trời trở bấc nhưng lòng mình vẫn ấm. Mùa trăng cuối cùng năm 1975 người dân Xóm Rẫy trúng mùa dưa hấu, ghe xuồng thương lái khắp nơi đổ về từ cửa sông Vàm Xáng ( Hộ Phòng) theo các nhánh sông vào Kinh Hai, Kinh Ba ấp Thanh Hải đến tận Xóm Rẫy để mua dưa, Xóm Rẫy trở nên nhộn nhịp như ngày hội. Tôi được bà con dành cho những trái dưa to có bề vòng 9 tấc đo bằng gang tay, dưa có lòng tôm chín đỏ ăn với những hạt muối Xấp Hẫu có vị mặn mồ hôi của Diêm dân Kinh Tư, Gò Cát sao mà ngọt lịm thấm đậm tình quê. Mùa xuân năm ấy tôi vừa tròn 20 tuổi, tôi viết thư gởi về gia đình xin được ở lại ăn tết cùng bà con một cái tết xa nhà và cũng là cái tết thanh bình đầu tiên sau bao nhiêu năm chiến tranh, tôi theo các học sinh đến từng nhà dân để xay bột tập quết bánh phồng và gói bánh tét mà bà con chuẩn bị cho 3 ngày tết. Tôi được nghe đờn ca cổ nhạc bài " Dệt chặng Đường Xuân", nghe Phụng Hoàng, Tây Thi, Trăng Thu Dạ Khúc, Dạ Cổ Hoài Lang . và những làn điệu quê hương nam bộ đã thấm đẫm trong tôi từ đó. Ba mươi năm qua tôi rời xa Xóm Rẫy , xa những người dân mộc mạc thân yêu nhưng trong lòng vẫn luôn khắc khoải nhớ về nơi miền quê ấy. Cách đây vài tháng tôi có dịp về thăm Xóm Rẫy – Gành Hào trên con đê yếu ớt năm xưa giờ đây tôi được phóng HONDA đầu đội mũ bảo hiểm che bớt đi mái tóc đã điểm màu muối Kinh Tư, tôi không phải lội bộ băng qua những cánh rừng cóc và chà là chân giẫm đầy gai nhọn. Xóm Rẫy Gành Hào giờ đây thay đổi quá nhiều, phố lầu mọc lên san sát, kinh tế nơi đây luôn phát triển, trên gương mặt mỗi người đều rạng rở hân hoan,trung tâm hành chính huyện Đông Hải được xây cất rất đẹp. Tôi đứng ngắm nhìn trường Trung Học Phổ Thông Gành Hào mái ngói khang trang mà ngậm ngùi lắng nghe tiếng trống trường giờ tan học, nhìn các em nữ sinh với tà áo dài tung bay trong gió như những đàn chim bay về tổ ấm. Cảnh vật và con người nơi đây không còn nhận ra tôi nữa, chỉ có gió và tiếng sóng biển cứ rì rào như hát mừng người xưa đã trở lại, còn hai hàng dương buồn hiu quạnh không hề hay biết chỉ biết nghiêng mình che mát cho con đường lộ nhựa bê tông. Ôi ! ta nhớ con đê còm năm ấy. Con nước ba mươi uy hiếp từng ngày. |
Cập nhật ( 16/03/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com