HUYỀN THOẠI NĂM CĂN * Huỳnh Thăng Con sông Cửa Lớn chảy qua thị trấn Năm Căn, ở đoạn này cũng được gọi là sông Năm Căn, theo hướng đi về mũi Ông Trang, phía bên hữu ngạn là chợ Năm Căn nay đã thành thị trấn với đường sá, công trình, nhà cửa mọc lên ngày càng sầm uất, hứa hẹn hình thành một đô thị phát triển năng động trong tương lai. Ngày trước, chợ Năm Căn là địa điểm giao thương thuận lợi vì chỗ này là vùng giáp nước, nơi dừng chân của khách thương hồ. Họ là chủ những ghe hàng đi xuống cửa Ông Trang mua tôm khô, cá khô, hoặc ra Rẫy Chệt mua dưa hấu, hoặc xuống Rạch Gốc chở ba khía và ốc len, hoặc những xuồng ghe qua rạch Bà Thanh, rạch Ông Định chở củi về hầm than…
Sau những chuyến đi dài “chèo chống mỏi mê”(1), họ dừng lại bến này nghỉ ngơi chờ nước xuôi để đi tiếp, có khi gặp lúc nước ròng, phải chờ con nước lớn. Đây là thời gian họ gặp gỡ trao đổi hàng hóa, hoặc chuyện trò, hoặc hỏi đường, dần dần rồi thành cái chợ bên sông. Nhiều cái chợ ở khắp vùng sông nước Cà Mau đã được hình thành như vậy, thường là ở vị trí ngã ba, ngã tư sông đầu tiên xuất hiện những xóm nhà, rồi đến hàng quán cho khách nghỉ ngơi ăn uống, những cửa tiệm chạp phô (2) bày bán nhu yếu phẩm, đồ gia dụng, dần dần phát triển thành thị tứ. Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi “Năm Căn” đã có từ hơn 200 năm trước (3). Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta lấy dấu hiệu là dãy trại đáy 5 căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh “Năm Căn” (4). Các tài liệu ghi chép lại về thời Mạc Cửu khai phá vùng Hà Tiên đến Cà Mau khoảng năm 1680, nhưng không thấy nhắc đến địa danh Năm Căn, mãi đến thời nhà Nguyễn thì có địa bạ ghi chép về huyện Long Xuyên (là vùng đất Cà Mau ngày nay) mới có nhắc đến. Địa bạ triều Nguyễn năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17) gọi là xứ Năm Căn, lúc đó theo thống kê đạc điền thì ở huyện Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên) gồm 2 tổng Long Thủy và Quảng Xuyên, riêng tổng Quảng Xuyên có diện tích ruộng đất trên 445 mẫu, gồm 14 xã thôn, trong đó có “thôn Tân Hưng ở 5 xứ Rạch Nón, Cái Mũi, Cái Lân, Năm Căn, Đầm Cùng. Có trên 192 mẫu ruộng (112 mẫu công điền và trên 80 mẫu tư điền với 1 chủ điền)” (5). Thời thuộc Pháp, Năm Căn đã trở thành thị trấn sung túc, hai bên bờ sông Năm Căn đã mọc lên nhiều lò than, nhà cửa đông đúc, dân cư tấp nập, có bến tàu đò, có đường xe hơi đi từ Cà Mau về đến Năm Căn… Lúc bấy giờ, Năm Căn là một trong 6 quận nổi tiếng của Cà Mau (6), Năm Căn được coi là mỏ “vàng đen”, cung cấp than đước cho cả Nam kỳ lục tỉnh. Với lối 71 ngàn mẫu rừng ở 4 khu (354, 353, 355, 534) Năm Căn đã cung cấp khoảng 240 ngàn steres củi hầm than, 50 ngàn steres củi vẹt đốt, 720 ngàn tạ than (7). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng Năm Căn thuộc huyện Ngọc Hiển, tháng 6/1979, huyện Ngọc Hiển được chia thành 2 huyện : Năm Căn và Ngọc Hiển, huyện Năm Căn lúc đó có 3 xã : xã Viên An, xã Tân Ân và xã Năm Căn. Năm 1984 lại được đổi tên thành huyện Ngọc Hiển, đến 17/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/NĐ-CP chi tách huyện Ngọc Hiển (cũ) thành huyện Ngọc Hiển (mới) và huyện Năm Căn. Huyện Năm Căn chính thức trở thành đơn vị hành chính độc lập từ ngày 01/01/2004. Ranh giới tự nhiên giữa 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển là con sông Năm Căn, vốn có tên gọi là sông Cửa Lớn (tên chữ Hán là “Đại Môn Giang”), chiều dài 58km, rộng trung bình 400m, đoạn từ thị trấn Năm Căn đến cửa Bồ Đề rộng đến 500m, độ sâu từ 12 đến 20m; sông có 2 cửa đổ ra biển là cửa Bồ Đề ở phía biển Đông và cửa Ông Trang ở phía biển Tây, chia khu rừng ngập mặn Năm Căn ra làm hai mảnh, một mảnh giáp với đất liền, một mảnh giáp với hai bờ biển Đông và biển Tây như một ốc đảo trải dài từ mũi Cà Mau đến Thủ Tam Giang. Con sông này được nhà thám hiểm Jacques-Yves Cousteau (8), thuyền trưởng tàu Calypso, đánh giá là một trong 100 dòng sông lớn nhất thế giới. Điểm đặc biệt nhất là dòng sông có dòng chảy từ biển ra… biển! Nói cách khác, đây là con sông không có thượng nguồn và hạ nguồn, đó là nét độc đáo so với những dòng sông nổi tiếng khác. Do địa thế của nước ta nằm trải dài ven biển Đông, người Việt Sông Năm Căn là trục sông chính, có rất nhiều chi lưu tạo ra hệ thống sông ngòi chằng chịt ôm lấy những cánh rừng đước, sú, vẹt, mắm bạt ngàn. Với tài nguyên thiên nhiên rừng – biển vô cùng phong phú, cuộc sống của cư dân sông nước nơi đây từ lâu đã hình thành nếp sinh hoạt rất đặc trưng : Cha chài mẹ lưới con câu, Chàng rễ đóng đáy, con dâu ngồi nò. (9) Hoặc : Chiều chiều ông Lữ đi câu, Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò. Nghề đóng đáy xuất hiện từ rất sớm trên dòng sông này, đây là nghề đánh bắt mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Để đóng đáy, người ta chọn đoạn sông có dòng chảy tốt, độ sâu vừa phải, dùng cây gỗ lớn cắm xuống dòng sông, giăng thành hàng ngang từ 20 đến 30 miệng đáy, rồi dùng dây thừng néo vào nhau cho cố định, chờ khi nước ròng thì thả lưới, tôm cá theo con nước đi vào miệng đáy. Ở đoạn sông gần cửa Bồ Đề có nghề săn cá dứa, đây là loài cá biển có hình dáng giống cá basa hay cá tra, nhưng lớn hơn, có khi nặng đến 10kg, thịt ăn rất ngon. Vào khoảng tháng 8 âm lịch là mùa trái mắm rụng xuống sông, cá dứa từ biển kéo vào từng đàn nổi lên mặt nước ăn trái mắm, người dân dùng xuồng nhỏ chèo theo đàn cá vào dùng lao đâm cá, người săn giỏi 1 buổi có thể đâm vài chục con. Mùa này cũng là mùa ba khía hội, ba khía thuộc họ với cua, đặc điểm nhận dạng là trên mai có 3 cái khía. Có nhiều cách bắt, ban ngày thì thục hang, ban đên người ta soi bằng cây rọi hoặc đèn pin, ba khía đeo thành từng chùm trên các chang đước, thân cây mắm mọc ven bờ rạch, chụp ba khía phải nhanh tay để tránh bị kẹp, người ta thường chuẩn bị nhiều khạp nước muối trên xuồng để khi bắt được ba khía thì bỏ vào muối tại chỗ. Ba khía là đặc sản của rừng Năm Căn, thịt rất thơm nhờ ăn trái mắm đen, được muối đem bán khắp Nam kỳ lục tỉnh “vì ba khía Rạch Gốc nổi tiếng ngon, nên nhiều đoàn ghe miệt trên, đến mùa cây mắm có trái, thường chở muối hột hoặc muối đen Bạc Liêu xuống đậu thường trực tại rừng cấm đặng mua ba khía rồi muối tại chỗ. Khi đầy ghe thì lui về lục tỉnh hoặc lên Sài Gòn mà đếm sỉ” (10). Không biết tự bao giờ, dân gian đã lưu truyền câu dân ca: “Anh ơi, tháng tám mưa dầm. Nhớ về Năm Căn săn ba khía hội…” Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ – Ngụy đã dùng chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” để kiểm soát sông Năm Căn, nhằm ngăn chặn sự chi viện cũ khí từ miền Bắc qua cửa Vàm Lũng thuộc xã Tân Ân, đoạn cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, đồng thời chia cắt lực lượng cách mạng ở vùng căn cứ với chiến trường miền Tây Nam Bộ, nhân dân Đất Mũi nhiều khi phải ăn trái mắm thay cơm, cất nước mặn thành nước ngọt để dùng. Nơi đây đã ghi nhận nhiều chiến công và chứng kiến những trận đánh tàu khét tiếng của Tiểu đoàn 307 anh hùng, và kết quả là hàng trăm xác tàu Mỹ đã nằm lại dưới lòng sông này. Qua nhiều thế hệ khai phá và định cư, vùng đất này còn mang những thông điệp văn hóa – lịch sử – nhân văn mà cho đến nay vẫn chưa tìm hiểu hết. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để phát hiện và khai thác những tiềm năng, những giá trị đặc trưng tạo thành thế mạnh phục vụ cho việc phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch ở địa phương. ——————————- Chú thích: (1) Nguyên văn câu ca dao : “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi ! Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê” (2) Chữ "tiệm" do được nói trại từ chữ "điếm" (cửa hàng, cửa hiệu) mà ra. "Chạp phô" do phát âm theo tiếng Quảng Đông, nghĩa là "tạp hoá". Các tiệm chạp phô ở (3) Sách “Bạc Liêu xưa” của Huỳnh Minh (Nxb Thanh Niên, 2002), cho rằng tên gọi Năm Căn bắt đầu có từ năm 1092, nghĩa là cách đây hơn 900 năm, chưa có tư liệu nào chứng minh sự kiện này. (4) Nghê Văn Lương – Huỳnh Minh, Cà Mau xưa, Nxb Thanh niên, 2003. (5) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn : Hà Tiên. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994. (6) Quận Năm Căn được thành lập ngày 2/4/1956, nằm ở chót mũi Cà Mau, đông giáp quận Đầm Dơi, tây giáp quận Cái Nước và vịnh Thái Lan, bắc giáp quận Cái Nước, nam giáp biển Nam Hải. Diện tích 71.000 mẫu tây. Gồm có 2 xã : xã Năm Căn và xã Viên An. (7) Hồng Hạnh, Cà Mau với cái nhìn 300 năm trước, tạp chí Bông Sen, số 36. (8) Jacques – Yves Cousteau là nhà thám hiểm, nhà văn, nhà làm phim tài liệu người Pháp. Năm 1992, ông cùng với con tàu thám hiểm nổi tiếng thế giới Calypso theo dòng Mekong đến Việt Nam, ông đã phát hiện ra nét độc đáo của Chợ nổi trên sông ở Nam Bộ và nhận xét : “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy”. Bộ phim tài liệu về Chợ nổi trên sông của ông sau đó đã được phát trên 100 đài truyền hình nổi tiếng thế giới. (9) Câu ca dao này còn có dị bản khác: “Chồng chày vợ lưới con câu; Chàng rể đi xúc, con dâu đi mò”. (10) Nghê Văn Lương – Huỳnh Minh, Sđd.
|
Cập nhật ( 29/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com