Thiên Giả
TÓM TẮT
Chùa Ghositaram (ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) được xem như một “bảo tàng mỹ thuật” thể hiện tài năng của các nghệ nhân Khmer, và là một trong những điểm đến văn hóa vô cùng độc đáo. Bên cạnh giá trị về kiến trúc, mỹ thuật… ngôi Chùa còn lưu giữ thư tịch cổ Kinh lá Buông với nội dung được viết trên đó được xem là tài liệu quí, chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, Kinh thuyết pháp, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ, kinh đức Phật Thích Ca, Tam Tạng Kinh… được xem là di sản văn hóa của người Khmer.

Từ khóa: Khmer, Kinh lá Buông, Tây Nam Bộ, Ghositaram, Phật giáo
1. MỞ ĐẦU
Mỗi dân tộc có một lối viết chữ riêng và có những loại “sách” riêng chữ viết thể hiện trên đất, trên da thú, chữ thẻ tre… Người Khmer có Satra- chữ viết trên lá Buông.Satra, tiếng Khmer có nghĩa là những hàng chữ viết trên lá, một tập sách là Buông. Các tập sách lá Buông này chứa đựng nhiều nội dung như các sáng tác dân gian, cũng như những tư liệu văn hóa – tôn giáo nên ngày nay được gọi chung là Kinh Lá Buông.Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, Kinh lá Buông là tài sản quý không gì sánh được nên được gìn giữ rất cẩn thận và chỉ mở ra đọc vào những dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng. Trong bài viết này, người viết giới thiệu bộ thư tịch cổ Kinh lá Buông đang lưu giữ tại chùa Ghositaram với mục đích đánh giá thực trạng, sử dụng và bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo đặc sắc của đồng bào Khmer hiện nay .

2. NỘI DUNG
2.1 Khái quát về Phật giáo Nam tông Khmer tại Bạc Liêu
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam. Bạc Liêu có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Hoa, người Việt, người Khmer, người Chăm… Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 10 tôn giáo khác nhau đạt 128.029 người, nhiều nhất là Phật giáo có 76.206 người, tiếp theo là Công giáo đạt 45.226 người, đạo Cao Đài có 5.550 người, đạo Tin Lành có 618 người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam đạt 354 người. Còn lại các tôn giáo khác như Phật giáo Hòa Hảo có 39 người, Minh Sư Đạo có 15 người, Hồi giáo có 14 người, Baha’i giáo có 5 người và Bửu Sơn Kỳ Hương có 2 người.[1]
Giống như các tỉnh Tây Nam bộ khác, tuyệt đại đa số đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tại Bạc Liêu đều theo Phật giáo. Hệ phái Phật giáo Nam tông là nét đặc trưng tôn giáo của người Khmer, đời sống văn hóa, tinh thần của người Khmer luôn gắn bó với ngôi chùa. Chùa là nơi trang nghiêm thờ phụng, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, vừa là trung tâm bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, phong tục và truyền thống văn hóa nghệ thuật tốt đẹp của dân tộc Khmer, đồng thời cũng là nơi tập hợp đoàn kết các tầng lớp dân cư.
Theo Thượng Tọa Tăng Sa Vong[2] hiện nay Bạc liêu có tất cả 22 ngôi chùa, 7 salatel, 292 vị (02 vị Hòa thượng, 09 vị Thượng tọa,Đại đức 28. 124 Tỳ khưu và 133 vị sadi, 22 Ban quản trị chùa với 430 thành viên, tiểu ban salatel có 30 thành viên).
Chùa Ghositaram là một trong 22 ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer tại Bạc Liêu. Chùa có nét kiến trúc độc đáo được xây dựng và thiết kế theo hệ phái Phật giáo Nam Tông của người Khmer, chùa Ghositaram được xây dựng vào năm 1860 và được tổ chức lễ khánh thành lần đầu vào năm 1872. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa bắt đầu xuống cấp và được trùng tu vào năm 2001. Mất gần 10 năm xây dựng chánh điện của chùa mới được hoàn thành với diện tích hơn 400m2 và chiều cao là 40m. Những tòa tháp phía trên đầu chánh điện được xây dựng, trang trí rất công phu theo phong cách kiến trúc Khmer.
Bên cạnh những công trình kiến trúc mỹ thuật thường được nhắc đến, Chùa Ghositaram còn lưu giữ những bộ thư tịch cổ đó Kinh viết trên lá Buông, theo Hòa thượng Hữu Hinh[3] : “chùa còn lưu giữ bộ Kinh Tạng trên lá Buông như Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, Tương Ưng Kinh Và Tiểu Bộ Kinh, ngoài ra còn lưu giữ các tài liệu về kiến thức văn hóa dân gian của người Khmer. Trước đây các hạng mục Kinh lá Buông đều được ghi chú trong các thư mục bằng và được dán trên các bộ Kinh, nhưng trong lúc di dời các bộ kinh từ các nhà tăng cũ sang nhà tăng mới,các mảng giấy này rớt ra, các vị di chuyển không biết đọc các danh mục này nên nghĩ là giấy bỏ, đem đi đốt hết, vì vậy bây giờ không còn biết số lượng và vị trí của các bộ kinh”.
2.2. Khái quát về kinh lá Buông
Từ xa xưa, người tiền sử dùng tiếng nói làm phương thức giao tiếp, những kinh nghiệm sống thì được ghi lại bằng trí nhớ của mình và dùng phương thức truyền khẩu đề truyền đạt trong cộng đồng, nhưng với xã hội loài người ngày càng phát triển thì phương thức truyền khẩu và ghi nhớ không còn chứa đựng hết kiến thức trong cuộc sống nên từ đó con người cho ra đời những ký tự để ghi lại những kiến thức này và đó là chữ viết, lúc sơ khai chữ viết chỉ là những hình tượng được ghi lại trên những tảng đá, bằng những hình tượng này đã nói lên ý tưởng của người nói người ta gọi là từ tượng hình, ví dụ: vẽ cây rìu thì người ta biết là người nói muốn nói về cây rìu… tuy nhiên việc sử dụng những hình tượng này dần dần được thay thế bằng các ký tự đơn giản hơn chia vào từng nhóm gồm phụ âm, nguyên âm và ghép lại thành những cụm từ chúng ta đó là chữ viết, khi có chữ viết người ta dùng vật liệu như phiến đá, lá cây, da thú để viết lại những kiến thức trong đời sống hằng ngày.
Đối với người Khmer cũng như vậy, sau khi có chữ viết thì họ dùng những phiến đá, da thú, lá cây ..ghi lại triết lý sống, thơ ca, kiến thức của xã hội. Sau này người Khmer tìm ra một loại lá cây có hình dạng giống lá thốt nốt, sau đó đem phơi khô và dùng một loại bút đặc biệt có mũi nhọn làm bằng kim loại để ghi lại toàn bộ kiến thức, văn hóa, những phong tục tập quán sinh hoạt của ngưởi Khmer để truyền cho các đời sau này, loại lá đó người ta gọi là lá Buông thường được gọi là Satra.Tài liệu lá Buông là loại thư tịch cổ quý hiếm được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo hệ thống ký tự chữ viết Khmer vì Pali không có chữ viết.
Hòa thượng cho biết, Kinh lá Buông xuất hiện vào thế kỷ XIX và được phân ra bốn nhóm chính:
1. Satra Rương: satra truyện
Satra Rương có nghĩa là satra truyện, hoặc nếu gọi theo ngôn ngữKhmer hiện đại là bộ văn học tiểu thuyết ( Óc-so-sắc pơ-ro lom-luốc),những mẫu truyện được ghi trên lá Buông được các nhà Sư đọc cho tín đồ nghe, hoặc do người kể lại dưới ánh đèn dầu, dưới ánh trăng, ngoài ra những tác phẩm văn học thuộc loại này thường được các nghệ nhân dựa vào để soạn thành kịch bản sân khấu nên nó còn được gọi là truyện tuồng Lò-Khon (tầm nuông Lò -khon) . Thực ra, các tác phẩm văn học này phần lớn là truyện thơ cổ, trong đó một số được sáng tác trên cơ sở các cốt truyện dân gian. Tuy được xây dựng theo quan điểm của tôn giáo – phong kiến, nhưng đây là sáng tác có tính dân tộc. Những Sa-tra Rương hầu hết là những truyện thơ dài. Phổ biến có các truyện Pơ- Rặc Chin – na -vông, Pơ- rặc Lắc Sin-na-vông, Khơ- doang Sâng, Hông Dong (Thiên nga máy), Pơ-rặc Sô-Mút, Săng-Sal-chây, Mus-cha-lin, Pêch-cha-ta, Sú-Cây-thông, Chàm-pa Thông, Ví-miên-nắ-chăn v.v. Trình tự không gian cũng được tuân thủ theo trình tự thời gian. Đôi khi, những truyện có nhiều tình tiết thì mạch truyện lại được kể theo lối tiểu thuyết chương hồi. về hình thức văn học trong mỗi truyện, thường dùng năm thể thơ sau đây, tùy theo tình huống của câu chuyện:
– Thể thơ Kakagati:dùng để thuật chuyện hay dùng trong các đoạn đối thoại thông thường.
– Thể thơ Brahmagati: dùng để kể sự khổ sở, thương tiếc trong giây phút cô đơn.
– Thể thơ Phu-chônh Li- lia: dùng để diễn tả sự vui mừng, phấn khởi, miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên.
– Thể thơ Pùm-nool ka-et:dùng để thuật lại các cuộc đối thoại gay gắt, giận dữ, hay hăng hái trước khi giao chiến.
– Thể thơBăn-tool-kăc: dùng để diễn tả lối nói vòng vo, diễu cợt giữa hai người, và thường dùng miêu tả giây phút chuẩn bị, trước lúc lên đường.Năm thể thơ trên đây được các tác giả tuân thủ nghiêm túc. Do vậy, người đọc chỉ cần biết thể thơ, có thể hình dung được tính chất của đoạn truyện ấy, về mặt ngôn ngữ truyện thường lạm dụng những từ Sanskrit và Pàli nhờ được lưu truyền bằng nhiều phương thức khác nhau, nội dung, cốt truyện trong các Satra Rương phổ biến khá rộng rãi. Do vậy, bên cạnh truyện cổ dân gian Satra rương có tác dụng nhất định đến nhận thức của đồng bào Khmer về thiện -ác, phải- trái, chính nghĩa-gian tà.
2. Satra Lơ-beng: satra giải trí
Satra Lbeng như tên gọi của nó là những Satra ghi chép về các trò chơi giải trí dân gian, các trò thể dục thể thao cổ truyền.Thật ra, các sa – tra này, không chỉ là tư liệu về các trò chơi giải trí, mà là những câu truyện, phản ánh những sinh hoạt lao động, vui chơi (đá gà, đánh cầu, đấu vật, đá kiệu, thả diều), đến việc cưới xin, hội hè… đặc điểm của loại truyện này, thay vì mang tính chất thần kỳ của cổ tích, lại bị khuôn đúc bởi quan điểm luân hồi, nhân quả của Phật giáo. Do vậy việc khuyến thiện răn ác được thuyết minh một cách giáo điều, nặng về phần minh họa giáo lý hơn là một phản ánh các quan hệ xã hội.
3. Satra Chơ-băp: satra luật giáo huấn
Sa-tra chơ-bắp là tên gọi chung những giáo huấn ca,Satra bắp chia thành hai loại dành cho người tu hành và loại dành cho người bình thường. Nóimột cách gần đầy đủ, người Khmer nam Bộ có khoảng 11 giáo huấn ca sau đây:
1. Chơ-bắp pờ-roos: Luật dạy con trai
2. Chơ-bắp sơ-rây: Luật dạy con gái
3. Chơ-bắp Hê-ma-ha chan: Luật dạy dân chúng
4.Chơ-bắp Bon-Đam bế-đa: Luật dạy của bậc làm cha.
5. Chơ-bắpKôn chau lo-bơt: luật dạy con cháu.
6. Chơ-bắp Tôul – miên khơ-luông: luật tu thân.
7. Chơ-bắp vi-thua bành đit: luật dạy người trí thức.
8. Chơ-bắp piek chas: luật dạy của người xưa.
9. Chơ-bắp rích-nê-tiếc hay còn gọi là chơ-bắp Pờ-rặc Rích Sầm-phia) : luật nhà vua dạy dân chúng.
11. Chơ-bắp Kê kal: luật di huấn; còn gọi là Chơ-bắp sê thây: luật phú hộ dạy con.
12. Chơ-bắp Pơ Kôn chau: luật dạy con cháu.
Nội dung các giáo huấn ca trên bao gồm những lời khuyên, những qui tắc về đạo đức, bổn phận của con cái, cha mẹ, dân chúng và phép xử thế theo quan điểm phẩm hạnh phong kiến và tôn giáo. Ngoài ra cũng có những đoạn thơ khuyến thiện răn ác, khuyên bảo con người phải siêng năng, phải ăn ở đúng theo đạo lý, giữ gìn tốt quan hệ trong gia đình, thân thuộc, và những điều cần chú ý trong sinh hoạt như ăn tiêu tiết kiệm, phải biết dành dụm phòng xa, phải biết lo toan sắp đặt công việc làm rẫy, làm ruộng, dệt vải, thêu thùa, cả những kinh nghiệm trong việc cưới vợ, chăm sóc con cái. Các giáo huấn ca còn phê phán các thói hư: như cờ bạc, rượu chè, ăn tiêu hoang phí, chơi bời, và qua việc phân tích lợi hại nhằm khuyên người ta nên tránh xa.
Về hình thức, các giáo huấn ca Khmer Nam bộ là những bài văn vần dài gồm nhiều khổ thơ ghép lại. Nếu ở mỗi sa-tra Rương dùng cả 5 thể thơ để sáng tác. Thì ở mỗi giáo huấn ca lại dùng một trong 5 thể thơ này. Satra Chơ-bắp, trước đây thường dùng để dạy trong trường chùa, hoặc được các người lớn tuổi ngâm trong những lúc rảnh rỗi, Satra Chơ-bắp được dùng để giảng dạy đạo lý ở trường chùa, cùng với một số loại sa-tra khác đó là Satra Tếs.
4. Satra Tes: Satra kinh, kệ
Satra Tếs là loại sa-tra ghi chép những Phật thoại và kinh Phật. Theo ngôn ngữ khmer hiện đại, toàn bộ sa-tra Tếs có thể gọi là mảng văn học Phật giáo. ở loại sa-tra này ta thấy có các tập sau đây:
- Tập Chiếc đok gồm có nhiều quyển ghi chép các chuyện kể về kiếp trước của Phật Thích Ca như truyện mô-ha sát kể về kiếp Phật còn là một thầy thuốc, kơ- rông sốp-bì-sách kể về kiếp đức Phật còn là một cặp chim đa đa.
- Tô chiếc là tập truyện kể những Phật thoại nói về 10 hạnh của đức Phật như hạnh bố thí, hạnh trì giới, hạnh tinh tấn.
- Mô-ha chiếc hay còn gọi là Đô-ha-chiếc đok là truyện nói về (tiền kiếp) của Phật, lúc Phật còn là hoàng tử Vê sân-đo, người thực hành triệt để hạnh bố thí. Bộ sách này, được coi là bộ sách đồ sộ nhất, gồm 14 quyển.
- Ngoài ra, trong Satra Tếs, còn có các bộ kinh Phật khác như bộ Trai- bây- đók (Tam Tạng Kinh), Dhammapada (Pháp cú kinh) được phiên dịch từ kinh tạng Pali ra tiếng Khmer.
2.3 Thực trạng bảo quản và sử dụng tài liệu Kinh Lá Buông tại Chùa Ghositaram hiện nay
Sau khi tìm hiểu và trao đổi với Hòa thượng trụ trì về thực trạng gìn giữ và sử dụng các tài liệu trên Kinh lá Buông hiện nay, người viết nhận thấy rằng:
Thực trạng chung, hiện nay việc phát triển các tài liệu, kinh sách viết trên giấydẫn đến các bản kinh lá Buông không được sử dụng, ngoài ra do chữ viết trên lá Buông cũng khó đọc,nên các các nội dung trong các tập tài liệu này ít được nghiên cứu và xem xét. Từ những nguyên nhân này các bộ Kinh lá Buông lưu giữ tại các chùa, ngày nay được xem như bảo vật và được bảo quản, gìn giữ cẩn thận trong tủ hoặc kệ và không sử dụng đến.
Tại chùa Ghositaram cũng giống như các chùa Khmer khác, các bộ kinh lá Buông được bọc trong vải, xếp ngay ngắn và được bó lại, gìn giữ trong các tủ sách riêng biệt tại phòng khách của trụ trì, việc vệ sinh và kiểm tra còn lại tại chùa ít được quan tâm.

Trước đây, Kinh trên lá Buông được các chùa sử dụng trong các buổi thuyết pháp tại các lễ hội lớn của người Khmer như Chol Chnam thmay, lễ Sen dolta, lễ dâng Y Kathina…theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy các buổi thuyết pháp theo phương thức song đối, tam đối, tứ đối..trong đó sẽ có vị pháp sư đưa ra câu hỏi về kinh tạng, có vị hỏi về luật tạng, hỏi về các vấn đề liên quan đến Phật giáo và các vị khác với nhiệm vụ và trách nhiệm của mình sẽ trả lời các câu hỏi của vị chủ tọa thông qua các bộ kinh hay luật được viết trên lá Buông, các Pháp sư trước đây không được thuyết pháp bằng phương thức diễn giải bằng lời nói theo kiến thức của mình, các pháp sư phải nhìn vào lá Buông để thuyết pháp, phương thức vấn đáp này giống như phương thức truyền thống ở các kỳ kết tập kinh điển của Phật giáo.
Các Phật tử theo Phật giáo Nam tông rất tin tưởng vào sự mầu nhiệm của các bộ kinh viết trên lá Buông vì họ tin rằng những Kinh được ghi lại trên lá Buôngchính từ lời Phật thuyết và được các vị thánhTăng ghi chép lại. Việc hoàn thành mộtbộ kinh lá Buông là một kỳ công, trước đây thường được các chư Tăng phát nguyện ghi chép lại, một vị sư muốn viết một bộ kinh trên lá Buông, phải có tinh thần tập trung cao độ, tìm một nơi vắng lặng, không bị tác động bên ngoài, tập trung viết xuống bằng trí nhớ của mình, không được sai sót vì mỗi lỗi viết xuống không thể xóa, phải bỏ lá đó và viết lại, do đó người viết lá kinh lá Buông phải đạt được Định trong thiền rất cao.Trước khi viết một bộ kinh lá Buông, người viết phải thắp hương và khấn nguyện, phát tâm viết kinh lá Buông.Sau khi viết theo kiểu khắc họa này xong, người ta phải dùng loại bột lấy từ một loại cây cũng thường xuất hiện vùng Bảy Núi để bôi lên lá. Sau đó, bột này sẽ ngấm vào lá Buông, hiện lên những chữ viết như chúng ta thấy. Để hoàn thành một bộ kinh lá, người ta thường mất cả năm.
Ngoài những yếu tố trên theo chúng tôi tìm hiểu, thực trạng hiện nay là nguồn lá Buông không còn vì hiện nay các cây Buông không còn nhiều, chỉ còn ở một số nơi như Tri Tôn, Tịnh Biện thuộc tỉnh An Giang và đất nước bạn Campuchia. Quan trọng nhất là tìm nghệ nhân viết chữ trên kinh lá Buông. Hiện nay chỉ còn Hòa Thượng Châu Ty, Trụ trì chùa Sóc soài, xã Núi tô, huyện Tri tôn, Tỉnh An giang được xem như là nghệ nhân viết chữ trên kinh lá còn lại duy nhất được biết đến, điều đáng mừng hiện nay Hòa thượng đang mở lớp đào tạo các Sư viết chữ trên kinh lá Buông.
2.4 Một số kiến nghị và giải pháp bảo tồn Kinh Lá Buông
Trong suốt chiều dài lịch sử hoằng truyền giáo pháp của Đức Phật, Lá Buông đã đồng hành trong việc lưu giữ và làm tròn sứ mệnh của mình đem Phật Pháp đến với mọi người. Kinh tạng trên lá Buông đã là một trong những di sản chung của Phật giáo. Người Khmer rất tự hào đối với di sản đậm chất Phật giáo gắn liền với văn hóa tâm linh của dân tộc mình, một di sản văn hóa vừa phong phú, vừa đa dạng và rất đặc sắc. Di sản văn hóa đó kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của các vị cao tăng, nghệ nhân tiền bối qua bao thế hệ của Người Khmer ở vùng đất Tây Nam Bộ có bề dày lịch sử văn hóa này. Di sản văn hóa đó không chỉ là tài sản của người Khmer nơi đây, mà còn là tài sản của Quốc gia; phản ánh một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất di sản văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer và là nền tảng quan trọng để tạo nên bản sắc văn hóa và hệ giá trị của văn hóa dân tộc và của đất nước. Văn học dân gian,phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống,… Tuy nhiên, do đặc thù của di sản văn hóa này là vật liệu lá cây, vì vậy cùng với thời gian di sản này sẽ bị hủy hoại do thời tiết và côn trùng, bên cạnh đó quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ; cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện, đã tác động một cách sâu rộng đến việc sử dụng Kinh tạng trên lá Buông, bởi các bản kinh văn được in ấn bằng những vật liệu hiện đại và dễ sử dụng hơn. Di sản văn hóa Kinh lá Buông cũng rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần có các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa này làm cho di sản văn hóa kinh lá Buông tiếp tục tỏa sáng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn hiện nay.
Hiện nay tài liệu viết trên lá Buông của người Khmer không được sử dụng nữa nhưng những tư liệu quí trong đó cần được bảo tồn và khám phá để tìm hiểu hết tri thức của các bậc tiền bối đã ghi lại cho concháu mình sau này, bên cạnh đó việc tìm hiểu kinh tạng trên lá Buông cũng là một phương thức để đánh giá lại sự xuất hiện của các bộ kinh theo hệ phạn ngữ Pali của người Khmer đối với vùng đất Tây Nam Bộ và tỉnh Bạc Liêu.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[4], do đó việc khảo cứu và bảo tồn cần được các cơ quan quản lí có thẩm quyền lên phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Người viết đưa ra một số giải pháp như sau:
2.4.1. Bảo tồn và phát huy giá trị của Kinh Tạng trên Lá Buông
Bảo tồn không có nghĩa là chỉ lưu giữ lạibằng các hình thức xuất bản các ấn phẩm, trưng bày ở bảo tàng, mà điềuquan trọng nhất là chúng ta bảo tồn di sản đó như thế nào? Di sản đó cóđược lưu giữ trong cộng đồng hay không?Việc tạo cho di sản môitrường sống là cách kiểm định tốt nhất để chứng tỏ hiệu quả của công tácbảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Do đó việc bảo tồn và phát huy giá trị của Kinh lá Buông trước hết cần phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý về văn hóa như sở văn hóa, ban dân tộc tôn giáo, phòng văn hóa, thông tin các cấp nhất là cấp huyện lập ra những đề án nhằm đưa ra giải pháp bảo tồn tốt nhất trong đó lên phương án gây dựng lại phương thức hay cách viết chữ ( khắc chữ) trên lá Buông tại bổn đạo chùa Ghositaram. Vì phương thức hay cách viết chữ trên lá Buông là một nghệ thuật thật sự và hiện nay không còn nhiều người biết viết hay còn gọi là nghệ nhân viết kinh chữ trên kinh lá Buông.
Tiếp đến là phương án phục hồi nghề chạm khắc chữ trên lá Buông và những tài liệu đang được lưu trữ trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer, quan trọng hơn nữa các tri thức có trong tài liệu ấy
Tóm lại, để cho Kinh lá Buông tồn tại và sống lại thì trước hết cần phải có hướng bảo tồn các tài liệu lá buông hiện có, nghiên cứu tri thức được lưu giữ trong đó và phải tính đến vấn đề phục hồi nghề chạm khắc chữ trên lá buông trong tình hình nghệ nhân trong lĩnh vực này dần mất đi.
2.4.2. Bảo vệ, gìn giữ và sưu tầm các bản Kinh trên Lá Buông
Hiện nay tại chùa Ghoshitaram các bản kinh lá được Hòa Thượng trụ trì gìn giữ cẩn thận, tuy nhiên phương thức vẫn còn dùng cách thủ công.
Làm thế nào bảo vệ được những bản kinh này không bị phá hủy do mối mọt và độ ẩm. Mối là loại côn trùng hủy hoại nhiều nhất với kinh lá Buông nếu không có phương thức bảo vệ như xịch thuốc chống côn trùng.
Khi chúng tôi đi tìm hiểu và khảo sát tại một số chùa, được biết nguyên nhân chủ yếu các bản kinh lá đều bị mối tàn phá và nhiều chùa đã đem đi thiêu hủy phần lớn các bản kinh lá đó và hiện nay nhiều chùa không còn các bản kinh bằng lá nữa.
Hòa thượng trụ trì cần kết hợp với các ban ngành quản lý về văn hóa tại địa phương và tất cả các vị trụ trì ở tất cả các chùa trong tỉnh Bạc Liêu lên kế hoạch tổng hợp lại tất cả các bản kinh lá hiện nay các chùa đang cất giữ, sau đó phân loại theo từng danh mục, lên phương án bảo vệ các bản kinh còn lại, và mở hội thảo cũng như giới thiệu các bản kinh lá đến nhân dân trong tỉnh, cho mọi người dân chiêm ngưỡng các bản kinh và lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer qua tài liệu Kinh lá.
Công tác bảo quản Kinh lá nên kết hợp với các cơ quan quản lí nhất là thư viện ở cấp tỉnh tìm hiểu phương thức bảo quản các bản kinh còn lại một cách hợp lí và khoa học nhất.
2.4.3. Chụp hình lưu lại trong dữ liệu máy tính
Việc cần làm hiện nay tại chùa Ghoshitaram là đem các bản kinh ra vệ sinh, sau đó là chụp, scan các bản kinh lưu giữ vào máy vi tính, sau đó mời các chuyên gia đến để đọc phân tích, sàn lọc các loại kinh lá vào từng nhóm như Kinh, Luật, Luận, Thơ ca, tín ngưỡng dân gian…bước sau cùng là đưa lên mạng internet để quảng bá di sản này đến công chúng một cách tốt nhất. Chúng ta sẽ có một nền văn hóa dân gian cổ đại của người Khmer sau khi chúng ta sàng lọc và phân loại các bản Kinh lá.
2.4.4. Đào tạo và phục hồi các nghệ nhân viết và đọc các bản Kinh lá
Để kinh lá Buông tồn tại và lưu truyền trong tương lai, không bị mất đi, chúng ta phải tạo ra những con người biết sử dụng các bản kinh, và truyền thừa đến ngày sau.
Do đó, ngay bây giờ chùa Ghoshitaram lên phương ángởi các sư qua An giang học kỹ thuật viết và đọc kinh lá, vì theo chúng tôi được biết hiện nay chỉ còn Hòa Thượng Châu Ty là Ngài còn biết cách viết chữ trên Kinh lá[5]. Hiện nay Ngài đang mở lớp dạy cách viết và đọc chữ trên kinh Lá. Đây là một phương án về lâu dài với mục tiêu là có người sẽ dạy lại các sư đang theo học tại các lớp sơ và trung cấp tại chùa Ghoshitam.
Việc lên phương án phục hồi cách viết chữ và đọc Kinh lá cũng là một phương thức bảo tồn chữ viết của Người Khmer bao gồm hệ thống chữ viết Khmer cổ và chữ đổi mới.
3. KẾT LUẬN
Di sản Kinh lá Buông của Phật giáo Nam tông Khmer chứa đựng những loại hình văn hóa truyền thống, không gian sống, giá trị lao động sản xuất, tri thức tôn giáo phản ánh đặc trưng văn hóa – văn minh của người Khmer tại các địa phương được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Bên cạnh di sản chùa chiền chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa về tâm linh, kiến trúc, tượng thờ thì Kinh lá Buông là loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu cho vùng đất Nam Bộ và con người Khmer của chúng ta. Việc xây dựng một phương pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Kinh lá Buông là góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Khmer và của đất nước Việt Nam. Việc làm thiết thực này đòi hỏi phải có sự tham gia đồng bộ của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, các cơ quan nhà nước và cộng đồng cư dân Khmer tại các địa phương mới có thể hoàn thiện được một mô hình di sản văn hóa Khmer Nam Bộ. Sự kết hợp này sẽ giúp cho các di sản của dân tộc Khmer tăng thêm giá trị để trở thành những khu bảo tồn nuôi dưỡng nền tảng đạo đức cho Phật tử Khmer thuần thành, xây dựng không gian môi trường, văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến sự phát triển của cư dân Khmer tại Tây Nam Bộ và cộng đồng Khmer tại miền Đông Nam Bộ.
Tài Liệu Tham Khảo
- Tài liệu Kinh Lá Buông Tại Chùa Ghisitaram
- https://phatgiao.org.vn/di-tim-truyen-nhan-chep-kinh-tren-la-buong-cua-nguoi-kmer-an-giang-d35297.htm
- https://baotintuc.vn/dan-toc-mien-nui/kinh-la-buong-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-20170221165417519.htm
- https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1c_Li%C3%AAu#cite_note-dstcdtvn-23
[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1c_Li%C3%AAu#cite_note-dstcdtvn-23
[2]TT. Tăng Sa Vong, UV HĐTS TW Giáo Hội, Phó trưởng Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, Phó Trưởng ban thường trực HD9KSS Yêu Nước Tỉnh Bạc Liêu
[3]HT. Hữu Hinh, Thành Viên HĐCM Phật Giáo Việt Nam, CMBTS Phật Giáo tỉnh Bạc Liêu, Chủ Tịch HĐKSSYN tỉnh Bạc Liêu, Trụ Trì chùa Ghoshitaram.
[4]https://baotintuc.vn/dan-toc-mien-nui/kinh-la-buong-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-20170221165417519.htm
[5]https://phatgiao.org.vn/di-tim-truyen-nhan-chep-kinh-tren-la-buong-cua-nguoi-kmer-an-giang-d35297.html