KẾT QUẢ CÔNG TÁC TỔ CHỨC ĐẠI GIỚI ĐÀN NGUYỆT CHIẾU PL 2552 – DL 2008 CỦA TỈNH HỘI PHẬT GIÁO BẠC LIÊU
Được sự cho phép của Thường trực Hội đồng Trị sự và của chính quyền tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu tổ chức Đại Giới Đàn Nguyệt Chiếu, thời gian từ ngày 14 đến 20 tháng 6 năm Mậu Tý nhằm 16 đến 22 tháng 7 năm 2008. Sau tuần lễ hoạt động kết quả công tác tổ chức Đại Giới Đàn, thay mặt Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu trân trọng báo cáo lên Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội lãm tường.
Trong lúc tinh thần phấn khởi của Tăng Ni và đồng bào Phật tử Bạc Liêu mừng Phật Đản Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Việt Nam còn lan tỏa thì cũng là lúc định kỳ 3 năm Bạc Liêu tổ chức Đại Giới Đàn đã tới, và thấy càng thuận lợi hơn Đại Giới Đàn được tổ chức trong thời điểm Chư tăng ni vào mùa An cư Kiết hạ. Do đó sau nhiều cuộc họp của Ban Trị sự Tỉnh hội, kết quả thống nhất ý kiến lập kế hoạch trình Trung ương Giáo hội xin phép tổ chức Đại Giới Đàn mang tên Nguyệt Chiếu vị danh Tăng của Phật giáo Bạc Liêu có công trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo miền Nam vào những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi.
Đặc biệt Đại Giới Đàn lần này được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền của Phật giáo, Đại Giới Đàn được trang trí uy nghiêm, những nghi thức xưa từ hình thức phẩm phục, văn tự sớ điệp, pháp khí nhạc điệu được tái hiện lại tại hai nơi : Giới Đàn Tăng tại chùa Long Phước, Giới Đàn Ni tại chùa Giác Hoa. Riêng phần lễ khai mạc, bế mạc và chẩn tế tổ chức tại chùa Long Phước.
Về phần tổ chức, Ban Trị sự Tỉnh hội cử ra một Ban tổ chức Đại Giới Đàn, và Ban tổ chức thưc hiện việc cung thỉnh Ban Chứng minh, vị Tuyên Luật sư, nhị bộ Đại Tăng, Ban Giám khảo, Ban Kinh sư, Ban Hộ đàn, Ban Điễn lễ (Danh sách các ban được đính kèm) ngoài ra còn các tiểu ban phục vụ cho Đại Giới Đàn, nhân sự như các tiểu ban trong An Cư Kiết Hạ chùa Long Phước và chùa Giác Hoa.
Thời gian công tác của Đại Giới Đàn trong 7 ngày theo chương trình đính kèm. Suốt thời gian Phật sự, các Ban làm việc tập trung cao, Ban Giám khảo tuyển Phật trường tuyển được số lượng Giới tử là 227 vị trong đó : Tỳ kheo 31, Tỳ Kheo Ni 33, Thức Xoa Ma na 46, Sa Di 61, Sa Di Ni 54. Giới tử thọ Bồ Tát giới xuất gia và tại gia 118 vị. Giới tử thọ Tấn Hương 67 vị.
Nghi thức tuyển Phật trường của Ban Giám khảo có hai phần, phần làm bài và phần khảo hạch. Kết quả trong 227 Giới tử được tuyển, có 180 vị điểm trên trung bình và Ban Giám khảo quyết định tưởng thưởng cho 12 vị đạt điểm cao nhất như sau :
1- Giới tử Tỳ Kheo Thích Phước Hiền Huỳnh Văn Sang – Đồng Tháp
2- Giới tử Tỳ Kheo Thích Tâm Phước Nguyễn Thanh Tùng – Bạc Liêu
3- Giới tử Tỳ kheo Ni TN Huệ Đức Lê Hà Bích Hạnh – Bạc Liêu
4- Giới tử Tỳ Kheo Ni TN Diệu Kỉnh Lê Thị Mộng Đào – Hậu Giang
5- Giới tử Thức Xoa TN Huệ Hoàng Nguyễn Thị Phượng – Đồng Tháp
6- Giới tử Thức Xoa TN Liên Yến Huỳnh Thị Liên – Đồng Nai
7- Giới tử Thức Xoa TN Huệ Quang Lê Thị Tường Vi – Đồng Tháp
8- Giới tử Thức <?xml:namespace prefix = st1 ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags”> Xoa TN Đăng Bảo Phạm Thị Vẹn – Sóc Trăng
9- Giới tử Sa Di Thích Minh Giác Nguyễn Trung Chính – Long An
10- Giới tử Sa Di Thích Lệ Đức Nguyễn Thành Phú – TP HỒ Chí Minh
11- Giới tử Sa Di Ni TN Thể Ngọc Phan Thúy An – Lâm Đồng
12- Giới tử Sa Di Ni TN Lệ Chi Nguyễn Thị Linh Phượng – TP HCM
Về phần tài chánh, tổng chi phí cho công tác tổ chức Đại Giới Đàn là 287 triệu, chi tiết việc chi thu Ban tổ chức sẽ báo cáo sau cho Ban Trị sự Tỉnh hội.
Ban tổ chức Đại Giới Đàn Nguyệt Chiếu được cung tiếp thơ của Hòa thượng Thích Hiển Pháp Phó Pháp chủ GHPGVN gởi chúc mừng Đại Giới Đàn, được cung nghinh Chư Tôn đức trong Hội đồng Chứng minh, Chư Tôn đức trong Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chư Tôn đức Ban trị sự các tỉnh Thành hội, Chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì và Chư Phật tử các tự viện Phật giáo Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và quý vị khách quý đại diện chính quyền các cấp trong tỉnh.
Và cũng đúng như sở nguyện của Ban tổ chức được cung thỉnh Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni vào Ban Chứng minh, Tuyên Luật sư, Tam Sư Thất Chứng, nhị Bộ Đại Tăng, Ban Chủ khảo, Ban Kinh sư, Ban Hộ đàn, Ban Điển lễ, tất cả Chư Tôn đức từ bi ai mẫn chấn tích quang lâm ủng hộ, giúp đỡ từ tinh thần đến vật chất cho Ban tổ chức hoàn thành Phật sự Đại Giới Đàn.
Về phần Giới tử, toàn thể rất tinh tấn cần cầu giới pháp và làm tròn bổn phận Giới tử trong suốt thời gian ở Giới trường.
Tuy nhiên Ban tổ chức Đại Giới Đàn cũng còn có một số khuyết điểm như phần cung nghinh Chư Tôn đức, tiếp đón nghỉ ngơi, ăn uống, làm việc chưa được chu đáo, Chư Phật tử đến chứng dự lễ chưa được ân cần lịch thiệp. Và cũng do lần đầu tiên Đại Giới Đàn tổ chức theo nghi lễ cổ truyền nên một số nghi thức bố cục chưa được kết nối chặt chẽ, còn lượm thượm rời rạc, và chương trình làm việc chưa khoa học.
Được sự cho phép và chứng minh của Chư Tôn đức Trung ương Giáo hội, Ban tổ chức Đại Giới Đàn Nguyệt Chiếu tại Bạc Liêu cố gắng tái hiện lại nghi thức và quang cảnh tuyển Phật trường theo nghi lễ xưa của Phật giáo đã có từ nhiều trăm năm trước mà nhiều chục năm qua ít khi được thực hiện. Nếu không bảo tồn sợ rằng sẽ mất đi một di sản văn hóa đặc sắc vô cùng quý báu của Phật giáo mà Chư Tổ sư đã dày công kiến tạo nhằm tăng phần trang nghiêm của Giới Đàn, nung đúc cho Giới tử tập trung tâm lực bước vào nhà Như Lai, mặc pháp phục Như Lai.
Với tinh thần Phật pháp, vì sự nghiệp Giáo hội, qua công tác tổ chức Đại Giới Đàn Nguyệt Chiếu tại Bạc Liêu, ngưỡng mong Chư Tôn đức từ bi hoan hỉ những gì còn thô thiển trong công tác tổ chức và xin nhận những lời hướng dẫn của Chư Tôn đức.
Quảng Thiệt
(Theo Báo cáo số : 62/BC/BTS, ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu)
Cập nhật ( 31/07/2008 )