NHẠC LỄ KINH SƯ NAM BỘ – NÉT VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐẦY SỨC SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI VIỆT
*Nhà báo Ngô Tuấn – Báo Bạc Liêu
* PGS.TS. Trần Thuận –Trường ĐH KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh
Tháng 9 năm 20071, chúng tôi có dịp tham dự một hội thảo khoa học nhằm tôn vinh công đức của một nhà sư đối với nền nhạc lễ Phật giáo nói riêng, nhạc lễ cổ truyền Nam bộ nói chung nhân 60 năm ngày mất của Ngài. Hội thảo với chủ đề “Sư Nguyệt Chiếu – Cuộc đời và sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ”.Quả thật chúng tôi hơi bất ngờ vì lần đầu tiên được tham dự một hội thảo khoa học ở một tỉnh lẻ với sự quy tụ rất đông đảo các nhà khoa học có tầm cỡ quốc gia và cả thế giới như GS.TS. Trần Văn Khê, GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong, PGS.TS. Mạc Đường, PGS.TS. Trần Hồng Liên,… chư vị tôn đức giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều quan chức địa phương đến dự và tham luận tại Hội thảo. Đài truyền hình, nhiều tờ báo và tạp chí trung ương cũng như địa phương thông tin trước và sau Hội thảo một cách rầm rộ.
Hội thảo đã nêu bật được công lao to lớn của Sư Nguyệt Chiếu với nhạc lễ cổ truyền Nam bộ. Hội thảo cũng giải quyết được nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề nhạc lễ cổ truyền. Theo dõi Hội thảo kết hợp với sự nghiên cứu của mình, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều về nhạc lễ Nam bộ, trong đó đặc biệt là nhạc lễ kinh sư ở vùng đất mới mẻ này.
●Nhạc lễ kinh sư là một nét văn hóa truyền thống của người Việt ở Nam bộ
Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống nói chung, đời sống tâm linh nói riêng, một loại hình nhạc lễ hình thành nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt Phật giáo. Nó đi từ dòng nhạc cổ truyền của dân tộc, mang sắc thái dân tộc, được vận dụng một cách thành công, phục vụ đắc lực cho sinh hoạt lễ nghi và các lễ hội Phật giáo.Nhạc lễ kinh sư trở thành một nét văn hóa Phật giáo, góp phần tạo nên sắc thái riêng của Phật giáo Nam bộ.Nó là một bộ phận hết sức quan trọng không thể thiếu trong nghi lễ Phật giáo Nam bộ, khiến cho nó khác với nghi lễ Phật giáo ở miền Trung và miền Bắc nước ta.
Có lẽ không khó khăn để nhận ra cơ sở tạo nên nét riêng biệt của nhạc lễ Phật giáo Nam bộ, đó là sắc thái vùng miền, là âm hưởng dân ca ngọt ngào chứa chan tình cảm của những con người sống chân thành và phóng khoáng. Khi nghiên cứu về vấn đề này, Giáo sư Trần Văn Khê đã khẳng định, “Mặc dù đạo Phật thành lập từ Ấn Độ và mặc dù một số kinh chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Á, nét nhạc trong các bài tụng, bài tán trong truyền thống Việt Nam không chịu ảnh hưởng Ấn Độ hay Trung Quốc. Trong nước Việt Nam, nét nhạc của các bài tán, bài tụng thay đổi tùy theo miền, theo vùng. Mà thang âm, điệu thức dùng trong những bài tán, tụng rất gần thang âm điệu thức của những tiếng hát ru, những điệu dân ca đặc biệt của mỗi vùng”2 và theo Giáo sư Mạc Đường thì “Các loại hình lễ hội và lễ hội Phật giáo là loại hình văn hóa truyền thống mang nhiều dấu ấn lịch sử”.
Nhạc lễ kinh sư tức nhạc lễ Phật giáo, một loại hình nghệ thuật độc đáo, kết hợp giữa nhạc lễ nghi thức với tài năng diễn xướng của các vị kinh sư. Có thể các nhạc công đạt được những khả năng tuyệt kỷ ở những ngón đàn, tay trống,… sẽ góp phần to lớn cho sự thành công của buổi lễ, nhưng để có được sự thu hút những người mến mộ và tạo được ấn tượng khó phai cho mọi người, các vị kinh sư đóng vai trò cốt yếu. Cố nhiên, không phải ban nhạc lễ nào cũng làm được điều này, và sự thành công đó chỉ có thể được tạo nên từ sự khổ luyện của các nhà sư.
Dần dần, nhạc lễ nói chung, nhạc lễ kinh sư nói riêng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ. Nó được lưu truyền hàng mấy trăm năm. Có những lúc khó khăn, tưởng chừng không đứng vững, nhưng rồi sức mạnh truyền thống ấy giúp nó đứng lên, tồn tại và phát triển đến hôm nay. Người có công lớn trong việc duy trì, chấn hưng nhạc lễ kinh sư Nam bộ không thể không nói đến Hòa thượng Nguyệt Chiếu và người nối gót là Thượng tọa Thích Thiện Thành ở vùng đất Bạc Liêu.
Để kết luận vấn đề này, trong bài tham luận của mình, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã viết: “Truyền thống âm nhạc Phật giáo rất to lớn. Đó là do công lao đóng góp của các kinh sư bậc tổ. Các vị tổ này có tấm lòng cao cả vì sự nghiệp âm nhạc dân tộc mà sáng tạo, phát triển để giữ gìn bản sắc Việt. Một trong những vị tổ ấy hôm nay đáng trân trọng trên đường tìm hiểu, ghi nhớ công ơn, và chúng ta thành tâm đãnh lễ trong Hội thảo này là ngài Nguyệt Chiếu”.
● Nhạc lễ kinh sư – Sự sáng tạo trong phức hợp văn hóa của vùng đất Nam bộ
Là người đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu âm nhạc tôn giáo thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, đặc biệt là âm nhạc Phật giáo, tức nhạc lễ kinh sư, GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong đã giúp chúng ta hiểu biết kỹ hơn về đề tài này. Ông cho rằng, “Ở Việt Nam chúng ta không dùng một từ duy nhất để chỉ âm nhạc Phật giáo.Các nghi lễ có thể được gọi đọc canh [kinh] ở Bắc bộ, tụng niệm hoặc tụng tán ở Trung và Nam bộ. Nhưng vì không thể nói lên hết được âm nhạc, Phật giáo Việt Nam có một hệ thống thuật ngữ riêng để chỉ thanh nhạc với ý nghĩa trực tiếp (nhạc điệu của bài hát như thế nào?) và khá phức tạp với 10 thể nhạc như đọc, tụng, tán, niệm, trì,xướng, bạch, thỉnh, kệ, và sám pháp”…“Âm điệu Việt phong phú là nhờ ở ngôn ngữ Việt áp dụng triệt để các ngữ âm rất giàu có, đậm đà, phức thể so với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Một bài Tán lư hương cũng đủ nói lên điều ấy. Phát âm rõ ràng trong mỗi thể nhạc, chỉ có người “trong nghề” mới nhanh chóng nhận ra. Ở Nam bộ, nghi công phu khuya cũng đã nói lên đầy đủ các thể nhạc đi từ bài Kệ khai chuông đến tụng và trì chú Lăng Nghiêm (khó đối với giới cư sĩ), đến Tán tứ thánh, Tam tự qui. Đây là môi trường diễn xướng âm nhạc Phật giáo đặc trưng thiền dành riêng cho sư tăng nhà chùa, khác với những thời Tịnh độ dành cho đông đảo Phật tử cư sĩ tham gia”3.
Thật thú vị khi ta biết rằng, từ giữa thế kỷ I, trung tâm Luy Lâu đã hình thành với sự có mặt của những thương nhân Ấn Độ. Một số thiền sư Ấn Độ đã tham gia vào những thuyền buôn này để đến Giao Châu. Thực tế đó đã được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Thời Sĩ Nhiếp (207) đã thắp hương và dùng lễ nhạc ở Giao Châu “Sửa lòng người bằng lễ nhạc”4. Thế kỷ thứ VIII, Thiền sư Phật Triệt từ Giao Châu đã vượt biển ngàn dặm đến cảng Nanniwa (nay là Osaka) để dạy múa Phật giáo ở Todaiji (Đông Đại Tự), trở thành điệu múa của cung đình Nara (Nhật Bản); thời Lý Trần có những đại trai đàn cờ xí rợp trời; hay ngài Duy Giám, Phụng Đình ở Đại Việt được mời sang giảng kinh trong cung đình nhà Đường ở Trung Hoa, hẳn nhiên là phải kèm theo nghi lễ Phật giáo bằng tiếng Việt,… Sách Đại Việt sử ký toàn thư của ta và Nihongi (Nhật Bản ký) đều ghi chép lại nhiều dữ kiện lịch sử hoành tráng về âm nhạc nghi lễ Phật giáo5. “Các vị tổ của ngành lễ nhạc Phật giáo từ ngàn năm qua đã gầy dựng một truyền thống Việt vững chắc, dài lâu hơn cả các nước Phật giáo khác trên thế giới (ngoài Ấn Độ). Cũng chính từ cái nôi đồng bằng Bắc bộ ấy mà trong những thế kỷ sau, đạo Phật đã di hành về hướng vùng đất mới ở phương Nam mà điểm đến là đồng bằng sông Cửu Long.Đất và người ở đây thể hiện nhiều góc độ của niềm tin về sức sống sáng tạo của người Phật tử dưới dạng thức âm nhạc nghi lễ mang đậm nét Nam bộ”6.
Là nhạc lễ Phật giáo, nhưng do đặc thù vùng đất Nam bộ nên nhạc lễ kinh sư Nam bộ có những nét rất riêng. Bên cạnh tính chất truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, nhạc lễ kinh sư Nam bộ mang trong mình nó nhiều yếu tố tiếp biến và dung hợp các dòng văn hóa khác nhau mà trong nhạc lễ nói chung đã thể hiện rõ nét. Ta có thể nhận ra trong đó những yếu tố địa lý, dân cư của vùng đất mới, đặc điểm môi sinh xã hội khác với những vùng miền trong cả nước.
Trong diễn trình lịch sử vùng đất Nam bộ, chính những yếu tố tự nhiên và xã hội đó đã mang lại sự dung hợp văn hóa, hình thành nên những nét văn hóa mới đa sắc diện, kết tinh từ yếu tố truyền thống của dân tộc và các vùng miền. Người dân Nam bộ đã thể hiện một sự sáng tạo lớn lao trong quá trình tiếp biến văn hóa từ những vùng miền khác nhau và ngay cả chính từ tiền nhân của họ. Những điệu nhạc cung đình, ca ra bộ, hát bội, hò vè, hát ru, và cả Hồ Quảng của người Hoa,… từ nhiều nơi hội tụ về đây, tất cả kết tinh lại, tạo nên một sắc thái mới phù hợp với hoàn cảnh và tâm tư của lưu dân Việt trong quá trình mở cõi.
Một số nhà khoa học đã có lý khi thông qua việc đánh giá vai trò của Sư Nguyệt Chiếu mà nêu bật đặc trưng của nhạc lễ Nam bộ. Có ý kiến cho rằng, Sư Nguyệt Chiếu đã tạo nên những âm sắc mới phù hợp với hoàn cảnh mới, tâm tình của con người ở vùng đất mới (có thể kể cả yếu tố thiên nhiên, môi trường cảnh quan, hoàn cảnh cộng cư, sự phức hợp về văn hóa và cả điều kiện dung hợp về văn hóa nữa) mà nhạc lễ của Sư Nguyệt Chiếu đóng góp vào kho tàng nhạc lễ cổ truyền Nam bộ có những nét đặc thù, nó vừa bảo vệ được những yếu tố truyền thống, vừa phát huy tính ưu việt của dòng nhạc dân gian vào dòng nhạc lễ cổ điển, khiến cho nó vừa thoát khỏi sự gò bó, khô cứng vốn có của nhạc lễ cổ điển (tồn tại ở Bắc bộ), vừa chan hòa nhạc lễ cung đình Huế vốn là “gốc” ban đầu của nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, tạo ra những âm sắc mới mang tính nghệ thuật cao, hài hòa và chứa chan tình người, thấm nhuần đạo hạnh7.
PGS.TS. Trần Hồng Liên cho rằng, “Nghi lễ Phật giáo Nam bộ phản ánh khuynh hướng văn hóa – nghệ thuật đương thời. Do tính chất “tùy thuận, khế lý, khế cơ” của Phật giáo mà từ buổi đầu du nhập vào Nam bộ, Phật giáo đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh của vùng đất mới, hình thành những hình thức tán, tụng mang màu sắc riêng biệt”. GS.TS. Trần Văn Khê luôn nhấn mạnh tính chất địa – văn hóa của vùng đất Nam bộ. Khi nói về âm nhạc Phật giáo ở đây, Giáo sư nói rõ, những thang âm, điệu thức mang tính tổng hợp cao trong âm nhạc Phật giáo nó “dung hòa hai thái cực trong tình cảm con người, đó là tính bi và tính hài. Tính chất này đã thể hiện rõ nét trong nhạc lễ qua điệu Thiền và điệu Xuân”8.
Từ việc phân tích quá trình hình thành nhạc lễ Phật giáo Nam bộ, có thể nêu lên một luận điểm quan trọng là: Từ hình thức ứng phú nặng ảnh hưởng của hát bội ở thế kỷ XVII – XVIII, đến hình thức tán, tụng mang âm hưởng cải lương, có chất Hồ Quảng trong diễn xướng của người Hoa. Chính những nét giao lưu văn hóa trong lễ nhạc Phật giáo đã chứng minh và mang lại dấu ấn đặc thù cho Nam bộ, trên nhiều lĩnh vực, trong đó bộc lộ đặc trưng quan trọng của văn hóa vùng, từ tính chất đa dân tộc và đa tôn giáo nơi vùng đất cuối cùng của tổ quốc9.
Chúng tôi cho rằng, sức sáng tạo của người dân Nam bộ đã làm nên một kỳ tích, tạo ra những giá trị văn hóa phi vật thể mà con cháu muôn đời phải tri ân. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa…”.Phải hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để làm giàu cho cuộc sống hôm nay. Muốn làm tốt điều này, việc nghiên cứu nhạc lễ kinh sư nói riêng, nhạc lễ Nam bộ nói chung phải được xem là nhiệm vụ quan trọng và cần kíp của Giáo hội Phật giáo, của các nhà khoa học và của cơ quan chức năng. Trước hết, Giáo hội Phật giáo cần tăng cường đào luyện kinh sư, làm hạt nhân tập hợp các thành viên cho ban nhạc lễ.Việc làm này nếu chậm chân sẽ dẫn đến nguy cơ làm tắc dòng chảy.
Phật giáo Việt Nam có cả kho tàng âm nhạc nghi lễ và sự hiện diện của nó trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam hết sức phong phú về hình thức, đa dạng về chủng loại.Với tôn chỉ hoằng pháp độ sanh, các Tổ ngày xưa đã biết dùng âm nhạc nghi lễ làm phương tiện dẫn dắt để tiếp cận quần sanh.“Nhạc dĩ tải đạo”, các vị đã biết sử dụng âm nhạc để chuyển tải chân lý của đức Phật đến với chúng sanh nhằm mục đích hướng con người đến một đời sống thánh thiện.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng cho rằng, ngày trước, tiền nhân đã “dùng âm nhạc như một phương tiện để “tải đạo”, đạo không chỉ của Đức Thích Ca mà Đạo của cả dân tộc đang đi tìm sự khai phá sự tự do, độc lập”10. Đó là một bài học.Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc sống hôm nay và mãi mãi về sau.
1 Hội thảo do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào ngày 27.9.2007.
2 Trần Văn Khê (2001), Phong cách tán tụng trong Phật giáo Việt Nam, Nguyệt san Giác ngộ, số 59, tháng 2, tr. 23.
3 GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong, Tìm về bản sắc lễ nhạc Phật giáo Việt Nam qua lăng kính âm nhạc thế giới, trong Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 62 – 63.
4 PGS.TS. Trần Hồng Liên, Quá trình hình thành và phát triển nhạc lễ Phật giáo ở Nam bộ, trong Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 41.
5 Theo GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong, Tìm về bản sắc lễ nhạc Phật giáo Việt Nam qua lăng kính âm nhạc thế giới, trongSư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 6.
6 GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong, Tìm về bản sắc lễ nhạc Phật giáo Việt Nam qua lăng kính âm nhạc thế giới, trong Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 7.
7 TS. Trần Diễm Thúy, Vai trò của Sư Nguyệt Chiếu trong việc bảo tồn và phát triển nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, trongSư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 218.
8Dẫn theoPGS.TS. Trần Hồng Liên, Quá trình hình thành và phát triển nhạc lễ Phật giáo ở Nam bộ, trong Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 44.
9 PGS.TS. Trần Hồng Liên, Quá trình hình thành và phát triển nhạc lễ Phật giáo ở Nam bộ, trong Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 52.
10 TS. Bạch Tuyết, Sư Nguyệt Chiếu – Canh tân nghệ thuật bằng tinh thần nhập cuộc, trong Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 68.
Cập nhật ( 17/03/2018 )