GSTS NGUYỄN XUÂN KÍNH: KHÔNG NÊN TỔ CHỨC LỄ HỘI TRÀN LAN * Lệ Thủy thực hiện Tháng Giêng là tháng ăn chơi- Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè… Câu ca ấy đã có từ bao đời nay, và cứ đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán, các lễ hội lại tưng bừng khắp muôn nơi. Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, lễ hội có còn giữ được nguyên vẹn những giá trị của nó hay không lại là điều cần phải bàn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GSTS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Thưa Giáo sư, vai trò của Lễ hội dân gian trong đời sống hiện đại được đánh giá như thế nào? GSTS Nguyễn Xuân Kính: Trước hết phải khẳng định, lễ hội có vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại. Sau những ngày làm việc bền bỉ, chăm chỉ cả một năm, con người cần có những giờ phút hoà mình vào cộng đồng. Lễ hội đã giải quyết được nhu cầu ấy. Hoạt động văn hoá này đã tạo sự cân bằng trong đời sống tinh thần của cộng đồng trong xã hội hiện đại; Đồng thời ở một mặt nào đó, nó thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, xã hội phát triển lành mạnh… Tại sao những người nông dân đời sống kinh tế không dư dật, nhưng hàng năm họ đều khăn gói, khăn nắm đi lễ hội chùa Hương, rồi lễ hội đền Hùng… Đó là nhu cầu về tâm linh nhưng cũng là một nhu cầu của hiện thực đời sống. Họ đi để tìm sự thanh thản trong tâm hồn, để khi trở về lại bắt đầu một năm làm ăn vất vả…. Tuy nhiên thời đại nào thì lễ hội ấy, thời kỳ công nghiệp hiện đại rất khoát phải có lễ hội công nghiệp hiện đại. Chúng ta có cả một tháng Giêng để tổ chức các lễ hội đầu năm. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều ý kiến cho rằng, khoảng thời gian đó là quá lãng phí. Quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào? – Đúng là chúng ta có rất nhiều lễ hội dân gian. Ví như tỉnh Thái Bình, 1 năm có tới 200 lễ hội. Theo tôi, số lượng lễ hội căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế. Trước đây, một tuần có 7 ngày chúng ta làm việc 6 ngày. Nhưng do kinh tế phát triển, chúng ta được 2 ngày nghỉ ngơi và mua sắm. Lễ hội cũng từ đó mà được tổ chức nhiều hơn để phục vụ chính nhu cầu nghỉ ngơi và vui chơi của con người. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa thoát ra khỏi danh sách các nước nghèo trên thế giới, xuất phát điểm kinh tế chúng ta còn thấp, một bộ phận dân trí chúng ta cũng còn thấp, nên việc tổ chức quá nhiều lễ hội cũng cần phải nhìn nhận một cách đúng mực. Một nước nghèo mà tổ chức quá nhiều lễ hội thì theo tôi là không phù hợp. Do đó không nên tổ chức tràn lan mà chỉ nên duy trì những lễ hội có vai trò, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Còn độ bao nhiêu lễ hội thì vừa thì cũng khó xác định. Thiết nghĩ, các cơ quan hành chính không nên áp đặt, nhưng yêu cầu đặt ra là lễ hội tổ chức vui vẻ, lành mạnh nhưng phải tiết kiệm. Vậy theo Ông, các lễ hội có còn giữ được nguyên vẹn ý nghĩa của nó trong đời sống hiện đại? – So với ngày xưa thì phải khẳng định nhiều lễ hội không còn giữ được nguyên vẹn ý nghĩa của nó. Phần tâm linh của lễ hội có phần phai nhạt. Ngày nay người ta đến lễ hội phần nhiều là được vui vẻ, được hòa mình vào một không khí sôi động, được thư giãn sau một năm làm ăn vất vả. Tuy nhiên, phần tâm linh cũng có chứ không phải đã mất hẳn. Nhưng rõ ràng, sự thương mại hóa trong hoạt động lễ hội là điều đang nổi cộm. Ông muốn nói đến những mặt trái của lễ hội ngày nay? – Không thể phủ nhận điều này. Ngày nay, các lễ hội không chỉ là nơi để con người hướng thiện, hòa mình vào cộng đồng mà ở không ít địa phương nó đã trở thành một dịp để người dân làm ăn, kiếm tiền. Và đáng buồn là người ta tìm mọi cách để tận dụng cơ hội đó. Nạn cờ bạc bịp, nạn dải đinh, chặt chém khách, lừa bịp khách… xảy ra nhiều khiến cho các lễ hội mất đi sự linh thiêng vốn có của nó. Tôi nghĩ, lãnh đạo địa phương phải tự chịu trách nhiệm trước các tệ nạn tại xảy ra tại các lễ hội. Còn cách thức tổ chức lễ hội hiện nay của các địa phương, Giáo sư có nhận xét gì? – Về cách thức, tôi nghĩ có mặt được và mặt chưa được. Mặt chưa được chủ yếu là do trình độ quản lý của chúng ta. Các cơ quan chức năng đã chưa thực sự phát huy hết vai trò của mình trong việc quản lý các lễ hội. Một phần nữa phải nói là do chính người dân. Một bộ phận người dân đã quên đi cái nét đẹp trruyền thống, chạy theo kinh tế thị trường, theo cái lợi trước mắt mà làm mất đi bản sắc tốt đẹp của các lễ hội. Thực tế, địa phương nào mà làm chưa tốt là họ chưa suy nghĩ đến chuyện đầu tư lâu dài vì khách thập phương đến địa phương không chỉ đến với lễ hội mà còn xem cách ứng xử của người dân địa phương. Địa phương nào làm tốt công tác lễ hội thì cũng là làm tốt công tác quảng bá văn hóa và thu hút khách du lịch. Sự trở lại của du khách nhiều lần mang lại lợi ích hơn nhiều so với việc khách chỉ đến một lần. |
Cập nhật ( 23/02/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com