KHÁI LƯỢC VỀ KIẾN TRÚC VÀ VAI TRÒ CỦA CHÙA PHẬT GIÁO * Nguyễn Trung Hiếu Trải qua thời kỳ lịch sử lâu dài đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh tồn: thiên tai, thú dữ, bệnh tật… những tai hoạ vượt trên sức mạnh của con người. Chính vì thế, để tồn tại trong môi trường rậm rạp, hoang vu, khắc nghiệt họ phải dựa vào sức mạnh tâm linh (Phật, thần…) để cứu rỗi cho quá trình lao động sản xuất, làm chỗ dựa tinh thần hàng ngày trước sự hà khắc của thiên nhiên. Từ hoàn cảnh sống ấy đã tạo ra một hệ thống tín ngưỡng tâm linh phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn của nền văn hoá nông nghiệp. Sau quá trình tụ sinh lâu dài, đời sống ổn định dẫn đến nhu cầu tinh thần ngày càng cao, người Khmer đã xây dựng những ngôi chùa để phụng thờ những vị Phật, thần linh trì độ họ tai qua nạn khỏi, thuận lợi trong sản xuất. Từ đó, có thể khẳng định rằng, việc hình thành chùa của người Khmer ra đời rất sớm, thời gian bắt đầu khi họ có mặt ở vùng đất này và sau một thời gian tụ sinh ổn định, phát triển. Nhiều ngôi chùa có giá trị lịch sử từ 300 – 600 năm như chùa Xvayton (Xà Tón) ở An Giang; chùa Âng, chùa Ông Mẹt, chùa Phướng (Trà Vinh); chùa Kl’eng, chùa Dơi (Sóc Trăng). Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có khoảng 65 ngôi chùa Khmer, nhiều nhất ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (60 chùa), có lịch sử lâu đời, giá trị kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc cao. Do ảnh hưởng của ba dòng văn hoá, tín ngưỡng (văn hoá dân gian, Bà la môn giáo, Phật giáo) nên kiến trúc nghệ thuật chùa Khmer ở An Giang, Nam Bộ là những công trình kiến trúc độc đáo, hàm ẩn nhiều giá trị thẩm mỹ. Ngôi chùa là nơi tựu trung tinh tế các thể thức nghệ thuật tạo hình, hài hoà giữa kiến trúc và điêu khắc từ hình thức trang trí bên trong đến bày biện bên ngoài. Chùa Khmer ở An Giang được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ, thể hiện sự dung hợp giữa các nền văn hoá. Về phong cách kiến trúc, và hình thức trang trí chùa Khmer An Giang thể hiện qua điểm nổi bật sau: – Cổng chùa được xây dựng theo hình thức ngọn tháp, tuỳ theo giai đoạn, nhu cầu của phật tử, có chùa xây một, ba hoặc năm ngọn tháp. Đối với cổng chùa có một ngôi tháp, hoặc lợp mái chùa nhiều lớp chồng lên nhau, hai bên cổng thường có hai vị thần bảo hộ, tượng sư tử, hoặc đầu thần rắn Nara uốn lượn trên tường rào, đầu ngẩng lên trời trước chánh cổng, với ý nghĩa nhằm bảo vệ những báu vật bên trong chùa. Cổng chùa có ba ngôi tháp, phần dưới trang trí tương tự nhau, còn ý nghĩa ba ngôi tháp tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo), tháp giữa thường cách điệu rất chi tiết, màu sắc sặc sỡ, tượng trưng cho đức Phật. Cổng chùa xây dựng theo quy cách năm ngôi tháp hình búp sen, phần dưới cách trang trí gần giống như nhau, nhưng phía trên năm ngôi tháp thì có một ngôi cao nhất, nhiều hoạ tiết hoa văn – năm ngọn tháp minh hoạ cho năm vị Phật, đỉnh cao nhất là cõi Niết Bàn. |