HÀ TIÊN MỘT VÙNG THIÊN NHIÊN VÀ VĂN HÓA ĐA DẠNG * PGS. Lê Xuân Diệm Theo thư tịch xưa thì địa danh Hà Tiên có lẽ đã xuất hiện ở châu thổ miền Tây sông Hậu vào khoảng cuối thế kỷ XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII. Nó gồm hai từ Hán ngữ là Hà và Tiên, từ ngữ ấy, theo tục truyền do vùng đất đó thường thấy các vị tiên hiện lên từ một con sông. Địa danh Hà Tiên có gốc nguồn từ đó – tính thực hư của lời truyền đó thật khó minh giải; song hẳn nó có một ẩn ý sâu sa nhằm ngợi ca cảnh trí và cuộc sống nơi đất Hà Tiên giàu đẹp tựa như ở chốn bồng lai, tiên cảnh. Quả thật, theo sử sách xưa, từ hơn hai thế kỷ trước nơi đây từng biết đến với “Hà Tiên thập cảnh” nổi tiếng (tức 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên ). Giới văn nhân trong Tao Đàn Thiên Anh các thời đó cũng đã sáng tác nhiều bài thơ về Hà Tiên, mà hay nhất, đẹp nhất là tập thơ “Hà Tiên thập vịnh” (tức vịnh 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên) của Mạc Thiên Tứ (1710 – 1780). 10 bài thơ đó gồm “Bình Sơn điệp thúy” tả cảnh núi Bình (tức Bình Sơn) trùng trùng điệp điệp (điệp), sắc màu xanh ngắt (thúy); là bài “Thạch động thôn vân” (hoặc “Thạch động thôn Yên”) vịnh cảnh mây trời che phủ núi mây (vân sơn) lan tỏa vào (thôn Vân) hang đá (thạch động); là bài “Nam phố trừng bá” (hoặc Nam phố trương bá” ghi lại cảnh tượng đợt sóng biển (bá) phẳng lặng (trừng, trương) trải dài theo bãi cát phía Nam Thành Hà Tiên (Nam phố); là bài “Sư khê ngư bạc” (hoặc “Sư hê nhàn điếu”, “Sư khê văn điếu”) vịnh cảnh nhà thuyền đánh cá dựng lớp lớp dọc bến bờ (ngư bạc) rạch Vược (sư khê) liền với Đông hồ; là bài “Lộc trĩ thôn cư” phác tả hình ảnh cuộc sống an lạc, thanh bình của dân cư (cư) thôn xóm (thôn) quanh chân núi Mai hoặc mũi Mai, gò Mai (Lộc trĩ) giáp bờ biển; là bài thơ “Châu nham lạc bộ” (hoặc “Mễ nhan lạc nhạn) bay lượn (bộ, nhạn) rồi hạ cánh (lạc) đậu quanh núi châu hoặc núi trai (Châu nhan tuế núi hạt Châu, hạt trai); là bài “Kim dữ lan đào” khắc họa hình ảnh núi Kim Dữ ngăn chân (lan) các đợt sóng biển (đào) vỗ vào chân núi, dọc theo bờ biển phía Nam thành Hà Tiên bây giờ; là bài “Giang thành dạ cổ”đóng chốt bên sông Gianh thanh (Giang thành); và bài thơ thứ 10 “Tiêu thần chúng” (hoặc “Tiêu tự biểu chung”) ghi lại không gian tỉnh lặng (tiêu) của ngôi chùa (tự) xen lẫn tiếng chuông (chung) ngân vang xa thẳm vào sáng sớm (thần) tinh mơ. Từ 10 ảnh trí thiên nhiên đẹp trong thơ ấy có thể thấy trong đó có hình ảnh của núi Bình (Bình Sơn), núi Châu (Châu nhan sơn), núi Mai, mũi Mai (Lộc trĩ), đảo kim Dữ (Kim dữ sơn), có sông, rạch, hồ nước như sông giang thành, rạch Vược (Lư khê), hồ phía dông thành cổ Hà Tiên (Đông Hồ); có cnahr tượng sóng biển man mác lững lờ (trừng bá), sóng biển xô bờ (lan đào), có thôn xóm (Lộc trĩ), bến cá (ngư bạc), có phố chợ (nam phố), có chùa chiền (tiêu tự). Hà Tiên trong thơ đã mở ra cho chúng ta một không gian có cảnh trí thiên nhiên thật đa dạng, mộng mơ, trên thực tế, nó chỉ mới nói đen “thập cảnh”, trong hoặc quanh tỉnh thành có các thắng tích “Thạch động”, “đá dựng”… Nếu mở rộng không gian về phía biển bờ gần xa, ta sẽ đến với cảnh tượng hàng chục “đảo biển” (hoặc núi đảo) cao thấp nhấp nhô nổi trên mặt biển sóng nước. Thư tịch xưa cũng đã từng ghi chép, thậm chí còn miêu tả khá cụ thể về từng ngọn núi, từng “đảo biển” đó mà thường được viết bằng từ chung là là “Hòn”. Mỗi hòn thường có tên gọi bằng “Việt ngữ – Nam bộ”, “Hán ngữ”. Trong đó có những hòn mang tên loài cây cỏ như Hòn tre, Hòn táo, Hòn me, Hòn nghệ, Hòn khoai. Hoặc mang tên loài động vật như Hòn sóc, hòn Heo… Hoặc mang tên đất đai nham thạch như Hòn đông thổ, Tày thổ, Châu sơn, Hòn đá lửa, Hòn đá trắng, Hòa đá bạc, Hòn đất… Hoặc liên quan đến thần tiên con người như Hòn Gành Tiên (Gành bà, Tiên cô đốc sơn). Hoặc các hình tượng khác như Hòn một, Hòn Họ, Hòn chuông, Hòn Hồ lô cốc, Hòn Cổ sơn, Hòn cổ công, hòn chảo, Hòn Thạch hòa, hòn bạch má, Hòn bạch tháp, Hòn Phụ tử, Hòn đầu rái… Hàng chục hòn “đảo biển” đó liên kết với nhau càng làm cho cảnh trí thiên nhiên đất – biển Hà Tiên thêm đa dạng khoáng đạt và lại càng thêm hấp dẫn. Cho nên đã có người liên tưởng đến cảnh trí này tựa như (hoặc trí ít có hình ảnh gần gủi với thiên nhiên Vịnh hạ long nổi tiếng thế giới. Sự so sánh ấy chưa hẳn đúng; song điều có thể khẳng định là cả hai vùng Vịnh Hạ Long (rồng giáng xuống biển) và vịnh Hà Tiên (tiên hiện trên sông) là hai vùng thiên nhiên có cảnh trí thiên nhiên đặc sắc hiếm thấy. Riêng ở đồng bằng Nam bộ thì vùng thiên nhiên Hà Tiên hầu như chỉ có và chỉ thấy được ở Hà Tiên. Hà Tiên với vùng vịnh, biển bờ với các trắng, vàng xen lẫn đã tạo nên những cảnh trí thiên nhiên đa sắc, còn thêm vẻ đẹp hiền hòa man mác của nó. Ở đây còn có một hệ thống hàng chục cửa sông, cửa rạch ẩn hiện dọc theo bờ biển cát trắng cát vàng dưới những rừng cây xanh mướt ngút ngàn. Theo thư tịch xưa thì ở đất Hà Tiên, còn có hàng chục cửa sông đổ nước ra biển, với nhiều tên gọi lạ kỳ như cửa Phi phát, cửa Rạch Cốc, Rạch Đông, Sa Hào, Sa Ngao, Cà Ba, Cửa Bé, Đá Bạc, Đại Kim Dữ… và 10 cửa khác lần lượt có tên là Cửa nhất, Cửa nhị, Cửa tam… đến Cửa thập. Quả thật, tạo hóa đã ban tặng cho Hà Tiên, đã tạo lập ở vùng đất Tây nam tổ quốc một cảnh trí thiên nhiên nhiều màu sắc. Ở đây dường như đã quy tụ nhiều loại hình cảnh quan, sinh thái đan xen đối lập nhau, hài hòa liên kết nhau thành cảnh tượng chung núi biển độc đáo. Ở đây có núi đồi cao thoáng, có bưng trảng sình lầy thấp trũng; có sông rạch nông sâu, có biển cả bao la, có cù lao, (nhum) lại có các “hòn” đảo biển; có rừng gỗ cây, rừng lau, lác, rừng ngập mặn với thảm thực vật phong phú; có nhiều loại hải sản đặc hữu (đồi mồi, ngọc trai, rùa…) có lâm sản quý hiếm và khoáng sản (đá vôi, đá lửa, quặng sắt…). Đặc biệt với hệ thống sông rạch đan xen, nối liền với hàng chục cửa biển đã đưa đến sự lưu thông hài hòa tự nhiên giữa “đất liền” với “biển khơi” (nước lũ dễ thoát, thủy triều khó lấn sâu). Theo đó, “Hà Tiên – Đất tiên” và “Hà Tiên biển” hòa hợp với nhau hình thành nên vùng thiên nhiên rộng lớn đa dạng trong thống nhất, với nguồn tài nguyên rừng – biển phong phú không mấy vùng có được. Hà Tiên lại là nơi có vịnh biển kín đáo yên bình, là tiền đề thuận lợi cho hoạt động đi lại giữa đất liền Hà Tiên với Hà Tiên biển, thậm chí cả với biển xa. Thư tịch xưa cũng đã cho biết, Hà Tiên, vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, không chỉ có, “thập cảnh” có “đảo biển” quyến rũ mà còn là một chốn đô hội sầm uất, thường gọi là Nam phố (cửa khẩu hoặc thị cảng phía nam), có thể sánh ngang hàng với Đại phố (Biên hòa), Bến nghé (Sài Gòn), thậm chí còn có vị trí như là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng châu thổ phía Tây sông Hậu. Nơi đây, vào thời ấy, ngoài cộng đồng người Việt còn có cộng đồng người Khmer (ở Giao sơn, Tây thổ…) người Hoa, Người Đồ Bà (Gia va), Mã Lai (ở núi Tô Châu…) Từ Quảng Đông, Hải Nam, từ Nam Dương lập nghiệp ở Hà Tiên. Họ đã cùng nhau tạo dựng nên một Hà Tiên đô hội, đưa đến cho Hà Tiên một bộ mặt văn hóa mới đa sắc màu, một chủ thể là Việt – Nam Bộ và thứ đến là Hán – Quảng Đông. Họ đã xây dựng thành trì, đồn bãi, lập phố chợ, tạo bến cảng, quần cư trong thôn xóm, theo truyền thống phong tục riêng của mỗi cộng đồng và đáng chú ý có nhiều chùa chiền đền tháp, lăng mộ được dựng lên xen lẫn trong cảnh trí thiên nhiên bấy giờ còn nguyên sơ, huyền bí. Có một số chùa, đền tháp đã được sử sách xưa ghi lại như chùa Bạch vân trên núi Mây (vân sơn), là một cảnh đẹp được tả trong “Thạch động thôn Vân” (hang đá nuốt mây); chùa Đại Tạng (cũng có tên là Tiêu tự) trên núi Địa Tạng cũng là một thắng tích được tả trong “Tiêu Tự thần chung”, Viện Quan âm trên núi Kim Dự vốn là cảnh đẹp được họa trong bài “Kim Dự lan đào” (đảo kim ngăn sóng); Có chùa Bạch tháp trên núi Bạch Tháp: Tương truyền có thầy tăng Huỳnh Long ở Quy Nhơn (Bình Định) đến đây lập chùa, mất năm 1737 và được Phật tử lập tháp để cất xá lỵ. Có chùa Hang (cũng có tên Hải sơn tự), “quanh chùa phong cảnh xanh tươi, trước mặt có bãi biển cát trắng vịnh phía Nam ngoài có khơi, có Hòn Phụ tử làm bình phong chắn gió, ghe thuyền qua lại đi Thái Lan thường ghé”. Lại có một chùa hang phía Tây Hòn Chông, có thờ hai tượng Phật từ thế kỷ XIV. Ngoài ra ở núi Thạch Đạm (Tiên sơn -núi tiên) có chùa Tiên sơn tự); và trên núi Bình một thắng tích trong bài “Bình sơn điệp thúy” có chùa Phật lớn, có khu mộ của dòng họ mạc Cửu; ở bãi Ớt (hòn Chông) có chùa Bang Thơm. Ngày nay, những ngôi chùa – tháp đó còn mất chưa được biết rõ, song từ những ghi tả của thư tịch xưa cũng cho thấy vào thế kỷ XVII – XVIII, văn hóa Phật giáo (Quảng Đông, Bình Định) của người Hoa, người Việt dường như đã phổ biến trong cuộc sống cư dân Hà Tiên; nó đã góp phần tạo nên cho Hà Tiên chốn đô hội, vừa có cảnh trí thiên nhiên quyến rũ, lại có thêm không khí sinh động, mà tĩnh lặng của sinh hoạt văn hóa mới, văn hóa Phật giáo. Hà Tiên – theo những khám phá khảo cổ học, thực ra từ nhiều thế kỷ trước, cũng đã là vùng đất mà có người xác định mệnh danh là “thành vàng”. Nơi đây người ta đã phát hiện, những tượng Phật có niên đại thế kỷ VII – VIII (Knun Dul) thuộc địa phận Hòn Đất, tượng Phật thế kỷ XIV ở Hải Sơn Tự, một tượng nữ thần thời Ăng – co ở Hòn Khoai; một tượng Linga ở Kunun Dul. Có lẽ đáng chú ý nhất là ở bãi Ớt đã thu được tại chỗ một bánh xe khổng lồ bằng đá, có dáng giống như trục xe ép mía. Cổ vật này được nhìn nhận là loại di vật đặc sắc thuộc văn hóa của Phù nam, một quốc gia mà theo thư tịch cổ của Trung Quốc có nghề trồng mía, làm đường rất phát triển. theo đó có thể thấy Hà Tiên là một trấn địa quan trọng của Phù nam, là địa bàn trọng điểm sản xuất ra mía đường; thậm chí có người còn cho rằng, Hà Tiên vào thời đó đã từng là nơi cung cấp quặng sắt cho các xưởng thủ công ở Óc eo (Ba Thê – An Giang). Hà Tiên, rõ ràng là miền đất có cảnh trí thiên nhiên đa dạng quyến rũ, từng là chốn đô hội, có bộ mặt văn hóa cổ vừa lâu đời (từ thế kỷ đầu công nguyên) và đa dạng (Việt, Khmer. Hoa,…; Hindu, Phật,…). Mặt khác trong lịch sử thì Hà Tiên còn được biết đến là địa bàn tranh chấp của nhiều thế lực chính trị, nơi xảy ra nhiều cuộc chiến mà kéo dài nhất là khoảng thế kỷ XVIII (nửa cuối) – XIX. Có lẽ do vị trí địa chính trị đặc thù đó mà Hà Tiên một chốn đô hội nổi lên sớm, mà tàn cũng nhanh, nhất là kể từ lúc công cuộc khẩn hoang vùng “nội địa” châu thổ miền tây bùng nổ, lúa gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, thì Hà Tiên dần mất đi vị trí kinh tế quan trọng của nó. Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Rạch Giá, Long Xuyên, Cần Thơ dần nổi lên từ lúa gạo. Hà Tiên trên thực tế chỉ còn vị thế như là trấn địa Tây nam của châu thổ. Hà Tiên – Nam phố cũng như biên Hòa – Đại phố và cả Thị Nải – Quy Nhơn, một thời phồn vinh dần đi vào lịch sử, Hội An nay chỉ còn lại “phố xưa, nhà cổ”. Đại phố chỉ còn lại địa danh “Cù lao phố” với vài dấu tích của nghề xưa, nghiệp cũ (đến thời lăng mộ), xen lẫn một “Biên Hòa cũ – mới đan xen. Riêng Hà Tiên chắc rằng núi non còn đó, thập cảnh còn nguyên; Đông Hồ, Nam Phố Giang thành hẳn còn lưu giữ hình hài” cũ (tuy không đầy đủ như xưa). Đọc cuốn sách “Du lịch Việt Nam” xuất bản năm 1999, vẫn còn thấy ghi lại một số thắng cảnh, di tích xưa như Đông Hồ, Giang Thành “Nam Phố Trừng Bá” của thập cảnh xưa, còn thấy có chùa Hang, chùa Thạch Động, đền Mạc Cửu; các hòn đảo và bãi biển: Cái Bàn, Mũi Nai, Bãi No, Bãi Ớt Hòn Heo, Hòn Chông, Đá Dựng, Hòn Trẹm, sông Tô Châu,… Như vậy, so với Hội An, Đại phố, xem ra Hà Tiên – Nam phố còn lưu lại nhiều cảnh trí thiên nhiên xưa cũ, nhiều di tích nổi tiếng một thời. Có thể nói đó là tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa có giá trị lâu, là một nguồn lực thế mạnh hiện hữu cho Hà Tiên ngày nay cần biết suy nghĩ, biết tính toán, biết cách làm theo hướng “bảo tồn tối đa cảnh trí thiên nhiên thơ mộng, trong lành”, “phát huy đúng đắn cái duy sản văn hóa cổ”, kiến tạo thêm những công trình mới hài hòa với cảnh xưa, với văn hóa cổ”. Hà Tiên ngày nay, còn phấn đấu thành một trung tâm, hoặc trở thành một khu du lịch hấp dẫn về sinh thái núi – biển, văn hóa cổ và các chiến tích lịch sử cách mạng của miền đất Tây nam của đất nước. Nó cùng với Rạch Giá sẽ có vai trò quan trọng cho sự phát triển Kiên Giang trong thế kỷ XXI. |
Cập nhật ( 02/07/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com