HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU PHƯỚC (1880 – 1948) * Thích Vân Phong Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Hương. Sinh năm Canh Thìn (1880) niên hiệu Tự Đức năm thứ 34, tại làng Tân Bình Đông, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ngài xuất thân trong gia đình truyền thống Phật giáo. Thân sinh là cụ Ông Nguyễn Văn Sử và hiền mẫu là cụ Bà Nguyễn Thị Phố. Vốn sinh trong gia đình trung lưu trí thức, đây cũng là cụ duyên tốt cho pháp hạnh sau này của Ngài. Anh em trong nhà sáu người, bốn người anh em trai và hai người chị em gái. Ngài Là anh cả và đều đặt biệt là sáu anh em thì trong đó hết 3 người xuất gia : Túc duyên dường đã lâu đời, Nhân gian nương tạm chờ thời xuất gia, Quyết tâm vượt thoát ái hà; Đoạn vòng sinh tử xuyên qua Niết bàn. Thực vậy; ngay khi tuổi đời còn xuân mộng, Ngài sớm quyết tâm rửa sạch bụi trần vương, xả bỏ những đam mê thế tình vụng dại, trở gót gần nương nẻo Bồ đề, định hướng đời mình bằng chân giác đạo. Năm Ất Dậu (1985) niên hiệu Hàm Nghi năm thứ 2, vừa tròn 6 tuổi, được song thân cho phép, Ngài đến Tổ đình Khải Phước Nguyên (Cây số 9, Quốc lộ 80, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Bây giờ Tổ Như Khả hiệu Chân Truyền đang tiếp Tăng độ chúng, khi Ngài đến đảnh lễ, Tổ hoan hỷ hứa khả đồng thời thu nạp làm đệ tử. Sau đó thế độ cho Ngài và ban pháp danh Hồng Thiện hiệu Bửu Phước. Không bao lâu; khi hoàn thành tâm nguyện, Ngài trở về dìu dắt hai em trai của mình, cùng đến yết kiến Hòa thượng Bổn sư xin quy y thế phát xuất gia cùng nhau tu học. Và ban pháp danh cho người em trai thứ năm là Hồng Trí hiệu Bửu Quang, còn em trai út pháp danh Hồng Thạnh hiệu Bửu Tín. Dù rằng sống trong một ngôi chùa làng quê hẻo lánh, nhưng với trí thức sâu rộng, luôn đi trước thời đại của thầy Bổn sư đã toát ra là một trang xuất cách; bởi lẽ người thế tục gia cần phải có đủ đôi cánh trí thức và đạo đức mới có thể vươn tới một vùng trời sâu rộng. Do đó, sợ dừng chân một chỗ sẽ mai một ý chí xuất trần. Tổ Như Khả đã lén thầy Bổn sư của mình (Tổ sư Minh Thông hiệu Hải Huệ) dùng thuyền chèo đưa ba chú tiểu ở Bổn Tự Khải Phước Nguyên và rước luôn hai chú tiểu ở chùa Tổ (Bửu Lâm Cổ Tự) Rạch Cái Bèo, làng Phong Nẩm, Cao Lãnh. Sau đó giăng bườm chèo thẳng lên Tổ đình Long Thạnh, Gia Định (nay đường Bà Hom, thuộc huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh) để gởi 5 chú tiểu ở đây tu học. Nơi đây Tổ Minh Hòa hiệu Hoan Hỷ là một danh Tăng kiêm ưu giới đức tiếp nhận năm huynh đệ là Bửu Chung, Trung Nghĩa, Bửu Quang, Bửu Tín và Ngài đều tỏ ra hết sức tinh cần và dốc lòng tu học, được Tổ thường xuyên khen ngợi. Riêng Ngài đạo hạnh càng hiển lộ, không chỉ thông tuệ nội điển mà ngoại khoa như Tứ Thơ, Ngũ Kinh của Khổng, Trang, lão, mạnh đều mẫn cán, đến như Chiêm tinh, Thần số, Dịch lý toàn thư, Y phương diệu dược, Ngài đều nghiên cứu đến mức lão luyện. Có thể nói; những bậc danh sư đồng học đương thời đều tán thán. Năm 20 tuổi, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới. Năm 21 tuổi Ngài được Hòa thượng Bổn sư bổ nhiệm về Trụ trì Tân Phước Tự, Rạch Dược, Lấp Vò. Sau những tháng ngày thanh tâm trì niệm, tấn tu đạo nghiệp, một mặt củng cố đạo tràng phát dương quang đại, mặt khác kết hợp các pháp lữ gần xa hoằng truyền Phật pháp. Công hạnh của Ngài nức tiếng khắp nơi, nhiều thiện nhân đến quy y, công quả tu bồi phúc đức, trong đó không ít người được Ngài cảm hóa, phấn chí đầu Phật xuất gia. Điểm đáng nói là đức hóa của Ngài lan tỏa rộng khắp, rất nhiều đàn việt phát tâm hỷ cúng phẩm vật, tịnh tài kể cả những điền sản lớn như ruộng đất, trong đó có phần của một vị quan ở Lái Thêu, Bình Dương hỷ cúng 10 heta ngang chùa, tả ngạn Cai Bường, có sự chứng minh của Hòa thượng Từ Văn, Tổ đình Hội Khánh, Thủ Dầu Một, Bình Dương. . . Chính ngôi Tổ đình Phước Ân, hữu ngạn Cai Bường, làng Vĩnh Thạnh, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, do đại Hương Cả Phụng phát tâm hỷ cúng đất mà Ngài chính là người Khai sơn vào năm Quý Mão (1903) vẫn tồn tại đến nay. Nơi đây Ngài còn mở phòng Tuệ Tỉnh đường, xem mạch kê toa bốc thuốc Từ thiện để kịp cứu giúp bà con khốn khó xa gần, và mở trường dạy chữ Hán Nôm, Đông y Nam dược, giảng dạy Giáo lý Phật đà. . . Với những công hạnh đức hóa ấy, đến hiện nay bá tánh thập phương vẫn còn tâm niệm mãi : Quý hóa thay ! Bậc thượng nhân, Lập chùa tạo PHƯỚC thi ÂN cứu người; Danh Y đại đức sáng ngời; Thiền Tăng diệu dược đạo đời khắc ghi. Năm Kỷ mùi (1919) niên hiệu Khải Định năm thứ 4, sau khi hoàn thành hiếu, lo tròn Tang lễ báo đức Tôn sư ở Tổ đình Khải Phước Nguyên tạm xong, Ngài bổ nhiệm đệ tử Trụ trì kế thế. Sau đó cũng vào năm này Đại giới đàn Minh Phước tại Tổ đình Phước Hưng, Ngài được Giáo thọ Vạn Hiển cung thỉnh về Đéc, đương vi Tuyên Luật sư Yết ma A xà lê, Đàn giới này Ngài Từ Vân đương vi Đường đầu Hòa thượng, Ngài Vạn Hiển đương vi Giáo thọ A xà lê. Năm Ất Sửu (1925) niên hiệu Bảo Đại năm thứ nhất, Ngài bổ nhiệm vị đệ tử là Thượng toạ Nhật Đạt hiệu Thiền Lý về kế thế Trụ trì Tân Phước Tự, Rạch Dược, Lấp Vò. Năm Đinh Mão (1927) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3, Đại giới đàn Minh Phước tổ chức tại Tổ đình Phước Hưng, Sa Đéc, Ngài được cung thỉnh đương vi Yết Ma A xà lê. Năm Canh Ngọ (1930) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 6, Đại giới đàn Nguyên Hòa tổ chức tại Tổ đình Tân Long, Cao Lãnh, Ngài được cung thỉnh đương vi Yết Ma A xà lê. Vào khoảng thập niên 20 của những đầu thế kỷ 20, ngay khi lịch sử chấn hưng Phật giáo châu Á. Tại Việt Nam, người khởi xướng phong trào tiên phuông là Thiền sư Như Trí hiệu Khánh Hòa, Thiền sư Huệ Quang đang từng bước đột phá, kêu gọi Tăng, Ni và trí thức Phật tử trong cả nước hưởng ứng phong trào chấn hưng lại nền giáo dục đạo đức Phật giáo nước nhà. Đáp lời kêu gọi đó, Ngài cùng các đồng môn pháp lữ như Hòa thượng Chánh Thành, Tổ đình Vạn An, Rạch Cái Xếp, Nha Mân. Hòa thượng Bửu Chung, Tổ đình Phước Long, Rạch Ông Yên, Nha Mân. Hòa thượng Luật sư Chánh Quả, Tổ đình Kim Huê, Sa Đéc. Thiền sư Chí Thiền, Sắc tứ Tam Bảo, Rạch Giá. . . đều là những bậc danh Tăng long tượng của miền Tây Nam bộ, đứng ra vận động khai mở các Trường Gia giáo đào tạo Tăng tài và vô hình trung Sa Đéc là cái nôi của Phật giáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kể từ đó một lần nữa được tôn vinh Sa Đéc là đất Phật, cũng chính nơi đây đã sản sinh ra những bậc danh Tăng sau này như Hòa Thượng Trí Tịnh, Hòa Thượng Huệ Hưng . . . Ni trưởng Như Hoa, Ni trưởng Chí Kiên . . . Qua những gương hạnh quý báu đó của đời Ngài chính là một bài pháp sống động đầy sức thuyết phục, không chỉ dừng lại cho chúng ta hôm nay, mà vẫn lưu mãi cho hàng hậu thế chung soi đến muôn đời. Hóa duyên Ta bà mãn rồi; Thâu thần tịch diệt phản hồi Chân Như. Quán tường tận duyên Ta bà quả mãn, Ngài phó chúc môn đồ đệ tử Phật sự chu toàn và truyền đệ tử Nhật Kỉnh hiệu Thiền Chí Thượng Tọa kế thế Tông phong Trụ trì Tổ đình Phước Ân. Năm Mậu Tý, vào giờ Dậu, mồng 10 tháng 02 ÂL (20/3/1948) Ngài an nhiên thu thần tịch diệt. Trụ thế 69 Xuân, Giới lạp 49 Hạ, Trụ trì 48 Đông. * Đương thời người đời kính trọng thường tôn xưng Ngài Hòa thượng Cai Bường và có tài tiên tri hậu vận nên Sắc Tứ Tam Bảo, Rạch Giá lưu truyền : Thuở còn Hòa thượng Nguyễn Văn Đồng, Tăng chúng theo Thầy học đạo rất đông, Cảnh cũ người xưa nay đã khác; Ai mà cải được luật thiên công. Tháp xây ở giữa sai thiên lý, Tuy đã hoàn thành chịu để không, Hòa thượng Cai Bường tiên đoán trước; Hậu lai thật đúng những lời Ông. Cho hay thế sự thường thay đổi, Bởi luật tuần huờn của tạo công, Thời tiết bốn mùa luôn chuyển biến; Vật người trời đất cũng hòa đồng. Luân hồi nhân quả đâu sai chạy, Tài sắc lợi danh luông nhọc nhằn, Gắng công niệm Phật thoát qua vòng. * Sinh tiền Ngài dịch tác phẩm: “ẨM BĂNG THẤT” nhưng năm 1947, Tổ đình Khải Phước Nguyên bị thiêu hủy nên các dịch phẩm và kho kinh sách cũng không còn. |
Cập nhật ( 16/08/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com