GIỚI NI TRẺ NƠI ĐẤT BẠC LIÊU XƯA VÀ NAY * Thích Nữ Phương Minh Tôi được vinh dự tham gia hội nghị SAKYADHITA” Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11” tổ chức tại Thành Phố Hồ Chí Minh chùa Phổ Quang, do Phân Ban đặc trách Ni giới Việt Nam đứng ra tổ chức vào ngày 28 tháng 12 đến ngày 3 tháng 1 năm 2009. Qua trình bày của các tham luận viên, nêu cao gương tốt, việc tốt của người nữ xuất gia và tại gia trong thời kỳ mới. Trong lòng tôi dâng trào xúc động, vì sự cống hiến sức lực thầm lặng của chư vị Ni Trưởng, Ni sư, các Phật tử nữ cho đạo pháp, cho xã hội quá ư là thánh thiện. Tôi hâm mộ và khâm phục vô cùng khi nhìn thấy thực tế quang cảnh bố trí của hội nghị kết hợp hài hòa từ triển lãm, bếp ăn, nội dung hình thức, các chương trình văn nghệ và đề tài hội thảo làm cho người dự hội nghị như lúc nào cũng thấy phấn khởi cho một ngày mới khi dự hội nghị. Sự cống hiến tài trí sức lực hôm nay chư Ni khẳng định vị trí của mình có thể sánh vai tiếp sức với chư Tăng trong phật sự hoằng truyền chánh pháp. Qua Hội nghị, với danh nghĩa “ Những người con gái yêu của đức Như Lai” làm cho tôi nhớ đến một vị Ni Trưởng nơi đất Bạc Liêu, một vị Ni hoạt động thầm lặng cho đạo pháp, cho giáo hội. Nên nhắc đến công đức của Ni Trưởng thượng Như hạ Thanh, chúng ta không làm sao quên được vị Ni Trưởng thượng Hồng hạ Nga đã có công mở Trường Phật học cho chư Ni đầu tiên ở Nam Bộ. Với ý nghĩ đó mà tôi muốn chia sẽ cùng với quí vị một vị Ni tài ba xuất thân từ một tiểu thư đài cát, đã làm nên trang sử vẽ vang cho giới Ni nói chung và chư Ni nơi đất Bạc Liêu nói riêng, sự cống hiến của vị Ni trẻ tại tỉnh Bạc Liêu đã được giới nghiên cứu ghi nhận là Ni Trường Phật học đầu tiên ở Nam bộ. Kính thưa hội nghị ! Trong bài tham luận này, Tôi xin trình bày về hai vấn đề: Trường Phật học Ni ngày xưa (1927) và Trường Phật học Ni ngày nay. (2005) 1 Trường Phật học Ni ngày xưa: * Tiểu sử Chùa Giác Hoa: Chùa Giác Hoa tọa lạc ở gần cầu Cái Dầy, ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, tỉnh Bạc Liêu. Vị khai sơn tạo tự chính là Ni Trưởng thượng Hồng Hạ Nga, thế danh là Hùynh Thị Ngó, tự là Hai Ngó. Người địa phương thường gọi là chùa cô Hai Ngó. Ni Trưởng lớn lên trong một gia đình giàu có, ruộng đất phì nhiêu nổi tiếng ởvùng “Công tử Bạc Liêu”. Nguyên nhân xuất gia: Sau khi lập gia đình, cô sinh được một bé trai cáu kỉnh. Trong lúc còn nằm trong nhưng ngày mới sanh nở, ăn cướp đã xông vào nhà cướp của, nhưng cả hai vợ chồng đều biết võ nghệ nên chúng không lấy được gì. Nhưng do bọn chúng đông và sức khỏe của cô còn rất yếu, nên người chồng phải đỡ tiếp cho vợ những cú đánh của bọn cướp nên phải bị trọng thương dẫn đến cái chết. Trong sự đau đớn mất chồng chưa nguôi thì đứa con mới sanh lại bị bịnh sỏi (bệnh đậu mùa) mà chết. Cô chết điếng cả người khi những người thân yêu lần lược qua đời. Cái khổ chồng lên cái khổ cô như người mất hồn quẩn trí, muốn tự vận chết theo chồng và con cho rồi.. Cơ duyên đã đến: Mai thay trong sự đau khổ đó, cô lại được sư cô Diệu Ngọc đến khuyên bảo và phân tích lẽ vô thường của kiếp người, và khuyên cô muốn chung thủy với chồng thì nên xuất gia, vì hiện tại cô là người rất xinh đẹp. Lời khuyên của sư cô Diệu Ngọc đúng lúc, đúng thời, như liều thuốc trường sinh đánh mạnh vào tâm thức vô minh làm cho căn lành của cô được bừng sáng. Cô lên núi Ba Chúc xuất gia với Hòa Thượng Chí Thiền chùa Phi Lai ở Tỉnh Châu Đốc. Vốn bản tánh thông minh, tài trí và rất giỏi về tiếng pháp, nên khi thọ pháp với Hòa Thượng không bao lâu thì sư cô lãnh hội được yếu chỉ Phật pháp rất mau. Thời gian tu tập sư cô đã bạch cùng Sư Phụ xin trở về quê nhà dùng tiền tài của mình mà cất lên ngôi chùa để đem lại phật pháp cho bà con trong vùng Bạc Liêu. Hòa Thượng Phi Lai cho đây là ý kiến rất hay. Khi trở về chùa năm 1910, Sư cô tiến hành xin phép và xây dựng chùa trong vòng gần một năm, tài chánh xây dựng hòan tòan là tiền của chính mình, không nhận sự đóng góp của bất cứ người nào. Sự ra đời của Trường Phật Học Ni: Sau khi xây dựng xong ngôi chùa năm 1911, thì ni chúng đến xuất gia rất đông, sư cô mới bạch cùng Hòa Thượng là xin mở lớp phật học gia giáo cho chư Ni. Hòa Thượng vô cùng hoan hỷ, Sư Cô còn thỉnh tổ Khánh Anh về làm giáo thọ. Thế là, chư Ni khắp nơi biết có trường Phật học đã đến xin học rất đông. Về sau theo thống kê về các trường Phật học thì lớp học này được lịch sử ghi nhận là Trường Phật học Ni đầu tiên ở Nam Bộ. Về mặt từ thiện: Xong xong, với việc xây chùa và mở lớp phật học, sư cô còn phát tâm làm từ thiện cứu giúp người nghèo, chia sẽ tình thương trong cộng đồng “lá lành đùm lành lá rách”. Trong thời kỳ chiến tranh của thực dân pháp nạn đói xảy ra ở khắp nơi, người dân Việt Không chỉ nuôi cơm cho người dân ở địa phương mà sư cô còn chở lúa gạo đi bố thí khắp nơi nhất là lúc người dân Viêt Nam bị nạn giặc Pon Pốt tàn xác giết hại ở vùng núi Ba Chúc, lớp chết thây phơi, lớp người chết đói. Sự phát tâm cứu trợ của sư cô đã làm cho mọi người rất là cảm động. Cho đến khi hai cuộc chiến tranh liên tiếp xảy ra. Lúc đó, sư Bà (tức Sư Cô) đã 55 tuổi, và trong cơn bạo bệnh sư Bà đã thâu thần thị tịch ngày 24 tháng 4 năm Tân Mão, nhằm ngày 29 tháng 5 năm 1951. Từ đó, lớp lo chạy giặc, bỏ phế chùa chiền, không còn ai cai quản nữa. Tuy nhiên, qua thời gian cũng có ba vị Tăng đến trụ trì, nhưng không ai làm sống dậy trường lớp mà Sư Bà đã khổ công tạo dựng. Cũng từ đó ngôi chùa hầu như không còn ai nhắc đến. 2 Chùa Giác Hoa ngày nay: (2005) Cho đến năm 2005, Sư cô Thích Nữ Nghiêm Thành, đã về đây lãnh trách nhiệm trụ trì và làm sống lại ngôi Trường Phật học. Trong việc phật sự Sư cô có được thuận lợi hay không? Chúng ta cũng dành một chút thời gian tìm hiểu nguyên nhân nào sư cô về chùa và làm cách nào sư cô mở được lớp Phật học? Tiểu sử sư cô Thích Nữ Nghiêm Thành: Cô Sư thích Nữ Nghiêm Thành thế danh là Nguyễn thị Kim Loan, sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Phật học sư cô về thăm chùa Giác Hoa nhân dịp lễ húy kỵ của Ni Trưởng Thượng Hồng hạ Nga, lúc đó sư cô 32 tuổi. Nhìn thấy Sư Ông Trụ Trì đã 88 tuổi rồi mà không có người xuất gia chăm lo quét dọn và săn sóc, nên cảm thương người già sư cô đã xin sư phụ đến chùa Giác Hoa làm công quả. Đối mặt với những khó khăn: Nữa năm đầu hầu như sư ông rất vui vẽ, nhưng nữa năm sau thì bao nhiêu gay gắt và phiền phức từ từ đến với sư cô. Vì sao ? Vì sư ông trước đây, có đem con cháu vào chùa mà ở, nên người dân nơi đây không đồng ý và không ủng hộ việc sư ông làm. Khi Sư cô về chùa thì bắt đầu Phật tử theo sư cô mà ủng hộ. Từ đó, sư ông vì thương con cháu nên tìm cách đuổi sư cô 4 lần ra khỏi chùa, nhưng lần nào cũng được các Phật tử nan nỉ rước về. Nhìn thấy sư cô về thì Sư ông nói : “ Đồ lì hơn con trâu”. Con trâu bị đánh, bị đuổi còn bỏ đi nơi khác, còn sư cô lì còn hơn con trâu nữa. Lần đuổi cuối cùng, sư cô kiên quyết không đi, nhưng để giải tỏa buồn phiền sư cô đã đi học lớp luật do Hòa thượng Thích Minh Thông giảng dạy ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Trãi qua hai năm đi đi về về nơi chùa. Sư cô cũng tham gia làm thư ký cho Ban Trị Sự Phật giáo Bạc Liêu. Đương thời Trưởng Ban Trị Sự là Hòa Thượng Thích Huệ Hà. Hòa Thượng có hòai bảo về ngành giáo dục, muốn lật lại trang sử ngày xưa nơi đất Bạc Liêu. Lúc đó sư ông trụ trì đã 92 tuổi, chùa Giác Hoa lại bị giông gió làm sập hai lần. Lần nào sư ông trụ trì cũng nói với sư cô nếu sửa sang lại chùa thì ông sẽ giao chùa cho sư cô làm trụ trì. Nhưng lần nào sửa xong ông không giao mà còn đuổi sư cô đi nữa. Biết được hòan cảnh của sư cô, Hòa Thượng Trưởng Ban đã Quyết định vào ngày 24 tháng 7 năm 2005, làm lễ bỗ nhiệm trụ trì cho sư cô, lúc đó sư cô đã 37 tuổi. Vừa làm lễ bỗ nhiệm trụ trì cũng là lúc Hòa Thượng Trưởng Ban ra quyết định dời Trường Trung cấp về chùa Giác Hoa (vì lúc đó Hòa Thượng đang lâm trọng bệnh), trong khi sư cô chưa được vị trụ trì trước ủng hộ thì tiền đâu mà xây trường mở lớp ? do sư ông không chấp nhận sư cô nên ngày đầu tiên khởi công xây dựng giảng đường ông đã cầm búa rượt mầy chú thợ hồ, mấy chú thợ hồ nói: “Con không sợ búa của sư ông, con chỉ sợ sư ông dấp té mà chết thôi”. Khi mở Trường, Ni sinh tụ về chùa rất đông để học, ông đã tìm mọi cách tác động mắn đuổi “ đồ trôi sông lạc chợ” để cho ni sinh chán nản mà bỏ đi. Khó khăn về mặt tinh thần, nhưng sư cô lại khó khăn về vật chất lại càng hơn nữa. Vì từ lúc về chùa cho đến khi bỗ nhiệm trụ trì thì từ chánh điện cho đến các cơ sở hạ tầng hầu như hư hoại hết. Bước đầu Sư cô tưởng chừng như mình bị ngã gục. Nhưng sư cô suy nghĩ: “thân người nhỏ nhưng tâm hồn không nhỏ”. Đó chính là động lực giúp sư cô vượt qua khó khăn này. Theo sự chỉ dạy của Hòa Thượng Trưởng Ban cho phép sư cô làm lễ đặt viên đá để xây dựng giảng đường. Sự nhiệm mầu của Phật pháp, chỉ trong vòng bảy tháng từ khi bỗ nhiệm trụ trì, đến ngày 20 tháng 2 năm 2006, chùa Giác Hoa được Tỉnh hội công nhận là Cơ sở II của Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu, phụ trách các lớp Ni chính thức được khai giảng. Chưa xong việc, thì cây cầu bắt qua sông bị gãy, lại thêm chỗ ở của Ni chúng quá chật hẹp nên khi sanh bịnh thì cả liêu đều bị lây bịnh hết. Một bác sĩ đã nói chơi với sư cô: Sư cô mở trường hay là mở bệnh viện vậy? câu nói vô tình làm cho sư cô trăn trở biết phải làm sao? Thôi thì cứ lên bàn Phật và bàn Hộ Pháp khấn nguyện, vì lực bất tòng tâm, ôi! bao nhiêu là cái khó cứ dồn dập! Nhưng nhờ giữ vững niềm tin với Tam Bảo, nên lời khấn nguyện và thang thở của sư cô đã làm cho Long thần Hộ Pháp cảm động, nên chẳng bao lâu, các Phật tử gần xa đã tìm đến và ủng hộ, lần lược xây dựng giảng đường, nhà trù, ni xá, thiền đường, cây cầu, Quan Âm Các, sáu công trình liên tiếp được xây dựng chỉ trong thời gian bốn năm. Hiện nay đang tiến hành trùng tu chánh điện. Xong xong với công việc xây dựng thì công việc đào tạo Ni sinh vẫn tiếp tục tiến hành. Hiện nay đã làm lễ tốt nghiệp cho một khóa học (năm 2006-2010) và đang khai giảng khỏa học mới (năm 2010-2014). Về từ thiện: Sư cô cũng tiếp tục noi gương hạnh nguyện của Ni Trưởng khai sơn tạo tự, làm từ thiện, xây cầu, cho nhà tình thương, phát quà cho người nghèo, người tàn tật trong những ngày lễ, ngày húy kỵ của chùa. Sự thành tựu trong nghịch cảnh hôm nay, sư cô lúc nào cũng thầm nhớ ơn sư ông trụ trì trước là Thích Minh Khai. Trong thâm tâm sư cô nghĩ: phải chăng sư ông đang thực hành Bồ Tát nghịch hạnh để giúp sư cô hòan thành tốt trong việc phật sự này? Tóm lại: Lớp Phật học Ni đầu tiên ở Thế nên, qua hai hình ảnh của hai vị Ni trẻ trên vùng đất Bạc Liêu, một vị đã có công lập nên trường lớp năm 1927, cho đến năm 2005 mới có một vị Ni trẻ đứng ra lãnh đạo và đang tiến hành hoạt động đưa ngành giáo dục phát triển theo sự chỉ đạo của giáo hội, nhằm góp phần xây dựng ngôi nhà chánh pháp luôn được trường tồn để đem lại an vui, lợi lạc và giải thóat cho tất cả chúng sanh. Đó là vấn đề nơi đất Bạc Liêu các vị Ni trẻ xưa và nay đã âm thầm hoạt động Phật sự mà chúng tôi muốn chia sẽ cùng hội nghị. |
Cập nhật ( 18/07/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com