HÁT GIAO DUYÊN CỦA NGƯỜI MẠ * Phan Đình Dũng Một trong những loại hình tiêu biểu của vốn văn hóa dân gian của cư dân Mạ là thể loại văn thơ truyền miệng: Tăm pơt. Đây là loại hình hát kể giao duyên, đối đáp. Thể hiện tình cảm, kết bạn người Mạ dùng hình thức Tăm pơt để giải bày, nói lên tâm tư trong các dịp lễ hội của cộng đồng như mừng lúa mới, đâm trâu, cúng thần linh…
Những lời hát giao duyên, người Mạ dùng những ngôn từ mượt mà, đằm thắm nói lên cảm xúc của mình. Lời hát là lời tâm tình, bộc bạch của nỗi lòng, cách suy nghĩ và lời cầu mong, mơ ước, hi vọng của những thanh niên nam nữ. Như lẽ thường tình của tạo hóa, tình yêu nam nữ của thanh niên nam nữ Mạ rất tự nhiên và cao quý. Khi gặp gỡ nhau và nảy nở tình cảm là một quá trình của thời gian mà họ không thể không nhớ. Họ ví tình yêu của bản thân với ý trung nhân là "từ ngàn xa xưa" trên cơ sở của "những người xa lạ trở thành thân quen" với bao hình ảnh ví von, so sánh rất độc đáo.
Người con gái được ví như "vũng nước sình lầy" theo nghĩa của một cách là hồ nước, nơi chứa nước nhưng không phải là dòng chảy. Nước trong vũng luôn cô đọng, nguyên dạng, không thay đổi để nói lên tình cảm chung thủy, trọn vẹn của mình. Đồng thời, cô gái cũng là "đôi môi đỏ hồng như môi con nhồng" ngụ ý về vẻ đẹp và nỗi khát khao muốn bày tỏ nỗi niềm, tình cảm. Người con trai được ví như "dòng nước chảy mỗi khi mưa to gió thổi" như đối lập hình ảnh ví von với cô gái. Nhưng chắc chắn trong dạng hàm ý/ ngoài nghĩa đối lập là sự dũng mãnh của chàng trai cũng như lối ví một hình ảnh về "lối đi như móng cong nhọn của con cọp". Trai gái gặp nhau được người Mạ dùng hình ảnh: "Mụt măng vừa ló ra từ mặt đất, bông lúa vừa ngậm sữa, cây vừa ra bông, như cá gặp nước, như con nai gặp cỏ non; những hình ảnh này nói lên niềm vui và sức sống mãnh liệt của tình yêu", và khi đã gặp gỡ, những lời ca vừa như thầm thì vừa như yêu cầu người yêu vẫn tuôn trào với bao hình ảnh phong phú: – Đừng mang cồng chiêng chôn trong lòng đất/ Nói về nhẫn tâm giết chết tình yêu. – Đừng nhốt gà trống trong lồng/ nói về sự kìm hãm, mất tự do trong tình yêu. – Đừng để cán rìu không có người sử dụng. Đừng để màn đêm lạnh bao phủ mối tình. Để loài hoa dại trên bờ sông. Như những chiếc đò không bến đợi. Đừng như cây dầu lẻ giữa rừng già/ Nói về sự cô đơn, lẻ loi. – Đừng để lá cây rụng dưới ánh nắng mặt trời. Đừng để cá trôi theo dòng nước. Đừng như con lươn chúi nhũi giữa sình lầy. Đừng mượn nước lớn chạy trước trốn thân/ Nói về sự buông xuôi, vô trách nhiệm trong tình yêu. – Đừng bày trên bãi cát đầy rơm, cỏ rác. Đừng để lung lay theo chiều gió thổi. Đừng dùng mũi dao nhọn mà cắt xé lẫn nhau. Đừng mang đến cho nhau những lời cay đắng/ Nói về sự tôn trọng và trách nhiệm giữ gìn tình yêu. -Đừng bề ngoài chín đỏ mà trong ruột chua chát/ Nói về sự giả dối trong tình yêu. Trách nhiệm của chàng trai được thể hiện: “Hãy cầm cây dầm mà chèo đò qua sông; Không buông tay giữa dòng sông, không lay chuyển mỗi khi gió lớn sóng to”. Trách nhiệm của cô gái: “đừng gây tiếng xấu… gây thêm phiền hà, an ủi chồng… đừng mang lửa đỏ cho chồng, giúp đỡ chồng trong mọi công việc”. Để rồi, tình yêu phải bền chặt, khắng khít với kết quả: “như ngày lúa chín vàng, như hoa vừa chớm nở, như sợi chỉ từ từ ra theo vòng quay của tơ, phải tìm cho thuyền có bến đậu, dẫu thượng nguồn có xa cách hạ nguồn vẫn nhìn nhau như một dòng chảy”. Tình yêu là riêng tư của nam và nữ, nhưng không vì thế mà tách ra khỏi cộng đồng. Đối với mỗi người tìm được ý trung nhân từ "những người xa đã trở thành người quen", thì cộng đồng bản làng, dòng tộc, gia đình của người này cũng sẽ là của người kia và ngược lại, thì cả hai phải có cách sống, cư xử cho phải lẽ: “Đừng vì giàu mà bạc đãi kẻ nghèo, đừng vì tình mà mất nghĩa, đừng vì thương mà hại đến tính mạng…” Và cả hai cũng phải cầu xin thần linh: “để mối tình bùng cháy của ngọn lửa đã chất đầy củi, cháy không bao giờ tắt”. Sự xa cách trong tình yêu để lại nỗi nhớ và chờ mong diệu vợi đối với những chàng trai Mạ khi đang yêu, như thôi thúc, cháy bỏng tâm can:"Tôi nhớ đến nàng trong giấc ngủ. Tôi giật mình thức dậy ngỡ nàng đang thỏ thẻ bên tai. Ồ không, tôi nào thấy nàng tận mắt đâu. Đó chỉ là giấc mơ. Khi đôi ta mới quen nhau, đã cùng nhau trên một chiếc đò đi qua dòng sông, trên cánh đồng xanh, dưới bóng mát của cây cổ thụ. Những kỉ niệm đó làm tôi không thể quên nàng được. Dầu cây lúa có cao tới đâu thì mặt đất vẫn mang đến những dòng nước mát cho cây lúa thêm xanh tươi. Đừng cách xa nữa nàng ơi, vì từ nay tôi sẽ đến với và an ủi nàng để nàng không còn rơi lệ. Tôi có phải là núi đá, ngọn đồi kia mà lặng câm, vô tri vô giác. Thân hình nàng như mụt măng vừa ló lên từ mặt đất, thật tròn và tươi trẻ. Mọi người xin giúp tôi bảo vệ mụt măng được nguyên hình hài. Mối tình cũng có mang theo những cay đắng nhưng hãy để những giòng suối chảy bình thường, để hai đứa luôn gặp nhau, tay trong tay với nhau". Để rồi, một chuyện tình đẹp gắn với bao kỷ niệm bên núi đồi, khu rừng, thác nước, lễ hội…sẽ đi đến ngày mà chàng trai, cô gái trở thành nhân vật chính trong lễ cưới của mình: “Sửa soạn như con chim nhồng môi đỏ. Chào khách bằng tiếng nói như gà con chíp mẹ. Như chim sẽ ca hát nhảy nhót vui đùa”. Đó là ngày mà một tục lệ không thể thiếu của chàng thanh niên, cô thanh nữ khi được đính ước, được trao vòng: “Sợi dây đặt trên cổ tay. Sợi chuỗi đeo lên cổ. Và không một ai được phân re”, vì họ đã như "một giòng suối, một khoảnh rừng đã có ranh hẳn hòi". Không chỉ họ vun đắp với nhau mà còn có lời kêu gọi "bạn làng" giúp đỡ khi "Cánh đồng hoang nay đã trở thành đám ruộng với bông lúa vàng mơ ngày gặt hái, như ngày hội tụ của đàn chim cò trắng và đừng ai ngắt bông của dàn bầu vừa mới ra bông, đừng đắp đập để chặng dòng nước chảy của con suối".1 Lời ca về tình yêu nam nữ Mạ vừa bình dị, gần gũi với cuộc sống, hàm ý về những quan niệm sống bằng tập thành những hình ảnh ví von đa dạng, sống động và ý vị. Địa chỉ: Phan Đình Dũng (Phòng Đào tạo) 106. Nguyễn Ái Quốc. Tp. Biên Hòa Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai Đt: 0919.486.676 [1] Những chữ in nghiêng là nội dung của các bài ca Tămpot, tác giả sưu tầm tại làng Tà Lài, Hiệp Nghĩa – nơi có đông người Mạ sinh sống tại Đồng Nai. Chuyể ngữ qua tiếng Việt được sự giúp đỡ của ông K’Chéc. |
Cập nhật ( 16/04/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com