HOẰNG PHÁP VỚI VẤN ĐỀ HÒA BÌNH – AN LẠC CHO NHÂN LOẠI * Ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Trà Vinh “Nhân loại có nhu cầu bình an và hạnh phúc, đó là ý muốn chung của mọi người, do vậy chúng ta phải cùng nhau sống trong tinh thần hòa bình, không ân oán, thù hận, xung đột, đấu tranh, không hợp tác, bất bình đẳng” (1). Trong lịch sử truyền bá của đạo Phật, tinh thần bất bạo động dưới cái nhìn đạo đức Phật giáo đến các nước khắp thế giới trải qua bao nhiêu chặn đường lịch sử, tôn giáo đến mỗi nơi có một tập quán văn hóa tôn giáo khác nhau, nhưng đạo Phật chưa bao giờ gây nên một xung đột đổ vỡ nào. Có được kết quả tốt đẹp như thế là do đạo Phật vốn có tinh thần bất bạo động, từ bi trí tuệ và thực hiện nếp sống thiểu dục tri túc. Nếu các quốc gia thực hiện được nếp sống như thế thì sẽ dẫn đến sự an lạc, hòa bình, hạnh phúc. Mặc khác tinh thần bất bạo động thực chất là tinh thần từ bi hỷ xả, nơi nào có từ bi hỷ xả nơi đó có hòa bình, có an lạc, không có bạo động, không có chiến tranh. Có thể nói tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xã khi đi vào đời sống hiện thực thì con người trở nên yêu thương, hiểu biết nhau nhiều hơn. Từ Vô lượng (Metta): “Tâm từ phải được rải khắp cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của từ mẫu đối với đứa con duy nhất, săn sóc, bảo bọc con dù cho nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng” (Kinh Từ Bi). Nếu lòng nhân hay lòng Bác Ái là tình thương yêu giữa người với người, thì tâm từ của Phật giáo bao trùm cả vạn vật trong vũ trụ, là thứ tình thương không bờ bến, không điều kiện và không chờ sự đền trả. Người có tâm từ cùng tột thấy mình đồng hóa với chúng sanh, nhờ đó mà cái “ta” cái “tự ngã của ta” không còn hiện hữu, nhằm tạo sự an lành, hạnh phúc, nó không chỉ dập tắt lòng sân mà còn diệt các mầm tư tưởng bất thiện đối với người khác, không nghĩ đến làm hại, làm giảm giá trị, hoặc bài xích ai, không sợ ai cũng không làm ai sợ. Kinh Pháp Cú Phật dạy: “Sung sướng thay chúng ta sống không thù oán giữa những người thù oán, giữa những người thù oán, ta sống không thù oán” Bi Vô Lượng (Karunà): Bi là động lực làm cho rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Là cái có thể làm xoa dịu lòng đau khổ của con người. Đặc tính của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ.. chính do nơi tâm bi mà con người có thể hoàn toàn lợi tha trong khi phục vụ, người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác, luôn tìm cơ hội để giúp đời: “Đâu chúng sanh cần con đến Đâu Phật Pháp gọi con đi Chẳng quản gian lao Chẳng nài khó nhọc” (Kinh Lăng Nghiêm) Đối tượng của tâm Bi là những người thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Tâm Bi không nhìn nhận thế lực và oai quyền của hạng người được xã hội coi là trên, trước. Ta nên nhận định rằng tâm Bi của Phật giáo không phải là giọt nước mắt nhỏ suông, gọi là thương xót hay thương hại, mà tâm bi vô lượng phải nhằm mục đích cứu khổ. Hỷ Vô Lượng (Mudità): Là lòng theo cái vui của người và mơ ước cho kẻ khác được an vui, thành công và hạnh phúc, nó phá tan lòng ganh tỵ và tánh ích kỷ, vượt thoát bản ngã thấp hèn, phá vỡ được những tham ái trong tâm thức, sống trong sạch và cao thượng, tán dương sự thắng lợi và sự thành công của tha nhân, chuyển hóa được những khổ đau, tạo dựng được một lối sống thoải mái nhẹ nhàng không phiền muộn, đem lại nụ cười và hạnh phúc cho cuộc đời. Người ấy luôn luôn: An trú trong tĩnh mặc Thấy pháp trở về nguồn Không hận không bạo động Điều phục được kiêu mạn Sống an hòa chân thật Vượt thoát ngoài ái nhiễm Là niềm vui lớn nhất Xả Vô Lượng: “Người lành thường xa lìa mà không bàn đến điều tham dục, kẻ trí không còn niệm mừng lo nên chẳng lay động vì khổ lạc” (Kinh Pháp Cú). Xả là tâm không luyến ái, không ghét bỏ, không ưa thích, không bất mãn. Xã không có nghĩa là lạnh lùng, lãnh đạm, không màng đến thế sự, không phải cảm giác vô ký không buồn không vui. Xả là trông thấy đúng đắn, nhận định chơn chánh và suy luận vô tư… Nhờ đó mà không thích thú trong vui sướng, không bực mình trong phiền não, không phân biệt đối xử với người tội lỗi hay bậc thánh nhân. Người có tâm Xả sống vô tư thản nhiên, an tịnh, xa cách sự tham ái. “Như ngọn núi kiên cố, chẳng bao giờ bị gió lay, những lời hủy báng hoặc tán dương, chẳng bao giờ làm lay động người đại trí” (2) Như vậy, chúng ta hiểu được rằng: “Nền hòa bình mà tất cả chúng ta mong muốn, hòa bình trong lòng và trong tâm chúng ta, hòa bình giữa những người láng giềng và giữa các quốc gia là kết quả của việc xây dựng lại lối suy nghĩ, cảm xúc và hành động dựa trên tinh thần hữu nghị” (3) Nếu các nước trên thế giới đoàn kết thành một khối, thì chúng ta có đủ tiềm năng để loại trừ cảnh đói nghèo, nạn thất nghiệp, lao khổ và các tội phạm ra khỏi mọi xứ sở. Hành động ích kỷ, bạo lực và chây lười có khuynh hướng phá hủy cơ cấu xã hội, và gây đau khổ cho những người sống trong xã hội. Nhân tố xây dựng hòa bình phải được xây dựng từ trong lòng mỗi người, mỗi người phải có tâm hòa hiếu, hòa thụân, cần có thái độ tôn trọng quan điểm sống văn hóa của kẻ khác, cần có tấm lòng bao dung tha thứ, biết tôn trọng sự sống, biết tu nhân tích đức, biết nhận thức và chấp nhận sự sửa đổi những sai lầm từ thân tâm, loại bỏ tâm tư định kiến, lòng kiêu mạn và tham lam, phát huy trí tuệ, “trí tuệ là bảo kiếm đoạn trừ các tà kiến, dứt sạch phiền não và vô minh, lòng bao dung cũng từ đó xuất hiện. Trong lòng mỗi người có bi và trí thì nền hòa bình không thể không xuất hiện ở thế gian” (4) Mặt khác ta thấy rằng Phật giáo là nguồn sống nhập thế của mọi sự sống ở đời, là nền tảng tinh thần của xã hội Nhân Bản, Tiến Bộ và Giải Thoát. Phật giáo luôn lấy việc giáo dục con người toàn diện làm bổn phận chính cần làm và phải làm trong mọi thời đại, không phân biệt màu da, tiếng nói, chủng tộc, vì: “Một đường hướng giáo dục vươn tới sự toàn diện, tùy thuộc vào cái nhìn nhất quán và toàn diện về con người” Nhưng trên nguyên tắc xây dựng một xã hội Người Tiến Bộ, ta cần phải thực hiện một số nguyên tắc về Luân Lý, về khả năng Tri Thức và về giá trị Thực Hành. Luân Lý: Giá trị đích thực của nền luân lý chính là sự hiểu biết và tôn trọng phẩm giá nhân cách của tha nhân cũng như tự thể… Luân lý là một quán lệ, một thói cư xử theo lẽ phải. Mà lẽ phải là phần cốt yếu của đạo làm người. Hãy tỏ ra mình có đức hạnh, can đảm và hết lòng. Cố gắng thương yêu mọi loài. Con người chỉ xứng với danh nghĩa của nó chừng nào làm chủ được ý nghĩ, lời nói và hành động mình cả về nội giới và ngoại giới. Chinh phục được ngoại giới là một công trình to lớn, nhưng điều đáng ca ngợi hơn cả vẫn là sự điều ngự được chính mình. Do đó, về phương diện luân lý, Phật giáo dạy ta đặt trọng tâm vào sự Thiện Ác, vào Tội Phúc Báo Ứng phân minh và vào Luật Nhân Quả, vì biết rằng: “Làm lành được sung sướng, làm ác chịu khổ sở. Nhân nào quả ấy. Hành động của chúng ta hiện nay ra sao thì kết quả trong ngày mai cũng lại y như thế” (5) một hành động tốt hoặc xấu của một cá nhân sẽ có ảnh hưởng đến toàn thể không ít… Người có đạo đức luân lý là một con người hoàn toàn sung sướng nhất trên đời, khác nào như bông hoa nở đẹp, làm thơm cho cuộc thế. Pascal nói: “Luân lý là cuốn sách tốt nhất của ta. Một cuốn sách mà ta cần phải tra cứu luôn”. Luân lý rất cần cho xã hội con người. Sự sụp đổ về mặt luân lý sẽ là một tai họa lớn cho con người và cho cuộc đời. Khả Năng Tri Thức: Sự hiểu biết của con người là hơn các loài hữu tình khác. Trí tuệ con người quả là vầng hào quang làm sáng đẹp cho cuộc đời. Đạo Phật không chỉ thừa nhận khả năng tri thức con người mà còn vạch ra những phương thức để giúp con người biết cách sử dụng tài năng mình trong công cuộc tìm hiểu chân lý. Đối với cảnh vật hiện hữu như trực tiếp với ban ngày thì ta biết sáng, ban đêm biết tối và rờ lửa biết nóng, rờ tuyết biết lạnh…, đó là lối nhận thức thông thường. Đối với các pháp thuộc lĩnh vực siêu nhiên, đạo Phật quả là ánh sáng mặt trời chiếu soi vào rừng âm u tào tạp của nhiên giới, tâm giới và siêu việt giới. Ta nên hiểu rằng: “kinh điển đạo Phật chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, là chiếc bè đưa người qua sông mê, tới bến giác; chứ kinh điển không là chân lý”. Con người nên lấy lý trí tìm hiểu, phán đoán sự vật mà không nên áp dụng tình cảm trong việc tìm hiểu, phán đoán sự vật một cách vội vã, sai lầm. Tri thức con người cao viễn chừng nào thì cuộc sống con người càng văn minh, tiến bộ chừng ấy. Dù là vật vô giá trị nhưng khi tri thức con người để ý tới thì nó cũng trở nên giá trị, và ngược lại. Như vậy, tri thức con người quyết định cuộc sống con người. Giá Trị Thực Hành: Bằng vào sự thật và phương pháp mà Phật giáo đã chứng ngộ và thực hành rồi lấy đó làm tiêu chuẩn cho mọi sinh hoạt trần thế, con người nên thực hành theo hai điểm: Từ Bi: vì lòng thương yêu rộng lớn, nguyện cứu khổ hết thảy chúng sanh. Trí Tuệ: Thức nhận mọi sự vật hiện hữu cuộc đời là biến đổi vô thường và “Chúng” có những tính, tướng, thể, dụng khác nhau, nhưng đều bình đẳng trong cùng một Phật tính. Với nhận thức ấy, là đề cao giá trị con người lên tột đỉnh cao sang, đó là giá trị bình đẳng giữa Phật và chúng sanh, một sự bình đẳng triệt để, và cứu cánh, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật mai sau, nếu chúng sanh biết giác ngộ. Phật giáo đặt con người vào thế chủ động, để tự cứu và cứu người, cứu đời, một cuộc dấn thân có ý nghĩa. Phật giáo dạy con người nhận rõ thực chất của mỗi công việc làm, phải biết hy sinh thân thế mình cho những lý tưởng cao thượng, những hành động chân chính và những sự nghiệp lớn lao. Chỉ khi nào người ta thực hành theo tiếng gọi của lương tâm, của lòng thương yêu và trí sáng suốt mới thật là thể hiện tinh thần Từ Bi, Trí Huệ của đạo Như Thật. Cho nên mọi giá trị thực hành trong đạo Phật là nhằm mục đích: Chân hóa (Tôn trọng sự thật: lẽ phải), Thiện hóa (con người, theo đạo Phật là luôn luôn đổi mới tâm hồn và cải tạo hoàn cảnh, nếp sống mình và làm hiển lộ sự trong sáng trong mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm, biết hướng dẫn về nẽo thiện: đó là con đường dẫn đến chính đạo), Mỹ hóa (để làm đẹp cho chính tự thân và cho cuộc sống). Đức Phật dạy: “Chúng ta hãy đem tấm thân này làm miếng vải để băng bó những vết thương đau của xã hội, vì xã hội và ta không thể ly khai nhau” Tóm lại, Hoằng pháp của Phật giáo luôn quan trọng đến nền tảng đạo đức để xây dựng một thế giới hòa bình an lạc, thông qua việc thể hiện triết lý từ bi hỷ xã, để an dân nội tại, thế giới an hòa, và lọi bỏ sự giao động, lo lắng của con người trước những biến động của thời cuộc. Phật giáo xây dựng mối quan hệ hòa bình hữu nghị con người trong xã hội và thế giới trên nguyên tắc hòa hợp. – Chung sống hòa hợp, đoàn kết để xây dựng và duy trì một xã hội tiến bộ văn minh. – Không tranh chấp, tôn trọng tự do ngôn luận. – Ý chí kiên quyết, hòa hợp để duy trì truyền thống tốt đẹp, bảo vệ những thành quả và sự sống còn của xã hội, sự tồn tại của mọi người. – Luật pháp và giời luật phải cùng tự giác chấp hành nghiêm chỉnh, trong tinh thần thượng tôn hiến pháp, luật lệ của nhà nước và thực học, hành trì giới luật của Phật để đất nước có kỷ cương, tôn giáo có tổ chức nề nếp. – Ý kiến hòa hợp, để trao đổi, giải quyết vấn đề: tham nhũng, hối lộ, mại dâm, ma túy, cờ bạc, trộm cướp, rượu chè trác táng và biến chất. – Quyền lợi và hạnh phúc phải phân chia hòa hợp, bình đẳng trên nguyên tắc kinh tế bình đẳng. Có làm thì có ăn, trên nguyên lý tương xứng, làm việc bằng tay chân hay khối óc, kể cả phương pháp kinh tế thị trường. (trích Xây Dựng Xã Hội theo Phật Giáo). Xã hội ngày nay đang xảy ra nhiều cuộc biến động, hiện tượng “Stress” phổ biến khắp nơi trong gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Những tiền đề hòa hợp của Phật giáo đưa ra làm cho giá trị đạo đức của con người xã hội được phát triển. Như vậy, tình người với những đức tính khoan dung, độ lượng trong tự tâm sẽ dập tắt đi biết bao phiền não do tham, sân, si bộc khởi, thay vào những tham lam, thù hận là dòng suối tâm lý đầy tình người nhân ái, ban vui cứu khổ đem lại hạnh phúc lợi lạc cho cá nhân và tập thể cộng đồng, phải chăng đó là nếp sống hướng thượng đạo đức đầy chất liệu nhân văn, đầy tính hòa bình bất bạo động của đạo Phật mà con người hiện tại hôm nay cần hướng tới. “Phật giáo ở thời đại nào cũng hướng con người đi vào thế giới nội tại quán chiếu thân tâm loại bỏ những tham dục, sân hận và si mê, phát triển từ bi trí tuệ để vận hành vào cuộc sống phát triển xã hội và đất nước đem lại an vui giải thoát cho mọi người, mọi loài. Đó là tinh thần giáo dục của Phật giáo trong kỷ nguyên mới” (6./.) Chú thích: (1) Thích Hạnh Bình (Dịch)- Phật Giáo Và Cuộc Sống, Nxb Phương Đông: TP Hồ Chí Minh, 2007, Tr. 246 (2) Trí Đức (Dịch)- Kinh Pháp cú, Phẩm Trí Giả, Lưu Hành Nội Bộ, TPHCM, 1959, Tr.24 (3) Pháp Thông (Dịch)- Phật Pháp Giảng Giải, Nxb Tôn Giáo: Hà Nội, 2005, Tr. 111 (4) Thích Hạnh Bình (Dịch)- Phật Giáo Và Cuộc Sống, Nxb Phương Đông: TP Hồ Chí Minh, 2007, Tr. 265 (5) Đức Nhuận- Phật Học Tinh Hoa Một Tổng Hợp Đạo Lý, Tu Thư Vạn Hạnh, 1971, Tr. 39 (6) Thích Minh Bá- Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Hiện Đại, NXB TP. Hồ Chí Minh: TPHCM, 2001, Tr. 320. |
Cập nhật ( 08/04/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com