HUỆ LÀ LOÀI HOA ĐA DỤNG * Nguyễn Hữu Hiệp Huệ là loài hoa đa dụng, bởi nó không chỉ được dùng để chưng cúng mà còn dùng trang trí, và…làm dáng (cũng dùng làm món xào trong bữa ăn), nên từ lâu nó đã nghiễm nhiên chiếm một vị trí tình cảm hết sức trân trọng đối với con người. Chính vì sự tôn quý, đa dạng như vậy mà thị trường bông huệ bao giờ cũng cung không đủ cầu, nhất là vào những ngày kỷ niệm mang tính tín ngưỡng, tôn giáo. Huệ nói ở đây là “huệ ta”, tuy nhỏ bông nhưng lâu tàn, mùi thơm cũng mạnh hơn “huệ Tàu”(hay huệ Đà Lạt, khá đẹp nhưng mùi hương chỉ thoang thoảng). Bông hụe thụ phấn nhờ bướm đêm, nên ban đêm nó tỏa mùi thơm nức để quyến rũ “khách” đến thăm, vì vậy cứ đúng vào hai thời cúng chiều tối và sáng sớm là lúc nó tỏa hương bát ngát, nên huệ ta cũng có tên là “dạ lai hương” (thơm ban đêm), lại cũng có tên “vũ lai hương” (thơm lúc mưa). Quý là ở chỗ đó. Ở đồng bằng Nam Bộ, đâu đâu cũng thấy có trồng khá nhiều huệ, nhưng nhiều nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và An Giang. Trồng huệ, không đòi hỏi kỹ thuật cao; không sợ sâu rầy, chuột bọ phá hại; nhẹ phân, nhẹ tưới mà lại “mau ăn” và “ăn dai”, chỉ 3 tháng sau ngày trồng thì bắt đầu thu hoạch. Nói chung không có bí quyết gì cả, chỉ cần vài kinh nghiệm nhỏ mà thôi. Thứ nhứt là phải chọn giống tốt, nghĩa là phải dùng củ to khỏe, bỏ “dáo”, tức những những củ nhỏ ở rìa, cắt ngắn rễ và lá. Trời tốt đem phơi 3 nắng liền là củ đủ héo, đem vô trải mỏng ở nơi cao ráo, khoảng khoát, đừng để mua dột hoặc nắng rọi vào. Chờ trời sa mưa mềm đất đem ghim xuống đất đã xới nhuyễn, bụi cách bụi 15cm. Sau 2 tháng thì huệ lú bông. Nếu phơi không đủ nắng thì chỉ 1 tháng sau khi trồng thì huệ đã ra bông, nhưng ốm và nhỏ, gọi là “huệ tức”– bán không ai mua. Thứ hai là, nên thu hoạch huệ lúc trời nắng gắt, được năm bảy chục bông thì lấy lá chuối hoặc bao phân dệt quấn trùm lại, đem dựng ngâm trong lu nước sạch, bông sẽ hút nước mạnh và tươi tốt lại ngay. Làm như thế bảo quản huệ được lâu hơn thu hoach lúc trời mát. Do huệ đẻ củ con nhiều và nhanh nên bụi trước chưa tàn thì bụi sau đã đâm nhánh, phát triển mạnh. Mỗi củ một bông, cứ vậy luân phiên cho bông liên tục. Mỗi lứa cách nhau 10 ngày. Một công cho khoảng 1.000 bông, bán sỉ tại đám không dưới 15.000đ/ chục. Bán huệ, đếm tiền sướng tay hơn người trồng lúa gấp mấy chục lần! Đem bán lẻ có khi “trúng chợ”giá tăng vọt bất ngờ! Nếu khách cần mua huệ màu, nhất là đám cưới, chỉ việc ngâm phần thân của bông trong bình có pha sẵn bột màu, chừng 30 phút huệ trắng sẽ chuyển hóa đúng màu như ý. Nhưng nhớ là phải dùng “màu thiệt”, vì nếu hà tiện, dùng màu giả tuy rẻ, huệ không lên màu, hoặc màu luốc luốc, rất vô duyên. Huệ không chỉ cho bông mà còn cho củ để làm giống. Nếu ngày trước người ta chỉ trồng một ít trước sân nhà để lấy bông chưng cúng kiểu tự túc tự cấp thì dần về sau, do yêu cầu thị trường tiêu thụ, diện tích trồng huệ ngày càng mở rộng, có nơi trồng xen canh hoặc chuyên canh đến mấy chục hecta, nên củ huệ không thể không trở thành mặt hàng có giá. Thành ra, những vườn huệ đã “lão” (chừng 2 năm thì bông nhỏ và ít – sắp tàn), thay vì nhổ bỏ, huệ lại cho nhà vườn thêm một mối lợi: thu hoạch củ, bán giống! Do Nam Bộ là “xứ sở của lễ hội” nên nhu cầu tiêu dùng bông huệ là rất lớn. Hiện, tuy diện tích trồng huệ đã mở rộng, và nhờ kỹ thuật canh tác tiến bộ, bông huệ đã to đẹp, năng suất sản lượng cũng cao hơn nhiều so với trước, nhưng vẫn cung không đủ cầu! |
Cập nhật ( 14/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com