HOÀI NIỆM CỐ HOÀ THƯỢNG HIỆU TRƯỞNG thượng HUỆ hạ HÀ * ĐĐTS Thích Phước Chí TM. Ban Giám hiệu trường Phật học Bạc Liêu Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm Ban Tổ chức Tang lễ, Chư tôn Hoà thượng, Chư thượng toạ đại đức Tăng Ni Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu! Kính thưa Môn đồ pháp quyến! Trong giờ phút thiêng liêng này, giờ phút phù du của cuộc sống, trong kiếp phù sinh ngắn ngủi tạm bợ, giờ phút mà tập thể Ban Giám hiệu trường Phật học Bạc Liêu cùng toàn thể Tăng Ni sinh các khoá ngậm ngùi tiễn biệt vị Hoà thượng Hiệu trưởng Ân sư khả kính, chúng con đê đầu kính xin Chư tôn Giáo phẩm Ban Tổ chức tang lễ cho phép chúng con thay mặt toàn Ban giám hiệu Trường Phật học Bạc Liêu có đôi lời hoài niệm Hoà thượng Hiệu trưởng.
Kính bạch Giác linh Hòa thượng! Đèn thiền Lâm tế còn soi bóng Sông nước miền Tây vẫn xuôi dòng Pháp thân chiếu diệu còn lồng lộng Long Phước chốn Tổ ấm gia phong Trường nay kính ghi gương đức hạnh Bạc Liêu còn mãi bóng chân nhân Nhớ Giác linh xưa, từ nơi ô nhiễm hiện tánh chân như, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần. Nước Cửu Long thao thao dòng tiểu sử, đất Sóc Trăng gió quyện mây lành, làng Thạnh Trị sáng ngời Tâm Phật. Năm 8 tuổi, Hòa thượng đã xuất gia chùa Long Phước quyết chí tu hành, thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham luyến, để lẽ huyền vi mãi ở trong. Trên bước đường trở về bản thể chân như, cố Hòa thượng đã thắp sáng đèn Thiền Gia Phổ, tục Phật huệ đăng, nối dõi dòng thánh đời thứ 42. Chùa Lăng Ca khai sáng sơ tâm, về Sóc Trăng nhận giới Sadi, đến Trà Vinh tầm sư học đạo, lên Huệ Nghiêm nghiên tầm nghĩa lý, chùa Ấn Quang đắc Cụ túc giới, tên tuổi Thích Huệ Hà Thủ khoa khoá Luật được nêu danh, đêm ngày nấu sử sôi kinh, thấu lẽ huyền vi, đạo tâm trác thế; trí tuệ khai thông, tâm hoa khai phát, suối nghĩa rạt rào. Kể từ đấy: Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương, Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường, Hương lòng quyện tỏa từ độ ấy, Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương. Từ cương vị chánh đại diện Phật giáo Quận 5 Sài Gòn, Phó Ban Đại diện Phật giáo Việt Nam Thống nhất Tỉnh Bạc Liêu, Đại biểu HĐND TX Bạc Liêu, Ủy viên Thường trực MTTQ TX Bạc Liêu, Đại biểu HĐND Tỉnh Minh Hải, Phó Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Minh Hải, Chánh đại diện Phật giáo TX Bạc Liêu, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu, Hiệu trưởng Trường Phật học Bạc Liêu, Đại biểu HĐND Tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên MTTQVN Tỉnh Bạc Liêu trong bốn thập niên qua, Hòa thượng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi; hộ quốc an dân, đẹp đời tốt đạo, gióng trống lôi âm, nêu gương uy mãnh. Hòa thượng đã vận dụng tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, truyền trì đạo mạch. Với đức tính vị tha, nhiếp hóa mọi người, Hòa thượng đã làm cho Tăng, Ni, Phật tử hữu duyên phát khởi tín tâm, tu hành tinh tấn, vững bền đạo nghiệp, tiến bước trên đường giải thoát. Quả thật: Công ai đổ xuống đất này, Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi. Bằng tinh thần phụng sự Đạo pháp, kế vãng khai lai, báo Phật ân đức, hơn 40 năm đóng vai long tượng trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng đã nỗ lực hoằng dương Chánh pháp, mở trường Phật học để đào tạo Tăng tài, kế thừa Đạo mạch, làm cho Tổ ấn trùng quang, Đạo vàng xán lạn, xứng danh con nhà họ Thích ngàn đời. Sau khi thành lập Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu năm 2000, Hoà thượng đã quyết định mở Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu năm 2001 với số lượng hơn 30 Tăng Ni sinh và đã tốt nghiệp. Trước tình hình thực tế năm 2005 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Hoà thượng đề nghị TW cho phép mở Trường Cao đẳng Phật học Bạc Liêu và Lớp Cao đẳng Phật học khoá I được khai giảng vào ngày 30/10/2005 tại trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu. Trường dần dần lớn mạnh qua số lượng từ 23 Tăng Ni sinh tốt nghiệp khoá I lên con số 52 Tăng Ni sinh được xét tuyển tham dự khoá II Cao đẳng Phật học Bạc Liêu. Riêng phân hiệu Nam tông Khmer có 7 địa điểm ở chương trình từ năm thứ 1 đến năm thứ 4, tổng cộng có 215 Tăng sinh theo học. Hiện nay, các lớp đã đi vào hoạt động hiệu quả, nhịp nhàng. Trong kỳ Đại lễ Vesak 2007 tổ chức tại Thái Lan, trường đã chính thức được gia nhập vào Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo trên thế giới. Đến nay, Hoà thượng đã đào tạo hàng trăm Tăng Ni sinh tốt nghiệp ra trường thành người hữu dụng. Mang một sứ mệnh độ sanh cao cả thiêng liêng, Hoà thượng Hiệu trưởng đáng kính luôn thao thức, suy tư, luôn hy sinh cả thân lực, tâm lực để làm sao xiển dương chánh pháp, tiếp dẫn hàng hậu lai làm cột trụ của chánh pháp trong mai hậu. Hoà thượng mãi là một hình ảnh chánh pháp sống động, là hiện thân những tinh túy của đạo pháp, và là sự ám chỉ rằng chân lý có thể đạt được ngay trong cuộc sống hiện tại, ở giữa trần thế long đong này. Qua nhân cách siêu việt của Hoà thượng, chúng ta được tiếp xúc với oai đức kỳ diệu của bậc thượng sĩ, với chân giá trị của cuộc sống và tiếp nhận được nguồn năng lượng chánh pháp đang tuôn chảy dạt dào, bất tận qua bao thế hệ. Nhưng hỡi ơi! “Bóng thần dương đã lần về cuối nẻo, Đoá Pundarika đã trổ hạt khai gương. Dốc sương mù đã phủ lối tình thương, Mây tan hợp che rồi bóng nhật.” Sức khoẻ Hoà thượng ngày một sa sút nhưng Hoà thượng vẫn lo lắng về trường về lớp, về sự nghiệp giáo dục Tăng Ni mà cả một đời Hoà thượng tâm huyết. Với hạnh nguyện khứ lai vô ngại, Hòa thượng đã tự tại tùy duyên, làm Phật sự như không hoa, độ chúng sanh như huyễn hóa, vô tâm hành sự: “Sắc tướng vốn không, Mượn cảnh huyễn độ người mê muội; Tử sanh nào có, Nương thuyền từ vớt kẻ trầm luân”. Hôm nay, Hòa thượng đã thuận lý vô thường, trở về với chân như pháp giới, để lại một sự trống vắng vô cùng cho Trường Phật học Bạc Liêu, một sự mất mát hết sức to lớn mà tập thể Ban Giám hiệu, Tăng Ni sinh các khoá và Môn đồ pháp quyến không sao tìm lại được trong kiếp người hữu hạn. Giáo hội, Trường Phật học và môn đồ pháp quyến xin nghìn thu vĩnh biệt Người. Than ôi: “Người xưa nay đã còn đâu, Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương, Ra vào lòng dạ vấn vương, Giác Hoa, Long Phước màn sương phủ mờ”. Song, công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư và ký ức của Ban Giám hiệu và toàn thể Tăng Ni sinh các khoá. Đèn Thiền còn tỏa sáng, đuốc Tuệ còn tiếp tục rạng soi. Giờ này, quì trước linh đài, cúi đầu dâng hương hoài niệm mà tưởng như Người vẫn còn đâu đây trong hương trầm đang lan tỏa… Và bàn tay từ ái đó vẫn như còn ở muôn nơi… Toàn BGH và Tăng Ni sinh mãi mãi nguyện đoàn kết một lòng trong tình Linh sơn cốt nhục, nghĩa Thiên thai trong sáng đời đời, nguyện kề vai sát cánh bên nhau, nối tiếp sự nghiệp Giáo dục mà Hòa thượng còn bỏ dở. Giờ đây, trong thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nơi đất Tổ xứ Bạc Liêu, trong Bảo quan trang nghiêm, thân tứ đại Hòa thượng còn miên viễn nằm đấy cho nghìn thu vang bóng, nhưng pháp thân lồng lộng hư không của Người sẽ sống mãi trong lòng Trường Phật học Bạc Liêu, trong lòng tất cả Tăng Ni sinh các khoá, trong tư duy cùng pháp giới chân như. “Lơ láo tháng ngày buồn da diết, Xin cung kính đê đầu bái biệt Người. NAM MÔ TÂN VIÊN TỊCH, BẠC LIÊU PHẬT HỌC HIỆU – HIỆU TRƯỞNG, LONG PHƯỚC ĐƯỜNG THƯỢNG, TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NHỊ THẾ, HUÝ LỆ HỒNG, THƯỢNG HUỆ HẠ HÀ, NGUYỄN CÔNG HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH, THUỲ TỪ CHỨNG GIÁM.
|
Cập nhật ( 16/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com