“Kết tồng” – Nét đẹp trong văn hóa dân tộc Tày
*Theo Báo Tuyên Quang
“Tồng” trong tiếng Tày có nghĩa là “hợp nhau”, “giống nhau”. Những chàng trai, cô gái dân tộc Tày luôn muốn tìm người hợp ý để làm bạn tồng, giống như kết nghĩa anh em ở người Kinh và các dân tộc khác. Đây là một phong tục mang tính nhân văn trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày.
Do đặc điểm cư trú trước đây, dân tộc Tày thường sống quy tụ thành chòm xóm nhỏ, bản làng hẻo lánh giữa các thung lũng, triền đồi. Các thanh niên nam nữ dân tộc Tày luôn mong muốn tìm bạn để mở rộng giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Khi gặp nhau, qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện, qua nhiều ngày tháng đi lại thăm nhà nhau và biết rõ cha mẹ, gia đình, thấy hợp tính tình nhau thì chàng trai (hoặc cô gái) ngỏ ý đặt vấn đề kết tồng. Việc kết tồng có thể giữa nam với nam, nữ với nữ, còn nam không kết tồng với nữ. Dân tộc Tày có thể kết tồng với các dân tộc khác cũng có tục kết tồng như Nùng, Mông… Làm bạn tồng được với nhau bởi hai người có nhiều lý do tương đồng: Bạn tồng cùng năm sinh, cùng tên, cùng chí hướng, cùng quê, cùng sở trường, cùng cảnh ngộ…
Ông Hà Văn Thuấn, dân tộc Tày, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) nói rằng, tục lệ kết tồng của dân tộc Tày có từ xa xưa, cho đến nay vẫn duy trì. Đây là một phong tục đẹp, giàu tính nhân ái của dân tộc Tày. Sau khi kết tồng, bạn tồng thể hiện sự thân thiết, quan tâm giúp đỡ, coi trọng nhau trên cơ sở một quan hệ mới, đôi khi còn gắn bó, thắm thiết hơn cả họ hàng. Từ thời trẻ, ông cũng kết tồng với một người cùng họ, cùng tên là Hà Đình Thuấn ở thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang. Bây giờ, đôi bạn già đã bước sang tuổi 68 nhưng vẫn thường xuyên quan tâm đến nhau, đến thăm và động viên nhau lúc tuổi già. Tình bạn tri kỷ của họ đã được gần 40 năm tuổi.
Việc kết tồng có sự suy nghĩ chín chắn, lựa chọn kỹ lưỡng lâu ngày để đi đến quyết định gắn bó với nhau. Mỗi thanh niên, nếu kết bạn tồng thì chỉ với một hoặc hai người, rất ít người có ba bạn tồng. Những người bạn khác, dù thân thiết đến mấy cũng chưa gọi là bạn tồng nếu chưa qua một buổi lễ chính thức kết tồng. Việc kết tồng diễn ra trong một buổi lễ chính thức trang trọng ở gia đình, có sự công nhận của cha mẹ, ông bà, anh chị em và người thân. Trong buổi lễ có bữa ăn thịnh soạn mừng đôi bạn tồng và những người chứng kiến.
Khi chính thức kết tồng, đôi bạn trở nên thân thiết, quý mến nhau. Họ coi nhau như anh em ruột thịt, đi lại nhà nhau như anh em một nhà, tham gia mọi công việc của nhà bạn như công việc của nhà mình. Bạn tồng luôn chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Nếu không may, ông bà, cha mẹ mỗi bên qua đời, bạn tồng phải sắm lễ vật đến lễ tế và để tang như một người con trong gia đình thật sự. Đôi bạn tồng Hà Tiến Bảo ở thôn Trung Vượng 1, xã Trung Hòa và Vù Ngọc Hải ở tổ Trung Tâm 3, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đã kết bạn với nhau được gần 10 năm nay. Bảo và Hải có cùng nghề nghiệp là lái xe, cùng điểm chung về sở thích cũng như tính cách. Bấy lâu nay, Bảo và Hải đã coi nhau như anh em một nhà, gắn bó và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, động viên nhau để cùng vươn lên trong cuộc sống.
Có thể nói rằng, việc kết tồng của người dân tộc Tày mang ý nghĩa cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa con người với nhau. Cho dù đến đời sau, mối quan hệ tình cảm thân thiết của những người bạn tồng của thế hệ đi trước vẫn được lưu giữ trong con cháu với tình cảm gắn bó và bền chặt./.
|