HOẰNG PHÁP TRONG THỜI HỘI NHẬP * Thích Tắc Nguyên Ban Hoằng pháp Long An A- Tổng quát Phật giáo xuất hiện trên thế gian gian đã hơn 25 thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và xã hội không ngừng thay đổi, thế nhưng Phật giáo vẫn luôn tồn tại và phát triển, điều đó nói lên giá trị thực tiễn của Phật pháp đối với nhân sinh. Với mục đích là đem lại lợi ích cho con người nên đường lối xây dựng và phát triển luôn gắn liền với đời sống xã hội, vì vậy giáo lý Phật giáo chỉ nói đến những vấn đề thực tế có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống tâm linh con người và đạo đức của xã hội. Trong vai trò của mình, Hoằng pháp luôn có tầm quan trọng nhất định trong việc phổ biến rộng rãi giáo lý đạo Phật đến với mọi tầng lớp con người và xã hội để thăng hoa đạo đức và tâm linh, từng bước thực hiện để gặt hái sự an lạc, hạnh phúc ở hiện tại và tương lai. Trong giai đoạn hiện nay, trí thức con người ngày càng được nâng cao và với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin hiện đại lại càng được phát triển với phạm vi toàn cầu, vì vậy Hoằng pháp với vai trò phong định hướng nhận thức đạo đức tâm linh cho tín đồ Phật giáo và cho tất cả những người quan tâm. Phải thấy được tầm quan trọng của mình cũng như có những phương hướng phát triển thích hợp để đem giáo lý vi diệu của đức Phật hoằng truyền rộng rãi và phù hợp với trình độ của con người hiện đại. Điều này gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ rằng: ngoài nền tảng đạo đức tâm linh và giáo lý thâm sâu, kiến thức xã hội, rộng rãi thì bậc mô phạm giảng sư cần phải khéo léo, linh động, thực tế đời sống trong khi tuyên thuyết Phật pháp. Trong đó những ví dụ sinh động hợp lý, cụ thể mang tính xã hội hóa cần được phát huy tối đa, có như thế người nghe dễ dàng tiếp thu và áp dụng trong cuộc đời vừa phải lo cơm ăn áo mặc vừa tu tập chuyển hóa tâm linh và điều quan trọng là hai vấn đề này phải luôn được hòa nhập một cách hợp lý và lợi ích. Hoằng pháp trong thời hội nhập không những phải luôn luôn giữ gìn bản sắc đặc thù của mình mà còn phải phát triển với qui mô rộng lớn mang tính trí thức và tâm linh tôn giáo. Truyền thống và hội nhập phải kết hợp hài hòa, lợi ích, ánh sáng chân lý phải soi rọi đến từng ngõ ngách tâm lý con người hiện đại và những vấn đề mang tính xã hội đương đại, có như thế Hoằng pháp mới phát huy hết sức mạnh và vai trò của mình trong việc hướng dẫn tâm linh cho con người và xã hội. Ngoài ra Hoằng pháp Việt Nam cũng cần giao lưu trao đổi và học tập với các truyền thống Phật giáo của các nước, tìm hiểu các nền văn hóa văn minh thế giới để việc truyền bá Phật lý tại các nước ngoài và tín đồ Phật tử nước ngoài ở Việt Nam cũng được nhiều lợi ích và thuận lợi, mang tính toàn cầu hơn. B. Nội dung: Như sự trình bày trên, chúng con xin gợi ý mô hình giảng dạy cho ngành Hoằng pháp thời kỳ hội nhập như sau: I- Đối nôi: – Giảng dạy chương trình Phật pháp căn bản. – Dùng ví dụ cụ thể trong đời sống hàng ngày như. – Quảng cáo có phải là nói láo hay không. – Lượm của rơi có phạm tội trộm cắp không… – Dùng những ví dụ mang tính xã hội, những vấn đề tâm lý tế nhị của con người. – Hành động trợ tử hay phá thai của bác sĩ có phải sát sanh không… – Dùng những ví dụ để Phật tử có chánh kiến. – Sám hối có hết tội hay không. – Cầu an có được an, cầu siêu có được siêu hay không… – Phá trừ những mê tín dị đoan mang hình thức Phật giáo. – Phân tích một cách hợp lý các truyền thống đạo đức dân tộc. – Ngăn ngừa những tư tưởng không phù hợp chánh pháp do không thông hiểu giáo lý. – Khai triển giáo lý đại thừa nhiều hơn và phát huy tinh thần đó trong cuộc sống. – Lấy Bồ tát đạo làm lý tưởng, làm quan điểm chủ đạo tín đồ Phật tử, lấy cuộc sống làm đạo tràng tu tập. – Tán thán và khuyến khích Phật tử tham gia các việc làm xã hội, hoạt động từ thiện hay giáo dục con em thanh thiếu niên. – Chỉ dạy nhiều phương pháp tu tập thích hợp với từng trình độ. Chia sẻ kinh nghiệm tâm linh trên bước đường tu học. II- Đối ngoại: – Giao lưu và học tập các truyền thống Phật giáo thế giới. – Nghiên cứu các phương pháp Hoằng pháp của các nước. – Hiểu biết và phân tích có giới hạn đối với các tôn giáo khác trong tinh thần hòa hợp và xây dựng. – Tránh các vấn đề chính trị xã hội mang tính chia rẻ, quá khích. – Đẩy mạnh các phương tiện thông tin, sách báo, tài liệu, băng đĩa… mang tính hoằng truyền giáo pháp. III- Nâng cao hiệu quả Hoằng pháp: – Không những dạy giáo lý căn bản mà còn chỉ ra cách áp dụng trong đời sống hàng ngày. – Mạnh dạn phân tích tâm lý con người trong các vấn đề của tình cảm, hôn nhân. Cách đối nhân xử thế… – Nâng cao trình độ kiến thức Phật pháp, khai triển giáo lý đại thừa được chuyển tải bằng ngôn ngữ thông dụng, thực tế. – Nắm vững các phương pháp tu tập (Thiền – Giáo – Luật – Mật) để có đủ kinh nghiệm chia sẻ tâm linh. – Có chương trình tập huấn giảng sư về các môn tu tập. – In ấn và phổ biến giáo lý để có sự thống nhất tương đối giữa các giảng sư đi hoằng pháp. C. Kết Luận: Khi xã hội ngày càng phát triển và trình độ tri thức con người được nâng cao thì việc hoằng pháp cần phải đáp ứng được nhu cầu học hỏi, nghiên cứu tu tập cho mọi đối tượng. Thiết nghĩ một vị giảng sư ngoài kiến thức phổ thông xã hội rộng rãi, uyên thâm Phật pháp còn cần phải có một trình độ tâm linh vững chắc, có như thế thì việc truyền trao chánh pháp, chia sẻ kinh nghiệm tu tập được thuận lợi hơn. Hơn thế nữa kinh nghiệm tu tập và vững vàng đời sống tâm linh sẽ giúp cho vị giảng sư có đủ khả năng loại bỏ mọi tà kiến cho Phật tử, đồng thời đầy đủ bản lĩnh để kết hợp hài hòa giữa Phật giáo truyền thống và Phật giáo thời hiện đại một cách hợp lý. |
Cập nhật ( 18/07/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com