THĂM ĐỀN HÙNG SUY NGẪM VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC VIỆT
* Kiều Văn
Có một bài thơ mang tên “Đền Hùng” mà tôi đã thuộc lòng từ khi còn học ở tiểu học:
Ba toà chót vót đầu non,
Nghìn thu sùng bái vẫn còn khói hương.
Bụi hồng mấy cuộc tang thương,
Bia xanh còn đó, quyển vàng còn đây.
Trời cao, bể rộng, đất dày,
Sông Thao núi Tản chốn này làm ghi.
Bốn bề cây cối xanh rì,
Nhìn xem phong cảnh khác gì đào nguyên.
Đường mây sẵn bậc bước lên,
Rõ ràng lăng miếu mẹ Tiên cha Rồng.
Năm, năm mở hội Đền Hùng,
Tiếng tăm lừng lẫy nức lòng gần xa.
(Thy Ngọc)
Chắc chắn “hồn thiêng sông núi” không phải là một điều hư ảo, chính vì vậy mà bài thơ ấy giống như luồng ánh sáng đầu tiên dọi vào tâm hồn non nớt của tôi lúc mới lên mười tuổi, làm nảy mầm những tình cảm thiêng liêng đối với dân tộc và đất nước.
Lần này từ miền Nam trở về thăm đất Bắc giữa những ngày “tháng ba hội hè”, nhớ đến “ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”, tôi bèn một mình một xe máy lên đường trong mưa xuân ướt đẫm, hành hương về thăm đất tổ Hùng Vương thuộc thôn Cổ Tích, xã Hi Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Một quần thể núi đồi (mang những tên Núi Hùng, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Núi Cả, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn…) không cao lắm, phủ rợp cây xanh, đượm vẻ thơ mộng êm đềm, nằm lọt giữa vòng tay ôm của sông Thao (một khúc của sông Hồng) và sông Lô (phụ lưu đổ vào sông Hồng tại Việt Trì). Phong cảnh nơi đây khác hẳn với vẻ kì vĩ hiểm trở của Ba Vì, Yên Tử hoặc vẻ hùng tráng của Kiếp Bạc, Bạch Đằng. Tổ tiên của chúng ta thật tinh tường khi chọn vùng đồi núi hiền hoà giàu chất thơ này làm nơi thờ cúng thuỷ tổ của giống nòi!
Còn hai ngày nữa mới đến ngày lễ hội mà dòng người thập phương đổ về Đền Hùng đã đông nghìn nghịt đến nỗi lối chính dẫn vào đền đã bị nghẽn. Tôi và nhiều người khác buộc phải đi theo đường vòng thúng để vào đền từ phía sau. Cho hay sức mạnh “về nguồn” của người Việt suốt mấy ngàn năm qua chẳng khác gì nước sông Hồng đổ vào biển Đông trong mùa nước lũ!
Ấn tượng mạnh đầu tiên đối với tôi chính là độ cao chót vót của Đền Hùng đúng như bài thơ trên đã tả. Tuy chỉ cao 175m so với mặt biển nhưng đường bậc thang dẫn lên Đền Thượng khá dốc (ít nhất cũng bằng chiều cao cầu thang của một cao ốc 25 tầng), vì thế sau khi trèo được vài trăm bậc thì ai nấy đều… thở ra tai! Đủ biết tổ tiên chúng ta, cũng giống như người Sparte Hi Lạp cổ đại, là những con người khoẻ mạnh như thế nào! Đối với các vị, những độ cao của núi Hùng, Ba Vì, Yên Tử, Hải Vân… chẳng có gì đáng ngán. Còn những con người “hiện đại” chúng ta thì… vắt óc nghĩ cách “cáp treo hoá” chúng cốt để nuông chiều sự yếu ớt của cơ thể và cái tính lười nhác của mình!
Ấn tượng mạnh tiếp theo của tôi chính là tính “toàn bích” của cả một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp được phân bố hài hoà, chiếm trọn quả núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng) với bốn tầng thắng tích ở bốn độ cao khác nhau.
Trên “chót vót đầu non” là Đền Thượng thờ 18 vị vua Hùng, có bốn chữ Nam Việt Triệu Tổ (Thuỷ tổ nước Nam Việt) ở phía trên cửa đền. Cạnh Đền Thượng là lăng vua Hùng thứ sáu. Trong lăng có chiếc quách đá lớn gợi cảm tưởng trong quách vẫn còn hài cốt của vua sau 3000 năm. Trước đền và lăng, cả một bầy con Rồng cháu Tiên tấp nập thắp hương dâng lễ cúng tổ. Có lẽ không ở đâu như ở Đền Hùng, và không khi nào như trong ngày gỗ tổ, người ta cảm nhận được một tình cảm ruột thịt tha thiết đến thế giữa những người mang cùng dòng máu Việt! Tại đỉnh núi thiêng này, các vua Hùng ngày xưa đã dựng miếu thờ Thánh Gióng, và thờ Thần Lúa với biểu tượng một vỏ trấu vĩ đại (to bằng chiếc thuyền; sở dĩ chỉ là vỏ trấu chứ không phải hạt thóc vì hạt gạo trong đó đã được dùng để nuôi đàn con đầu tiên của dân tộc Việt). Biểu tượng vật thể ấy về sau đã bị đốt cháy trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng thiết nghĩ chúng ta cần phải tái tạo lại, bởi đó là biểu tượng nghệ thuật cổ xưa nhưng thật tuyệt vời cho nền văn minh lúa nước của chúng ta.
Đền Trung khiêm nhường hơn, ở vị trí thấp hơn, là nơi ngày xưa các vua Hùng hội họp bàn việc nước hoặc ngắm cảnh giang sơn. Đây cũng chính là nơi thái tử Lang Liêu dâng vua cha hai sản vật quý bánh giày1 và bánh chưng đã trở thành quốc tục cho đến tận ngày nay.
Ở vị trí lưng chừng núi, trên một mặt bằng khá rộng, toạ lạc Đền Hạ. Tương truyền nơi đây chính là tổ ấm của tổ phụ Lạc Long Quân và tổ mẫu Âu Cơ.
Ở vị trí thấp dưới chân núi là Đền Giếng thờ hai nàng công chúa (con vua Hùng thứ 18) đã đi vào huyền thoại:
Nàng công chúa thứ nhất là Tiên Dung, người con gái có cá tính mãnh liệt với tâm hồn lãng mạn và phóng khoáng như của những bậc tiên thánh. Nàng đã dám… tự tiện lấy chồng sau cuộc gặp gỡ kì lạ giữa bãi cát với chàng trai nghèo rớt mồng tơi Chử Đồng Tử, không hỏi ý kiến cha mẹ. Nàng còn mang cốt cách của một trang “cân quắc anh hùng” với những hành vi động trời: cùng chồng xây dựng một thành phố nguy nga tựa một kinh đô mới ở đầm Dạ Trạch khiến vua Hùng lo ngại đến nỗi phải sai quan quân đi tróc nã… con gái.
Nàng công chúa thứ hai là Ngọc Hoa (vợ của Nguyễn Tuấn tức Tản Viên sơn thánh). Nàng là biểu tượng của thành tố ÂM trong trời đất, là điển hình cho người con gái Việt Nam lá ngọc cành vàng muôn vẻ đáng quý đáng yêu. Chính vì nàng mà xảy ra cuộc chiến tranh trường kì (năm năm báo oán, đời đời đánh ghen) giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh (tức giữa đất với nước: thuỷ – thổ tương khắc). Vai trò của nàng giống với vai trò của hai nhân vật nổi tiếng trong văn học thế giới: một là nàng Hêlen, mĩ nhân Hi Lạp, là nguyên nhân của một cuộc tranh chấp tình ái dẫn đến chiến tranh Hi Lạp – Troie (sử thi Iliade của Homère); hai là nàng Carmen (trong tiểu thuyết của Mérimée), đối tượng tranh chấp quyết liệt của nhiều trang phong lưu mã thượng, đến nỗi rốt cuộc nàng đành phải tìm đến phương sách… giã từ cuộc sống để chấm dứt những cuộc tranh chấp tình ái đáng sợ ấy.
Đền Hùng vừa là địa điểm nổi tiếng của lịch sử dân tộc thời mở nước Văn Lang (khoảng trên 2500 năm TCN), vừa là xứ sở của những huyền thoại kì diệu nhất: bọc trăm trứng, Thánh Gióng, Bánh giày bánh chưng, Dưa hấu (An Tiêm), Trầu cau, Chử Đồng Tử – Tiên Dung, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, cột đá thề Thục Phán v.v…
Ngâm mình trong không khí của một đại lễ hội mang ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại nhất của toàn dân tộc và toàn bộ lịch sử đất nước, trong một thắng cảnh vừa thơ mộng vừa hoành tráng, trong không gian chứa đầy ắp những huyền thoại, tôi thấy lòng trào dâng một niềm tự hào khôn xiết vì được vinh dự là hậu duệ của những bậc tổ tiên oanh liệt, được đặt chân lên mảnh đất mà từ thuở xa xưa các ngài đã hiện diện và đã lập nên biết bao kì tích cho giống nòi.
Cũng như tính cách của con người được định hình ngay từ thời niên thiếu, bản sắc (những tính chất đặc trưng nhất) của dân tộc Việt chúng ta được chung đúc, định hình ngay từ thời đại Hùng Vương. Bản sắc ấy như thế nào? Chắc chắn ai cũng thấy rằng mô tả được bản sắc đó là một điều cực khó, đòi hỏi phải có khả năng tổng hợp, phân tích, loại trừ và phán đoán rất cao. Chính vì vậy mà từ trước đến nay chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào đề cập và trình bày toàn diện về bản sắc của dân tộc Việt chúng ta. Thế nhưng lẽ nào chúng ta có thể bằng lòng với tình trạng miệng thì nói, tay thì viết về bản sắc dân tộc, nhưng trong nhận thức thì vẫn còn khá mơ hồ đối với khái niệm rất khó nắm bắt ấy? Tôi đã suy nghĩ về vấn đề “bản sắc dân tộc Việt” từ khá lâu. Và giờ đây, trong không khí náo nức của toàn dân tộc đang hướng về lễ hội Đền Hùng (mồng mười tháng Ba), một tình cảm thiêng liêng vô hạn đã thôi thúc tôi phải mang hết khả năng để cố gắng mô tả bản sắc ấy, mạnh dạn trình bày trước mọi người như một tham luận, mong góp được một chút gì cho công trình lớn nghiên cứu về dân tộc ta mà tất cả mọi người Việt Nam đều quan tâm. Những nhận thức của tôi sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót và sai lầm bởi vì “thế giới là một đại dương mà hiểu biết của con người chỉ là một giọt nước”. Xin bạn đọc lượng thứ và góp ý.
Sau khi tham khảo nhiều ý kiến của các học giả từ trước đến nay cộng với suy nghĩ và phán đoán của bản thân trong khoảng nửa thế kỉ chiêm nghiệm, tôi xin trình bày những điểm sau đây:
I. Bản sắc đặc trưng của người Việt: sống thuận theo lẽ tự nhiên.
Trên tầm cao nhất của nhận thức, ngày nay người ta biết rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ, khi tồn tại trong trạng thái bình thường và ổn định của chúng (trừ những trạng thái bất thường như xảy ra va chạm, phản ứng lí hoá với dị vật hoặc bị huỷ diệt bởi một tác nhân nào đó) đều mang một bản tính có sẵn. Bản tính ấy có nguồn gốc từ thiên nhiên tồn tại trường cửu (có thuyết khẳng định thiên nhiên ấy chính là Thượng Đế) cho nên nó cũng có tính ổn định rất cao, và bởi vậy trong khoảng thời gian dài đến cả triệu năm nó vẫn quyết định sự khác nhau giữa vật này với vật khác, loài này với loài khác, dân tộc này với dân tộc khác, người này với người khác. Lão Tử – nhà hiền triết thời cổ của Trung Hoa đã khẳng định:“Đạo vốn có luật. Con hạc không tắm một ngày nào mà vẫn trắng, con quạ không nhuộm một lần nào mà vẫn đen, tinh tú vốn có ánh sáng, nước vốn chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp…”. Nguyễn Trãi cũng miêu tả bản tính tự nhiên của ông bằng mấy từ “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”.
Tuy nhiên trong quá trình sống và vận động lâu dài trên trái đất, chịu vô số tác động của ngoại cảnh, những bản sắc ban đầu của con người vẫn có thể bị biến dị, tha hoá ở mức độ nào đó (nhưng không bao giờ đến mức con người trở thành một loài khác, trừ trường hợp những “quái thai”). Bậc đại phu Khuất Nguyên từng cảm thán “Thiên hạ giai tuý, duy ngã độc tỉnh; Thiên hạ giai trọc, duy ngã độc thanh” (Thiên hạ đều say, chỉ mình ta tỉnh; thiên hạ đều đục, chỉ mình ta trong).Đó là minh chứng cho sự biến thiên – nhiều khi khá nghiêm trọng – của bản chất con người.
Trong các dân tộc trên thế giới, xét tổng quát, dân tộc Việt trước sau vẫn giữ nguyên khuynh hướng sống thuận theo lẽ (quy luật) tự nhiên. Chẳng hạn họ chọn địa bàn cư trú ở các miền đồng bằng trù phú hơn là những miền núi cao hoặc sa mạc khô cằn, khắc nghiệt. Họ ưa chuộng một lối sống lành mạnh, hợp nhân tính, ghét sự khắc kỉ và sự hành xác. Người Việt coi tất cả những hành động và tập quán trái với lẽ tự nhiên là “mọi rợ”. Có thể lấy một dẫn chứng cho lối sống theo tự nhiên ấy qua bài ca dao sau đây:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua,
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng,
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương miệng nói lại càng thêm xinh,
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt hữu tình với ai.
Người con gái Việt rõ ràng có ý thức gìn giữ nguyên vẹn “vẻ đẹp trời cho” của mình cả về thể chất lẫn tinh thần. Nàng chỉ tô điểm và cách điệu thêm chút đỉnh trên cơ sở cái đẹp tự nhiên ấy chứ không làm biến dạng nó. Cho nên ở nàng tất cả đều hài hoà, đáng yêu, xinh đẹp đến mê hồn, không hề có một chút gì “chỏi” gây nghịch nhãn. Chính vì thế mà nàng mới được mọi người dành cho nàng những… mười thương!
Bản sắc đặc trưng ấy của dân tộc ta có nguồn gốc ở cuộc sống lao động nông nghiệp hết sức lành mạnh, luôn gắn chặt và bị chi phối bởi những quy luật, những hiện tượng của thiên nhiên như nắng mưa, nóng lạnh, sự luân chuyển đều hoà của bốn mùa. Một khía cạnh điển hình cho sự lành mạnh ấy: người Việt coi con người là vốn quý nhất trên đời, cho nên họ coi trọng tính mạng con người hơn tất cả, và coi bất kì hành động nào gây tổn hại, đau thương, chết chóc cho con người là điều khủng khiếp và tối kị. Trong tiếng Việt, thành ngữ “chết người” biểu thị sự cấm kị và răn đe, ví dụ “một quyết định chết người”, “một sơ suất chết người”. Bản sắc ấy khác với bản sắc của một số tộc người khác như Chămpa, Trung Hoa, Nhật Bản, Malaysia, châu Phi, A rập, Do Thái, một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên… thường có những tập tục trái tự nhiên, xâm hại, gây đau đớn, làm biến dạng cơ thể mình như: rạch mặt, rạch nát da lưng những người đàn ông, trong lễ hội dùng móc sắt móc vào lưng người và treo lên cao, cà răng căng tai, cắt da quy đầu, hoạn tinh hoàn, xiên lình, cạo trọc nửa đầu, phụ nữ bó chân hoặc đeo vòng kim loại nhiều tầng trên cổ (để kéo cổ dài ra), các samurai đâm hoặc rạch bụng để tự sát khi không hoàn thành nhiệm vụ, tự thiêu hoặc bắt người vợ phải chết thiêu theo chồng đã chết v.v… Một số người Phương Tây hiện đại lại có cái thú xăm mình khắp người hoặc chơi những môn thể thao nguy hiểm “chết người”. Tất cả những hành động ấy đều không thể thâm nhập được vào lối sống của người Việt, đơn giản vì họ thấy nó… ghê rợn trái với lẽ tự nhiên. Riêng tôi, nếu có một vị hoàng đế cho tôi cả thành Paris tráng lệ mà bắt tôi phải chịu một trong những khổ hình ấy thì: “Tôi xin trả Paris cho hoàng đế/ Tôi yêu con người của tôi khôn xiết kể/ Tôi yêu thiên tính của tôi hơn cả Paris.” (tôi mạn phép nhái thơ của Voltaire).
II. Những nét đặc thù về thể chất và về tâm tính.
1) Người Việt là một dân tộc thông minh, sắc sảo, lanh lợi.
Thơ cũ có câu miêu tả người Việt “Một giống người nhỏ bé nhưng tinh anh” xét ra thật đúng. Vì có đầu óc lanh lợi, sáng dạ, lắm mưu nhiều thuật (kể cả những mưu thuật… ma mãnh) mà người Việt từng được ai đó gọi là “Do Thái phương Đông”. Có một điểm khá độc đáo: dân tộc ta tuy không đạt được thứ hạng cao về văn hoá và trí thức trên thế giới, nhưng lại sản sinh được khá nhiều người con đạt được thứ hạng ấy. Những trường hợp tiêu biểu: Mạc Đĩnh Chi được triều đình Trung Hoa phong là “lưỡng quốc trạng nguyên”, hai văn tài Nguyễn Trãi và Nguyễn Du được nhân loại tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới, Nguyễn Bỉnh Khiêm được người Trung Hoa tôn là An Nam lí học, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là bậc đại danh y tầm vóc thế giới, Trương Vĩnh Kí được bầu là 1 trong số 18 nhà bác học của thế giới đương thời, Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường là những trí thức có danh tiếng tại nước Pháp, Hoàng Hữu Đản được nhà nước Pháp hai lần trao tặng huân chương Palmes Académiques (hạng ba năm 2000 và hạng hai năm 2008), và gần đây nhất là nhà toán học Ngô Bảo Châu được trao giải Fields tương đương giải Nobel toán học.
Từ thời cổ đến nay trên đất nước ta còn xuất hiện những “thần đồng” như Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Kì Đồng… Dưới thời Bắc thuộc, bọn thống trị người Hán từng bắt những người Việt tài giỏi lỗi lạc đem về Trung Hoa để sử dụng, như kiến trúc sư Nguyễn An, danh y Tuệ Tĩnh, nhà kĩ thuật Hồ Nguyên Trừng, và rất nhiều thợ thủ công khéo tay khác… Dưới thời Pháp thuộc, bọn thực dân Pháp đã phải “chờn” nhà doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi về tài năng kinh doanh và những thủ đoạn cạnh tranh của ông.
Nguyễn Trãi từng có một nhận định chuẩn xác: “Nước ta tuy ở xa ngoài Ngũ Lĩnh (năm ngọn núi ở nam Trung Hoa) nhưng từ xưa đã nổi tiếng là một nước thi thư”. Thật vậy, trong lịch sử Việt Nam kim cổ đã có không ít những con người có trí tuệ uyên bác, có tài năng lớn (hoặc đa phương diện hoặc về mặt này mặt khác) và đều nổi tiếng trong đời. Ngoài những nhân vật xuất chúng đã nói tới ở trên, tôi xin kể thêm một số gương mặt ưu tú thuộc các thời đại khác nhau: Chu Văn An, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, thi nhân Nguyễn Gia Thiều, Quang Trung, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Phan Huy Chú, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Khuyến, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Nhất Linh, Phạm Duy, Văn Cao, Nguyễn Gia Trí v.v…
Ngoài đẳng cấp xuất chúng đó ra, những người Việt bình thường nói chung đều có tố chất thông minh bẩm sinh rõ rệt như lắm mưu chước, ăn nói và ứng xử khéo léo, nhiều người ít học nhưng tính nhẩm như thần, nghề gì cũng học được một cách mau chóng…
2) Người Việt tuy nhỏ thó nhưng có đầy đủ sức mạnh trong lao động và chiến đấu.
Về sức mạnh cơ bắp, nhìn chung người Việt có vóc người nhỏ bé, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Trong dân chúng cũng không ít những người vạm vỡ “khoẻ như lực điền”, những thanh niên trai tráng có sức “bẻ gãy sừng trâu”, những vận động viên thể thao ngang phân với những đấu thủ trên võ đài quốc tế. Trong suốt 4000 năm lịch sử, không một thứ công việc khó khăn nặng nhọc nào (kể cả “nhất thổ nhì mộc”) mà không do chính bàn tay người Việt tạo dựng.
3) Người Việt không bao giờ chấp nhận sống nô lệ.
Một đặc tính có thâm căn cố đế trong tinh thần của người Việt: trừ một số không đáng kể, tuyệt đại đa số người Việt không bao giờ chấp nhận làm nô lệ cho ngoại bang cũng như cho bọn hôn quân bạo chúa. Ngay cả khi vì bất khả kháng mà phải chịu đựng hoàn cảnh nô lệ, từ trong cốt tuỷ, người Việt luôn nung nấu một ý chí phản kháng cực kì bền bỉ khiến cho những kẻ thống trị không sao biết được thực chất bên trong con người họ. Những kẻ xâm lược thuộc thứ hạng những cường quốc của các thời đại như Trung Hoa, đế quốc Nguyên-Mông, thực dân Pháp, phát xít Nhật… từng đặt được ách thống trị lên đất nước ta nhưng không bao giờ đồng hoá nổi người Việt và tiêu diệt được tinh thần độc lập của họ. Dù sau 100 năm thậm chí 1000 năm phải chịu đựng ách đô hộ, cuối cùng người Việt vẫn vùng lên giành lại được nền độc lập cho tổ quốc.
So sánh giữa độc lập với văn minh thì người Việt quý trọng độc lập hơn. Dẫn chứng hùng hồn: các nước Trung Hoa, Pháp, Mĩ, Nhật văn minh hơn hẳn Việt Nam đã từng thống trị Việt Nam và ra sức truyền bá nền văn minh của họ, nhưng vẫn bị người Việt coi là kẻ thù và quyết chí đánh đuổi. Các nước hùng mạnh ấy đã phải ngộ ra một điều: bắt dân tộc Việt làm nô lệ là điều không thể bởi vì nhất định họ sẽ phản kháng và quyết giành lại tự do. Thiết tưởng ở con người không có phẩm chất nào cao quý hơn phẩm chất ấy.
Đối với bọn hôn quân bạo chúa các thời đại, người Việt tuy bề ngoài tỏ vẻ cam chịu nhưng bên trong họ luôn có những suy nghĩ sâu sắc thường được truyền bá rộng rãi bằng hình thức ca dao, hò vè hoặc truyện tiếu lâm. Câu ca dao“Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa” tiêu biểu cho ý chí của nhân dân quyết tâm lật đổ mọi ách thống trị hà khắc. Dưới chế độ phong kiến đã có biết bao cuộc khởi nghĩa nông dân khiến ngai vàng của vua chúa phải chao đảo hoặc sụp đổ. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là minh chứng tiêu biểu.
Nhưng không chỉ có một việc “nổi can qua”, nhân dân còn có nhiều cách thâm trầm và đáng sợ khác để ứng xử với bọn hôn quân bạo chúa ấy. Có những câu ca dao rất đáng sợ như sau: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, “Được làm vua, thua làm giặc”. Lịch sử Việt Nam cũng ghi chép một câu chuyện đầy ý nghĩa thâm thuý: Hồ Quý Li là một ông vua khá tài giỏi nhưng có mặt xấu là rất gian hùng. Đối với các bề tôi cũng như với nhân dân, ông ta thường dùng chính sách “bàn tay sắt” để cai trị. Thậm chí ông ta đã xử tội chết chính con gái của mình là Bạch Y vì nàng đã thương dân mà bao che cho dân khi phải đào kênh Sắt theo lệnh của Quý Li. Dân Nghệ An cảm thương nàng chỉ vì thương họ mà bị giết, đã đặt ra bài thơ về nàng như sau:
Sao mà có Trần quốc công (Hồ Quý Li)
Giết nàng thục nữ oan lòng sự con.
Thương nàng phận gái thơ non
Mới mười tám tưổi vừa tròn bóng trăng.
Tay cầm chén rượu ba giăng
Cung đàn nàng gảy khi năng khi rời.
Thương nàng lắm lắm ai ơi!
Bởi vì kênh Sắt đào rồi không xong.
Giết con mà lấy uy lòng,
Oan con con chịu mà sông không thành.
Một ông vua độc ác đến mức ấy làm sao thu phục được lòng dân? Và đây màn kết thúc của Hồ Quý Li. Quân Minh sang xâm lược nước ta, đánh bại nhà Hồ và quyết bắt sống cha con Quý Li. Ông ta cùng con trai Hồ Hán Thương phải vội vàng chạy trốn vào Nghệ An. Tại đây, một lão nông chỉ đường cho Quý Li chạy lên núi Thiên Cầm nhưng Quý Li nghi ngờ (bởi vì “thiên cầm” có nghĩa là “trời bắt”) bèn rút kiếm chém chết ông lão. Từ phút ấy, giữa trùng điệp thần dân của mình mà hoàn toàn cô độc, không một ai che chở, hai cha con buộc phải trốn lên núi Kì La và bị quân Minh bắt giải về Tàu.
Hẳn Hồ Quý Li và những ông vua nào đi theo vết xe đổ của ông ta đã phải ngộ ra rằng: sức dân như nước lật thuyền, và một khi đã để mất lòng dân thì số phận của mình chẳng khác gì chuông treo chỉ mành!
4) Người Việt coi bản sắc dân tộc là giá trị thiêng liêng
Ai cũng biết rằng người Việt ngày nay dù định cư ở bất cứ đâu trên thế giới cũng không bao giờ chấp nhận dùng một sản vật của nước ngoài thay thế cho bánh chưng, bánh tét để thờ cúng tổ tiên trong ba ngày tết Nguyên Đán. Chỉ một tập tục nhỏ bé ấy thôi đã chứng tỏ tinh thần tôn thờ bản sắc Việt của họ son sắt biết chừng nào!
Ở những thời đại trước, cho dù phải sống dưới ách thống trị của ngoại bang và bị chúng ra sức đồng hoá, người Việt vẫn có ý thức gìn giữ mọi giá trị truyền thống về vật chất và tinh thần của dân tộc mình. Đó là lòng yêu nước, là tâm thức uống nước nhớ nguồn, là tục lệ thờ cúng tổ tiên, ghi nhớ công ơn các đấng anh hùng nghĩa sĩ có công với nước, gìn giữ những phong tục tập quán cổ truyền, quý trọng nền văn chương nghệ thuật của dân tộc… Tiếng Việt từ thời Hùng Vương đến nay vẫn là ngôn ngữ chính thức của toàn dân, ngày càng giàu đẹp thêm chứ không hề bị mai một. Vào thế kỉ 12-13, khi chưa có văn tự riêng, tổ tiên ta đã dựa vào chữ Hán chế tác ra chữ Nôm – văn tự riêng của người Việt – để đọc tiếng mẹ đẻ, chứng tỏ tiếng Việt đã được coi trọng đến múc nào!
Theo kết quả nghiên cứu mới của các nhà sử học, tính đến thời điểm hiện nay, dân tộc Việt có tới 7000 năm lịch sử với bao nhiêu chặng thăng trầm. Vậy mà suốt thời gian dài dằng dặc ấy, tuy có những biến đổi ở khía cạnh này khía cạnh khác nhưng bản sắc đặc trưng của người Việt thì vẫn trường tồn. Nếu không phải là như thế thì ngày nay ắt dân tộc ta đã bị hoà lẫn với các dân tộc láng giềng như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Miên, Singapore, Malaysia, Indonesia v.v…
5) Dân tộc Việt có tính thuần nhất cao nhưng mối liên kết cộng có lúc chặt chẽ có lúc lỏng lẻo.
Sách vở đã mô tả khá đầy đủ tính chất thuần nhất của người Việt về ngôn ngữ, tính tình, phong tục tập quán, cách thức lao động và sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng… Bởi vậy người Việt Nam dù đi đến bất cứ địa phương nào trong nước cũng vẫn cảm thấy mình đang sống giữa đồng bào ruột thịt của mình, sự khác biệt dù có nhưng không gây ra khó khăn trục trặc nào đáng kể. Trái lại ở một số nước khác như Trung Hoa, có sự khác biệt lớn, nhất là về ngôn ngữ giữa người vùng này, tỉnh này với người vùng khác, tỉnh khác. Người Hoa có câu khẩu ngữ vui như sau: “Ma cũng không sợ, quỷ cũng không sợ, sợ nhất là nghe người Quảng Đông nói tiếng Bắc Kinh” (!)
Thế nhưng vẫn có một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn và lo ngại: sự liên kết của cộng đồng người Việt có lúc chặt chẽ nhưng nhiều khi đã bị suy yếu và trở nên lỏng lẻo.
Trong kho tàng ca dao và tục ngữ phản ánh sinh hoạt của dân tộc, chúng ta thấy tình cảm của người Việt thường thu đóng trong những phạm vi hẹp như tình cảm gia đình, tình yêu trai gái, tình cảm với làng xóm, quê hương. Hiếm có những bài nói về sự đoàn kết khăng khít của cả cộng đồng. Điều đó có nguồn gốc ở nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông phân tán. Người nông dân suốt đời canh tác trên mảnh ruộng của mình, không hay đi xa khỏi làng, ít giao tiếp với những cư dân ở các địa phương khác, do đó tình cảm đồng bang đồng chủng ít có cơ hội để nở rộ. Mặt khác từ thời xưa, dân tộc ta vốn nghèo, mà nghèo là nguyên nhân của lối sống cá nhân ích kỉ, không còn đầu óc nào nghĩ đến toàn thể cộng đồng rộng lớn. Lối sống thu đóng và thiếu gắn bó ấy đã được phản ánh trong nhiều câu tục ngữ như “Chín người mười ý”,“Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” hay như câu thơ của Thế Lữ “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”…
Trong lịch sử, có những thời kì rất dài đất nước và dân tộc ta bị chia cắt bởi những tập đoàn thống trị cát cứ. Đó là những thời nội chiến giữa các tập đoàn Lê, Trịnh – Mạc, Trịnh – Nguyễn, Tây Sơn – Chúa Nguyễn trong các thế kỉ 16-17-18 , Bắc Việt – Nam Việt trong thế kỉ 20. Chúng ta hãy thử đọc lại bài thơ “Hận sông Gianh” nói về cảnh huynh đệ tương tàn thời Trịnh – nguyễn phân tranh để suy ngẫm:
Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ,
Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam.
Đây dòng sông dòng máu Việt còn loang,
Đây cổ độ xương tàn xưa chất đống.
Sông còn đây, hận phân li nòi giống,
Máu còn đây, cơn ác mộng tương tàn.
Và còn đây hồn dân Việt thác oan,
Bao thế kỉ chưa tan niềm uất hận.
Ôi Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn,
Muôn đời sau để hận cho dòng sông.
Mộng bá vương Trịnh – Nguyễn có còn không?
Nhục nội chiến non sông còn in vết.
Ôi sông Gianh, nơi nồi da nấu thịt,
Nơi gươm Hồng tàn sát giống Lạc Hồng,
Nơi máu hồng nhuộm đỏ sóng dòng sông,
Máu nhơ bẩn muôn đời không rửa sạch.
V.T.D
Tất cả những người Việt Nam có lương tri đều đau xót như tác giả V.T.D đối với sự phân li nòi giống ấy. Đành rằng bọn thống trị là thủ phạm gây ra những cảnh phân li, nhưng không thể chối cãi rằng cảnh tương tàn ấy đã được thực thi bởi chính bàn tay của những kẻ là đồng bào ruột thịt của nhau. Chí sĩ Phan Bội Châu cũng đã từng đau lòng nhức óc khi nhìn thấy khuyết tật ấy của dân tộc mình, ông viết trong “Hải ngoại huyết thư”:
Song trong nước mỗi người mỗi khác,
Vốn cùng nhau xung khắc bất hoà.
Những là ta lại hại ta,
Những thân dị chủng mà xa đồng bào…
Nỗi ngu dại nói không kể xiết,
Lại ngờ nhau, chẳng biết tin nhau;
Coi nhau như thể quân thù,
Thù mong nhau hại, ghét cầu nhau hư.
Bụng có hợp thì nhà mới hợp,
Lòng đã tan thì nước cũng tan!
Mối liên kết dân tộc chỉ được thắt chặt và phát huy hiệu quả trong những thời đại hưng thịnh khi những bậc minh quân và những triều đình được lòng dân đứng ra hiệu triệu toàn dân tham gia vào những việc trọng đại của quốc gia như chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi, khẩn hoang, xây dựng những công trình lớn (như trị thuỷ, đào kênh, mương, máng, xây dựng đình, chùa, miếu mạo… ) của đất nước.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông với Hội nghi Diên Hồng nổi tiếng, cuộc kháng chiến chống Minh, cuộc đại phá quân Thanh, cuộc khẩn hoang ở miền duyên hải Bắc Bộ do Nguyễn Công Trứ lãnh đạo, cuộc khẩn hoang vĩ đại và di dân về phía Nam do Nguyễn Hữu Cảnh lãnh đạo, và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, là những dẫn chứng hùng hồn.
Tóm lại, sự đoàn kết chặt chẽ của toàn thể cộng đồng là một nhân tố có tính quyết định đối với sự thắng lợi về bất kì phương diện nào của dân tộc ta kể cả trong quá khứ lẫn trong hiện tại. Điều đó cũng có nghĩa là một khi sự đoàn kết ấy bị suy giảm đến mức báo động thì cả dân tộc sẽ phải đối mặt với những thảm hoạ khôn lường như chính lịch sử đã từng xác nhận.
6) Lãnh tụ và lãnh đạo: vấn đề quan trọng bậc nhất đối với người Việt.
Nhìn chung thì bất cứ dân tộc nào cũng cần có một vị lãnh tụ và một cơ quan lãnh đạo đầu não để đoàn kết và dẫn dắt họ. Tuy nhiên cũng có những dân tộc mà tự nó có khả năng liên kết chặt chẽ thành một khối (giống như một bộ lạc thời cổ), và dù khuyết lãnh tụ thì cả cộng động sẽ bằng hình thức dân chủ “lấy ý kiến chung” để xác định một mục tiêu cụ thể. Còn đối với dân tộc Việt thì lãnh tụ có một vai trò đặc biệt trọng đại. Nhiều học giả đã chứng minh rằng dân tộc ta tự nó không có khả năng thống nhất và xác định hướng vận hành của mình khi thiếu một vị lãnh tụ có đủ uy tín. Bởi vậy, dưới thời phong kiến, việc đầu tiên của các nhà khai sáng một triều đại mới là phải tìm bằng được một vị minh chủ rồi phò tá ông ta lên ngôi vua. Bởi vì có ngôi vua nghĩa là có danh chính, mà danh có chính thì ngôn mới thuận và dân mới nghe theo! Nước phải có vua (lãnh tụ) cũng giống như trong một đàn chim, một đàn sói hay một đàn voi, nhất thiết phải có một con đầu đàn.
Trong lịch sử dân tộc ta, vai trò của các lãnh tụ luôn nổi bật như những ngôi sao dẫn đường. Lịch sử chứng minh rằng cộng đồng người Việt chỉ chấm dứt tình trạng phân tán để đoàn kết lại thành một khối thống nhất khi họ được một vị lãnh tụ kiệt xuất hoặc một đấng anh hùng cái thế, thậm chí một người bất kì (không nhất thiết phải là con dòng cháu giống, miễn đó là một nhân vật thật sự hùng mạnh trong đời khiến ai cũng kính phục và muốn đi theo) đứng lên hô hào và tập hợp. Câu ca dao “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan” hoặc “Trên trời có ông sao Tua/ Ở dưới hạ giới có vua Ba Vành” là nói về dạng người anh hùng ấy. Dưới sự dẫn dắt của nhân vật lãnh vai trò “chim đầu đàn” đó, cả cộng đồng nhất loạt đi theo, sẵn sàng bỏ hết tị hiềm, chia rẽ, bỏ hết lợi ích cá nhân và những suy nghĩ tủn mủn để hướng về mục tiêu chung lớn lao của toàn dân tộc ở thời điểm ấy.
Những sự kiện lịch sử chứng minh cho hiện tượng “toàn cộng đồng đoàn kết và nhất tề theo gót người anh hùng của mình” là những cuộc chống ngoại xâm, những cuộc khởi nghĩa, những cuộc lật đổ ngôi vua lập triều đại mới, và những phong trào xã hội, với các nhân vật lịch sử tiêu biểu như: Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Bôn, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lí Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can…
Đến khi vì một lí do nào đó mà khuyết một vị lãnh tụ có đủ sức quy tụ nhân dân thì sự thống nhất của cộng đồng rất dễ chuyển thành tình trạng rã đám, không ai nghe ai, khiến đại sự đi đến chỗ tan vỡ. Những câu nói như “quân vô tướng, hổ vô đầu”, “rắn mất đầu”, “Quân hồi vô phèng”, “Trên bảo dưới không nghe”, “nhà dột từ nóc dột xuống”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, “mạnh ai nấy chạy”… chỉ vào trường hợp tan rã và suy bại tập thể ấy.
Như vậy, đối với người Việt, vấn đề “vai trò cá nhân trong lịch sử” có thể được coi là có tính quyết định đối với sự thành bại của cả dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử.
Sau đây là một dẫn chứng lịch sử. Năm 1786 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc diệt được họ Trịnh rồi với tư cách như một bề tôi, vào yết kiến vua Lê Hiển Tông . Sau đó Nguyễn Huệ trao Bắc Hà lại cho vua Lê và trở về Nam. Hiển Tông mất, Lê Chiêu Thống lên ngôi vua nhưng đó là một ông vua ngu hèn bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông ta để mặc cho các đại thần như Nguyễn Hữu Chỉnh tự tung tự tác, phá hỏng quan hệ đang tốt đẹp với Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ buộc phải sai tướng Vũ Văn Nhậm ra Bắc giết Chỉnh. Vua Chiêu Thống lập tức vô cùng hoang mang sợ hãi và mất hướng, liền nghĩ ra một “diệu kế”: chạy trốn lên phía Bắc và cử người đi cầu viện nhà Thanh đem quân sang giúp mình chống lại Nguyễn Huệ, người đã trả lại ngôi vua cho nhà Lê. Nhưng người anh hùng Nguyễn Huệ đã lập tức kéo quân ra Bắc đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, cứu cho đất nước một bàn thua trông thấy. Từ đó, Lê Chiêu Thống sang nương náu bên nhà Thanh, bị chúng khinh bỉ, bạc đãi. Chiêu Thống uất ức đến nỗi chết rồi mà ba năm sau, khi cải táng người ta thấy trái tim của ông vua vong quốc vẫn còn đỏ tươi vì không tan được! Có thể nói, khi đất Bắc Hà vắng bóng người anh hùng Nguyễn Huệ, chỉ còn những thứ “chim đầu đàn” bạc nhược là Lê Chiêu Thống và kẻ anh hùng “chí to sức mọn” Nguyễn Hữu Chỉnh – nghĩa là khuyết một lãnh tụ đích thực, nói cách khác, bị khủng hoảng về lãnh đạo – thì đất Bắc Hà rộng lớn ấy không khác gì một cảnh chợ chiều xác xơ, buồn tẻ. Chúng ta có thể đạt một giả thiết: nếu Nguyễn Huệ không quá mắc bận ở Phú Xuân (để lo giải quyết vấn đề Nguyễn Ánh ở phía nam), mà có mặt ở Thăng Long (nơi ông đã đánh tan quân Thanh chỉ trong vòng một tuần lễ) để lãnh đạo quốc gia thì Bắc Hà có đến nỗi rơi vào tình trạng thê thảm (đến mức có thể mất nước) như thế không?
Như vậy, rõ ràng đối với người Việt, vai trò của những nhân vật anh hùng cái thế có tầm quan trọng đặc biệt như thế nào!
Tóm lại, tiềm lực về mọi mặt của dân tộc Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng muốn phát huy mạnh mẽ tiềm lực đó để đưa đất nước đến đỉnh cao thịnh vượng hoặc tiến sang một kỉ nguyên mới, nhất thiết phải có sự lãnh đạo của những bậc anh hùng kiệt hiệt, đầu óc sáng suốt, tài đức vẹn toàn.
7) Bản tính người Việt tuy nghiêng về ôn hoà, nhưng vẫn có thể rất dũng mãnh.
+ Người Việt cư trú ở một xứ sở có khí hậu ấm áp, ôn hoà, và sống bằng nghề nông. Dụng cụ họ thường dùng thời cổ là chiếc rìu (gọi là “việt”), các thời sau dùng cày, bừa, cuốc, liềm, dao… Khác với các dân tộc thượng võ, người Việt không thường xuyên trang bị các vũ khí như gươm, giáo, cung tên, côn, đao, dao găm, súng… vì ít khi nào phải dùng đến. Họ không nuôi ngựa (chỉ nuôi trâu bò) nên không có thói quen cưỡi ngựa phi nhanh mà chỉ đi bộ với tốc độ chậm. Với chế độ “làng chạ tự quản” phổ biến từ thời Hùng Vương có tính dân chủ, giữa các làng xã thường có quan hệ thân thiện, ít khi xảy ra xô xát bằng vũ lực. Cảnh lao động thanh bình diễn ra lâu dài trên đồng ruộng thuận theo thiên nhiên đã tạo nên tâm lí “hoà bình chủ nghĩa” ăn sâu trong tâm tính của người Việt khiến họ trở thành những con người hiền lành, thân thiện. Họ coi trọng tình cảm (Bầu ơi thương lấy bí cùng, thân cò cũng như thân chim), chuộng văn hơn chuộng võ, chuộng hoà bình hơn chuộng chiến tranh, lấy “dĩ hoà vi quý” làm phương châm sống.
Biểu tượng mà người Việt yêu chuộng nhất là mẫu “hiền nhân” như các vua Hùng, Chu Văn An, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Khuyến… Tuy nhiên họ cũng hết sức khâm phục và tôn trọng những bậc vũ dũng cao cường như Thánh Gióng, Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, Quang Trung – những đấng anh hùng đã dẫn dắt dân tộc vượt qua những cơn nguy khốn.
Khác với các dân tộc có bản tính hiếu động và hiếu thượng (như người Mông Cổ, người Nhật, người Âu, Mĩ…), tâm lí hiền hoà, thiếu năng động khiến người Việt không quá say mê những ý tưởng cao siêu, những sức mạnh quá lớn, những cuộc tranh hùng dữ dội, những công trình kì vĩ, những cuộc mạo hiểm vượt quá tầm kiểm soát, những tốc độ quá lớn, sự giàu có thái quá được họ miêu tả bằng thành ngữ “giàu nứt đố đổ vách”. Người Việt ưa thích sự “thường thường bậc trung”, ưa thích nhịp sống êm đềm, sự phát triển tuần tự nhi tiến, không nôn nóng vươn tới tương lai (“Trăng đến rằm thì tròn”, “Cơm không ăn, gạo còn đó”, “Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây?”). Họ ngại va chạm (“Bụt trên toà gà nào mổ mắt”, “Chớ đụng vào tổ ong vò vẽ”, “Chẳng phải đầu cũng phải tai”), ngại sự phiền phức (“Mua dây buộc mình”, “Ôm rơm dặm bụng”, “Ách giữa đàng đem quàng vào cổ”), không quá khắt khe với sự ngu đần (“Ngu si hưởng thái bình”), không quá khinh thường những người kém trí khôn (“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”). Xét ở một góc độ nào đó, tính tình người Việt hàm chứa một nhân tố khôn ngoan nhưng hiền lương, từ bi hỉ xả, thích hợp với mô hình xã hội “thiên hạ thái bình” như thời Nghiêu – Thuấn thưở xưa, phù hợp với tư tưởng nhân đạo, bác ái của các bậc đại hiền triết như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Phật Thích Ca và chúa Jésus. Bởi thế, không một người nước ngoài nào đến Việt Nam (kể cả đến định cư) mà bị người Việt kì thị hoặc tấn công.
Khách quan mà xét thì tâm tính hiền hoà và lối sống bình lặng, hơi thiếu năng động của người Việt đã tạo ra hai hiệu quả trái ngược nhau như sau:
Hiệu quả mang tính tích cực:
Do bản tính hiền hoà, nhu nhuận, không gây hấn và không làm hại ai, biết tôn trọng người khác, trong nhiều trường hợp người Việt đã được hưởng một hiệu quả khá tốt đẹp. “Mình đối xử với người thế nào thì người sẽ đối xử với mình như thế”, đó là phương châm xử thế tốt đẹp nhất trong mối quan hệ người với người. Những người khác, những dân tộc khác luôn nhận thấy ở người Việt một người bạn tốt và dễ thương chứ không phải một kẻ thù nguy hiểm. Với trái tim hiền hậu, người Việt toả đi sống khắp thế giới, ít để xảy ra những xung đột gay gắt, trái lại thường tạo lập được những mối quan hệ hữu nghị và một nền hoà bình tốt đẹp. Câu tục ngữ Việt Nam “Bán anh em xa mua láng giềng gần” quả có chứa đựng một hạt nhân hợp lí, và triết lí “ở hiền gặp lành” nhiều lúc tỏ ra đắc dụng.
Những đức tính ấy trong rất nhiều hoàn cảnh đã giúp người được sống yên ổn, bảo toàn được tính mạng (điều tối quan trọng đối với họ). Họ thường sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” bởi vì “người làm ra của chứ của không làm ra người” và “người còn thì của hãy còn”. Trong thời đại phong kiến, sau khi lên ngôi, các ông vua đều “biết điều” cử sứ giả sang thiên triều xin thụ phong và hàng năm xin triều cống để được yên thân. Triết lí “đừng đem trứng chọi với đá” đã tỏ ra có hiệu quả nhất định.
Hiệu quả mang tính tiêu cực:
Tục ngữ có câu “hiền quá hoá ngu”. Bị áp bức và ngu dân hoá lâu dài trong những chế độ hà khắc như thời Bắc thuộc, thời phong kiến, đế quốc, thực dân, độc tài, tính hiền lành cam chịu của một số khá đông người Việt đã bị suy thoái thành tính tự ti, nhu nhược, trì độn và nhỏ nhen. Tính cách ấy chính là nỗi lo lắng rất lớn của các nhà chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ 20. Phan Chu Trinh viết :“Tình cảnh nước Việt Nam bây giờ không khác gì một người mới ốm dậy”. Phan Bội Châu đã vạch ra một sự thật:
Quyền quân chủ trên đầu ức chế,
Trải nghìn năm dân trí còn gì.
… Còn năm mươi triệu con người
Chỉ quanh quanh đám lợi tài không xong.
Lịch sử đã phơi bày một sự thật đau đớn mà có thể nhiều người chưa hề biết hoặc đã quên: cho dù dân tộc Việt hiền lành đã chịu nhượng bộ, chấp nhận rời bỏ những vùng đất đai rộng lớn (như lưu vực sông Dương Tử và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây thuộc lãnh thổ Trung Hoa bây giờ) di cư xuống tận phương Nam xa xôi và trụ lại trên lãnh thổ nhỏ bé như hiện nay, nhưng rồi họ cũng đâu tránh khỏi cái hoạ bị Trung Hoa thôn tính ráo trọi? Mãi đến lúc bị dồn đến chân tường của sự diệt vong, bản năng tự vệ mới bộc phát, người Việt bỗng vùng lên mạnh mẽ trong một cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù dưới sự lãnh đạo của hai vị nữ anh hùng kiệt hiệt Trưng Trắc và Trưng Nhị, thu lại giang sơn và duy trì được nền độc lập của dân tộc trong vài ba năm. Nhưng tiếc thay, vì yếu nhược, lực bất tòng tâm, một lần nữa nước ta lại rơi trọn vào tay người Hán hơn 1000 năm trời! Viên tướng già Mã Viện của nhà Hán thậm chí đã khinh ngạo khắc lên cột đồng trụ sáu chữ đầy đe doạ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”.
Sự thật lịch sử ấy cho thấy nhược điểm cả về lí trí lẫn về tâm tính của tộc người Việt sống thuần tuý bằng nền nông nghiệp hiền hoà, thiếu dũng khí, thiếu ý thức đầu tư sức mạnh mọi mặt (kể cả về võ bị) để đứng vững. Trong những khoảng thời gian rất dài, người Việt chưa chứng tỏ được mình là đối thủ cạnh tranh mạnh trên nhiều lĩnh vực như bảo vệ lãnh thổ quốc gia, tư tưởng, khoa học, kinh tế, quân sự, xã hội… Đó chính là lí do khiến dân tộc ta cho đến nay vẫn thuộc diện các nước đang phát triển chứ chưa phải là nước đã phát triển!
Trước những sự thật nhỡn tiền và những bài học xương máu về sự hưng vong của dân tộc ta, nếu chỉ vin vào cái lẽ “mạnh được yếu thua” (trong thế giới tự nhiên) để bào chữa mà không chịu cứu xét đến những khuyết tật cố hữu của mình thì đúng hay sai?
Học giả Trần Trọng Kim đã vạch ra nguyên nhân của sự yếu kém nơi người Việt: “Người mình ở về xứ nồng nực, cách ăn mặc giản dị, đơn sơ, không phải cần lao lo nghĩ cũng đủ sống, cho nên ai cũng thích nhàn lạc, quý hồ khỏi chết thì thôi, chứ không muốn lao tâm lao lực lắm như những người ở nước văn minh khác. Tính người mình như thế, cho nên không tìm cách phát minh những điều hay điều tốt, chỉ đinh ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ”.
Gần đây có những nhân vật khá nổi tiếng đã nghiêm túc, thẳng thắn thừa nhận và sám hối về căn bệnh trầm trọng của bản thân: đó là bệnh “hèn” mà căn nguyên sâu xa nằm trong tính cách của người Việt từ thuở xa xưa.
Chúng ta cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật rằng ở người Việt xưa và nay, bên cạnh những phẩm chất ưu tú được bạn bè trên thế giới nhiệt liệt ca ngợi, đã tồn tại những khiếm khuyết và những căn bệnh trầm trọng: bệnh “trí tuệ thấp”, bệnh “cộng đồng chia rẽ”, bệnh “khuyết lãnh tụ” và bệnh “hèn”. Chính những khuyết nhược đó đã bao lần đưa cả dân tộc vào cảnh “đâm đầu lối tắt, sa chân đường cùng” (thơ Khuất Nguyên) với những thảm hoạ tầy trời, và cho đến bây giờ vẫn đứng ở vị trí phía cuối của bảng xếp hạng các quốc gia. Chúng ta không còn cách nào khác là phải hợp lực cùng nhau quyết khắc phục những khuyết nhược ấy!
+ Thế nhưng trong tính cách người Việt luôn tồn tại những mặt đối lập. Nếu như tính ôn hoà, nhún nhường có phần trội hơn trong những hoàn cảnh sống bình thường thì tính dũng mãnh và quyết liệt lại có thể bộc phát những khi có quốc biến hoặc khi trong xã hội nổi lên những cuộc vận động sôi sục. Chúng ta đã biết rõ: cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng đã được toàn thể nhân dân Giao Chỉ nô nức hưởng ứng, tham gia, và đã giành được chiến thắng vang dội. Tên thái thú tàn bạo Tô Định của thiên triều bỗng trở thành kẻ hèn hạ trước mắt người Việt: y đã vô cùng hoảng sợ, vội vàng tếch khỏi đất Giao Chỉ trốn về nước và nhục nhã bị vua Hán hạ ngục! Câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Pháp Marat đã ứng như hệt vào sự kiện lịch sử đó: “Những kẻ lớn xuất hiện trước mắt chúng ta có vẻ lớn thật, là vì chúng ta đang quỳ. Chúng ta hãy đứng lên!”.
Như vậy, những căn bệnh “trí tuệ thấp”, “cộng đồng chia rẽ” và “hèn” trong nhiều trường hợp đã từng bị người Việt tống khứ, và nổi bật lên là trí tuệ sáng suốt, cả cộng đồng đoàn kết chặt chẽ với tinh thần dũng cảm vô song!
KẾT LUẬN:
Dân tộc Việt Nam có đủ khả năng viết nên những trang sử oanh liệt của mình ở mọi thời đại, nhưng với điều kiện: toàn bộ tiềm lực của họ về trí tuệ, tình cảm, lòng tự tôn dân tộc, sự đoàn kết của cộng đồng, sự lãnh đạo ưu việt, tinh thần dũng cảm, ý chí quyết thắng… nhất thiết không thể để cho bị chìm đắm như trong giấc ngủ mê, mà phải được đánh thức và phát huy cao độ.
Để kết thúc bài viết này tôi xin dẫn ra một câu danh ngôn rút từ Kinh Dịch mà tôi nhận thấy rất thích hợp và bổ ích đối với tất cả người Việt Nam chúng ta:
Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.
nghĩa là:
Trời vận hành mãnh liệt, người quân tử cũng vậy: lấy việc tự làm cho mình mạnh thêm là việc không bao giờ ngừng nghỉ.
Nguồn: newvietart.com