KẾT LUẬN HỘI THẢO Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt 15 năm hình thành phát triển Phật giáo tỉnh Bạc Liêu * Đại đức Thích Minh Lành TM. Đoàn Chủ Tọa Hội Thảo Nhận thức được tầm quan trọng của Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và thắm tình đạo vị, hơn 300 đại biểu trong hội trường đã lắng nghe 20 bài tham luận với những ý kiến phát biểu đúng đắn và chân tình. Sau khi bàn bạc và đánh giá, Đoàn Chủ tọa Hội thảo đã cùng thống nhất một số điểm như sau: 1. Phật giáo Bạc Liêu đã có những cống hiến đối với Cách mạng. Trong hai thời kỳ chống Pháp chống Mỹ, nhiều ngôi chùa đã ủng hộ Cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ hoạt động: Tại chùa Giác Hoa, sư bà Diệu Ngọc (cô Hai Ngó) đã nhiều lần ủng hộ tài lực, vật lực cho chánh quyền và quân giải phóng; chùa Long Phước chính là địa điểm Công binh xưỡng đầu tiên của Quân khu 9, còn là nơi hoạt động lý tưởng của nhiều cán bộ Cách mạng trong địa bàn thị xã Bạc Liêu; chùa Vĩnh Đức đã góp phần tích cực trong cuộc vận động giải phóng tỉnh Bạc Liêu không đổ máu năm 1975; chùa Cỏ Thum, chùa Vĩnh Hòa, chùa Hưng Thiện, chùa An Thạnh Linh… đều cũng đã góp phần đóng góp cho Cách mạng. Các vị Hòa thượng: An Hóa, Huệ Viên, Chí Hiếu, Chơn Pháp, Trí Đức, Hiển Giác, Huệ Hà, Đại đức Dư Hương, Sư bà Diệu Ngọc… Đều là những con người mang áo cà sa, nhưng luôn nghỉ đến sự an nguy của quần chúng nhân, đồng bào Phật tử, các vị đã đóng góp tịch cực cho Cách mạng bằng khả năng sẵn có của mình. Nhà nước và nhân dân đã ghi công các vị. 2. Phật giáo Bạc Liêu đã góp phần tốt đẹp vào sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 tại Bạc Liêu. Phật giáo Bạc Liêu nói chung, Hòa thượng Thích Hiển Giác nói riêng đã góp phần tích cực trong sự kiện lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Bạc Liêu. Đây là sự kiện lịch sử lớn của đát nước, riêng tại tỉnh Bạc Liêu diễn ra trong bầu không khí hòa hiếu an lành, không đỗ máu, không có sự chống trả khi Chánh quyền Cách mạng tiếp thu. Thành quả tót đẹp này là thành quả chung của nhân dân đã được sự đóng góp của quân dân toàn tỉnh. Chùa Vĩnh Đức được chọn làm cơ sở trú đóng cho cán bộ Cách mạng trong thời gian đàm phán. Hòa thượng Thích Hiển Giác tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi góp phần cho cuộc đàm phán thành công. Hòa thượng đã hiến dâng cả một đời cho đạo pháp và dân tộc. Để ghi nhớ công lao,của người, Nhà nước đã đặt tên đường Thích Hiển Giác tại phường 1 thành phố Bạc Liêu. 3. Phật giáo Bạc Liêu từ năm 1990 đến nay đã tạo nên những thành tích lớn. Trong khoảng thời gian này, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Huệ Hà đã thực hiện nhiều công tác Phật sự tốt đẹp, trong số đó có những thành quả nổi bật: – Trường Phật học Bạc Liêu thành lập năm 2002 (QĐ số: 970/QĐUB ngày 14 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Bạc Liêu). Đây là trường Phật học duy nhất ở – Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu đã được trùng tu lần thứ ba từ năm 2004. Một nơi có sức thu hút lớn nhất ở Bạc Liêu đối với khách hành hương, du lịch chính là Quán Âm Phật Đài, một điểm du lịch văn hóa tâm linh mang màu sắc Phật giáo tọa lạc trên bờ biển Bạc Liêu. Số lượng du khách từ các nơi về đây chiêm bái những năm gần đây đều trên dưới bốn trăm ngàn lượt người. – Lễ hội Quán Âm Nam Hải đã được UBND cho phép tổ chức tổ chức lễ hàng năm, cùng với 4 lễ hội khác trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu như sau : Lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang (tỉnh Bạc Liêu), lễ hội Đồng Nọc Nạng (huyện Giá Rai), lễ hội Nghinh Ông (huyện Đông Hải) và lễ hội Quán Âm Nam Hải (thành phố Bạc Liêu). – Vận động thành lập Nhà nuôi trẻ mồ côi (Giấy phép số: 84/QĐUBND ngày 6 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thị xã Bạc Liêu. V/v Cho phép thành lập cơ sở Nhà trẻ mồ côi Long Phước). Hiện có trên 30 trẻ có độ tuổi từ 2 tháng tuổi đến 16 tuổi đang được nuôi dưỡng. – Thành lập Trang Thông tin điện tử Phật giáo Bạc Liêu (Webside: phatgiaobaclieu.com), đây là cơ quan ngôn luận của Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, một trong số ít tờ báo điện tử của Phật giáo được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Hiện đã lưu trữ gần hai ngàn bài viết gồm các loại: Hoạt động Phật sự, Văn hóa Lịch sử, Biên khảo, Y học, Bạc Liêu đất và người… Trang Thông tin điện tử đã cung cấp những thông tin cần thiết cho các nhu cầu tìm hiểu về Phật học, Lịch sử, Văn hóa,… đã được sự tín nhiệm của độc giả trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra các Hoạt động Phật sự khác như: Hoằng pháp, Từ thiện Xã hội, Văn hóa, Nghi lễ, Kinh tế Tài chính, Hướng dẫn Phật tử… đều có những thành quả nhất định. 4. Phật giáo Bạc Liêu có nhiều đặc điểm văn hóa. – Có tiềm năng du lịch. Cảnh quan của Phật giáo Bạc Liêu tuy không có nhiều đặc điểm, du lịch sinh thái cũng chưa phát triển, nhưng lại là một nơi có sức thu hút lớn đối du khách các nơi. Chỉ riêng Quán Âm Phật Đài hàng năm đã có trêm 400 ngàn lượt người, ngoài ra còn các chùa khác cũng có nhiều du khách như: chùa Long Phước, chùa Tháp, chùa Giác Hoa, chùa Xiêm Cán… Hiện nay chùa Hưng Thiện đang xây dựng thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 40 mét để phục vụ nhu cầu hành hương. Hiện nay Tỉnh hội cũng đang có kế hoạch xây dựng chùa Dược Sư tại khu vực Địa Ốc thuộc phường 1 thành phố Bạc Liêu với tổng kinh phí dự kiến 100 triệu đồng. Trong tương lai tỉnh ta sẽ có một tuyến đường du lích từ Quán Âm Phật Đài đến chùa Xiêm Cán đến chùa Long Phước rồi đến chùa Hưng Thiện, xong trở ra thăm chùa Dược Su và cuối cùng là chùa Tháp để viếng tháp cổ ngàn năm. – Tín ngưỡng Quán Thế Âm của người Khmer. Tại xã Hưng Hội huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu, người Khmer đã xây dựng một salatel (niệm phật đường theo kiến trúc của người Khmer), phía trước sân có xây dựng một thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm rất uy nghi, có lẽ đây là nơi duy nhất ở Nam bộ, người Khmer đã đã tôn thờ Quán Thế Âm như một vị thần bảo vệ xóm làng. Trong chính điện của chùa Khmer cũng chỉ thờ duy nhất có Phật Thích Ca, không thờ hình tượng các vị Phật khác, các Bồ tát với hóa thân nữ lại càng không có. Vậy mà ở đây, từ xa nhìn vào người ta đã thấy rõ ràng là một Salatel – một kiến trúc tín ngưỡng thuần túy của người Khmer, nhưng lại có sự hiện diện của Bồ tát Quán Thế Âm qua hình dáng của một người phụ nữ. Tuy đây chỉ mới là một hình tượng đơn độc, chưa được phổ biến rộng, nhưng cũng đủ nói lên ý nghĩa cách tân tín ngưỡng thật tốt đẹp, đã nâng cao vai trò và vị trí của người Phụ nữ Khmer trong xã hội hiện nay, đồng thời qua đó đã thể hiện sự hòa nhập văn hóa của một cộng đồng dân tộc và thể hiện tình đoàn kết gắn bó của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở Bạc Liêu. Thiết nghỉ một mô hình tín ngưỡng có ý nghĩa tốt đẹp như thế cần nên nhân rộng ra để phục vụ cộng đồng tích cực hơn. – Mối quan hệ giữa Phật giáo và Cổ nhạc Bạc Liêu. Bạc Liêu còn là cái nôi của bản Dạ cổ hoài lang và bản Vọng cổ, hiện nay hai bản cổ nhạc nổi tiếng này đã được truyền bá đến nhiều nước trên thế giới, nhưng nhiều người không biết hai bản này lại có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo Bạc Liêu. Cả hai bản đều được sáng tác trong khu vực chùa Vĩnh Phước An, ông Cao Văn Lầu tác giả Dạ cổ hoài lang xuất thân là một chú tiểu, học trò của Hòa thượng Minh Bảo, Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa tác giả bản Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên là đồ đệ của Sư Nguyệt Chiếu, bản Vọng cổ đầu tiên lại mang tên Văng vẳng tiếng chuông chùa… Mối quan hệ này không phải ngẩu nhiên mà bên trong của nó vốn đã có những liên hệ chặt chẽ, các tác giả Cao Văn Lầu, Lư Hòa Nghĩa đều có xuất thân từ Phật giáo. – Văn hóa dân gian có nguồn gốc Phật giáo của ba dân tộc Việt Hoa Khmer thật đa dạng và phong phú. Các loại tính ngưỡng Quan Âm Thị Kính của người Việt, Quan Âm Nam hải của người Hoa, Thần Rehu, Đầu thần bốn mặt của người Khmer đều được truyền tụng lâu đời trong dân gian. Quan Âm Thị Kính có nguồn gốc từ một truyện thơ Việt Nam, Quan Âm Nam Hải vốn dĩ là một nhân vật trong truyện Tây Du Ký của Trung Quốc, nhưng những người có lòng tin đều xem đó là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Truyện Rehu và đầu thần bốn mặt cũng vậy, đều là những truyện cổ tích thần thoại của người Khmer, nhưng hiện nay đã trở thành những hình ảnh trang trí trên các ngôi chùa của người Khmer. Ba dân tộc ở Bạc Liêu còn có nhiều truyện thơ, truyện cổ mang ý nghĩa nhân quả Việt Hoa Khmer – làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác… Kết luận. Trong địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay có tât cả 116 ngôi chùa, trong đó có 26 ngôi chùa Nam tông của người Khmer, số 90 ngôi còn lại là chùa Bắc tông, được chia ra: 7 tịnh xá của Khất Sĩ, 4 chùa Trúc Lâm, 79 ngôi chùa Lâm Tế. Tuy tông phái khác nhau, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của ba nhiệm kỳ Ban Trị sự Phật giáo vừa qua, mỗi ngôi chùa đều là địa điểm tốt mang lại sự tin tưởng và an lành đến mọi người, có thể nói chùa là chỗ dựa tinh thần luôn tốt đẹp cho đồng bào Phật tử. Mỗi thành tích của Phật giáo tỉnh đều có tác dụng tích cực đối với xã hội và con người. Cái tâm con người luôn hướng thiện thì xã hội sẽ giảm dần những mặt hạn chế do con người tạo ra. Các nhiệm kỳ trong hơn mười năm đã tạo được những thành quả lớn, mong rằng trong nhiệm kỳ tới của Ban Trị sự sẽ được sự đoàn kết nhất trí của tăng ni toàn tỉnh để tiếp tục kế thừa và phát huy sự nghiệp của thầy tổ trong thời gian qua. Hội thảo lần này, ngoài ý nghĩa chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng là dịp để mọi người thắt chặt vòng tay hoàn thành tốt đẹp công tác Phật sự trong những ngày sắp tới. |
Cập nhật ( 16/12/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com