HẠNH PHÚC ĐƯỢC SỐNG TRONG NIỀM TIN CỦA DÂN TỘC * Nguyễn Quang Long thực hiện Hơn 30 năm miệt mài giới thiệu, truyền bá âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới, những cống hiến của GSTS Nguyễn Thuyết Phong đã được Chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận bằng việc đích thân Tổng thống trao tặng danh hiệu "Di sản quốc gia Hoa Kỳ" tại Nhà Trắng năm 1997. Ông hiện còn là thành viên Ban cố vấn Ủy ban nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ. Trước cuộc trò chuyện này, giáo sư đã thực hiện buổi thuyết trình về âm nhạc VN tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ. Dẫu bận nhưng đúng hẹn, giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện hết sức cởi mở và thẳng thắn. Hai dự án, một niềm đam mê – Xin giáo sư cho biết những nét nổi bật trong hoạt động của ông thời gian qua? – Thời gian trong học kỳ này tôi giảng dạy ở đại học Michigan, thực hiện việc trước tiên là khơi động những báu vật đang nằm im trong kho lưu trữ bảo tàng Stearns bằng việc nghiên cứu xuất xứ 108 năm các nhạc cụ này, tổ chức cho các sinh viên Mỹ tại đây tìm hiểu nhạc cụ dân tộc Việt. – Được biết giáo sư đang phối hợp thực hiện 2 dự án đáng chú ý với Anh và Úc. Ông có thể cho biết đôi nét về hai dự án này? – Vâng! Dự án thứ nhất là làm việc với TS Barley Norton (giảng viên đại học Goldsmith, – Thông qua hai dự án cụ thể giáo sư muốn nói tới điều gì? – Tôi nhắm tới sự phát huy giá trị VN trong môi trường nghiên cứu âm nhạc thế giới. Người ta không nên chỉ biết đến mình bằng sự có mặt thôi mà còn phải cảm nhận được chiều sâu của Đờn ca tài tử, cũng như nét độc đáo của các nhạc cụ tre trúc Tây Nguyên. Tôi cho rằng nhạc cụ tre trúc có trước cồng chiêng. Và đó cũng là mối quan hệ văn hóa âm nhạc giữa các dân tộc Đông Nam Á và các hải đảo Thái Bình Dương mà nước Úc cũng là thành tố trong đó. Quốc nhạc là hàng đầu – Từng đi nhiều, trực tiếp giảng dạy và tham gia nhiều dự án khắp các châu lục, giáo sư nhận thấy việc bảo tồn và phát huy văn hóa âm nhạc truyền thống của thế giới hiện ra sao? – Phải đến những bảo tàng lớn như Musee Guimet (Paris), British Museum (London), Stearns (Đại học Michigan), Công nghiệp quốc nhạc viện (Seoul), Metropolitan Museum of Art (New York), hay Bảo tàng dân tộc học (Osaka)… mới thấy rằng thế giới không nhỏ và nhạc cụ không ít như ta nghĩ. Việc bảo tồn lẫn bảo quản được thực hiện rất chu đáo với kinh phí lớn của nhà nước, cơ quan nghệ thuật và giáo dục. – Giáo sư có thể chia sẻ bằng một mô hình cụ thể? – Ví dụ, riêng bộ sưu tập Stearns ở đại học Michigan đã có đến hơn hai ngàn nhạc cụ thế giới rồi, trong đó có 12 nhạc cụ dân tộc Việt. Mỗi nơi người ta đều có những cách phát huy âm nhạc theo điều kiện và hoàn cảnh riêng. Phát huy không thể hiểu một cách đơn giản theo kiểu cứ thấy tổ chức biểu diễn nhiều là có kết quả tốt. Đôi khi tổ chức không khéo, sẽ mang lại kết quả xấu. Do đó Ủy ban nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ phải làm rất nhiều việc, nhiều khâu từ việc hỗ trợ nghệ sĩ, in ấn, huấn luyện, hội thảo, tuyên dương, phát hành, kiểm tra… – Nhìn ngay sang các nước châu Á, cách bảo tồn và phát huy của họ như thế nào, thưa giáo sư? – Năm 1996, tôi được Công nghiệp quốc nhạc viện Hàn Quốc mời cố vấn cho Festival 18 nước do Bộ Văn hóa tổ chức. Họ làm rất khéo, hiệu quả vì nhân tiện Festival quốc tế lớn như thế họ giới thiệu luôn với thế giới bằng cách khai trương Nhà hát nghệ thuật truyền thống lớn nhất, có thể biểu diễn Nong-ak (nông nhạc) với 500 diễn viên trên sân khấu. Họ đặt nó trên ngọn đồi cao, trong khi Nhà hát giao hưởng nằm dưới chân đồi, xa hằng trăm bậc thang. Họ đặt quốc nhạc lên trên đỉnh cao – đó là một chủ trương. Tôi nghĩ đây là trường hợp độc đáo ở châu Á mà các nước nên tham khảo. Đặt nền móng cho Dân tộc nhạc học VN – Theo giáo sư, việc bảo tồn âm nhạc truyền thống ở nước ta hiện nay ở góc độ một người Việt nhìn từ cái nhìn bên ngoài vào – như thế nào? – Tôi không nhìn về hướng tiêu cực khi tôi nghe có bạn trong nước thường kêu than truyền thống sắp sửa "chết". Con người không thể để cho truyền thống tốt đẹp của cha ông mất đi một cách dễ dàng. Vì vậy, những yếu ớt, thụt lùi, chậm chạp của âm nhạc và sân khấu nước ta hiện nay là một thực tế không thể chối bỏ, nếu chúng ta so với thời đại vàng son của cải lương, chèo, hát bội, ca trù, ca Huế… một trăm năm trở về trước. Tôi thấy chúng ta có thể học được nhiều bài học rất cụ thể về việc bảo tồn những thể loại nghệ thuật này trong nước cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, tất cả phải bắt đầu bằng sự nhận thức của người dân cũng như chính quyền, là phải "thấy" được cái đẹp của âm nhạc dân tộc và cương quyết bảo vệ nó như một tuyên ngôn trong tâm hồn mình. – Dân tộc nhạc học, một khái niệm rất mới đối với giới âm nhạc trong nước, được biết chính giáo sư là người đặt nền móng cho ngành này tại VN… – Cho tới nay thì Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology) đã phát triển tới hầu khắp các nước trên thế giới. Ngành này được thành hình tại Mỹ cách đây hơn nửa thế kỷ. Nó kế thừa một phương pháp có mặt trước đó ở châu Âu, nhằm nghiên cứu âm nhạc các dân tộc trên thế giới qua sự kết hợp với Nhân học, Xã hội học, Tâm lý học, Vật lý học… Điều đáng nói là khởi nguồn của ngành này là nghiên cứu âm nhạc châu Á, trong đó có VN. Khi là giáo sư đặc nhiệm Fulbright về dạy các môn này tại Nhạc viện Hà Nội, năm 2004, xem như viên đá đầu tiên đã được đặt tại VN. Hai năm sau Nhạc viện TP.HCM mời tôi thực hiện hai môn Phương pháp nghiên cứu Dân tộc nhạc học và Âm nhạc châu Mỹ, châu Úc. Như vậy, tính đến nay chúng ta đã có 35 thành viên Dân tộc nhạc học đầu tiên được đào tạo chính quy, trường lớp. Trong hai lớp học có nhiều giảng viên, nhạc sĩ tên tuổi cũng nhiệt tình tham gia. Các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên đều phát biểu rằng đây là một luồng gió mới tạo sinh khí cho việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống thế giới tại nước ta. Một số khác cũng đến dự thính và cảm thấy thích thú. – Nếu nói một điều gần như là một chân lý thật đặc trưng cho ngành này giáo sư sẽ nghĩ tới điều gì? – Con đường chúng tôi đi sẽ không bao giờ đến cùng vì khám phá âm nhạc loài người mới thấy rằng nó thật bao la, vô tận, hùng vĩ. Hạnh phúc được phục vụ cho quê hương – Riêng giáo sư, điều cảm thấy hạnh phúc nhất với ông là gì? – Là được sống trong niềm tin dân tộc mình và được phục vụ cho quê hương, dù sống xa quê. – Nhưng để có được hạnh phúc này thì có lẽ giáo sư đã phải tạm hy sinh những niềm vui khác. Ví dụ như có được niềm đam mê công việc, theo đuổi công việc thì chuyện riêng tư gia đình sẽ gặp không ít khó khăn, hoặc ngược lại. Có khi nào điều hòa được giữa gia đình và sự nghiệp với công việc? – Tôi luôn nghĩ hạnh phúc tìm thấy ngay trong tâm mình. Gia đình tôi hoàn toàn chia sẻ và xem đó là sứ mạng. Có lúc xa nhau vài tháng trong những chuyến đi xa, nhưng cũng phải chịu. Từ thuở nhỏ, 7 tuổi, tôi đã xa gia đình để đi học. Nhưng không vì thế mà tôi quên đi yêu thương gia đình cha mẹ, anh chị em, vì đó là cái gốc của tình yêu đất nước. Tôi cảm thấy rất gần gũi. Có hôm trên đường đi công tác, đáp máy bay về VN chỉ có vài ngày nhưng tôi cũng đánh xe về quê thăm mẹ già (ở tỉnh Vĩnh Long – NV). – Hơn 30 năm, không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, rồi lại tham gia giảng dạy, giờ nhìn lại giáo sư thấy đã tạm hài lòng chưa? – Có sống ở nước ngoài lâu thì mới thấy mình có một nghĩa vụ đối với quê hương, đó là làm sáng tỏ cái văn hóa dân tộc mình nơi xứ người. Càng hiểu giá trị cao đẹp ấy mình tự thấy có trách nhiệm phải dấn thân, phấn đấu, nhất tâm phát huy không đợi một ai ân thưởng mình mới làm. Ngày tôi nhận danh hiệu "Di sản quốc gia Hoa Kỳ" tại Nhà Trắng là ngày tôi ngộ ra một điều: Mình đã làm được một đóng góp nho nhỏ cho quê hương! Nhưng ngần ấy cũng chưa đủ so với công lao rất lớn của tổ tiên mình đã tạo dựng thành cho con cháu hôm nay. Chúng ta vẫn còn phải tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa. Có sức khỏe là có tất cả – Để có thể "trụ" được với công việc vất vả như vậy chắc chắn phải có một sức khỏe tốt. Giáo sư đã có những bí quyết riêng cho việc giữ gìn sức khỏe, bằng chứng là đã hơn 30 năm nay giáo sư vẫn "sở hữu" một sức khỏe tốt? – [Cười] Tôi có phương pháp điều tiết bằng cách bù trừ, xen kẽ vào việc làm là tìm cách thư giãn, nghỉ ngơi, giao tiếp trong khung thời gian hợp lý. Ăn uống là yếu tố quan trọng. Nếu mình biết ăn sao vừa đủ, không ăn uống những gì mình không thực sự cần. Ăn uống với lượng vừa phải, thì có thể tránh được một số bệnh tật, bảo đảm được sức khỏe. Mặt khác, tôi còn ăn được những món thuộc nền văn hóa khác. Hạnh phúc là ở chỗ mình biết nhận ra cách ăn của người nước ngoài ngon như thế nào. – Và còn phải cả yếu tố luyện tập thể thao nữa chứ? – [Cười lớn]Tất nhiên rồi! Nhưng điều quan trọng nhất là còn phải không bị khổ tâm nữa. Nếu chúng ta sống và làm việc trong tư duy an nhiên, yêu thương mọi người, sống có mục đích và lý tưởng thì sức khỏe và sự trẻ trung sẽ thường ở với ta. – Xin cảm ơn ông! ª |
Cập nhật ( 14/01/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com