THÁP CỔ VĨNH HƯNG
* Trần Văn Hạnh
Ai đã một lần về thăm Bạc Liêu đều mang theo ấn tượng đẹp về hắc Công Tử, Vườn chim, về nhãn Bạc Liêu, về nhân vật lịch sử Việt Nam – Cao Triều Phát – người trí thức yêu nước, nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người khai sinh ra thể loại vọng cổ ngày nay, đồng Nọc Nạng – sự kiện lịch sử đấu tranh của nông dân với Pháp thời kỳ Bạc Liêu còn chưa có Đảng cộng sản lãnh đạo … Thật thiếu sót thật chưa ghé qua Tháp Cổ Vĩnh Hưng – một công trình kiến trúc của người Khơme (thời kỳ tiền Angkor), cổ nhất được liệt vào danh mục di tích quốc gia (theo danh mục di tích hiện nay).
Tháp đã trải qua bao thế kỷ tồn tại, và cũng có bao nhiêu tên gọi khác nhau – Tháp Trà Long, Tháp Lục Hiền – là tên của hai vị sư trụ trì giữ gìn nơi đây. Nhưng ngày nay mọi người quen gọi với cái tên Tháp Cổ Vĩnh Hưng, bởi vì Tháp có dáng vẻ cổ xưa này tọa lạc thuộc địa phận xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, cách trung tâm thị xã Bạc Liêu khoảng 20km về hướng Tây bắc theo đường chim bay. Đến với di tích có thể chọn một trong hai loại phương tiện xe hoặc tàu. Chọn phương tiện xe thì đi từ trung tâm thị xã theo lộ Cầu Sập – Vĩnh Hưng rẽ trái 2km vào đến Tháp. Chọn phương tiện tàu để ngắm cảch sông nước Bạc Liêu ven bờ có cây trái xanh tươi, và hầu như quanh năm có đồng lúa xanh tươi, óng ả trĩu bông, có nước ngọt dẫn về từ con sông mẹ Mê – kông.
Từ xa, trông ngôi tháp có khối hình trụ đứng sừng sững giữa rừng cây, với dáng vẻ cổ kính – một phần bị rong rêu phủ, còn lại nhiều chỗ gạch loang lỗ khuyến sâu vào gần bên trong lòng Tháp bởi thời gian dài chịu ảnh hưởng của mưa nắng. Gần tháp khoảng mười thước hiện ra một nét kiến trúc nào đã từng gặp. Vâng, kỹ thuật chế tác gạch, và kỹ thuật cấu trúc kết dính gạch lại với nhau không có khoảng đệm ở giữa rất giống tháp của người Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận… Ngày nay trong xây dựng người ta dùng chất liệu kết dính bằng xi măng, hoặc trước đó dùng vôi vữa. Ngày xưa cổ nhân Khơme ở đây đã có kỹ thuật xây dựng hết sức độc đáo mà các nhà khoa học bây giờ vẫn chưa lý giải thống nhất – họ dùng chất kết dính có nguồn gốc thực vật, hay áp dụng phương pháp mài những viên gạch thô (gạch chưa nung) đem xếp chồng lên thành hình ngôi Tháp, xong phủ lớp rơm, gỗ đất nung đến khi gạch đạt dến độ cứng? Mặt khác đến với Tháp Cổ Vĩnh Hưng người xem không khỏi thắc mắc – gạch ở đoạn dưới có màu đỏ, đoạn trên có màu rắng, phải chăng Tháp đã có lần trùng tu?
Để lý giải những vấn đề trên, có lẽ nên nhường lại cho các nhà khoa học. Trở lại với di tích, ngoài ngôi tháp ngoài khu vực còn có chùa Phước Bửu Tự theo phái Bắc tông, hằng ngày đều có khách thập phương đến thăm viếng thắp hương,đông nhất là ngày rằm tháng giêng hằng năm (ngày 15 – 1 – âl), hằng ngàn người trong và ngoài tỉnh đổ về dâng hương. Dòng người qua lại xen kẽ với các quầy hàng được bày bán theo lề đường chật ních cả lối vào. Đêm đến có vô số chiết liều dựng lên, du khách dễ nhận ra ở ngoài đồng ruộng, sau vườn, quanh chân tháp, nói chung chỗ nào trống là họ có thể căn liều, móc mùng ngủ tạm qua đêm. Người không ngủ được thì thỉnh thoảng đến đốt nhang lế Phật. Cứ như vậy đến sáng lúc nào bát hương cũng nghi ngút khói. Tất cả đều có chung một ý nguyện cầu phúc, cầu an, khấn vái mua may bán đắt.
Chùa Phước Bửu Tự được người Việt tái tạo lại trên nền chùa cũ ( theo phái Nam tông), ngày xưa ngươi dân Khơme trong vùng xây dựng làm nơi tu hành của các vị sư, và chăm lo giữ gìn ngôi tháp. Do điều kiện chiến tranh các vị sư cùng dân Khơme ở đây di tản đi tứ xứ, không người trông nom hoang phế dần dần; ngôi chùa không còn tồn tại cùng với tên gọi của nó. Các tượng Phật đem gởi tận chùa Đìa Muồng (H. Hồng Dân) đến nay vẫn còn lưu giữ.
Cảnh vật ở đây thật hấp dẫn du khách, ngoài công trình kiến trúc tháp du khách có thể hít thở không khí trong lành đượm mùi hương hoa đồng nội, dõi mắt bao quát cánh đồng ruộng mênh mông phì nhiêu của một vùng đất đã được ngọt hóa. Điều thú vị ở đây còn là di sản khảo cổ gần như lộ thiên trên mặt đất. Ở mỗi dưới chân trong cũng như ngoài khuôn viên di tích bao trùm một vùng rộng lớn có đường kính gần 1km, bắt gặp rất nhiều những mãnh gốm thô đủ màu sắc, nâu, xám sậm, xám lợt đỏ, trắng ngà… và nhiều ảnh gốm, mảnh đá có khắc hoa văn khác nhau. Nhìn thoáng qua không thấy gì quí hiếm, nhưng đối với các nhà nghiên cứu nó như có ngôn ngữ đặc biệt chứa đựng lượng thông tin vô cùng quan trọng. Từ các di vật ấy nhà khoa học khẳng định đây là đặc trưng của nền vă hóa Óc – eo rất phổ biến trong vùng đồng bằng Tây Nam bộ.
Tháp cổ Vĩnh Hưng là công trình kiến trúc nghệ thuật có niên đại dịch ra từ bia đá: 892 AD (sau Công Nguyên) và là nơi tín ngưỡng của nhân dân đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết đinh số 983 ngày 04/08/1992 liệt vào danh mục di tích quốc gia.