TÁM GIÁC HẠNH CỦA MỘT ĐẠI SĨ
* Đạo Nguyên
Tất cả các vị Phật đều là bậc đại sĩ. Trong sự ứng dụng tu của một đại sĩ có tám giác hạnh, và thực hiện tám giác hạnh này là căn bản để đạt đến Niết Bàn. Ðây cũng là những điều cuối cùng mà Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bản sư của chúng ta đã chỉ dạy lại trong đêm Ngài nhập diệt vào Niết Bàn.
Giác hạnh đầu tiên là thiểu dục, hay ít ham muốn. Tự chế ngự mình không chạy theo những đối tượng ngũ dục gọi là “thiểu dục”.
Ðức Phật nói, “Này các thầy, hãy biết rằng người có nhiều ham muốn thường ráo riết đi tìm kiếm danh vọng, lợi lộc, vì vậy họ phải chịu nhiều đạu khổ. Người thiểu dục không đi tìm kiếm danh vọng, lợi lộc nên tự tại, tự do, vì vậy họ không gặp những phiền não hệ lụy do chúng đem lại. Chỉ cần thiểu dục không cũng đủ là một điều đáng quý rồi. Lại càng đáng quý hơn nữa, khi nhờ đó mà tạo ra được nhiều công đức. Người có ít ham muốn sẽ không bị lôi cuốn theo sáu căn. Họ không phải lo lắng gì, tâm được an ổn bởi vì họ bằng lòng với những gì đang có và không cảm thấy thiếu thốn gì. Người thiểu dục như vậy có thể kinh nghiệm được Niết Bàn. Ðó gọi là “thiểu dục”.
Giác hạnh thứ hai là biết đủ. Dù đã có được một điều gì chăng nữa, cũng nên đặt một giới hạn cho sự hưởng thụ điều ấy. Như vậy, chúng ta phải biết thế nào là đủ.
Ðức Phật nói: “Này các thầy, nếu muốn được giải thoát khỏi những đau khổ phiền não, hãy tập quán xét để biết thế nào là đủ. Biết đủ thì sẽ được an vui, thoải mái. Nếu biết đủ, có nằm ngủ dưới đất cũng thấy an vui như thường. Còn không biết đủ, dù có ở trên cõi trời cũng chưa hài lòng, có giầu có đến đâu cũng thấy như mình còn thiếu thốn. Ta sẽ thường xuyên bị ngũ dục lôi kéo khiến cho những người biết đủ phải thấy thương hại. Ðó gọi là “biết đủ”.
Giác hạnh thứ ba là biết sống một mình trong tĩnh lặng. Ðó là sự xa lành những nơi ồn ào, náo nhiệt và biết sống một mình trong chốn tĩnh mịch. Ðó gọi là “biết sống một mình trong an tĩnh”.
Ðức Phật nói: “Này các thầy, nếu muốn có niềm vui của sự vô vi, hãy xa lánh những đám đông ồn ào và đi về nơi yên tịnh. Một nơi yên tĩnh là một nơi chốn thiêng liêng. Bỏ lại đàng sau những hệ lụy ràng buộc và sống trong một nơi yên tĩnh, ta sẽ xa lìa được những nhân duyên tạo phiền não. Nếu thích náo nhiệt , phiền não sẽ đến, giống như một cái cây hấp dẫn nhiều chim muông đến để rồi bị chim làm hủy hoại. Nếu bị trói buộc bởi những vấn đề thế gian, ta sẽ bị chìm đắm trong chúng, như một con voi già bị lún xuống xình lầy và không sao thoát ra được. Ðó gọi là “biết sống một mình trong an tĩnh”.
Giác hạnh thứ tư là tinh tấn. Ðó là không ngưng nghỉ thực hành những pháp lành. Ðó là tự thanh lọc bản thân, không trộn lẫn nhưng hoạt động khác biệt với nhau. Và từ đó chỉ bước tới chứ không thối lui nữa.
Ðức Phật nói: “Này các thầy, nếu tinh tấn chuyên cần thì không có điều gì là quá khó cả. Ðó là lý do chúng ta phải tinh tấn. Như nước chẩy đá mòn, nếu để cho thoái chí, giải đãi thì cũng giống như là đang chà sát hòn đá lấy lửa thì ngưng lại, đá sẽ không xẹt lửa được. Ðó gọi là “tinh tấn chuyên cần.”
Giác hạnh thứ năm là “giữ chánh niệm”. Ðó sẽ giúp cho ta theo đúng Pháp, không bị lạc lối.
Ðức Phật nói: “Này các thầy, để có được một người thầy tốt và được hổ trợ đắc lực, không có gì bằng giữ chánh niệm. Nếu thực hiện được điều đó, những đạo tặc của lòng dục vọng sẽ không xâm lấn được ta. Vì thế nên phải luôn luôn giữchánh niệm. Nếu mất đi chánh niệm, bao nhiêu công đức đã có cũng sẽ tan theo mây khói. Khi có chánh niệm kiên cố,dù cho có ở giữa đám giặc cướp của ngũ dục cũng vẫn không bị hại gì. Ðó cũng giống như mặc áo giáp ra trận, không có gì phải sợ hãi nữa. Ðó gọi là “giữ chánh niệm”.
Giác hạnh thứ sáu là thực tập tọa thiền. Ở trong Pháp không rối loạn được gọi là “vững chãi trong tọa thiền”.
Ðức Phật nói: “Này các thầy, nếu thu nhiếp tâm thì sẽ được vững chãi, và lúc đó sẽ hiểu được vấn đề sinh diệt của tất cả các pháp trên thế giới này. Các thầy phải tiếp tục nỗ lực thực tập những phương diện khác nhau của tọa thiền. Khi đã vững chãi rồi, tâm sẽ không bị tán loạn. Ðó cũng giống như một ngôi nhà có mái tốt, hay một bờ sông được xây đắp tốt sẽ giúp giữ được lượng nước của sự hiểu biết và bảo vệ cho khỏi chết chìm. Ðó gọi là “vững chãi trong tọa thiền”.
Giác hạnh thứ bẩy là “nuôi dưỡng trí tuệ”. Ðó có nghĩa là lắng nghe, quán tưởng, thực hành, và khai ngộ.
Ðức Phật nói: “Này các thầy, nếu có trí tuệ, chúng ta sẽ không bị lòng tham lam trói buộc. Luôn luôn tựquán chiếu mình, ta sẽtránh khỏi những lỗi lầm. Như vậy, sẽ đạt được giải thoát trong Pháp. Nếu không có trí tuệ, bạn sẽ không phải là một người đi theo con đường Ðạo, cũng không phải cư sĩ yểm trợ cho Ðạo, và không có từ ngữ nào dùng được để gọi bạn cả.
Thật thế,trí tuệ là một con thuyền vững chắc để đưa bạn vượt qua đại dương bao la của lão, bệnh, tử. Ðó là ngọn đèn sáng chiếu rọi vào màn đêm tăm tối của vô minh. Ðó là phương thuốc tuyệt hảo cho tất cả những người chúng ta còn đang mang bệnh. Ðó là cái rìu sắc bén chặt đổ cái cây mê lầm. Như thế, có thể được giác ngộ thâm sâu hơn qua trí tuệ của sự lắng nghe, quán tưởng, và thực hành. Nếu được trí tuệ rọi sáng, dù có xử dụng đôi mắt trần, bạn cũng sẽ thấy thấu suốt được mọi sự rõ ràng. Ðó gọi là “nuôi dưỡng trí tuệ.”
Giác hạnh thứ tám là không vướng vào những tranh luận vô bổ tầm phào. Ðó có nghĩa được khai ngộ và thoát khỏi lối suy nghĩ đối đãi phân biệt, và hiểu biết hoàn hảo thực chất của tất cả mọi sự. Ðó gọi là “không vướng vào những tranh luận vô bổ tầm phào.”
Ðức Phật nói: “Này các thầy, nếu chúng ta vướng vào những tranh luận vô bổ tầm phào, tâm chúng ta sẽ bị tán loạn. Rồi chúng ta sẽ không thể được giải thoát dù có xuất gia rồi chăng nữa. Vì thế, bạn phải lập tức buông bỏ ngay cái tâm tán loạn và những tranh luận vô bổ tầm phào này. Nếu muốn có niềm hỉ lạc của sự an định, bạn phải chữa trị căn bệnh tranh luận vô bổ. Ðó gọi là “không vướng vào tranh luận vô bổ tầm phào”.
Ðó là tám giác hạnh đưa đến giác ngộ. Mỗi giác hạnh lại có đầy đủ tám giác hạnh, như thế có tất cả sáu mươi bốn giác hạnh. Khi thực tập hoàn toàn đầy đủ, những giác hạnh lại tăng lên thành vô lượng số. Thực tập trong tổng số căn bản, có sáu mươi bốn giác hạnh.
Có duyên gặp được Phật Pháp là sự hiếm có trong vô lượng a tăng kỳ kiếp. Ðược sanh ra làm người cũng đã là một điều khó rồi. Nếu biết thực hành và hàm dưỡng những giác hạnh này, chắc chắn bạn sẽ được vô thượng chánh đẳng chánh giác và sẽtuyên giảng Pháp Phật đến tất cả chúng sanh, như Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm vậy.