HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHẬT SỰ 5 NĂM CỦA BAN HOẰNG PHÁP TỈNH HỘI PHẬT GIÁO BẠC LIÊU
* Hữu Đức
Sáng ngày 29-7, Ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu đã long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự khóa II nhiệm kỳ 2006-2011 tại trụ sở Tỉnh hội, văn phòng Chùa Long Phước, phường 5 thành phố Bạc Liêu. Tham dự có Đại đức Thích Minh Lành, Phó Trưởng ban thường trực Ban trị sự; Đại đức Thích Quảng Thới, Phó Ban trị sự; các thành viên trong Ban Hoằng pháp, các Ban và các Huyện Thành hội Phật giáo và trụ trì các tự viện trong tỉnh.
Theo báo cáo tổng kết do Đại đức Thích Thiện Phúc, Trưởng Ban hoằng pháp Tỉnh hội tuyên đọc, thời gian qua Ban Hoằng pháp cùng phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử tham gia thuyết giảng giáo lý tại 46 đạo tràng tu học dành cho hàng cư sĩ Phật tử; có nhiều loại hình sinh hoạt khác nhau chủ yếu là đạo tràng niệm Phật, đạo tràng thiền, đạo tràng tu bát quan trai, đạo tràng tu Phật thất; thời gian sinh hoạt có nơi tổ chức một hoặc hai kỳ trong tháng , đạo tràng tu Phật thất tổ chức 3 tháng một kỳ kéo dài 7 ngày. Trong các kỳ lễ lớn như Vu lan tại các tự viện, Lễ thượng ngươn, Đại lễ Phật Đản, các thành viên trong Ban được phân công đến các nơi để thuyết giảng với nhiều đề tài khác nhau. Trong giai đoạn hội nhập của Phật giáo, những buổi thuyết giảng của các vị giảng sư hoằng pháp tại Quan Âm Phật đài qui tụ hàng vạn lượt người tham dự; những buổi pháp thoại thu hút vài nghìn người và những vấn nạn được liên tục đưa lên cho đến khi kết thúc chương trình một số người còn gặp riêng giảng sư để hỏi tiếp; ngoài ra để tạo điều kiện cho tuổi trẻ tiếp cận Phật pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức trại hè Quán Thế Âm, các khóa tu an lạc cho thanh thiếu niên, Ban Hoằng pháp được mời tham gia với chương trình thuyết giảng sinh động và thu hút được tầng lớp thanh thiếu niên.
Tuy nhiên do số lượng thành viên trong Ban Hoằng pháp còn quá mỏng nên chưa trãi rộng địa bàn vùng sâu, ở khu vực nông thôn có một số đông Phật tử đói cơm và đói pháp. Do vậy trong hội nghị lần nầy Ban Hoằng pháp có đề nghị bổ sung thêm nhiều thành viên, một mặt mở lớp tập huấn ngắn ngày cho tất cả trụ trì trong tỉnh với quan niệm mỗi vị trụ trì là một vị giảng sư hoằng pháp, nhiệm vụ hoằng pháp gắn với trách nhiệm trụ trì. Vấn đề quan trọng hội nghị đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo với tất cả các vị rằng quan niệm thanh thiếu niên làm ốn ào mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh của thiền môn không còn phù hợp nữa; các vị phải nhận thức rằng đây là lực lượng trẻ có thể truyền thừa giáo pháp Như Lai và cũng là mầm sống của dân tộc, nếu được vun quén bằng nhân sinh quan Phật giáo, được chuyển tải và tiếp nhận bức Thông điệp vượt thời gian của Đức Phật qua lối sống đạo đức thì chắc chắn họ sẽ là những đứa con ngoan của gia đình, những học trò giỏi của nhà trường và là những công dân tốt của xã hội; hiểu được tứ trọng ân, những nhân tố tích cực nầy sẽ ra sức cống hiến cho đời và chắc hẵn không quên đóng góp cho đạo pháp. Hội nghị thông qua nhiều ý kiến thảo luận, đặc biệt tham luận của Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa nêu bật lên được vai trò cực kỳ quan trọng của hoằng pháp trong giai đoạn hiện nay trước bối cảnh một bộ phận thanh niên có lối sống băng hoại; một số ý kiến đóng góp và chia xẻ kinh nghiệm trong việc hoằng pháp ở vùng sâu, hoằng pháp tại khu vực có tệ nạn xã hội, hoằng pháp kết hợp với công tác từ thiện xã hội, hoằng pháp với các chương trình văn hóa văn nghệ Phật giáo.
Hội nghị cũng đã đưa ra chương trình hành động cho Khóa III, nhiệm kỳ 2011-2016 sát với thực tế và điều kiện sẵn có như tiếp tục mở thêm nhiều đạo tràng sinh hoạt cho Phật tử tu học, tổ chức những buổi tọa đàm Phật pháp, tổ chức thi đố vui học Phật, thực hiện những buổi pháp thoại, mở trại hè cho thiếu niên luân lưu từng khu vực, mở khóa tu an lạc 1 ngày cuối tuần cho sinh viên học sinh, tập họp các em lang thang cơ nhỡ để giúp đỡ và giáo dục cho các em có đời sống phạm hạnh; tiếp tục thực hiện công trình phần việc theo bảng đăng ký “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong đó có chương trình khuyến tài khuyến học.
Trong hội nghị nầy, Đại đức Thích Minh Lành có bài phát biểu quan trọng, Ngài nhấn mạnh đến nhiệm vụ chủ lực của hoằng pháp trong các mặt công tác trọng tâm của Giáo hội, giáo dục đào tạo tăng ni, nâng cao chất lượng trụ trì, mở thêm nhiều đạo tràng sinh hoạt, tổ chức các khóa tu, tất cả đều nhằm vào việc hoằng pháp, phải hiểu và nhận thức thật đúng phương châm “Hoằng pháp lợi sanh” để từ đó làm tròn nhiệm vụ sứ giả Như Lai. Ngài cân nhắc đến kỹ năng hoằng pháp, phương tiện hoằng pháp và tổ chức hoằng pháp, thực hiện mô hình hoằng pháp với nhiều hấp lực từ đó nhân rộng ra; hoằng pháp không thể đơn phương mà phải có sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng với các ngành có liên quan, trụ trì tại cơ sở tự viện và chính quyền sở tại, hoằng pháp để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho con người gắn liền với trách nhiệm và bổn phận công dân, để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tiếp tay cùng nhà nước thực hiện các chương trình do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động nhằm phục vụ an sinh xã hội là nhiệm vụ thiết thực mà chúng ta phải làm.
Cũng nhân hội nghị nghị nầy vào một ngày trước đó, Ban Hoằng pháp đã mời Đại đức Thích Minh Tiến, thành viên ban Hoằng pháp Trung ương, trụ trì tu viện Từ Vân thành phố Hồ Chí Minh đến thuyết giảng. Với đề tài: “Đạo Phật là đạo của giác ngộ và giải thoát” đã thu hút hàng ngàn lượt người đến tham dự .
Cập nhật ( 01/08/2011 )