BÁO CÁO ĐỀ DẪN
* GsTs Nguyễn Thuyết Phong
Viện nghiên cứu Giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam
Hội thảo NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VIỆT NAM do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Phát huy Văn hóa Dân tộc tổ chức tại nhà hát Kim Mã – Hà Nội, ngày 16 và 17 tháng 8 năm 2008.
Qúa trình phát triển nghệ thuật của các dân tộc trên thế giới thường gắn liền với sự phóng quang của các hệ tư tưởng chủ đạo. Mục đích của nghệ thuật là đi tìm và thể hiện vẻ đẹp. Chính nhờ vào những tia sáng tư tưởng ấy mà nghệ thuật được thăng hoa. Hai ngàn năm trước đây, các nghệ nhân, nghệ sĩ vô tình bắt gặp hệ tư tưởng Phật Giáo Ấn Độ đang có mặt trên đát nước ta. Đạo Bụt, hay “Bụt đà” là phiên âm trực tiếp của từ tiếng Sanscrit “Buddha” có nghĩa là “Đấng giác ngộ giải thóat”. Trong dân gian, người Việt cổ thường gọi Ngài là “ông Bụt”. Nhẹ nhàng, ung dung, dân tộc ta tiếp thu một cách có chọn lọc những yếu tố mới, lạ, đẹp từ tư tưởng của ông Bụt và nhanh chóng biến nó thành một nền nghệ thuật vừa mang tính Việt và tính “Bụt” mà nay chúng ta gọi là “tính Phật giáo”.
Tính Phật giáo đã hòa lẫn vào dòng văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Đây quả tình là một đề tài vô cùng rộng lớn vì thời gian lịch sử dài lâu, ăn sâu vào cội rễ của con người Việt. Sự đáp ứng của nghệ thuật ấy cho niềm mơ ước của xã hội Việt Nam thật bao la, không sao kể hết. Nói một cách khác, tính dân tộc trong nghệ thuật Phật giáo đã trở thành một sự thực hiển nhiên.
Tuy vậy, dù chúng ta nhận biết được thực tế ấy, chúng ta vẫn còn cần phải đi tìm nguyên nhân nào đã nẩy sinh ra nền nghệ thuật Phật giáo và nó có thực sự phản ánh những hoài bảo của xã hội chúng ta hay không, hoặc phản ánh bằng cách nào. Đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi đặt vấn đề với các nhà nghiên cứu uy tín, tận tụy, gìa dặn kinh nghiệm qua hội thảo nầy với chủ đề “Nghệ thuật Phật giáo đóng góp cho đời sống xã hội Việt Nam”.
Chúng tôi đặc biệt trân qúi nhiệt tâm của chư tôn giáo phẩm, chư liệt vị có mặt hôm nay, không những để công bố kết qủa nghiên cứu và công cuộc tìm hiểu sâu sắc của các nhà nghiên cứu nghệ thuật mà trên hết còn hy vọng sẽ thể hiện một tinh thần hội luận đầy tính trí tuệ, từ bi, và đạo vị mang một đặc tính khác với các hội thảo khác.
Là một dân tộc chịu nhận ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Phật giáo Đại thừa, lấy phương châm “hội nhập” làm cơ sở sinh tồn, chúng ta có thể đặt vấn đề với các nhà nghiên cứu từ những góc độ nghệ thuật khác nhau: kiến trúc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, nghi lễ, điêu khắc, trang phục, nhạc cụ, múa, và những giao thoa giữa các ngành nghệ thuật Phật giáo cũng như sự tác động qua lại giữa những yếu tố chuyên biệt của nhà Phật và yếu tố thế gian.
Chúng tôi muốn đặt dấu mốc lịch sử Lý – Trần làm tiền đề cho việc tìm hiểu, phân tích, và nhận định về đóng góp của nghệ thuật Phật giáo trong xã hội Đại Việt cách đây đúng một nghìn năm. Theo các sử liệu, từ Đại Việt sử ký tòan thư đến nhiều bộ sử khác, nhiều công trình vĩ đại đã thực hiện ở thủ đô Thăng Long. Năm 1010 vua Lý đã cho mở kho 1680 lạng bạc để đúc một nhạc cụ lớn nhất nước ta, đó là qủa đại hồng chung chùa Đại Giáo. Một năm sau, đội nhạc gồm 100 nhạc công phục vụ cho các tế lễ ở điện Hàm Quang. Các năm 1014, 1015, 1016 tuần tự tổ chức đại giới đàn chùa Vạn Tuế, lễ trao Xá lợi Phật ở chùa Tề Thánh, và đặc biệt một đại giới đàn hoành tráng nhất trong lịch sử diễn ra tại chùa Thiên Quang, truyền giới cho 1 nghìn giới tử. Năm 1040 hội La Hán ở Long Trì được mở ra, khánh thành 1000 tượng Phật, hơn 1000 tranh Phật, vẽ hơn một vạn lá phướng. Một năm sau đó, vua đặt phẩm cấp cho hơn 100 nhạc kỹ để từ đó chuẩn bị cho đại lễ khánh thành chùa Diên Hựu năm 1049 với hằng trăm nhạc công, nghệ sĩ ca múa vòng quanh hồ sen chùa Một Cột.
Đây là dấu ấn của thời đại vàng son trong lịch sử nước ta mà nghệ thuật ca múa, tán tụng với đề tài Phật giáo được truyền thừa mãi mãi về sau. Từ dấu mốc lịch sử nầy, những ai đã từng tham gia các trai đàn Mông sơn chẩn tế hẳn nhiên có thể nhận ra sự hài hòa giữa âm nhạc truyền thống dân tộc trong nghi lễ Phật giáo. Âm nhạc và múa trong hơn 350 nghi lễ Phật giáo thể hiện một số lượng vĩ đại về bài hát và nhạc điệu do chính các bậc cao tăng sáng tác và đại chúng khắp nơi thể hiện. Ngày và đêm, qúi ngài đã cung cấp một kho tàng văn chương, thi phú, nhạc điệu vô cùng qúi báu cho những buổi công phu sáng sớm đến nhiều nghi thức buổi trưa, chiều, tối, nhiều nghi thức trong thiền viện lẫn tại tư gia các cư sĩ. Nó là một kho tàng trí tuệ Việt Nam, kết hợp vững chắc với các ngành nghệ thuật qua ngôn ngữ bác học, văn vẻ tuyệt vời cho đến những thiên kinh điển được dịch thuật rất sớm từ tiếng Phạn (Sanscrit) sang tiếng Hán Việt, rồi đến thứ tiếng thuần Việt. Từ những kinh Pháp hoa tam muội, được xem là một trong những tác phẩm dịch thuật sớm nhất ở các nước Phật giáo Bắc Tông, vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Một tập kinh giá trị bậc nhất như Khóa hư lục của Trần Thái Tông là một bằng chứng sáng tạo tuyệt đỉnh của văn chương và tư tưởng Việt Nam. Ngôn ngữ Việt bổng trở giàu có lên rất sớm. Và hiện nay, phải chăng chúng ta có được một ngôn ngữ phồn thịnh trong văn học và sâu rộng trong dân gian cũng nhờ vào đóng góp của đạo Phật?
Về mặt kiến trúc, chạm khắc, các nghệ sĩ Phật tử từ mấy nghìn năm qua đã tạo cho bối cảnh thiền vị thêm đặc trưng và ý nghĩa. Chúng ta mong mõi được nghe các nhà nghiên cứu bàn luận thật sâu, thật rộng về những đóng góp ấy trong hội thảo nầy.
Ý niệm nghệ thuật và hệ tư tưởng Phật giáo đã gắn kết chặt chẽ với chủ trương và mục đích phục vụ chúng sinh. Vì thế, khi nhìn về những pho tượng với nụ cười nhè nhẹ, từ bi của Đức Như Lai hay sự trầm mặc, hiểu đời, đại diện rất thực cho tâm trạng con người qua hình tượng các vị La Hán chùa Tây Phương, các chùa ở Hưng Yên, Bắc Ninh cũng như hằng nghìn các ngôi chùa trên đất nước ta, chúng ta cảm nhận được mức độ thể hiện rất cụ thể, chứng tỏ trọng tâm của đạo Phật là ‘con người,’ không phải là ý niệm thần khải, mặc khải, hay quyền lực thống trị toàn năng của một đấng giáo chủ. Tiếng đại hồng chung ngân xa một cách uy nghiêm, thể hiện chiều ngang của âm thanh tiến gần và xuyên qua trái tim con người để xoa dịu nổi khổ đau, hướng đến sự giải thoát, đúng theo mỹ học dân tộc và đạo lý Việt Nam. Chính vì thế, như nhận định của Gs Vũ Khiêu, một nhà văn hóa lớn của chúng ta đã khẳng định: “Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ra đời và lớn lên trong mối quan hệ giữa giáo lý nhà Phật và đạo lý dân tộc.” Nói một cách khác, đạo Phật ra đời là để phục vụ cho xã hội. Vì lẽ, nếu không có khổ đau của loài người, hẳn nhiên không có một “raison-d’être” của đạo Bụt tự nghìn xưa. Nghệ thuật Phật giáo thể hiện tính thông minh, sáng tạo, trí tuệ, không nằm ngòai mục đích ấy. Sự phân tích và nhận định của các nhà nghiên cứu tham luận mong rằng sẽ giúp chúng ta lĩnh hội được thêm ý nghĩa sâu sắc nhất của nền nghệ thuật yêu đời của đạo Bụt.
Xin thay mặt cho Đoàn chủ tọa, tôi long trọng kính mời các nhà nghiên cứu bắt đầu tham gia hội luận.
Kính chúc chư tôn đức, qúi quan khách thân tâm an lạc, bồ đề tâm kiên cố, và nhất tâm hỗ trợ cho Hội thảo được thành công viên mãn.
Cập nhật ( 31/08/2008 )