THƠ THIỀN CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ
* Nhà thơ Vũ Quần Phương
Trần Tung là con Trần Liễu, anh Trần Hưng Đạo, anh vợ của Trần Thánh Tông, bác Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông chịu nhiều ảnh hưởng Thiền học của ông bác này cho nên tư tưởng Thiền của phái Trúc Lâm ít nhiều có chịu ảnh hưởng trực tiếp của Trần Tung. Trần Tung tham gia kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai (1285) và lần ba (1287-1288) lập nhiều công tích nhưng sử sách ít nói tới như các nhân vật tướng lĩnh tôn thất khác của nhà Trần. Chỉ biết sau kháng chiến ông có nhậm chức Tiết độ sứ, cai quản vùng Thái Bình một thời gian ngắn rồi lui về tu Phật.
Tác phẩm của ông, ngoài phần ngữ lục (trong bộ Thượng sĩ ngữ lục) còn 49 bài thơ. Thơ ông hướng tới mọi đề tài nhưng đều xoay quanh chủ đề về kiếp người, về lẽ sống chết, được mất. Cũng có thể coi đây là những bài kệ mang chức năng truyền bá giáo lý nhà Phật bởi tất cả đều được luận bàn dưới ánh sáng triết học của Thiền học. <?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office”>
Trong bài Vạn sự quy như Trần Tung thể hiện nhân sinh quan nhà Phật: coi Có với không là đồng nhất. Phiền não với Bồ đề là một. Chân như bay vọng niệm rồi cũng hư không. Thân như gương ảo, nghiệp như bóng. Ông khuyên đừng bận tâm đến sống chết, đừng để ý đến Vua hay Phật. Hãy tuân theo quy luật, thậm chí phó mặc cho quy luật. Ông nói người có trí tuệ cao thì không cầu đến thuốc trường sinh để làm gì Trần Tung coi: Sống chết chỉ là hai mặt của hiện tượng:
Sống và chết vốn từ một đợt sóng
Trăng rọi đêm qua vẫn là trăng đêm nay.
Phần độc đáo trong những triết lý của Trần Tung là tư duy Thiền nhưng lại gắn Đời. Có thể coi đấy là những nguyên lý của một nghệ thuật sống, là triết học của đời thường. Là giáo lý nhưng không giáo điều mà có tính khả thi. Bản lĩnh Trần Tung, hay rộng hơn, bản sắc thực tiễn của văn hoá Việt là ở đó. Trần Tung không tìm giải thoát nơi Phật, ông tìm giải thoát ở chính mình. Tìm ở chính mình như thế nào?
Ngồi ngay ngắn giữa nhà, im lặng, không nói
Thảnh thơi nhìn ngọn khói trên núi Côn Luân
Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt
Chẳng cần niệm Phật, chẳng cần Thiền
(bài Ngẫn táo)
Trong bài Phật tâm ca, ông còn chỉ, cụ thể và táo bạo, đường tới cõi Phật:
Đi cũng Thiền
Ngồi cũng Thiền
(…) Tỉnh táo lên
Tỉnh táo lên
Bàn chân dẫm trên mặt đất chớ có ngả nghiêng
Ai người tin được đến đấy.
Sẽ cất cao bước đi trên đầu Phật lên tới đỉnh
Không chỉ chống giáo điều, Trần Tung còn quyết liệt chống hình thức. Đi cũng Tiền, ngồi cũng Thiền, chân dẫm lên mặt đất vững chãi của hiện thực để đi đến Phật, bỏ qua mọi hình thức tu hành. Tu từ lòng mình chứ không phải từ một kiểu cách sinh hoạt do một tổ chức tu hành nào đó quy định. Trong lịch sử tôn giáo chúng ta đã thấy có những thời kỳ chính hình thức tổ chức quan liêu của giáo hội đã chống lại lý tưởng nhân ái của giáo lý. Bỏ tâm mà lại đi tìm Phật, học đủ thứ kinh kệ mà thiếu chân tâm đã giác ngộ thì Một chấm sáng mùa xuân làm bừng cả muôn hoa (bài Thị học)
Ông tin vào trực giác minh mẫn của lương tri, vào tri thức hồn nhiên của con người. Ông khuyên:
Nếu muốn vượt lên cao, sang bờ bên kia
Hãy hỏi đức trẻ thơ ở ngay trước mặt
(Bài Thị Chúng)
Ông cho rằng điều đáng làm với mỗi người là biết được Cái Tâm của nó thì làm cách nào? Thượng sĩ thích chí trả lời: A ha! Giữa trưa cứ ngủ thẳng tới canh ba. Nghĩa là cứ hồn nhiên, vô vi sẽ tìm thấy bản ngã. Chỗ này Trần Tung gần với Lão Đam: Không thị, không phi lòng ung dung tự tại (bài Tự Tại), Thị phi là chuyện không đáng bàn, bàn là sa vào tiêu chí nhất thời một nơi một lúc, phải biết ngoài trời còn có trời, vậy sao lại lấy cái nhất thời mà bình giá cái vĩnh viễn. Chiếc thoa vàng đối với bà già đầu hói chỉ là chiếc móc để treo. Tấm gương sáng đối với người mù chỉ là chiếc nắp đậy chén. Tích luỹ hiểu biết mà thiếu chân tâm để ngộ thì cái tri thức bề nổi ấy chỉ là chiếc thoa vàng đối với bà già đầu hói, là tấm gương sáng trong tay một ông mù. Chả ích gì. Chân tâm chính là năng lực cảm thông với tạo vật, ai cũng thấy được vẻ tồn tại bề ngoài của nó, nhưng người có chân tâm thì nhận ra chân lý ẩn giấu. Cái bề ngoài ấy người ta có thể cảm nhật khác nhau, người nói thị người nói phi. Trần Tung không bận tâm đến cái thị phi ấy. Mặc áo hay cởi trần đâu có quan trọng:
Đến xứ cởi trần cứ vui vẻ mà bỏ áo
Quan trọng là nhận ra quy luật bên trong chi phối hiện tượng. Cho nên một mặt coi sống chết, được mất là như nhau nhưng mặt khác lại rất cần phân biệt phượng hoàng với chim sẻ, cá kình với ếch nhái:
Đặng lưới bẫy phượng hoàng thì đừng mưu tính với chim sẻ (nguyên văn yến tước)
Đặt cần câu cá kình thì đừng làm mất lòng bọn ếch nhái.
Coi là như nhau vì khái niệm đó chỉ là hai mặt của một cặp phàm trù, còn cần phân biệt vì những loài này là các phạm trù không đồng cấp. Nhận thức ấy là cần thiết để có hành động đúng. Hai câu kệ này cho thấy tính thiết thực giúp đời và rất sâu sắc của bậc cao tăng sống cách chúng ta bảy thế kỷ. Lời khuyên ấy đến nay vẫn nguyên giá trị, vẫn đủ sức làm giật mình các nhà hành động. Vui vẻ bỏ áo khi vào xứ cởi trần không phải là nhượng bộ vô nguyên tắc, cũng không phải là triết lý tuỳ thời mà là phép hành xử của sự giác ngộ biết cái khác áo quần là nhỏ, không hiếu thắng hơn thua là ở chỗ đó.
Trăng xưa soi không kể gì xa gần
Gió thổi không chọn nơi cao thấp.
Vậy việc gì ta lại căn cứ vào cao thấp xa gần, mặc áo hay cởi trần, mèo đen hay mèo trắng để hành xử. Đã biết cái khác nhau đó chỉ là bề ngoài tạm thời thì cứ hoà đồng cho tĩnh tâm. Thanh tĩnh sẽ tạo trí tuệ sáng suốt. Trí tuệ đạt tới bao quát thì tâm gặp Phật. Thượng sĩ dạy:
Bỏ tâm mà tìm Phật
Như tìm bóng mà quên gương
Không biết bóng là từ gương mà ra.
Người có chân tâm thì dầu làm đồ tể, sát sinh muôn ngàn con vật, khi giác ngộ, buông dao là thành bồ tát. Mở rộng triết lý này ta sẽ gặp lòng tin vào sự hướng thiện, vào năng lực tu dưỡng, tự hoàn thiện của con người. Đây là quan điểm nhân ái và khoa học của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, một quan điểm chống mọi thành kiến về con người, đánh giá con người từ chính bản chất của họ: tâm và trí. Trí tuệ được giác ngộ nhờ chân tâm. Chúng ta, Phật tử hay không Phật tử, đều có quyền tự hào về tầm vóc trí tuệ đó của cha ông, tự hào về một giai đoạn lịch sử dân tộc đã tạo tiền đề cho trí tuệ đó nảy sinh và phát huy được trong xã hội.
Cập nhật ( 02/12/2008 )