HỘI NGHỊ KỲ 4-KHÓA VI TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
* Tĩnh Toàn
Sáng ngày 07- 01, tại Hội trường Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ sở Thiền viện Quảng Đức, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị kỳ 4- khóa VI Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc. Tham dự hội nghị có HT Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ Tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; quí Hòa thượng trong Hội đồng chứng minh , Chư tôn giáo phẩm và các vị thành viên Hội đồng trị sự, các ban ngành Trung ương giáo hội, Ban trị sự các tỉnh thành hội Phật giáo trong cả nước; đại diện các tổ chức Phật giáo ở nước ngoài. Về phía chính quyền có các Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo chính phủ; Ông Trần Trung Tín, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các cơ quan truyền thông đại chúng, phóng viên báo đài.
Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự đọc diễn văn khai mạc hội nghị; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự thông qua báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2010 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Về Tăng sự: cả nước hiện có gần 47 ngàn tăng ni và gần 15 ngàn tự viện, năm qua có 874 Phật tử xuất gia tu học. Trong lĩnh vực giáo dục tăng ni, năm 2010 có 262 tăng ni sinh tốt nghiệp cao cấp Phật học và gần 3 ngàn tăng ni sinh theo học chương trình đại học tại 4 học viện Phật giáo; hệ cao đẳng có 47 tăng ni sinh tốt nghiệp và gần 1 ngàn đang theo học; hệ trung cấp có 600 tăng ni tốt nghiệp và có hơn 3 ngàn tăng ni sinh theo học tại 30 trường trong cả nước; hệ sơ cấp có trên 2 ngàn tăng ni sinh. Ban hoằng pháp hiện đang đào tạo 140 giảng sư cao cấp và 46 vị trung cấp, tổ chức Hội thảo hoằng pháp tại Kiên Giang qui tụ 1 ngàn vị giảng sư, hơn 20 ngàn tăng ni và thực hiện công tác từ thiện xã hội trên 3 tỉ đồng; mở nhiều lớp bồi dưỡng hoằng pháp và tham gia thuyết giảng tại nhiều nơi trên toàn quốc, thăm viếng các trường hạ tại các tỉnh thành, tổ chức nhiều khóa tu tại mỗi nơi có hàng ngàn Phật tử tham dự. Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức hội nghị thường niên và thảo luận góp ý thông qua phương hướng hoạt động trong năm; tổ chức hội thảo tại Cần Thơ với chủ đề “ Phật tử thời kỳ hội nhập và phát triển” có trên 600 đại biểu tham dự; Hội thảo tại Hải Phòng có trên 400 đại biểu tham dự; tổ chức hội trại và các khóa tu hè tại 20 đơn vị tỉnh thành với trên 10 ngàn đoàn sinh Gia đình Phật tử tham dự; cả nước có trên 2200 đạo tràng đang sinh hoạt tu học, mỗi đạo tràng có từ 50 đến 500 Phật tử; ngoài ra Ban Hướng dẫ Phật tử còn kết hợp với Ban Hoằng pháp và Ban Từ thiện xã hội thực hiện một số công tác Phật sự quan trong khác như thuyết giảng giáo lý và làm từ thiện với tổng giá trị trên 6 tỉ đồng. Ở lĩnh vực nghi lễ, Ban Nghi lễ trung ương và các tỉnh thành tổ chức tuần lễ Phật Đản với 54 lễ đài tập trung cấp tỉnh thành, Trung ương Giáo hội phối hợp Thành hội thành phố Hà Nội tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô; tại các tỉnh thành có hơn 400 xe hoa, 30 kiệu hoa rước Phật, 30 thuyền hoa, hàng chục ngàn hoa đăng; tổ chức Mùa Vu lan báo hiếu, Lễ cầu siêu cho anh linh liệt sĩ được Phật giáo các tỉnh thành tổ chức tại các nghĩa trang liệt sĩ,Lễ cung nghinh xá lợi Phật và Thánh tăng, trưng bày Phật ngọc, Lễ qui y cho hơn 20 ngàn Phật tử; Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đại lễ kỷ niệm 702 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Lễ kỷ niệm lần thứ 47 ngày Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân và Lễ An vị tượng đài Bồ Tát bằng đồng cao 6m tại thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều nghi lễ khác theo truyền thống. Ban Văn hóa trung ương xuất bản quyển Chư Tôn Thiền đức Phật giáo Thuận Hóa, Tóm tắt Trung Bộ Kinh của Hòa thượng Minh Châu, lập thống kê các di tích văn hóa Phật giáo cấp quốc gia, tỉnh thành và hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận thêm một số di tích đủ tiêu chuẩn; hoàn thành tuyển tập các bài viết có chủ đề “Hồ Chủ tịch với Phật giáo Việt Nam”; biên soạn và in ấn hàng trăm tác phẩm có giá trị, các tỉnh thành đang xúc tiến biên soạn và có một số nơi hoàn thành bản thảo lịch sử những ngôi chùa tại địa phương;phương tiện thông tin hiện có Tạp chí Phật giáo, Văn hóa Phật giáo, một tuần báo, 10 website và 10 nội san của Trung ương giáo hội các đơn vị tỉnh thành Hội Phật giáo;Ngoài ra, một số danh lam cổ tự, di tích lịch sử văn hóa được trùng tu hoặc xây dựng mới chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội với tổng trị giá vài trăm tỉ đồng.Về mặt kinh tế tài chính hiện có 7 công ty là thành viên hoặc liên kết với Ban Kinh tế tài chính Trung ương thực hiện các dịch vụ du lịch, phim ảnh, in ấn văn hóa phẩm Phật giáo, sản xuất dược phẩm dược liệu và các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng. Các hoạt động từ thiện xã hội được phân bố đều khắp trong phạm vi cả nước với hàng trăm Tuệ Tĩnh đường, phòng khám đa khoa Long Bửu Bình Dương, Phòng khám tây y chùa An Thạnh Linh Bạc Liêu và nhiều nơi khác, hơn 20 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người già neo đơn, nhiều bếp ăn tình thương tại các tỉnh huyện; một số hoạt động từ thiện như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xây cầu bồi lộ, cất nhà tình thương, xây nhà tình nghĩa, phát quà cho người nghèo với tổng trị giá trên 700 tỉ đồng. Hoạt động của Ban Phật giáo quốc tế rất đặc sắc trong việc mở rộng mối hữu nghị bang giao với các tổ chức Phật giáo thế giới qua 12 lần cử phái đoàn tham dự các cuộc hội nghị hội thảo quốc tế và tiếp hơn 10 phái đoàn quốc tế đến Việt Nam.
Tại hội nghị, Ông Bùi Hữu Dược có bài phát biểu quan trọng, ông đã mô tả sự phát triển về mọi mặt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ ngày thành lập vào năm 1981 đến nay, những cống hiến to lớn của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Phật giáo đang hội nhập với tinh thần phụng sự đạo pháp- dân tộc và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc, thực hiện có hiệu quả chủ trương đường lối chính sách của Đảng nhà nước thông qua Hiến chương giáo hội và kế hoạch công tác Phật sự đem lại những thành tựu lớn góp phần làm tốt đạo đẹp đời. Ông cũng đề xuất ý kiến là Giáo hội nên tập trung thực hiện những công trình lớn lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chuẩn bị tiền đề hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc khóa 7 vào năm 2012 và khởi xướng phong trào kêu gọi toàn thể tăng ni và đồng bào Phật tử đi đầu trong mọi công tác do nhà nước phát động. Hội nghị cũng đã thông qua danh sách đề nghị tấn phong giáo phẩm của các Ban ngành Trung ương giáo hội và Ban trị sự Phật giáo các tỉnh thành đồng thời công bố Quyết định truy phong giáo phẩm cho các vị có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đạo pháp dân tộc.
Hội nghị có 30 ý kiến phát biểu tại hội trường, Chư tôn đức Chủ tọa đoàn đã lần lượt trả lời từng vấn đề và quí đại biểu đã đóng góp ý kiến trong dự thảo chương trình hoạt động Phật sự và đi đến nhất trí biểu quyết Kế hoạch công tác Phật sự năm 2011 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cập nhật ( 24/01/2011 )