HOẰNG PHÁP VỚI CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI * CS.Thiện Hải – La Văn Vĩnh UVThư ký BTSPG Bình Định Phật giáo là Tôn giáo của Từ bi, cứu khổ và ban vui, với tinh thần nầy Phật giáo đã hòa nhập vào cộng đồng, luôn kề vai sát cánh với quần chúng nhân dân mỗi khi có những giao động bất an vô thường và thiên tai hoạn nạn. Đức Phật thương yêu chúng sanh như con ruột, nên đồng cảm với sự đau khổ của chúng sanh, nổi khổ của chúng sanh là nổi khổ của chính mình. Vì lòng đại từ, đại bi cứu khổ, ban vui cho chúng sanh nên Đức Phật đã chỉ rõ: + Những cảnh khổ trên thế gian mà chúng sanh phải gánh chịu. + Nguyên nhân của bể khổ trần gian. + Quả vị an lạc giải thoát khi đã diệt được khổ. + Phương pháp tu hành để diệt trừ đau khổ. Đó là chân lý chắc thật, quyết định con đường đi đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho nhân loại. Trong xã hội ngày nay, cuộc sống sôi động thăng hoa theo sự phát triển của khoa học hiện đại, dân số ngày càng đông, đất đai ngày một thu hẹp, vật giá tăng cao. Bên cạnh những đô thị xa hoa, phồn vinh sung túc, vẫn còn những khu nhà ổ chuột, những mảnh đời cơ cực, những gia đình kinh tế khó khăn, những bệnh tật nan y và tai nạn hiểm nghèo. Đứng trước bao thảm cảnh ấy, người con Phật đã phát khởi tấm lòng từ ái và nẩy sinh ý niệm thiện hạnh, phát Bồ đề tâm bố thí tài vật để cứu giúp những hoàn cảnh đau thương vơi đi bớt khổ. Noi theo dấu chân Đức Phật, người con Phật luôn luôn nghĩ đến điều Thiện, nói lời thiện và làm việc thiện. Vì không có niềm vui nào bằng niềm vui làm Từ thiện. Có thể nói ngoài tinh thần "Lá lành đùm lá rách"; "thương người như thể thương thân", đây còn là một phương pháp nuôi dưỡng tâm từ và hạnh bố thí Ba la mật trên bước đường tu thiện, hành thiện của người Phật tử tại gia. Công tác Từ thiện Xã hội là Phật sự mang đậm tính nhân văn, là việc làm cao quý, góp phần chuyển tải tình thương và lòng nhân ái của người con Phật đến với mọi người trong xã hội. Để phát huy tinh thần ấy một cách sâu xa và toàn diện hơn nữa, cần phải có Pháp thí. Nghĩa là phải kết hợp Hoằng pháp với công tác Từ thiện Xã hội. Vì Pháp thí và Tài thí là hai công hạnh rất lớn trong sự nghiệp Hoằng pháp độ sanh. Tài thí là cứu giúp ngặt nghèo, túng thiếu về phương diện vật chất trong một thời gian, Pháp thí là giúp họ phương diện tinh thần, đem ánh sáng Phật pháp đến với họ, nên không riêng gì người nghèo mà cả người giàu có hay công nhân viên chức khi họ thấm nhuần Phật pháp, tin kính và quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới, có được phương pháp tu học thì dẫu nghèo khó, họ vẫn có cuộc sống đạm bạc, an vui trên tinh thần thiều dục và tri túc. Ví như ta làm Từ thiện, cho họ một chiếc giường tốt và một ngôi nhà tình nghĩa khang trang, nhưng chắc gì họ đã có được giấc ngủ an lành trên chiếc giường ấy và có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc trong ngôi nhà ấy đâu? mà phải cho họ pháp môn tu tập để họ ý thức được cuộc sống và vui chịu với mọi cảnh trong cuộc sống hiện tại: Chính vì vậy Hoằng pháp là vô cùng quan trọng đối với công tác Từ thiện xã hội, có công năng hộ quốc an dân, góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Kính bạch Chư Tôn đức Kính thưa Quý Phật tử. Đức Phật dạy: "Trong các bố thí, pháp thí có công năng lớn nhất, không gì có thể sánh bằng". Vì sự nghiệp Hoằng pháp độ sanh trong thời đại mới, thời đại của khoa học, vật chất dẫy đầy mà tinh thần đạo đức thì suy thoái, thiên tai, hoạn nạn và nghèo khổ đang tiếp diễn. Là những Cư sĩ Phật tử Hoằng pháp viên đã qua các khóa tập huấn, dù bất cứ nơi đâu, miền xuôi hay miền ngược, vùng sâu vùng xa, chúng ta đều hiện diện để đem những kiến thức Phật pháp, cảnh tỉnh người lầm đường lạc lối, ăn chơi sa đọa, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát, quay về với Chân, Thiện, Mỹ để có cuộc sống an vui hạnh phúc trong chánh pháp. Giúp người nghèo khổ, tật bệnh biết tu học để chuyên nghiệp, vượt khổ được vui. Người giàu có biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng đem tài vật của mình mà bố thí cho người nghèo… Kết hợp với Từ thiện xã hội vận động tịnh tài phẩm vật cứu trợ đồng bảo bị thiên tai, hoạn nạn sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Một Hoằng pháp viên làm được như vậy là quý giá vô cùng, không công đức nào sánh bằng và hạnh phúc gì bằng. Vì chính ta đã làm rạng rỡ Phật pháp và lợi ích cho xã hội, đúng với mục đích chính của Hội thảo Hoằng pháp lần này là: "Phật giáo với dân tộc". Kính bạch Chư Tôn đức! Mong muốn là vậy nhưng đối với hàng Cư sĩ Phật tử, gia duyên ràng buộc, thì liệu LỰC có tòng TÂM hay không? điều này còn đòi hỏi sự tinh tấn ở chính mình và sự động viên sách tấn, khích lệ tinh thần từ Chư Tôn Thiền Đức. Chúng con vẫn biết: "Phải tự mình thắp đuốc lên mà đi", nhưng nếu không có ánh lửa kia thắp sáng thì bản thân ngọn đuốc không thể soi đường. Do vậy, dù ở môi trường nào, Phật sự nào, dù lớn hay nhỏ, Chư tôn Thiền đức Tăng Ni mãi là ngọn đèn thắp sáng, dẫn đường chỉ lối cho hàng Cư sĩ Phật tử thì Phật sự mới hanh thông và thành tựu viên mãn. Với phương châm: "Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường Đuốc tuệ Phật Pháp giữa Ta bà Ánh sáng Từ bi được sáng lòa, Rọi cảnh nguy nàn khuyên bạn trẻ, Vạch đường giải thoát hiến người già. Bóng từ soi sáng trời Âu, Á Nạn dữ rời xa khỏi cư gia, Ngọn đuốc chơn như bừng rạng tỏ. Biết bao nhiêu kẻ khỏi lầm sa. Nhân Hội thảo, chúng con thành tâm dâng lên những thiện ý nho nhỏ góp vào ngôi nhà Hoằng pháp. Ngưỡng mong Quý Ngài hoan hỷ từ mẫn cố. |
Cập nhật ( 08/04/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com