BẠC LIÊU TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU KHAI HOANG LẬP ẤP
* Trần Phước Thuận
Theo sử cũ, sau khi nhà Mãn Thanh thay thế vị trí của Minh Triều, một số tôi thần của nhà Minh không phục triều đình mới đã bỏ ra các nước lân cận; số người đến xin tỵ nạn ở miền Nam nước ta có nhiều toán, hai toán được chúa Nguyễn Phúc Tần bố trí trên các địa bàn cư trú khác nhau: toán Quảng Tây của Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho (1679), toán Quảng Đông của Trần Thượng Xuyên lúc đầu ở Biên Hoà (1679) sau dần dần dời về Chợ Lớn. Riêng Mạc Cửu (1655 – 1735) đến Chân Lạp từ năm 1680, thấy vùng cửa biển Péam (theo người địa phương có nghĩa là “cái vàm”) có địa thế làm ăn tốt, nên ông đã dừng chân ở đây đem bộ thuộc xây dựng một thị trấn, ông tự đặt tên là Phương Thành.
Tại đây ông đã ra công xây dựng bảy thôn làng (xã) gồm: Phương Thành, Phú Quốc, Cần Bột, Lịch Giá (Rạch Giá), Luống Cày, Hương Úc và Cà Mau. Ranh giới của mỗi làng tuy chưa xác định cụ thể, nhưng diện tích của mỗi làng lúc bấy giờ khá lớn, độ khoảng diện tích của một tỉnh Nam bộ thời Pháp thuộc. Làng Cà Mau lúc mới thành lập bao gồm cả phần đất tỉnh Cà Mau và một phần của tỉnh Bạc Liêu hiện nay.
Mạc Cửu chiêu tập lưu dân tứ xứ đến làm ăn sinh sống. Phương Thành càng ngày càng hưng thịnh như thủ phủ của một vương quốc, cũng chính vì vậy quân Xiêm đã nhiều lần đem quân đến cướp phá; triều đình Chân Lạp sức yếu không can thiệp được; Mạc Cửu thế cô đành phải cầu phong với Nam triều. Năm 1708, chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, dùng phần đất do Mạc Cửu khai phá thành trấn Hà Tiên, đồng thời phong Mạc Cửu làm tổng binh tước Cửu ngọc hầu cai quản trấn ấy. Kể từ năm ấy Hà Tiên mới chính thức thuộc chủ quyền nước ta. Mạc Cửu nguyên là người Lôi Châu, nhưng vợ của ông là người Triều Châu, một số lớn thù hạ của ông cũng là người Triều Châu. Cho nên có rất nhiều người Triều Châu đến Hà Tiên làm ăn sinh sống, nhất là sau năm 1708 Hà Tiên đã biến thành vùng thái bình thạnh trị, số lượng người Triều Châu ở đây ngày càng tăng thêm.
Năm 1757 (Đinh Sửu), do biểu tấu của Mạc Thiên Tứ, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) đã ban lệnh lập đạo Kiên Giang ở thôn Lịch Giá và đạo Long Xuyên ở thôn Cà Mau. Năm 1808 (niên hiệu Gia Long thứ 7), Cà Mau lại được đặt làm huyện Long Xuyên, lúc đầu do đạo quản hạt, nhưng đến năm 1810 (niên hiệu Gia Long thứ 9) lại thuộc trấn Hà Tiên.
Lúc bấy giờ, triều Nguyễn rất chú trọng đến vấn đề khai hoang lập ấp, nhất là đối với những vùng đất mới. Mạc Thiên Tích nghĩ đến việc di dân đi khai hoang; sẵn có một số người Triều Châu mới đến chưa có nơi ở, ông đã tập trung số người này cùng một số dân bản địa để đưa đi nhiều nơi trong địa bàn trấn Hà Tiên. Số người được đưa về Bạc Liêu lúc đó không rõ bao nhiêu – theo những người lớn tuổi nghe ông bà kể lại có khoảng vài chục gia đình, gồm cả ba tộc người : Việt, Hoa và Khmer. Riêng người Hoa đa số là thần dân của Minh triều nên họ tự nhận là người Minh Hương.
Lúc mới đến, họ sống tập trung trên một khu đất gò (thuộc thành phố Bạc Liêu hiện nay), ở đó họ lập một xóm nhỏ, lúc mới định cư ở vùng đất mới đa số các hộ đều nghèo, nên người Triều Châu gọi nơi ở của họ là Pò Léo (xóm Nhà Nghèo), người Việt đọc theo âm Hán – Việt là Bạc Liêu, còn người Khmer gọi là Pô Loeu. Vùng đất này vừa cận biển, vừa giáp rừng lại có ruộng đồng bao la bát ngát, tài nguyên cả ba mặt, nông lâm, ngư thật vô cùng phong phú, mọi người ở đây ó thể tự tiện bằng vào khả năng của mình để lên rừng săn thú, đốn củi, làm than, hoặc ra mé biển đóng đáy, giăng câu, chài cá, cũng có thể tự do phá đất, khẩn hoang làm ruộng rẫy.
Cuộc sống của người dân lúc đầu rất thiếu thốn và cực khổ, nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi cộng thêm tính cần cù lao động của họ nên chẳng bao lâu đã cải thiện được đời sống, cuộc sống dần trở nên sung túc, họ đã tự động tổ chức một địa điểm gần bờ biển để mua bán và trao đổi hàng hoá với các nơi (Chợ Bạc Liêu ngày nay). Nghề mua bán vốn là sở trường của người Triều Châu, nên khi thấy ở đây mau bán được, họ đã từng bước bỏ dần cái nghề biển, nghề nông để làm thương mại. Cuộc sống của con người ngày càng cao, các nhu cầu vật chất càng lớn nên việc mua bán ở Bạc Liêu càng lúc càng thịnh hành, chỉ ít lâu đã trở thành cái chợ nhỏ nhưng rất trù phú. Chính những người Triều Châu ở đây đã thông tin cho thân nhân, bè bạn của họ ở tậ quê hương về cái xứ “Bạc Liêu – mưa thuận, gió hoà” này, nên người Triều Châu đến Bạc Liêu càng lúc càng đông. Lúc bấy giờ có câu hát “Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”, tuy câu hát nôm na dí dỏm nhưng cũng chứng minh có rất đông người Triều Châu ở Bạc Liêu vào lúc đó.
Thật ra không phải tộc người Triều Châu là tộc người đông nhất ở Bạc Liêu, vì theo thống kê của Pháp vào năm 1910, ở Bạc Liêu có 19,500 người Việt, 19.850 người Khmer, và 12.213 người Hoa gồm (Triều, Quảng…). Như vậy, số lượng người Triều Châu còn kém xa người Khmer và người Việt, nhưng người Việt và người Khmer thì sống tản mát khắp nơi trong địa bàn tỉnh, còn người Triều Châu chỉ sống tập trung trong vùng chợ Bạc Liêu nên xem rất đông.
Người Triều Châu đến đây đã hoà nhập vào cuộc sống mới, vào sinh hoạt mới, xem Bạc Liêu như quê hương của mình, họ đã cùng người Việt, người Khmer chung lưng bồi đắp xây dựng Bạc Liêu từ một thôn xóm nghèo nàn vắng vẻ trở thành một phố thị đông đúc và giàu sang nổi tiếng ở miền Nam. Trong thời Pháp thuộc, người Triều Châu ở Bạc Liêu cũng đã hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào yêu nước, điển hình như các hoạt động của Thiên địa hội trong buổi đầu.
Năm 1851, Kinh lược sứ Nam kỳ Nguyễn Tri Phương và Kinh lược phó sứ Phan Thanh Giản đến đây kinh lý, hai vị đã chỉ đạo thành lập bốn làng Vĩnh Hinh, Vĩnh Hương, Tân Hưng và An Trạch. Đây là bốn làng đầu tiên, đến năm 1890 nhấp lại gọi là làng Vĩnh Lợi, chính là tiền thân của thành phố Bạc Liêu hôm nay.
Đến cuối thế kỷ XIX, chợ Bạc Liêu và các vùng phụ cận đã trở thành một phố thị phồn vinh đông đúc, các nhu cầu của xã hội càng ngày càng lớn, nhất là vấn đề an ninh càng phải được chú trọng; vì vậy vào ngày 18 tháng 12 năm 1882 tỉnh Bạc Liêu được thành lập (thật ra lúc mới thành lập chỉ gọi là Hạt, đến ngày 20 tháng 12 năm 1889 mới đổi gọi là Tỉnh).
Tóm lại, người Việt, người Triều Châu, người Khmer đến Bạc Liêu có rất nhiều đợt, nhưng chỉ có đợt đầu năm 1757 là đợt di cư tập trung theo kế hoạch của triều Nguyễn; còn những đợt sau trong suốt thế kỷ XIX và XX đều là những đợt di cư tự phát, đa số với mục đích tìm sinh kế. Nhưng dù là người đến trước hay những người đến trong các thế kỷ sau đó, tất cả đều đã đóng góp ít nhiều công sức của mình cho quê hương Bạc Liêu, nhất là trong hai mặt kinh tế văn hoá, để đến hôm nay con cháu của họ đã thừa hưởng được thành qủa của tổ phụ vừa sống hoà ái trong đại gia đình Việt Nam.
Cập nhật ( 09/05/2015 )