KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO KIẾN THỨC CHO CHƯ TĂNG
* Thượng tọa Tăng Sa Vong
Đoàn Đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Bạc Liêu
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và chương trình hoạt động Phật sự năm 2008 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động ngày càng hiệu quả trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực HộI đồng Trị sự phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ III tại tỉnh Bạc Liêu.
Hôm nay, tại Trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu, vùng đất cực Nam của Tổ quốc, nơi có truyền thống Phật giáo trong cộng đồng dân tộc ba anh em đồng hành trong công cuộc trường chinh khai hoang mở đất, bảo vệ, giữ gìn và xây dựng quê hương Bạc Liêu thành tựu đến hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp, hoan hỷ, với hơn 200 đại biểu của 13 Tỉnh, Thành hội tụ về đây dự Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ III. Trước sự hiện diện của chư Tôn giáo phẩm Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng cùng toàn thể quý vị khách quý, tôi xin thay mặt Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Bạc Liêu nguyện cầu chư Phật gia hộ đến chư Tôn giáo phẩm, cùng quý vị đại biểu nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.
Thật là vinh hạnh, cho phép tôi đại diện chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Bạc Liêu phát biểu tham luận về những công tác Phật sự đã đạt được như sau:
Bạc Liêu là một tỉnh nằm ven biển, gần cuối trời Nam của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng kinh tế, có ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng nhau chung sống hòa hợp, mặc dù mỗi dân tộc có sắc thái về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết và phong tục tập quán khác nhau, nhưng rất hài hòa, đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong kháng chiến cũng như đời sống trong thời bình.
Từ khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao và phát triển rõ rệt.Trong tinh thần phấn khởi và niềm vui chung đó, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tạo điều kiện cho Hội hoạt động có hiệu quả. Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chư Tăng, Achar, Ban Trị sự chùa cùng đồng bào Phật tử tích cực thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vận động bà con Phật tử Khmer tìm hiểu những vấn đề bức xúc trong cuộc sống có liên quan đến pháp luật; nghiên cứu các sách khoa học kỹ thuật để áp dụng có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh… tất cả tài liệu đó có trong tủ sách pháp luật do Sở Tư pháp trao tặng các chùa. Song song với việc giáo dục tuyên truyền, Ban chấp hành Hội luôn nỗ lực vận động các vị Sư, bà con Khmer hành theo bốn Pháp của Đức Phật dạy, sống trong xã hội phải có Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn pháp ấy gọi là Tứ vô lượng tâm. Đó là chúng ta nên đoàn kết tình làng nghĩa xóm, tích cực tham gia các phong trào cách mạng địa phương như phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng làm lộ giao thông nông thôn, phong trào khuyến học, khuyến tài, phong trào an ninh trật tự an toàn xã hội “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
1. Tình hình hoạt động cụ thể:
Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt Tôn giáo nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Bạc Liêu nói riêng, với mục đích tạo điều kiện tốt hơn cho Hội hoạt động Phật sự theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ, Hội Phật giáo Nam tông Khmer đã triển khai thực hiện, bằng sự nỗ lực hoạt động Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Bạc Liêu nên đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ như:
+ Về Tự viện Nam tông Khmer trong tỉnh Bạc Liêu, gồm 22 ngôi Chùa, có 07 ngôi chùa đang trùng tu Chánh điện, các sala giảng đường, Tăng xá tại nhiều chùa đã được xây dựng khang trang.
+ Có 05 sala Tel (Niệm Phật đường), gồm ấp Cả Vĩnh nước Mặn, xã Hưng HộI, ấp Bà Chăng xã Châu Hưng A, ấp Giáp Nước và ấp Biển Đông B xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu.
+ Tổng số Chư Tăng Nam tông Khmer 308 vị, trong đó có 152 vị Tỳ khưu, 156 vị Sa di.
+ Giới phẩm có: 02 vị Hòa thượng, 05 vị Thượng tọa, 23 vị Đại đức.
2.Về Giáo dục đào tạo:
– Để không ngừng nâng cao trình độ kiến thức cho Chư Tăng và thế hệ trẻ thuộc con em dân tộc Khmer trong tỉnh, Hội luôn quan tâm đến công tác đào tạo. Do đó, Hội đã triển khai cho các chùa tổ chức tốt các chương trình giảng dạy lớp Phật học Pali, Vini và lớp Bổ túc Văn hóa tại các điểm Chùa như sau: Lớp Pali, Vini gồm 08 điểm trường tại chùa Buppharam – Cái Giá, chùa Sôryaram – Cái Giá Giữa, chùa Ghôsitaram Cù Lao – huyện Vĩnh Lợi, chùa Kim Cấu, chùa Xiêm Cán – Thị xã Bạc Liêu, chùa Hòa Bình Mới, Hòa Bình Cũ – huyện Hòa Bình và chùa KosThum – Huyện Hồng Dân. Có 208 Tăng sinh theo học các lớp, trong đó lớp Pali, Vini năm thứ nhất có 69 vị, năm thứ hai có 71 vị, năm thứ ba có 68 vị. Lớp Bổ túc Văn hóa cấp I, II, III có 179 học viên.
Đồng thời, Hội còn đưa 03 Tăng sinh trong tỉnh theo học tại Trường Trung cấp Pali Nam bộ Sóc Trăng, 02 vị học Cao đẳng Pali tại Trà Vinh, 03 vị học Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ, 11 vị theo học các Trường Đại học tại Tp. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh vào học ở các trường phổ thông, hằng năm các chùa trong tỉnh đều tổ chức lớp ánh sáng hè từ lớp 1 đến lớp 5 và dạy chữ Khmer, có 3.615 em theo học. Sau 03 tháng học hè, một số chùa có khả năng đã tổ chức tổng kết và phát quà, phát thưởng cho những em học sinh xuất sắc.
– Sách Giáo khoa (Kinh sách):
Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đến nền giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer, được sự cho phép của Ban Tôn giáo Chính phủ và sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự GHPGVN đã thực hiện việc in ấn các loại giáo án và kinh sách đọc tụng cho chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer nói chung. Riêng tỉnh Bạc Liêu đã nhận và trao cho các chùa trong tỉnh, gồm 5.357 quyển (24 đầu kinh sách). Việc thỉnh Bộ Đại Tạng Kinh Phật giáo Nam tông Khmer hiện các chùa đã có 20/22 bộ. Nhờ có kinh sách mới và kinh sách đang sử dụng đã giúp cho công tác giáo dục, giảng dạy và học tập có phần thuận lợi và tiến triển tốt đẹp. Cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được củng cố và tăng cường.Tuy nhiên, kinh sách giáo khoa để giảng dạy chưa đồng nhất, nên kết quả còn hạn chế, chưa tập hợp được tính nhất quán trong khâu quản lý giảng dạy.
3.Hoằng pháp độ sanh (Hướng dẫn Phật tử):
Bằng nhiều hình thức và phương pháp trong khâu tổ chức thuyết pháp, giảng đạo theo nội dung về giáo lý của Đức Phật, nhằm nâng cao trình độ hành đạo ngày càng cao, Hội đã lồng ghép các chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương chính sách có liên quan đến tín ngưỡng Tôn giáo dân tộc để truyền đạt cho đồng bào Phật tử am hiểu sâu sắc hơn. Ngoài ra, Hội còn hướng dẫn chư Tăng, Phật tử sống tốt đạo đẹp đời, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các phong trào tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống, xây dựng xóm ấp văn hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, quyết tâm xóa bỏ những mê tín lạc hậu, phi giáo pháp, bác bỏ mọi âm mưu tuyên truyền xuyên tạc của các phần tử xấu lợi dụng tôn giáo dân tộc kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân tộc anh em, chia rẽ đạo và đời, chia rẽ sự thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
4. Sinh hoạt Văn hóa Lễ hội:
Như thông lệ, hằng năm vào những ngày lễ lớn liên quan đến phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc, Phật giáo Nam tông Khmer như: Lễ Chôl Chhanăm Thmây, lễ Visak, lễ An cư kiết hạ, lễ Đổnta báo hiếu, lễ Dâng y Ka Thina, lễ hộI Ok Om bok, đua ghe v.v… Hầu hết, các chùa và Phum Sróc trong tỉnh đều được tổ chức một cách tranh nghiêm trọng thể dưới sự hướng dẫn của Hội và sự giúp đỡ của cơ quan Đảng, Chánh quyền, Mặt trận Tổ quốc … từ tỉnh đến cơ sở đã tạo mọi điều kiện để quý chư Tăng cử hành lễ trong tinh thần hoan hỷ, đồng thời cũng có thành lập đoàn đến thăm viếng và cúng dường quà trong ngày lễ hội. Ngoài ra, Ban văn hóa của Hội còn phối hợp với đội văn nghệ quần chúng của mỗi chùa, Phum Sróc tổ chức văn nghệ phục vụ vui chơi lành mạnh trong không khí hân hoan sinh động, đa dạng, mang đậm nét truyền thống dân tộc và nghi lễ Phật giáo Nam tông Khmer, hài hòa kết hợp với lễ hội dân gian trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
+ Trùng tu – Tôn tạo chùa chiền:
Được sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ kinh phí, vật liệu xây dựng của các cơ quan, công ty, xí nghiệp trong tỉnh và các chùa có đất sản xuất nông nghiệp như chùa Cái Giá Cũ, Cái Giá Giữa, Cù Lao, Xiêm Cán, Hòa Bình Cũ, Địa Chuối, Kos Đôn, Dì Quán, hàng năm chư Tăng thu hoạch 02 vụ lúa, đạt từ 50 đến trên 100 triệu đồng, đã phần nào đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như góp phần cào việc trùng tu tôn tạo hoặc xây dựng mới các công trình như: Chùa Cù Lao, chùa Phường 7, chùa Điền – Vĩnh Hậu, chùa Mới – Hộ Phòng, chùa Kos Đon, chùa Đìa Muồn – Phước Long, chùa Đầu Sấu – Hồng Dân.
Riêng nhà hỏa táng trong tỉnh, Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ 75 đến 200 triệu đồng mỗi lò hỏa táng. Hiện đã đưa vào sử dụng 07 lò hỏa táng, gồm chùa Cái Giá Cũ, chùa Xiêm Cán, chùa Điền, chùa Hoà Bình Cũ, chùa Mới – Giá Rai, chùa Mới – Hộ Phòng, chùa Đầu Sấu. Hiện có 04 chùa đang xây dựng lò hỏa táng, gồm: Chùa Cù Lao, chùa Kos Thum, chùa Đìa Muồn, chùa Dì Quán.
Ngoài ra, một số chùa cũng đang xây dựng Sala, giảng đường, Tăng xá và các công trình phụ trong khuôn viên chùa, làm tăng thêm vẻ đẹp, trang nghiêm, mang đậm nét truyền thống văn hóa của Phật giáo Nam tông và dân tộc Khmer được bảo tồn và phát triển những tinh hoa đẹp, thích nghi thời đại.
Bên cạnh công tác trùng tu xây dựng cở sở thờ tự, các chùa trong tỉnh còn tham gia công tác từ thiện nhân đạo theo khả năng và lòng hảo tâm của mình, nhằm góp phần cùng xã hội giảm bớt đi những khó khăn cho những người kém may mắn, trên tinh thần từ bi của người con Phật, các mặt công tác từ thiện hàng năm đạt kết quả như : Nuôi 125 người già và trẻ mồ côi, vận động tham gia lập quỹ xây nhà tình nghĩa, tình thương, phát tập học sinh, phát gạo cho đồng bào nghèo, phát thuốc điều trị bệnh, cho áo quan từ thiện, tổng cộng 147 triệu đồng.Những kết quả trên, tuy không lớn lắm, nhưng các chùa đã góp phần cùng xã hội san xẻ những nổi đau mất mát cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thiếu may mắn sớm hòa nhập với xã hội. Trên đây là những công tác hoạt động Phật sự của Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Bạc Liêu, nhằm nâng cao thêm bước tiến triển của Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ III đạt hiệu quả cao. Tôi xin kiến nghị đến Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam một số ý như sau:
Tiến hành nhanh công trình Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tổ chức hội thảo giáo dục Tăng và mở khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm Sơ, Trung cấp cho Phật giáo Nam tông Khmer. Quan tâm, tạo mối quan hệ tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy lớp Sơ, Trung cấp, Cao đẳng Phật giáo Nam tông Khmer cho đồng bộ, thống nhất, nhằm cử tuyển vào Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có chất lượng và phát triển tốt.
Tạo điều kiện để đưa Tăng sinh Nam tông Khmer du học các nước bạn với số lượng nhiều hơn nữa.
Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IV cần có thời gian và chương trình thảo luận của chư Tăng Khmer để rút kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu bức xúc về chuyên đề đã qua và chuyên đề sắp tới.
Trước khi dứt lời, tôi xin kính chúc chư Tôn giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng cùng toàn thể quý đại biểu hưởng được năm pháp của Đức Phật: Sống lâu, sắc tốt, an vui, sức mạnh và trí tuệ.
Kính chúc Hội nghị đoàn kết, thành công và phát triển.
|
Cập nhật ( 15/10/2008 ) |