HOẰNG PHÁP TRONG THỜI HỘI NHẬP: NHỮNG MỤC TIÊU THỰC TIỄN * Thích Minh Đạo I. Từ xưa: Như chúng ta đã biết sau khi chứng ngộ đạo giải thoát dưới cội Bồ đề, vì lòng tưởng đến chúng sanh, đức Thế Tôn đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Chư thiên mà lưu dấu tại cõi đời bằng việc thuyết giáo hóa độ quần sanh. Khi bắt đầu tiếp tăng độ chúng, việc đầu tiên Phật dạy các tỳ kheo phải nên “Vì lợi ích, vì hạnh phúc cho số đông, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người” mà ra đi để Hoằng pháp. Kể từ đấy, con đường Hoằng pháp lợi sanh chính là bản hoài duy nhất và là mục đích cao cả của hàng đệ tử Phật luôn mong muốn. Tùy mỗi người, mỗi hạnh nguyện, mỗi quốc độ, phong tục mà có những cách giáo hóa khác nhau nhưng đều chung lý tưởng là mang nguồn ánh sáng tuệ giác đến với tất cả chúng sanh. Một trong số các vị đệ tử xuất sắc nhất của Phật, Phú Lâu Na được mệnh danh là bậc thuyết pháp tài giỏi nhất. Noi theo gương hạnh của Phật, Ngài luôn dấn thân vào những vùng sâu vùng xa, nơi mà ít hoặc chưa có ai đến đó để hóa độ mọi người. Bằng đức độ và sự thiện xảo khéo léo của mình, rất nhiều người trước đây chưa hề biết gì về Phật thậm chí có cả những người chê bai Phật, cuối cùng đều xin quy hướng về Tam bảo làm một trong tứ chúng đệ tử của Thế Tôn. Mẩu đối hoại giữa Ngài với đức Phật, có lẽ là câu chuyện cảm động nhất đã minh chứng cho tinh thần Hoằng pháp của Phật giáo: Một hôm, sau mùa an cư, Phú Lâu Na nghĩ đến việc đi hoằng hóa, bèn đến thưa đức Phật cho đến nước Du Lô Na bố giáo. Đức Phật bèn dạy: – Phú Lâu Na! Ông nói đúng, làm đệ tử ta bố giáo là việc tu hành trọng yếu thứ nhất, nhưng ta hỏi ông, ông đến nước Du Lô Na, nếu như họ không chấp nhận ông mà lớn tiếng chửi mắng, ông mới làm sao? – Bạch Thế Tôn! Họ mắng chửi con, con vẫn thấy họ còn tốt vì họ cũng chưa lỗ mãng đến nỗi dùng roi gậy đánh đập con. – Nếu như họ dùng nắm tay, gạch ngói, roi gậy đánh đập ông? – Con vẫn thấy họ còn tốt, chưa đến nỗi đâm chém con. – Nếu như họ dùng dao búa như thế? – Con cũng cho họ rất tốt, họ cũng còn tình người chưa đến nỗi giết con chết. – Nếu như họ giết ông chết? – Như thế con lại cảm ơn họ, đã giết sắc thân của con, hỗ trợ đạo nghiệp của con, giúp mau vào niết bàn, giúp con đem sanh mạng báo đáp ân đức Thế Tôn. Điều ấy đối với con tuy không có trở ngại, chỉ sợ di ảnh hưởng không tốt cho họ thôi. Đức Phật rất hoan hỷ, khen ngợi Tôn giả. Ở Việt Nam ta, một đất nước nhỏ bé nhưng lại tự hào với truyền thống Phật giáo có mặt trên 2000 năm. Khoảng trong thời gian ấy, bằng sự nỗ lực không ngừng của những hành giả thực hiện sứ mạng Hoằng pháp nên đạo Phật luôn được xem là một tôn giáo đồng hành xuyên suốt cùng dân tộc. Một Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bất kể bao khó nhọc vẫn vân du khắp xứ thuyết giáo dạy dân tu hành thập thiện, bỏ ác làm lành. Một Bồ Tát Thích Quảng Đức vì an bình dân tộc đã nguyện để lại trái tim hồng bất tuyệt. Một Hòa thượng Thích Thiện Hoa đề xướng “Như Lai Sứ Giả” dấn thân trần thế độ sanh… rất nhiều và rất nhiều chư vị tiền bối, lịch đại tổ sư truyền thừa đều theo di huấn”Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” làm kim chỉ nam mà hành đạo. Suốt trong chiều dài lịch sử Phật giáo hiện hữu trên cuộc đời không bao giờ vắng bóng những bậc mô phạm truyền bá giáo pháp của Đức Thế Tôn hầu làm cho Phật pháp trên cõi nhân gian ngày càng được thấm nhuần. II. Đến nay: Như đã nói, có mặt tại đất nước Việt Nam hơn 2000 năm, Phật giáo đã phần nào khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong trái tim của dân tộc. Kể từ năm 1981, khi các tổ chức, hệ phái Phật giáo được thống nhất trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây, Phật giáo Việt Nam đã có rất nhiều sự chuyển biến về mọi phương diện thì Hoằng pháp là một trong những ban ngành hoạt động tích cực nhất. Bởi lẽ, Hoằng pháp là mục tiêu, là sứ mạng quan trọng trong công tác đưa giáo pháp đức Phật phổ cập chúng sanh. Nhìn vào những thống kê của Ban Hoằng pháp và các tỉnh thành cũng như trung ương chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự chuyển biến hết sức linh động của một ngành được xem là mũi nhọn này. Những người Hoằng pháp đã biết vận dụng tối đa phương pháp hiện có để thực hiện chức năng hoạt động sao cho có hiệu quả nhất. Đây được coi là sự sáng tạo, hội nhập, hay nói cách khác là tinh thần “Tùy duyên bất biến” của Phật giáo đã được ứng dụng trong công tác Hoằng pháp. Điều đáng nói, thời gian gần đây trong ban Hoằng pháp, ngoài chư tôn đức lão luyện xưa nay, xuất hiện rất nhiều các đại đức đức Tăng Ni trẻ đã biết cống hiến tâm lực cho công cuộc hoằng truyền chánh pháp đi vào các vùng sâu xa của mọi miền trong đất nước. Đây chính là do sự khích lệ đáng quý của chư tôn đức lãnh đạo nên đã tạo ra diện mạo như ngày nay. Thật trân trọng. III. Những nhu cầu thực hiện: Như đã nói, muốn Hoằng pháp có hiệu quả không phải chỉ sử dụng một nguyên nhân mà thành tựu, điều cần thiết phải là “biết thời, biết xứ, biết căn cơ, biết chúng hội” mới khả dĩ thành công. Cho nên, hãy hành động và hành động đúng qui trình một cách thực tiễn nhất, để sự nghiệp Hoằng pháp được dễ dàng phát triển. Với những điều tâm huyết trên, thiết nghĩ nhu cầu thực tiễn cần một số yếu tố sau: 1. Vấn đề về con người a. Tăng Ni Tăng Ni là lực lượng nòng cốt và chủ lực trong vấn đề này. Nên chăng cần đào tạo bài bản và bố trí hiệu quả theo từng nguyện vọng của nhân sự. Bởi hiện nay điều dễ thấy nhất là hầu hết các giảng sư tập trung các thành thị, còn các vùng thôn quê hẻo lánh thì ít ai chịu dấn thân. Mặc dù biết đó là nhân duyên nhưng cần phải tạo duyên thì duyên mới có. Đây là một khuyết điểm mà bấy lâu nay giáo hội vẫn chưa thể nào lấp trống được. Thứ nữa để có thể “trọng dụng” tài năng của một vị hoằng pháp, thì phẩm chất không thể nào coi nhẹ. Vì lẽ người đại diện cho đức Phật giáo hóa, ít nhất cũng không thể nào tách lìa những giá trị của người tu. Mặt khác, rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía chư tôn đức lãnh đạo cho các Tăng ni trẻ có được cơ hội để cống hiến tâm huyết của mình cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. b. Đối tượng: Ngoài những đối tượng mà hiện nay chúng ta vẫn đang xây dựng thì không thể không quan tâm đến những đối tượng khác đặc biệt là các giới trẻ. Bởi “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” chính giới trẻ hôm nay là sự thành công cho đạo pháp mai sau. Dường như xã hội càng phát triển thì những nền tảng đạo đức, những giá trị truyền thống dân tộc dần bị mai một thay đổi. Có quá nhiều thói quen xấu xuất hiện và xâm chiếm vào giới trẻ, nếu chúng ta không có những cách tiếp cận bằng Phật pháp đến những bộ phận này để chung tay với xã hội thì ngày nào đó nguy cơ suy thoái sẽ là điều có thật. Trong thời gian mấy năm trở lại đây, Giáo hội chúng ta đã rất thành công trong công cuộc tiếp cận Phật pháp cho giới trẻ. Đầu tiên chỉ là sự tò mò rồi dẫn đến khám phá, càng khám phá càng mê say, và cuối cùng là tận tâm tận lực bằng chính niềm tin của bản thân đối với đức Phật. Cho nên, rất cần ban hoằng pháp hãy nắm bắt những nhu cầu hiện thực của giới trẻ để đáp ứng kịp thời về mặt chuyển tải nội dung đọa pháp đến bộ phận này. 2. Phương tiện trong công cuộc hoằng pháp: Để đáp ứng việc Hoằng pháp trong một môi trường với tốc độ hóa ngày càng tăng như hiện nay, thiết tưởng những người Hoằng pháp cũng phải biết tận dụng được sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Ngoài sách, báo, băng đĩa… như hiện nay thì Internet có lẽ là mạng truyền thông rất phổ biến nhưng chúng ta hầu như tiếp cận vẫn hạn chế vô cùng. Gần đây có rất nhiều những đề xuất đối với riêng Ban Hoằng pháp trong lĩnh vực truyền bá đạo Phật, bởi lẽ không ít khó khăn thử thách về mọi mặt nhất là hiện trạng cải đạo của rất nhiều tín đồ Phật tử. Chúng ta cần phải nhìn nhận đây là tiếng chuông cảnh báo cho thấy nếu sự Hoằng pháp của chúng ta yếu kém thì chúng ta đang đánh mất dần vị thế của mình trong xã hội. Đành rằng có nhiều nguyên nhân để phân tích hiện tượng này nhưng cũng phải nhận trách nhiệm về Ban Hoằng pháp để chúng ta có thể làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. |
Cập nhật ( 18/10/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com