31/01/2011 |
HĂM BA ÔNG TÁO VỀ TRỜI * Huỳnh Ngọc Trảng Hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhà nhà – từ Bắc chí Nam – đều tiến hành lễ đưa Ông Táo về trời. Ông Táo về trời trước tiên và đến ngày 25 tháng Chạp, đình cha đền miếu mới làm lễ tiễn thần Phật về trời. Bởi vậy, có câu ca dao: Hăm ba Ông Táo về Trời, Bình vơi ở lại chịu lời đắng cay I.- Bộ ba Ông Táo, Ông Lò, Cà ràng… Tưởng rằng Bà Táo thật thà, Ai hay Bà Táo : một Bà hai Ông ! Cứ đến cuối năm, người ta ra ruộng đào lấy đất sét nắn ba ông Táo/ Ông Đầu Rau mới rồi đem phơi khô để chuẩn bị thay ba Ông Táo cũ. Vào tối 23 tháng chạp cúng tiễn Ông Táo về Trời. Có nơi, cuối năm, các lò gốm làm Ông Táo bằng đất nung để bán. Dù là Ông Táo nặn bằng đất sét hay bằng đất nung đều có hai Ông và một “Ông Táo Cái” hay “Ông Táo Chúa”, với đặc điểm khác biệt là có cái “lỗ rốn” lõm sâu vào một hai phân ở giữa, khoảng một phần ba, tính theo chiều cao từ dưới lên. Ông Táo Cái này, ở Người ta cho rằng, bộ ba Ông Táo đầu tiên là 3 hòn đá tự nhiên, được chọn sao cho có kích cỡ, hình dáng tương thích, đem về dùng. Tất nhiên, việc nắn ba Ông Táo bằng đất sét cũng có lịch sử lâu đời và kế đó, là loại Ông Táo làm bằng đất nung do các lò gạch, lò gốm sản xuất. Loại Ông Táo đất nung bền hơn Ông Táo bằng đất sét, song chúng cũng tuân theo lệ cũ là cứ đến 23 tháng Chạp thì thay bộ Ông Táo mới. Bộ Ông Táo cũ đem bỏ ngoài gốc đa, bên cạnh miếu xóm. Chúng trở thành “Quỉ Táo” và giờ cư trú chung với bình vôi đã… đặc ruột – bít miệng không còn nhét vôi vào được nữa. Cả hai thứ đồ phế thải này đều trở nên linh thiêng, được thế nhân qua lại khói nhang. Ông Táo theo đà phát triển được thay thế bằng bếp Ông Lò, cà ràng… rồi bếp kiềng sắt, bếp dầu, bếp điện, bếp gas… Các loại bếp kim loại này khi phế thải không chuyển ra gốc đa cư trú nữa, song Ông lò, cà ràng vẫn theo lệ cũ. Ở các xứ có nghề đục đá, người ta đẽo ba Ông Táo bằng đá và những năm 1960, người ta dùng ciment trộn cát để đắp/ đúc Ông Táo, lại có người dùng 3 hòn gạch kê lại cũng thành bộ ba Ông Táo! Cũng có nơi, bếp kiềng ba chân bằng sắt thay dần Ông Táo. Song Ông Táo thì cơ động hơn: nồi nhỏ thì dụm lại, nồi bung, nồi bảy, chảo đụn… thì kê nới rộng ra. Ở vùng đất phương Nam, cái cà ràng của người Khmer nhanh chóng được người Việt, người Hoa, người Chăm xài bởi nó đặc biệt thích hợp cho vùng sông nước, lầy lội. Nó đặt đâu cũng khô ráo sẵn sàng để đun nấu. Nó là cực kỳ tiện lợi và an toàn khi dùng để nấu nướng trên ghe xuồng. Hình dáng cà ràng đại thể giống như cái thùng đàn ghita: một đầu phía trong có gắn 3 “ông đầu rau” để đặt nồi, niêu, xoong, chảo và đầu kia dùng để cào than ra khi cần nướng hoặc vần cơm, giữ nóng cho ấm nước… Cà ràng có điều hay là không kén củi đun, không bị gió tạt và sạch sẽ: không có tro than bay tá lả và an toàn không lo lửa cháy lan bậy bạ ra ngoài như bếp Ông Táo hay kiềng… Cái bếp đò của các vạn đò trên sông Hương đến những năm 1970, 1980 cái bếp vẫn là cái “hộp” bằng gỗ, trên đặt 3 ông đầu rau hay kiềng sắt rất ấm áp, nhưng bất tiện vô cùng so với cà ràng. Cà ràng là loại bếp có lịch sử lâu đời mà bằng chứng là các di chỉ khảo cổ ở đồng bằng sông Cửu Long đều có cái mà các nhà khảo cổ học gọi là “chạc gốm”, “sừng bò” – tức mảnh “ông đầu rau” của nó bị sứt vỡ ra. Có người cho rằng cà ràng là sản phẩm đặc dụng của người Thủy Chân Lạp. Cà ràng đời sau này đại thể có hai loại. Một là loại thương phẩm do làng gốm Khmer ở Hòn Đất (Kiên Giang), Ba Thê, Núi Sập, Phú Tân (An Giang) sản xuất. Loại thứ hai là loại tự tạo. Người ta lấy đất sét phối với tro, trấu mà đắp nặn thành. Sau khi phơi khô là đem đun nấu, quá trình sử dụng đó làm chín đất đỏ au, bền chắc không kém cà ràng đất nung. Loại này kích cỡ lớn nhỏ, kiểu dáng châm chước theo ý đồ riêng nên có nhiều cái xinh đẹp lạ thường. Loại bếp thông dụng thứ hai là Ông Lò – sản phẩm của người Hoa, chúng được sản xuất nhiều nơi mà giờ đây, cơ sở sản xuất ló dưới chân cầu Rạch Cây (quận 6, TP.HCM) – trên vùng đất của làng gốm Cây Mai của đất Sài Gòn xưa, là một xưởng sản xuất qui mô. Loại lò này có một kiểu, song có đến 5 cỡ lớn nhỏ khác nhau nên đáp ứng nhu cầu đun nấu đa năng. Ông Lò vốn là lò nấu bằng than, song cũng dùng để đun củi. Về sau, người ta đắp các loại lò để đun củi cành, lá khô, bả mía thập vật và lò đun bằng trấu, mạt cưa. Đầu tiên người ta đắp bằng đất sét, về sau xây bằng gạch, xi măng. Loại lò đun củi lại có dạng khối hình hộp trên khoét hai lỗ bếp, có ống thông khói cao bẻ cò ra ngoài vách. Cửa lò rộng để có thể tống vào đủ thứ củi lá… từ bên ngăn đốt có 2 ống dẫn nhiệt lên bếp và khói tỏa lên ống thông hơi ra ngoài. Lò đốt bằng trấu có nhiều kiểu làm bắng gốm đất nung hay bằng toll song cốt là làm cho trấu cháy đều, dễ bén lửa… II.- Ông Táo: từ sự tích đến tín ngưỡng Ở xứ ta thần thoại kể về lửa là câu chuyện đơn giản kể về việc một ông lão tình cờ đã đánh cắp được tí lửa của Bà Hỏa. Song khi đem về dùng vào việc nấu nướng ông đã vô ý để lửa cháy nhà. Thế là dân chúng vội vã lấy nước để chữa cháy. Từ đó, lửa tắt ngúm và loài người chẳng còn lửa để dùng. Thần Lửa xứ ta là Bà Hỏa được coi là hung thần gây nên các trận hỏa hoạn kinh hồn. Bà được thờ tự ở các miếu thờ và cùng kiếng để bà an lòng không gây nên hỏa hoạn trong cộng đồng. Khác với Bà Hỏa, thần Bếp/Táo quân lại là vị thần công chính, có tục coi là phúc thần bảo hộ cho trẻ con và gia súc. Sự tích cổ kể rằng: Ngày xưa có hai vợ chồng (chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi) rất yêu thương nhau. Khốn nỗi là ăn ở với nhau đã lâu mà họ không có con, với lại tính người chồng hay nóng giận. Một hôm, trong cơn giận, chồng đánh vợ. Thị Nhi buồn lòng bỏ nhà đi đến xứ khác. Ở đó, Thị Nhi lấy người chồng khác là Phạm Lang. Cuộc hôn nhân mới rất hạnh phúc. Tình cờ một hôm, Trọng Cao trên đường tìm vợ, đến gõ cửa nhà Phạm Lang. Lúc đó, Phạm Lang đi săn vắng nhà. Thị Nhi nhận ra chồng cũ, tiếp đón nồng hậu. Trọng Cao được bữa cơm rượu no say nằm lăn ra ngủ. Lúc đó, Phạm Lang đi săn trở về. Thị Nhi không muốn chồng mới biết chuyện cũ liền giấu Trọng Cao vào đống rơm ngoài vườn. Hôm đó, Phạm Lang săn được con thú lớn nên khi về nhà đã quăng con thú vào đống rơm, rồi nổi lửa để thui. Đống rơm bốc cháy rừng rực một hồi thì Thị Nhi mới hay ra cớ sự. Thương chồng cũ hóa ra giết chồng, Thị Nhi đau đớn nhảy vào đống lửa đang bốc ngùn ngụt. Phạm Lang, chẳng rõ cớ sự, cuối cùng thất chí cũng gieo mình chết luôn bên cạnh Thị Nhi. Ngọc Hoàng cảm động vì tình cảnh đáng thương của ba người hạ giới bèn cho làm thần Bếp. Chính vì vậy mà bộ ba Ông Táo gồm một Bà và hai Ông và hình tướng ba Ông Táo (còn gọi là ba ông Đầu Rau) cũng y cứ vào đó: gồm một phụ nữ ngồi giữa và hai người đàn ông ngồi hai bên. Sách Gia Định thành thông chí chép tục thờ thần Táo ở đất Gia Định xưa: “Ở hai bên tả hữu vẽ hai hình người nam, ở giữa vẽ một hình người nữ, cùng tượng trưng quẻ Ly hỏa, ngụ ý một hào âm ở giữa hai hào dương làm chủ” (1) Điều này cho thấy tuồng như sự tích Táo quân (một bà hai ông) là một câu chuyện được biện sự để cắt nghĩa nguồn gốc ba Ông Táo theo quan điểm Dịch lý về quẻ Ly hỏa “một hào âm ở giữa hai hào dương”. Trong thực tế, sự tích về ba Ông Táo, cũng như cách lý giải bác học quan phương của Nho sĩ họ Trịnh không là quan điểm chủ đạo trong tâm thức tín ngưỡng trong các cộng đồng dân cư ở xứ Gia Định, nói rộng là cả Nam bộ. Ngược lại, sau này Táo quân được coi là một nhân thần chi định. Táo quân chơn kinh cho ông Táo có họ Trương tên Đan, tự Tử Quách, vợ là Bà Táo Lai Nữ và hai phụ tá: Tả Mạng thần quan (ghi sổ công) và Hữu mạng thần quan (ghi sổ tội) (2). Thơ Táo quân diễn ca cũng nói Táo quân họ Trương (3). Theo Lê Văn Phát thì Ông Táo có tên là Trương Thiện Táo – một phán quan đời nhà Tống (bên Trung Quốc), có nhiệm vụ theo dõi và xét xử giảm khinh tội phạm. Ông chết, Ngọc Hoàng tưởng đến công đức của ông, đã phong cho ông chức vụ giám sát công việc của người đời và hằng năm báo cáo để Ngọc Hoàng thưởng công phạt tội cho người ở trần thế chính xác và công bình. Ông Táo Trương Thiện Táo có hai bộ hạ là Hồng Lực Sĩ (vốn là tay ăn cướp bị Táo khuất phục) và Tạ Phán quan (lo giữ sổ ghi chép công tội của con người) (4). Cũng theo Lê Văn Phát, do tên Trương Thiện Táo đồng âm với Thần Bếp nên có sự lẫn lộn nhau. Qua quan sát thực tế, chúng tôi thấy rằng: 1) Thần Bếp có danh hiệu là Đông Trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, được thờ ở dưới bếp; và 2) Táo quân thường được định danh là Định phước Táo quân, thờ ở trang thờ, ngay phía trên bàn thờ Tổ Tiên ở gian giữa nhà trên. Như vậy, trong dân gian phân làm hai loại Táo: một lo việc bếp núc và một lo việc theo dõi công tội để tâu lên trời. Việc thờ Ông Táo phổ biến là bài vị viết chữ Hán hoặc “Đông Trù Tư mệnh Táo phủ thần quân”, hoặc “Định phúc Táo quân”. Ngoài bài vị là tranh thờ “Táo quân” vẽ trên kiếng. Loại tranh này đa dạng về phong cách, tạo hình, kiểu thức trang trí, màu sắc; song tất thảy đều vẽ Ông Táo mặc quan phục và hai bên là hai thuộc hạ. Một là võ tướng cầm chùy và một là văn quan ôm túi đựng ấn. Nội dung tranh vẽ này có khác với tranh Táo quân một Bà hai Ông ở Bắc Bộ, tranh Sình (Huế). Nói chung sự phân biệt về chức năng, do những tín lý khác nhau, đặc biệt là các luồng tín lý Trung Quốc du nhập theo các nhóm di dân thời cận đại, nên Táo quân/ Ông Táo cũng bị định vị/ định danh khác nhau (5). Ở vùng đất phương Ít giấy hẹp hòi thờ một chỗ, Giúp tôi giàu có bớ ba Ông! III.- Hăm ba Ông Táo về Trời Theo Đặng Huy Trứ: “Táo thần ở trên trời là các vì sao, phụ giúp Ngũ đế có công dạy dân đánh cá, nuôi súc vật, cày cấy, chữa bệnh. Ở dưới đất là vị thần trông coi bản mệnh cho mọi người. Việc Táo quân sinh ngày 3 tháng 8 còn ghi chép trong sách “Lục tạng tôn kinh”. Táo chuyên ghi chép việc lành dữ ở trần gian đến ngày 30 hàng tháng và 24 tháng chạp đem mọi việc ở trần gian tâu lên Thiên Tào để định họa phúc” (7). Ông Táo, nói chung ngoài chức năng tai mắt của Ngọc Hoàng Thượng đế ở trần gian, ông còn là thần Tư mệnh của gia đình, đứng đầu các thần bản gia (Ngũ tự): Táo, Tỉnh (giếng), Môn (cửa), Hộ (nhà), Trung lựu (gian giữa) – gọi là “Đệ nhất chi chủ”. Trong dân gian chức năng Táo bao gồm việc bảo hộ cho trẻ con, cho gia súc. Do đó, trước đây, các bậc cha mẹ hay có tục ký bán con trẻ 3, 6, 9 thậm chí 12 tuổi cho Ông Táo; khi ra đường, người ta quẹt lấy lọ ở Ông Táo để đánh một dấu chữ thập lên trán đứa bé, hoặc bôi lên trán lọ Ông Táo cốt để đứa bé “xấu xí” đi và coi việc đó là để đảm bảo an toàn cho đứa trẻ. Khi xin/ mua chó hay mèo con về nuôi thì công việc đầu tiên là bắt chúng lạy Ông Táo, lại giật một ít lông ở chân và đuôi chó nhét dưới đít Ông Táo cốt để làm phép cho thú nuôi không bị đau ốm và không bỏ đi rông mất đi, nếu có đi lạc thì luôn trở về với chủ! Về chức năng tai mắt cho Ngọc Hoàng thượng đế, người ta chủ vào ngày vía triều thiên, 24 tháng chạp. Người ta xác tín là Táo khởi hành đi chầu Trời vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng 24 tháng chạp nên lễ cúng tiễn thường tổ chức vào đầu hôm ngày 23 tháng chạp. Công việc trên trời đến cuối năm là hoàn tất nên 30 tháng chạp (tháng thiếu 29 tháng chạp) người ta cúng rước Ông Táo về lại với gia đình. Lễ vật cúng tiễn Ông Táo thường là hương, đăng, trà, quả, bánh kẹo, chè đậu. Ở miền Một bát nước, một lọn nhang, Đưa ông về tấu việc nhơn gian. Ngọc Hoàng phán hỏi: Chi là quí? – Dưới thế gì hơn bạc với vàng! Thứ lễ vật bó buộc là phương tiện vận chuyển cho Ông Táo. Ngoài Bắc cúng cá chép: Cá vượt sông, qua vũ môn hoá rồng đưa Ông Táo lên Trời! Trong Cái sự việc đặc biệt này đến nay không thể truy nguyên là bắt nguồn từ tín lí gì. Có điều, có nơi ông lại được mũ mới và giày mới. Mũ là mũ cánh chuồng như mũ của quan chức thời Nguyễn và giày đen giống như đôi hia. Lệ cũ, mỗi năm thay mũ và hia mới để thờ, mũ và hia cũ đem hóa trong dịp lễ tiễn Ông Táo (23 tháng Chạp). Các thứ đồ này, nay vẫn còn sản xuất để bán. Việc tiến hành lễ tiễn Ông Táo về trời đồng thời là việc thay ba Ông Táo cũ bằng ba Ông Táo mới. Chúng ta thấy có hai tập tục cũ tuồng như trái ngược nhau: một là tập tục giữ lửa thiêng bằng cách ủ trấu không cho lửa tắt (tập tục này còn bảo lưu ngay khi đã có diêm quẹt và bật lửa/ máy lửa); và hai là nghi lễ gầy lửa mới qua việc thay ba ông thổ táo/ ông lò hàng năm vào ngày 23 tháng chạp. Nghi lễ lửa mới của đạo Công giáo được cử hành trong đêm lễ Phục sinh và nghi lễ này của Thần đạo (Shinto/ Nhật Bản) trùng với lễ năm mới. Hai dữ liệu này cho thấy, tập tục thay ba ông Táo mới hằng năm của xứ ta hàm chứa ý nghĩa của nghi lễ tẩy uế và tái sinh – chức năng chủ yếu của lễ lửa mới. Nói rộng ra Tết là năm mới, vận hội mới, chu kỳ mới và… lửa mới! Ông Táo được coi là vị thần đứng đầu trong các thần linh thờ trong gia đình, được tôn xưng là “Đệ nhất gia chi chủ” bởi lẽ cái bếp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người. Cứ coi vị trí cái bếp trong dãy nhà dài của các tộc người ở Tây Nguyên, hay cái bếp trong nhà các dân tộc miền núi phía Bắc thì rõ Bếp quan trọng như thế nào. Bếp tượng trưng cho sự sống chung, cho mái ấm gia đình, cho mối quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho sự kết hợp lại với nhau và sự giữ giữ lửa. Bếp giống như mặt trời: làm cho mọi người gần nhau, quây quần bên nhau bởi hơi ấm/ sức nóng và ánh sáng của nó. Mặt khác, bếp là nơi đun nấu thức ăn nên nó là trung tâm của cuộc sống, từ đó cuộc sống được ban cho. Chính vì vậy, bếp được hầu hết các tộc người tôn kính. Bếp là “điện thờ” đầu tiên của loài người, ở đó con người cầu sự bảo hộ của thượng đế và tổ tiên và là nơi thờ cúng: ngọn lửa bốc lên như một cửa ngõ thông linh của con người trần thế với cõi thiêng trên cao… Và rồi theo thời gian Ông Táo nhân cách hóa trở thành Vua Bếp và dù biến đổi thế nào thì tập tục tín ngưỡng này vẫn chiếm vị trí quan trọng. Để cúng Ông Táo, đặc biệt là lễ Cúng Tiễn Ông Táo về trời người ta phải lo cụ bị chu đáo. Để đáp ứng nhu cầu đó, các ngành thủ công liền tham gia vào. Người khắc mộc bản in tranh Ông Táo, in giấy cò bay – ngựa chạy, làm áo, mũ, hia cho Ông Táo… và ngành làm bánh kẹo cũng sản xuất ra thứ lễ vật đặc dụng bánh kẹo, thèo lèo. Người đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng quan tâm đến việc sản xuất cá chép để cung ứng phương tiện chuyên chở Ông Táo về trời… Chú thích: (1) Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo, S., 1972, Tập hạ, tr.4. (2) Táo quân chơn kinh/ Imp, de l’Union, Sài Gòn,1953. (3) Xem Trần Văn Toàn: Mấy tư liệu về tôn giáo trong dân gian/ Tạp chí Đại học, số 40, 8-1964,tr 579-583. (4) Lê Văn Phát: La vie intime d’un annamite de Cochinchine et ses croyances vulgaires/ Imp. F. H. Schneider, Sai Gon, 1907, tr 7-8;11. (5) Theo Táo quân chơn kinh (sđd), danh hiệu (và công năng) của Táo quân là: – Cửu thiên Đông trù Tư mạng Táo phủ thần quân Định quốc hộ trạch Đại Thiên tôn – Đông Trù Tư mạng Định phước Táo quân Hoá sanh Định lộc Thiên tôn. (6) Xem hai bức tranh khắc “Thổ công vị” và “Táo quân vị” của bộ tranh khắc đầu thế kỷ XX: H. Oger: Technique du peuple annamite [Encyclopédie de la civilisation matérielle du pays d’ Annamite] .Paris, 1908-1909. Thật ra Thổ công là một trong 5 thần long mạch ngũ Thổ: Thổ công, Thổ chủ, Thổ địa, Thổ phủ, Thổ kỳ. (7) Đặng Huy Trứ: Đặng Dịch Trai ngôn hành lục/ Bản dịch của nhóm Trà Lĩnh, Hội Sử học Việt nam xb, 1993, tr55-56; 60-61.
|
Cập nhật ( 02/02/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com