HUYỆN VĨNH LỢI Huyện ở phía Đông của tỉnh Bạc Liêu; Bắc giáp huyện Thạnh Trị của tỉnh Sóc Trăng; Nam giáp thị xã Bạc Liêu; Tây giáp huyện Phước Long và huyện Hoà Bình; Đông giáp huyện Mỹ Xuyên của tỉnh Sóc Trăng. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn Châu Hưng và 7 xã là: Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Châu Hưng A, Hưng Thành, Hưng Hội, Châu Thới, Long Thạnh. Ủy ban Nhân dân huyện tọa lạc tại thị trấn Châu Hưng, ĐT: 0781.753111, Fax: 0781.753021. Huyện nằm ở cửa ngõ đi vào thị xã Bạc Liêu, có quốc lộ 1A chạy qua khoảng 10 km, trung tâm huyện cách thị xã Bạc Liêu hơn 10 km. Huyện có nhiều kênh rạch chảy ra biển, trong đó, kênh Cà Mau – Bạc Liêu chảy qua huyện lỵ song song với đường ô tô, có đường rẽ đi huyện Hồng Dân. Địa thế này giúp huyện có điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế với các huyện thị lân cận. Huyện Vĩnh Lợi có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia là tháp Vĩnh Hưng tại xã Vĩnh Hưng A và đền Bác Hồ tại xã Châu Thới. Hai di tích này đang được tỉnh đầu tư cải tạo nâng cấp trở thành khu tham quan du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Vĩnh Lợi phát triển du lịch trong thời gian sắp tới. Huyện có một đặc sản chưa được nhiều người biết đến là mắm chua Vĩnh Hưng do cơ sở mắm chua Hai Huệ của ông Mã Thành Hưng ở ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng sản xuất. Mắm chua Vĩnh Hưng được làm từ nguyên liệu cá đồng: cá sặc, cá rô, cá lóc nhỏ… rồi muối, đường, thính rang, rượu, riềng, tỏi, ớt… Bí quyết là ở chỗ gia giảm các nguyên liệu. Mắm ăn kèm với thịt ba chỉ luộc, rau thơm, khế, dưa leo, chuối chát, bún, bánh tráng… Khi ăn, lấy mắm, thịt, rau sống, bún, bánh tráng… cuốn lại thành một cuốn rồi thưởng thức, không cần dùng thêm nước chấm. Vĩnh Lợi là quận của tỉnh Bạc Liêu từ ngày 05-10-1917, có tổng Thạnh Hoà với 5 làng: Vĩnh Lợi, Long Thạnh, Hoà Bình, Vĩnh Trạch, Hưng Hội. Quận lỵ đặt tại làng Vĩnh Lợi. Ngày 24-09-1938, quận nhận thêm tổng Thạnh Hưng của quận Vĩnh Châu giải thể với 5 làng: Vĩnh Châu, Vĩnh Phước, Lai Hoà, Lạc Hoà, Khánh Hoà. Sau năm 1956, quận Vĩnh Lợi thuộc tỉnh Ba Xuyên, các làng được gọi là xã. Ngày 13-12-1957, quận Vĩnh Châu tái lập, các xã của tổng Thạnh Hưng được giao về cho quận Vĩnh Châu. Quận Vĩnh Lợi còn tổng Thạnh Hoà với 6 xã: Vĩnh Lợi, Long Thạnh, Hoà Bình, Hưng Hội, Vĩnh Trạch, Vĩnh Hưng. Ngày 08-09-1964, quận thuộc tỉnh Bạc Liêu, chuyển xã Vĩnh Hưng qua quận Giá Rai cùng tỉnh, nhập thêm xã Châu Thới của tổng Thạnh An – quận Thạnh Trị – tỉnh Ba Xuyên. Ngày 11-03-1970, giải thể xã Châu Thới. Tháng 02-1976, Vĩnh Lợi trở thành huyện của tỉnh Minh Hải. Ngày 29-12-1978, Hội đồng Chính phủ Việt Nam ra Quyết định số 326-CP, về việc phân vạch địa giới hành chính các huyện và thị xã thuộc tỉnh Minh Hải. Theo đó, huyện Vĩnh Lợi có 22 xã, 1 thị trấn huyện lỵ; phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông giáp thị xã Minh Hải, phía Tây giáp kênh Cái Cùng và quốc lộ 4, phía Nam giáp biển Đông. Nhưng trong quyết định không nêu rõ tên các xã. Ngày 27-05-1979, địa giới hành chánh huyện Vĩnh Lợi có sự điều chỉnh như sau: – Tách đất xã Vĩnh Mỹ A lập thêm 3 xã: Vĩnh Thắng, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu. – Tách đất xã Vĩnh Mỹ B lập thêm 2 xã: Vĩnh Bình, Vĩnh An. – Tách đất xã Châu Thới lập thêm 2 xã: Thới Chiến, Thới Thắng. – Tách đất xã Hưng Hội lập thêm xã Hưng Thành. – Tách đất xã Long Thạnh lập thêm xã Long Hà. – Tách đất xã Vĩnh Hưng lập thêm xã Vĩnh Hùng. – Tách đất xã Minh Diệu, lập thêm xã Minh Tân. – Tách đất xã Châu Hưng lập thêm 2 xã: Phước Hưng, Hoà Hưng Ngày 08-11-1990, địa giới hành chính huyện Vĩnh Lợi có sự điều chỉnh như sau: – Giải thể xã Hoà Hưng, nhập vào 2 xã: Châu Hưng, Châu Thới. – Giải thể xã Vĩnh Thắng, nhập vào xã Vĩnh Mỹ A. Huyện còn thị trấn Hoà Bình và 12 xã: Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng, Minh Diệu, Long Thạnh, Châu Thới, Châu Hưng, Hưng Hội, Hưng Thành, Vĩnh Thành. Ngày 13-05-2002, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 55/2002/NĐ-CP, về việc thành lập phường, xã thuộc thị xã Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, thành lập xã Châu Hưng A trên cơ sở 2.959,21 ha diện tích tự nhiên và 9.680 nhân khẩu của xã Châu Hưng, thành lập xã Vĩnh Hưng A trên cơ sở 2.080,93 ha diện tích tự nhiên và 9.380 nhân khẩu của xã Vĩnh Hưng. Ngày 24-12-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 166/2003/NĐ-CP, về việc thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, thành lập xã Vĩnh Hậu A trên cơ sở 5.150 ha diện tích tự nhiên và 7.416 nhân khẩu của xã Vĩnh Hậu. Ngày 26-07-2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 96/2005/NĐ-CP, thành lập huyện Hoà Bình trên cơ sở 41.133 ha diện tích tự nhiên và 102.063 nhân khẩu của huyện Vĩnh Lợi. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập huyện Hoà Bình, huyện Vĩnh Lợi còn lại 24.942 ha diện tích tự nhiên và 91.915 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Châu Hưng, Châu Hưng A, Hưng Thành, Hưng Hội, Châu Thới, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Long Thạnh. Ngày 06-04-2007, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 57/2007/NĐ-CP, về việc thành lập thị trấn Châu Hưng thuộc huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, thành lập thị trấn Châu Hưng thuộc huyện Vĩnh Lợi trên cơ sở toàn bộ 3.155 ha diện tích tự nhiên và 11.311 nhân khẩu của xã Châu Hưng và điều chỉnh 265,23 ha diện tích tự nhiên và 1.438 nhân khẩu của xã Châu Thới. Thị trấn Châu Hưng có 3.420,23 ha diện tích tự nhiên và 12.749 nhân khẩu. Huyện Vĩnh Lợi có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Hưng Hội, Hưng Thành, Châu Hưng A, Châu Thới, Long Thạnh, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A và thị trấn Châu Hưng. Thế mạnh kinh tế của huyện là nông nghiệp. Năm 2005, toàn huyện có 24.942 ha đất tự nhiên thì đã có 20.374 ha diện tích đất nông nghiệp (chiếm 82% diện tích tự nhiên). Cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp như sau: – Đất trồng lúa: 16.583 ha. – Đất nuôi trồng thủy sản: gần 2.846 ha, chủ yếu nuôi tôm sú. – Đất trồng hoa màu: 3150 ha. – Đất nông nghiệp khác: 3.791 ha. Sản lượng lúa năm 2005 là 170.583 tấn, năng suất bình quân đạt 4,7 tấn/ha/vụ, hiện nay huyện đang ưu tiên việc triển khai thực hiện chương trình lúa chất lượng cao và lúa Tài nguyên siêu nguyên chủng. Vụ đông xuân năm 2009, toàn huyện sản xuất trên 8.000 ha lúa Tài nguyên, năng suất trung bình đạt 4,5 tấn/ha, cá biệt có nơi lên đến trên 6 tấn/ha. Nếu như huyện Hồng Dân thành công với mô hình tôm – lúa thì huyện Vĩnh Lợi có mô hình bồn bồn – cá với tổng diện tích 3 ha; tập trung ở ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A. Bồn bồn là loại cây chịu nước, đặc sản của vùng Cà Mau, Bạc Liêu. Để tăng hiệu quả canh tác, một số hộ đã thả nuôi thêm cá nước ngọt trên diện tích trồng bồn bồn. Mô hình bồn bồn – cá thích hợp với điều kiện sinh thái, đất đai ở nhiều nơi của huyện Vĩnh Lợi. Ngành chức năng đang khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình này. Năm 2009, tình hình sản xuất nông nghiệp và thủy sản của nông dân trong huyện Vĩnh Lợi gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do giá cả hàng nông – thủy sản không ổn định và chi phí phục vụ sản xuất tăng cao; một số hộ dân vừa thiếu vốn sản xuất, vừa thiếu kỹ thuật nên năng suất thường thấp, chi phí sản xuất cao và chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Trước tình hình đó, huyện hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới như: mô hình tôm – lúa tại ấp Ngọc Được – xã Hưng Thành với diện tích thực hiện là 3.000 m2; mô hình Gà Sao tại ấp Trà Khứa – xã Long Thạnh với quy mô thực hiện 100 con; mô hình sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm, 3 tăng” với 2 giống lúa là OM6162 cấp nguyên chủng (diện tích thực hiện 10 ha tại ấp Bà Chăng A, Xã Châu Thới có 20 hộ tham gia) và giống lúa OM2717 cấp xác nhận (diện tích thực hiện 20 ha tại ấp Trần Nghĩa – xã Vĩnh Hưng có 40 hộ dân tham gia). Vĩnh Lợi là huyện nghèo, mặc dù nằm giáp ranh với thị xã Bạc Liêu nhưng cơ sở hạ tầng của huyện còn nhiều khó khăn. Đường giao thông nông thôn xuống cấp trầm trọng. Quốc lộ 1A là tuyến giao thông chính nối trung tâm huyện Vĩnh Lợi với thị xã Bạc Liêu. Các tuyến đường liên huyện khác chưa được xây dựng. Tuyến đường từ trung tâm tỉnh lỵ đi huyện Hồng Dân, qua địa bàn 3 huyện: Hoà Bình, Vĩnh Lợi và Phước Long – được xây dựng vào năm 1997 từ chương trình của Ngân hàng thế giới nay đã xuống cấp nặng. Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lợi đặt tại xã Vĩnh Hưng. Từ đây, chỉ có con đường duy nhất chuyển bệnh nhân ra tỉnh là tuyến Vĩnh Hưng – Cầu Sập ra quốc lộ 1A về thị xã Bạc Liêu. Tuyến đường này đã xuống cấp nặng, vào mùa mưa, việc chuyển bệnh nhân đi cấp cứu gặp rất nhiều khó khăn. Đầu mùa mưa, xe cấp cứu còn tạm chạy được, đến giữa mùa mưa thì không tài nào chuyển bệnh nhân vì xe bị mắc lầy. Nhiều trường hợp, đang chuyển bệnh nhân giữa đường thì xe cấp cứu mắc lầy, bệnh viện phải mượn vỏ máy của dân để chuyển bằng đường thủy ra Cầu Sập, rồi gọi điện cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu đến tiếp ứng. Hiện nay, để tránh tình trạng này, bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lợi phải dùng xuồng máy chở người bệnh đến đền Bác Hồ (ở xã Châu Thới), rồi điều xe cấp cứu đậu tại Ủy ban Nhân dân huyện đến đón.
|
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com