KHẢO SÁT CÁC VẬT DỤNG TRONG NGHI THỨC CÚNG TẾ CỦA NGƯỜI KHMER Ở MIỀN TÂY * Th.S Trần Minh Thương Hội Văn nghệ Dân gian Việt 1. Người Khmer ở miền Tây Nam Bộ Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất màu mỡ ở phía Tây Nam Việt Trải qua những biến thiên và thăng trầm của thời gian, người Khmer là những cư dân có mặt đầu tiên ở vùng đất hoang hóa muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh này. Theo truyền thống, nơi họ chọn để định cư là các vùng đất giồng cao để cư trú. Bộ máy hành chánh được thiết lập đến cấp srok (xứ), và được nối dài với bộ máy tự quản ở cấp khum (xã), phum (buôn) và một mạng lưới chùa chiền dày đặc. Người Khmer ở miền Tây Nam bộ hiện nay ước khoảng 1.3000.000 người, tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh Sóc Trăng (khoảng 400 ngàn), Trà Vinh (khoảng 320 ngàn), Kiên Giang (khoảng 204 ngàn), An Giang (khoảng 85 ngàn), Bạc Liêu (khoảng 60 ngàn), Cần Thơ (khoảng 39 ngàn), Cà Mau (khoảng 24 ngàn), Vĩnh Long (khoảng 21 ngàn)… 2. Đối tượng được cúng tế trong tín ngưỡng của người Khmer Phật Giáo Tiểu Thừa trong quá khứ và hiện nay là tôn giáo chính, chi phối những sinh hoạt tinh thần của người Khmer. Trong hoạt động tín ngưỡng phần lớn các nghi thức cúng tế diễn ra tại chùa. Bên cạnh đó, ở nhà, trong phum sóc cũng có những đối tượng khác để đồng bào dân tộc cúng tế. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy người Khmer cúng các đối tượng sau đây: 2.1. Cúng Phật Người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa với nguyên tắc giữ nguyên triết lý vô thường (vật chất luôn biến đổi) của Thích Ca, chỉ tôn thờ một Đức Phật Thích Ca trên chùa và không có các vị sư nữ lên chùa tu Phật. Có thể tu một ngày, một tháng, một năm rồi quay trở về xây dựng gia đình, cũng có thể tu suốt đời làm sư sãi luôn trên chùa. Nhưng về mặt thờ tự cúng lễ thì toàn dân Khmer, kể cả phụ nữ đều có thể dâng lễ cúng Phật ở nhà, trên chùa. Thờ Thích Ca trên chùa gồm có Thích Ca bát thể (Thích Ca ở tám thời điểm) đó là: Thích Ca thành đạo; Thích Ca ngồi tọa thiền; Thích Ca gắn với vị tổ người Khmer – rắn ngựa; Thích Ca cứu độ chúng sinh; Thích Ca sơ sinh; Thích Ca tu khổ hạnh trên núi tuyết; Thích Ca nhập niết bàn; Thích Ca đi khất thực. Nghi lễ của việc tôn thờ Phật thể hiện qua: – Lễ Visaka Bauchia (Phật Đản): ngày 15 tháng 4, mọi nhà trong phum sróc đều tập trung lên chùa dâng cơm sư sãi, tụng kinh mừng Đức Phật ra đời. Đồng bào ở lại suốt đêm trong chùa, sáng hôm sau lại dâng cơm sư sãi rồi mới chấm dứt cuộc lễ. – Lễ Méakha Bauchia: Đây là lễ kỉ niệm Đức Thích ca qui tụ các Thánh Tăng để khuyên răn về giới luật, đồng thời cũng có ý nghĩa nhớ đến Đức Phật tiên đoán ngày nhập Niết Bàn. Thời gian cử hành lễ một ngày một đêm và được ấn định vào ngày Penh Bo Khe Meakha (khoảng 15 hay 16 tháng giêng theo lịch âm của người Việt) – Lễ Chaul Vassa (nhập hạ): bắt đầu từ ngày 15 tháng 6, mọi gia đình Khmer dâng thức ăn vật dụng lên chùa, đủ cho sư sãi dùng trong ba tháng hạ. Đến lễ xuất hạ ngày 15 tháng 9, thì suốt đêm 14 và cả ngày 15 tín đồ ở lại chùa làm lễ dâng cơm sư sãi, đọc kinh Phật như một ngày lễ lớn. – Lễ Cheanh Preah Vassa (xuất hạ): Sau lễ Chaul Vassa ba tháng, người Khmer tiến hành nghi lễ xuất hạ. Thời gian tổ chức lễ được ấn định vào ngày rằm hay mười sáu tháng Hassuj (tháng 9 theo âm lịch sủa người Việt). Thời gian hành lễ kéo dài đúng một ngày đêm. Sau lễ ấy mọi việc trong chùa, trong phum sóc diễn ra như thường nhật. |